Tỉnh lại lần này, trời đã sập tối.
Cảm thấy toàn thân khỏe lên nhiều, Vũ vươn vai ngồi dậy, đập vào mắt liền là cảnh cậu Dương ngồi trên sập lau đàn.
"Anh biết kéo nhị ư?"
Dương ngẩng đầu nhìn nàng, có hơi giật mình đặt đàn xuống, lại ngã người đẩy cửa sổ ra gọi thằng Tín chạy xuống bếp lấy cháo và thuốc cho mợ Hai.
Tỉnh táo nghĩ lại, Vũ mới tự nhủ mình vô tâm. Cậu Hai Dương từ nhỏ đã mê hát chèo, dĩ nhiên có hứng thú với đàn cầm. Chỉ là thầy cậu thường nói xướng ca vô loài, vì thế trong nhà này không cho phép cậu động đến đàn phách gì cả. Đó cũng là chuyện rất cũ, rất xưa... Còn cậu Hai họ Nguyễn Hoài ngày nay đắm chìm vào phường chèo tổ kịch, nói đến ai cũng lập tức nghĩ ra ả đào lưng ong, ca cơ ngực nở, đố có kẻ còn nghĩ cậu thật sự si nhạc đến cuồng.
Nghĩ đến đây thì thằng Tín cũng đem khay cháo vào để lên giường. Vũ vừa ăn vừa nhìn nó ú ớ múa may chỉ trời chỉ đất, mãi một lúc sau nàng mới hiểu ý nó muốn nhắc cậu nó đã đến giờ kịch mở.
Nàng mỉm cười nhìn chồng. "Cũng sắp đến giờ hát cửa đình bắt đầu rồi nhỉ?"
Dương đáp lại ánh mắt của nàng bằng cái lườm sắc cạnh, tựa như muốn nói, còn phải hỏi!
Nàng vẫy vẫy gọi thằng Tín đến gần, đoạn mò đến bên dải yếm lôi ra một xâu mười tiền đặt lên tay nó.
Thằng Tín gãi đầu khó xử nhìn nàng, lại quay sang nhìn cậu chủ nó.
"Em đưa nó có bấy nhiêu, định là mua mè hay mua muối? Đến mua bát nước mát trước cửa đình còn không biết có đủ không," Dương hạ giọng châm chích, ngoài mặt lại không có vẻ gì hối hả muốn đi.
Vũ nhìn cái kiểu khoan thai uống chè của chồng mình mà cảm thấy ngạc nhiên thầm nghĩ, bị chơi khăm mà vẫn thản nhiên như vậy, không biết là cậu Hai nhà ta đang giở trò gì...? Vốn chỉ định đùa cậu tý cho vui, ai ngờ cậu lại cứ trơ trơ ra đấy, nàng đâm hụt hẫng, quyết định tiếp tục trêu.
"Em bảo sẽ đưa tiền xem hát, chứ có phải đưa tiền để xem hát đâu ạ. Này thì tiền em đã đưa, còn xem hát thì anh với thằng Tín cứ việc đi thôi ạ."
"Được thôi," cậu thoải mái đáp, lại ra hiệu cho thằng Tín kéo ghế ngồi, bản thân để đàn qua một bên, ngẩng mặt nhìn nàng đầy mong đợi.
Ai đó tròn mắt.
"Này là thế nào?"
Cậu nhún vai. "Em bảo tôi xem hát. Giờ thì hát đi, tôi đang xem đây."
Mợ Hai Dương lập tức nghẹn họng.
"Em cũng chỉ bảo tôi đi xem hát, có nói là xem ở đâu đâu. Giờ thì tiền này không đủ đi xem hát cửa đình, đành ngồi đây xem em hát vậy."
Vũ chớp mắt vài cái, đoạn bật cười. Cười một lúc cũng thấy đối phương không phản ứng gì, khóe môi cũng dần dần trễ xuống. "Anh... nói thật ạ?"
"Thế tôi ngồi đây nhìn em cười chắc?"
Nàng bĩu môi, tay lại luồn vào dải yếm lôi ra năm xâu tiền khác đặt lên cạnh giường ra dấu cho thằng Tín lại lấy, ngờ đâu cái gã chồng tai quái kia của nàng thế nào mà lại giở chứng, lắc đầu không chịu để thằng hầu đứng dậy.
"Giờ cũng trễ mất rồi, tôi không muốn xem lỡ khúc đầu. Thà không xem."
"Ơ, thế..."
"Nên em hát đi, tôi xem."
"Em cũng có biết cái vở Từ Thức gì đó đâu mà hát...!"
Đùa hoài! Hát ru hoặc giao duyên giúp vui thì còn được, bảo nàng hát cả tuồng chèo, không lẽ phải ngồi cả đêm?
"Hát cái đoạn tiều ngư canh mục bốn năm trước hát vui trong hội đình là được rồi."
Bốn năm trước? Cái gã này... trí nhớ đột nhiên trở tốt thế?
"Làm người phải giữ lời, mợ Vũ à. Nếu không sau này mấy cái chuyện gánh nước giúp em nở nang mặt mày gì đó thì cũng... thôi đi."
Lời này được thốt ra cùng vẻ mặt vô cùng mang tính khiêu khích. Nàng Vũ làng ta thế là đành phải nhượng bộ, với lấy bát chè nghệ uống cạn, đoạn tằng hắng vài cái.
Trước khi hát còn không quên dùng mắt đưa tình nhìn chồng mình đầy trêu chọc.
"Trai làng Bưởi năm ấy nghe em hát xong đều đổ thành dòng. Anh cũng liệu cái thần hồn, đừng để phải yêu em đấy."
Đáp lại lời này là nụ cười rất tươi của cậu Hai Dương.
Lúc ấy, mợ Hai bị mù hay sao ấy, còn ngỡ đấy là nụ cười mỉa mai châm chọc...
***
Vài hôm sau, mợ Hai nhà cả Trị đột nhiên được ông Cả gọi lên, lúc trở về bọn con hầu thằng ở thấy nàng tủm tỉm cười mà trong lòng tò mò không dứt. Chẳng phải để mắng chuyện nàng bắt chồng gánh nước sao?
Thêm vài ngày nữa, khi mợ Hai đường hoàng bước đến phường đúc cùng cậu Cả Phát, cả làng mới kẻ ồ người à thì ra là vậy, con trai không nhờ được thì nhờ con dâu. Cậu Hai này xem chừng cũng có số hưởng thật, trước là anh trai, nay là vợ nuôi.
Vào đến Tình Nghĩa Đồng Đạo, Phát giới thiệu qua loa nàng mới một số chủ sự nơi đó, đoạn lại để thị Ly dẫn nàng đi khắp nơi tham quan, trước khi đi còn nói. "Đàn bà Nguyễn Hoài nhà ta trước giờ đều quản khâu sổ sách, giống như u và... cái Ly vậy, lẽ ra cũng nên để thím Hai đi theo u học những chuyện này. Ngặt nỗi dạo này bà mang nhiều việc, cái Ly cũng bận chuẩn bị lễ cưới, đành để thím tự quan sát một thời gian, thấy bản thân thích hợp ở khâu nào thì bắt đầu từ khâu ấy vậy."
Biết là gã anh chồng đang cố tình cô lập, Vũ cũng chẳng nói nhiều, chỉ gật đầu mỉm cười. Hắn mà nhiệt tình giúp đỡ, nàng mới hoảng hốt ấy.
Thị Ly dẫn nàng đến khu luyện kim, khu đúc đồng, khu làm khuôn và cuối cùng là phòng sổ sách, ở từng nơi giới thiệu nàng với những người chủ quản và thợ cả phụ trách. Hầu hết đểu là đàn ông trai tráng nàng quen biết trong làng, duy chỉ có những người thợ cả ở khu làm khuôn và đúc đồng là những lão ông lớn tuổi trước đây nàng không mấy chú ý tên tuổi. Tại mỗi phòng, thị còn giải thích quy trình chế tác và đúc đồng, từ khâu khai thác đến nung luyện, tô khuôn nặn tượng đến đổ đồng thành phẩm... vô cùng tỉ mỉ, cứ như thị sinh ra là để làm nghề này ấy, khiến cho bọn trai tráng và các lão thợ đều gật gù tán thưởng. Thậm chí, lão quản sự khu làm khuôn còn lớn tiếng khen thị tài hoa đầy mình, đáng tiếc lại không có tâm theo nghề tô đúc, nếu không mai này chắc chắn sẽ trở thành nghệ nhân đúc vang danh, sau đó còn hào hứng lôi một bản vẽ chuông đồng ra để thị nhìn thử...
Vũ ngầm bĩu môi, dẫu gì tài năng hội họa của Ly nàng cũng đã rõ từ lâu. Hình ảnh gì thị vẽ ra cũng đều rất thật, rất sinh động, khác hẳn với những danh họa hiện thời dù thị chỉ dùng than củi. Song vẽ được là một chuyện, làm ra được lại là chuyện khác, người đàn bà ngay cả nắm cơm vắt cũng không xong có thể tô khuôn nặn tượng sao?
Hoặc có lẽ... nàng đang ganh tỵ nên mới cảm thấy tài hoa của Ly không có gì đáng kể?
Khóe môi hơi nhếch, Vũ âm thầm lẻn thoát ra khỏi đám người đương vây xem tài nữ trổ tài, vừa ngâm nga vừa thong thả đi dọc khu nhà làm khuôn ngắm nhìn vô vàn tượng cốt đủ mọi dáng hình.
Ganh càng tốt, như thế sẽ khiến nàng càng có thêm quyết tâm vươn lên.
Trải qua một kiếp thua kém người đời về mọi mặt, Vũ hiểu quá rõ cái sự đố kỵ kia chua như thế nào, đắng ra sao. Ban đầu nàng vô cùng ghét nó, vì nó đi ngược lại giáo huấn nhà nho, càng khiến con người ta cảm thấy bản thân hèn mọn. Nhưng rồi khi lửa thiện lụi tàn, ác tâm trỗi dậy, đố kỵ lại trở thành nguồn sức mạnh vô cùng to lớn. Không biết bao lần nàng đã chào đón nó, ôm nó vào lòng, để rồi nhờ thế mà vượt qua bản thân làm được những điều không ai nghĩ nàng có thể.
Tựa như sống sót gần mười năm trời trong dáng hình của một con quỷ vậy.
Lúc đi sắp đến cuối gian làm khuôn, Vũ mới chợt nhìn thấy một bóng người lúi húi nặn sáp giữa vô vàn tượng lư hương và bát đĩa ngổn ngang. Đấy là một cụ thợ già ngồi trên chiếc chiếu cạnh lò sưởi, một nửa thân lão bị phỏng nặng, mắt phải mất hẳn, đến cả nguyên bàn tay phải cũng cụt đi chỉ còn một mẩu thịt sần sùi nhẵn bóng. Điểm nổi bật ở cụ là cánh tay cụt kia lại được quấn vào một cây dao khắc sáp, bên tay còn lại cũng được nối vào hai ngón tay bằng đồng, có lẽ để thay cho chỗ thịt xương bị đứt. Cụ vừa chăm chú vào cái tượng cốt lư hương mình đang làm, vừa lầm bầm mắng mỏ cái lũ ồn ào kia đúng là nông cạn.
"Con bé đó họa ra được mẫu đẹp thì thế nào, nó làm ra được chắc... hừ hừ...? Còn cái thằng Tô kia... hừ, mới làm được vài cái chuông đồng Đại Khánh thì đã ra vẻ thầy nghề thợ cả, bày đặt ngợi khen đánh giá ra vẻ ta đây biết nhìn ra nhân tài. Hừ.. toàn cái lũ sống trên mây mà chẳng nhận ra mình vốn không có cánh...!"
Vũ cảm thấy hứng thú, bỗng nhiên mở miệng.
"Cụ bảo thế nghiệt quá cụ ạ. Chị Ly tuy chưa từng đúc ra thành phẩm nào, nhưng cũng là một người am hiểu sâu rộng về nghề đúc. Vả lại cháu thấy họa ra được một vật phẩm đẹp cũng đã tài lắm rồi, nghệ nhân đúc chẳng phải ai cũng tạo được tuyệt phẩm từ bản vẽ sao ạ...?"
"Vớ vẩn!" không thiết nàng là ai, lão quay ngoắt sang quát, giọng khàn khàn khó lòng nghe rõ. "Am hiểu sâu rộng gì cái ngữ như nó? Chăm chỉ đọc sách vài ngày là tưởng đã nắm hết thứ gọi là nghề? Đi đến đâu cũng cười mỉm chi rồi chen miệng vào những điều bản thân không nắm chắc thì được xem là tài cao bắc đẩu? Một nghệ nhân đúc chân chính không cần đến bản vẽ, vung tay lên là có thể dùng cái tâm họa được cả thế gian trên mảnh sáp miếng đồng! Cái phường chẳng có tâm thì đừng nên nhúng tay cho nhờ! Chỉ tổ làm dơ bẩn tổ nghiệp!"
Vũ chớp chớp mắt nhìn lão già vừa mới mắng mình đây, chớp mắt đã quay về làm việc như không có ai tồn tại xung quanh, trong lòng đột nhiên dâng lên loại thôi thúc muốn quỳ xuống làm lễ bái.
Nàng thích ông cụ này!
Sự đố kỵ nhỏ nhen đó, sự kiêu ngạo hống hách đó, sự ngang tàng bất chấp đó... hệt như nàng đang nhìn vào gương vậy.
Tấm gương của suốt mười năm trời.
Vũ quay đầu, vừa lúc trông thấy thị Ly mặt xám như tro đứng sau lưng, những người khác cũng đang nhìn về phía này, gò má của lão quản sự Tô còn đỏ lên như bên trong trứng muối.
"Đừng buồn nhé cô Ly, cụ Thường tính tình từ lúc bị phỏng đến nay đều bẩn như thế, cứ gặp người trẻ có tài là kiếm chuyện chê bai phê phán. Bình thường khi làm việc với thầy Tô lão lại càng ra sức châm chọc, trăm phương ngàn kế làm cho thầy Tô bẽ mặt với học trò," một gã trai đinh đã nhỏ giọng nói khi đưa Vũ và Ly ra khỏi khu làm khuôn.
"Anh Chí này, cụ Thường sao mà bị phỏng thế