Phái Thái Hành ở hướng đông bắc của thành Vĩnh Thịnh nên không tính là xa.
Lại thêm không muốn để lại nhiều dấu vết, Thời Kính Chi đã không chọn dùng xe ngựa.
Do đó, mọi người bịt mặt rồi cuốc bộ theo con đường mòn đã chọn.
Chặng đường này kéo dài tận bốn ngày.
Hai ngày đầu, Thời Kính Chi và Doãn Từ vừa đi đường vừa tranh thủ thời gian nghiên cứu kiếm Từ Bi.
Đến thần y hãy còn phải tứ chẩn thì một công việc nan giản như phá trận càng phải vào phòng yên tĩnh, xông hương, phải có thêm dụng cụ và thuốc thang bổ trợ để mà nghiền ngẫm kỹ.
Tuy nhiên điều kiện hiện giờ có hạn, không có gì trong tay, hai người cũng không thể đoán mò ra được điểm mấu chốt gì.
Hai người một kẻ nổi lửa sắp chín cả tay, một kẻ tay suýt thì tê cóng, mà cuối cùng vẫn không tìm ra manh mối gì liên quan đến Diêm Bất Độ.
Giờ họ phải đến tông Mật Sơn, tạm thời không thể tìm mộ Không Thạch nhanh chóng.
Thời Kính Chi giao toàn quyền xử lý kiếm Từ Bi cho Diêm Thanh để cậu ta có thể tranh thủ luyện tập vào thời gian rảnh.
Đường nào cũng chỉ có Diêm Thanh vác được thứ này.
Tuy nhiên so với ngày trước thì hành trình của phái Khô Sơn bây giờ không được nhàn nhã lắm.
Bốn ngày mài chân trên mặt đường, ngoại trừ Doãn Từ ra thì lòng bàn chân ba người còn lại đều phồng rộp và chảy máu- trong số đó nghiêm trọng nhất là Diêm Thanh, máu và mủ thấm ướt cả để giày.
Nhưng Diêm Thanh không kêu ca lời nào.
Hễ có thời gian và còn có thể nhúc nhích là cậu ta lại đặt tay lên chuôi kiếm Từ Bi, thành ra lòng bàn tay cậu ta cũng phồng rộp không kém lòng bàn chân là mấy.
Có lẽ việc chảy chung dòng máu với Diêm Bất Độ vẫn đem đến sự cứng rắn cho Diêm Thanh.
Mà Diêm Thanh đã dùng toàn bộ sự cứng rắn này lên chính bản thân mình.
Bản tính cậu ta vốn đã nghiêm túc, giờ còn tệ hơn, trông có vẻ có ý định tập luyện đến khi xương cốt long hết mới thôi.
Chứng kiến sự nghiêm túc của Diêm Thanh, Thời Kính Chi thân là chưởng môn cũng không thể ngồi yên, thay vào đó hắn bắt đầu bước lên vòng đua khả năng tự ngược đãi.
Vì vậy, hàng ngày, mỗi khi Doãn Từ đi chuẩn bị bữa sáng là lại thấy ba người nằm vật ra thở hồng hộc.
Nếu bỏ qua việc công pháp ba người chẳng có chút liên hệ gì thì trông phái Khô Sơn cũng có vẻ khá là chính đạo.
Ngày thứ tư, trời rải cơn mưa phùn rét lạnh.
Thời tiết âm u, đường sá lầy lội.
Thấy đã bước vào địa phận của phái Thái Hành, Thời Kính Chi không ép buộc mọi người đi thêm mà tìm một căn nhà lụp xụp để bớt chút thì giờ ngơi nghỉ.
Căn nhà lụp xụp nằm giữa chốn hoang vu không thôn không tiệm, nhà không lớn, có vẻ là chỗ trú tạm thời của thợ săn.
Sàn nhà vẫn chỉ là bùn đất, thậm chí không lát đá vụn lên.
Bụi bặm lọt vào lọ muối còn nhiều hơn cả muối trong lọ; nồi sắt phủ đầy gỉ sét, đáy nồi lỗ chỗ lỗ thủng.
May là tường nhà lọt gió nên trong nhà khá thoáng mát, không sinh ra mùi gì khó chịu.
Diêm Thanh phủi bụi trên giường rồi trải vải thô và dọn ra được một khoảng trống thoáng đãng.
Doãn Từ nhóm lửa và cắt thái thịt thà rau củ dại để nấu canh.
Trong lúc chờ nước sôi, y quay đầu nhìn lại thì thấy Thời chưởng môn đang dạy hai người cách dùng nội lực hong khô quần áo.
Hơi nóng bốc lên từ đầu ba chàng trai trẻ, trông sao mà đáng thương lạ kỳ.
"Chờ mượn được tiễn mã thì chúng ta cũng bớt vất vả hơn."
Trời mưa dầm dề dễ làm người ta nhụt chí, trước cảnh tượng nghèo túng của phái Khô Sơn, Thời Kính Chi vội vàng trấn an mọi người nhằm giữ cho lòng quân không lung lạc.
"Tiễn mã vừa nhanh vừa ổn định, chúng ta cứ ngồi trong xe ngựa là được.
Lúc đấy mỗi người ôm một lò sưởi ấm là khoan khoái vô cùng."
Tô Tứ ậm ừ mất tiếng lấy lệ chứ cũng bỏ ngoài tai lời an ủi của Thời Kính Chi.
Diêm Thanh ổn định hơi thở xong thì lại bắt đầu ngồi lau kiếm, có vẻ như cậu ta muốn dùng vải bố đánh bóng kiếm thì thôi.
Ngỗng yêu Bạch gia nằm ở góc giường thẳng đơ như đã chết.
Lại nói, mấy ngày vừa qua Bạch gia chính là người chịu khổ cực nhiều nhất nhóm.
Thời Kính Chi cố gắng không tiếp xúc với người ngoài, nó không có rau cỏ tươi mát để ăn nên chỉ đành tự tìm rau cỏ dại.
Ấy thế mà cũng không thể ăn uống thỏa thê, bởi phần lớn thời gian nó đều bị Tô Tứ ôm vào lòng cho ăn tạm không khí.
Ngỗng yêu trắng mập ban đầu nay gầy rộp đi, khí thế cũng yếu hơn rõ rệt.
Thời Kính Chi không an ủi được nó nên đành nhổ hai cọng rau dại đặc biệt tươi ngon dỗ nó.
Nào ngờ hắn vừa đưa rau qua thì Bạch gia đã chậm rãi ngẩng đầu, nhưng mắt thì nhìn đi hướng khác.
Nó không có sức nhìn cả bốn người nên chỉ kêu quạc quạc mấy tiếng uể oải, đoạn dùng miệng kéo tay áo Tô Tứ và dẫn hắn ta ra ngoài cửa.
Nó chưa từng chủ động như vậy kể cả trong chuyến đi lên núi Hồi Liên.
Người bọn họ bây giờ toàn mùi máu, lại khá nồng, nên Thời Kính Chi không đánh hơi thấy có gì bất thường.
Tuy nhiên Doãn Từ đã dừng tay cầm muôi tay, lông mày nhíu nhẹ.
"Có người đến." Y nói ngắn gọn.
"Tránh đi thôi, Bạch gia đang cảnh báo." Tô Tứ quyết định, "Chỗ hoang vu thế này thì người đến không thể là người hiền lành được."
Doãn Từ lắc đầu: "Giờ tránh cũng muộn rồi, người bên ngoài có thể nhìn thấy khói bếp.
Đã vậy với khung cảnh hoang vu bên ngoài thì liếc nhìn là thấy trọn khu này.
Chặng đường vừa qua chúng ta đi rất thận trọng, kẻ bên ngoài chưa chắc đã đến vì phái Khô Sơn."
Thời Kính Chi trầm ngâm chốc lát rồi sốt sắng lục lọi bọc hành lý: "Ta và A Từ tạm lánh mặt.
Tô Tứ, ngươi ứng phó với người ta đi."
Tô Tứ là người thích tận dụng mọi thứ nhưng lúc quan trọng cũng rất đáng tin.
Hắn lập tức quấn quần áo lên đầu, dùng vải bố quấn mu bàn tay và đóng giả phong thái của một cụ già.
Diêm Thanh nhanh chóng bịt mắt rồi phủ chăn che khuất kiếm Từ Bi.
Thoạt nhìn, hai người họ rất giống một đôi cha con nghèo khổ đang kiếm ăn ở vùng hoang dã.
Nhà chật chội không chỗ trốn, Thời Kính Chi và Doãn Từ phải chui xuống gậm giường.
Ngoài trời âm u, gầm giường lại được vải bố che phủ nên cũng là chỗ ẩn náu không tồi.
Doãn Từ điều chỉnh vị trí và nắm chặt kiếm Điếu Ảnh trong tay, đảm bảo nếu có biến cố xảy ra, y có thể xông ra ngoài giết người ngay lập tức.
Thời Kính Chi thì túm lấy Bạch gia, sắc mặt hắn trông hưng phấn hơn là hồi hộp.
Thậm chí hắn còn có tâm trạng quan sát Doãn Từ và phủi mạng nhện trên tóc đối phương.
Mưa dầm dề làm trời vừa lạnh vừa ấm ướt, mùi tanh của đất xộc thẳng lên mũi.
Doãn Từ vốn đang tập trung tinh thần thì lại bị Thời Kính Chi nhích tới nhích lui bên cạnh làm cho không còn căng thẳng nữa.
Người không sợ à? Cuối cùng Doãn Từ không nhịn được, thầm hỏi.
Một mình thì chắc sợ. Thời Kính Chi cười đáp, Nhưng giờ trốn chỗ này ta lại chỉ thấy vui vui.
Cứ làm ta nhớ về chuyện ngày trước...
Hắn bỗng nhiên khựng lại và lấy tay đè trán, sắc mặt tái nhợt đi.
Do dự một hồi, Doãn Từ với tay qua áp lên trán hắn.
Thời Kính Chi thở phào nhẹ nhõm, cơ thể thả lỏng hơn nhiều.
Sau khi đảm bảo tình trạng của hắn không xấu đi, Doãn Từ mới thu tay và tiếp tục tập trung nghe ngóng.
Thời Kính Chi cũng không nói gì thêm, hắn và Bạch gia mệt mỏi nép vào nhau, cùng lắng nghe tiếng canh rau bắt đầu lục bục.
Nửa nén hương sau.
Khi nồi canh rau sôi sùng sục, tiếng gõ cửa dồn dập truyền vào.
Tô Tứ hắng giọng và mở miệng bằng giọng điệu cụ già run rẩy: "Ai thế?"
"Cứu!" Người bên ngoài gào khản cổ, hơi