Kiếp trước kiếp sau cộng lại, cũng đã hơn bốn mươi năm trải đời, ngoài một số vĩ nhân trong sách vở giáo khoa, Lưu Ly lại chưa bao giờ nể phục bất kỳ ai cả.
Huống hồ là những người cổ bảo thủ hủ lậu này.
Thị không giống những đứa xuyên không não tàn kia, thị chưa bao giờ muốn khuynh đảo triều ca, hùng bá giang hồ, hay gả cho vương gia vương chúa. Thị vốn chỉ mong một mối chân tình và một gia đình đầy đủ.
Tưởng đã có được, nào ngờ đời không đẹp như mơ, cái gã đàn ông kia, nào có khác gì lũ bạc tình thời hiện đại?
Một ánh mắt vô tình, một nụ cười lạnh lẽo, thế là hắn đã xoay người ngóng về phương trời mới.
Thị thật sự muốn bỏ, nhưng sao lại chẳng đành...?!
Thị yêu hắn, rất yêu, yêu đến có cảm giác đã cùng hắn trầm luân nhiều kiếp nạn, mối duyên này hẳn sẽ kéo ngàn đời, ấy vậy mà hắn lại sinh ra tâm ý chẳng có mấy sáng trong cùng một ả đàn bà cổ đại đáy thắt lưng ong, mục mi như vẽ. Sao hắn lại trở nên tầm thường như vậy? Lại gục ngã trước sắc đẹp bề ngoài?
Ly biết, thị nên lạnh tâm với hắn và tránh việc phân tranh với người, nhưng đó là đạo lý trong sách vở, còn thị chỉ là người trần mắt thịt.
Và giờ, thị muốn tranh.
Ông giời cho thị sống thêm một kiếp, lại chẳng phải do kiếp trước thị chết vì quá hiền lành không giành giật với ai, kiếp này muốn bù lại?
Nếu cậu Cả Phát có thể bị mê muội bởi cái vẻ lạnh lùng lơ đãng kia, thị sẽ càng khiến mình trở nên chói sáng khó cầu, bắt hắn phải quay về quỳ dưới gấu váy thị! Đàn ông thôi, ngày trước thị đã nhường nhưng không lấy, giờ đã là của thị thì đừng mong giật giành, cho dẫu sau này thị có ném bỏ đi nữa!
Thế giới cổ đại này muốn đùa cợt thị? Vẫn còn chưa biết Lê Ngọc Nam Thư này là ai đâu! Lưu Ly cái quái gì chứ? Cũng chỉ là cái danh được người ta bố thí.
Mợ Ly nhà Cả Trị đã nghĩ như thế đấy, khi đang quỳ trên sân đá nhà chồng, giữa đêm mưa đông lạnh cắt thịt cắt da.
Lạnh là thế đấy, mầm ác lại càng nhanh đâm chồi mới lạ...
(Hahaha... hai nữ xuyên không trong đây đều dính tên nghệ sĩ tui hong thích. :v :v :v )
***
Rạng sáng ngày cuối cùng trong hẹn ước giao nộp cốt xương, người ta thấy ông Cả nhà Nguyễn Hoài võng lọng cao sang ra đến đầu làng đón khách.
Lát sau về đến cổng, không những có gã tạo con họ Đèo, còn có ông huyện Thanh Nguyên, ông tạo Mường Tấc và một người đàn ông cao ngồng mặc áo dài gấm Vạn.
Hỏi ra thân thế kẻ đó, tất cả đều run sợ lùi bước.
Là Nội nhân* Phó chưởng Lương Đăng tận chốn kinh đô!
(*Nội nhân: thái giám)
Vũ nhướn mày nhìn ông Cả mời cả bốn vào sảnh, cảm thấy có chút bất ngờ. Nàng vốn biết ông Cả quen biết sâu rộng, thể nào hôm nay cũng vời một người về giúp ông giải nạn, song nàng chỉ ngỡ cùng lắm là lão tri châu tham tiền trấn giữ Phù Hoa hay gã tuyên phủ sứ vốn ghét cay người Táy Khao. Nào ngờ ông Cả thật là cao tay, cao quá, với được cả quan hoạn chốn Đông Kinh.
Quanh co một lúc, bọn thằng hầu gánh võng mới chạy vào thưa với bà Cả, sự là sáng nay khi ra đến cửa đình, cản ông Cả ở đó không những có Đèo Đạo Thu, ông tạo Mường Tấc, còn có cả ông huyện Thanh Nguyên, nghe đâu là họ Đèo kia đón về làng Bưởi để "chủ trì công đạo."
Nghe đến đây, bà cả chậm rãi liếc con dâu trưởng đang cúi đầu nắn chân cho bà. Phần bà cô nhỏ thì giật mình một lúc, đoạn quay sang nhiếc mắng cháu dâu.
"Đấy, mày thấy chưa? Bác Cả nói nào có sai! Mày suýt nữa đã gây họa cho cả nhà rồi! Cái lão huyện kia cùng tên họ Đèo rõ ràng là cùng một giuộc! Mày cho người lên cầu cứu lão chẳng khác nào cõng rắn cắn gà nhà? Rách việc! Hại đến cậu Cả cũng bị mắng theo mày!"
Ly không nói gì, vẻ mặt điềm tĩnh, lại càng chú tâm vào việc nắn chân cho mẹ chồng.
Bà Cả phẩy quạt, cầm ống nhổ lên cúi đầu khoan thai nhả bã. "Thôi được rồi cô Út, cũng không phải hoàn toàn là lỗi cái Ly trong việc này, nào ai có biết được lão Tường vốn thân quen với nhà ta bấy lâu, nay lại quay sang bênh phường mọi rợ kia?"
Thị Ly dừng tay, hơi ngẩng đầu nhìn bà mẹ chồng bấy lâu khó tính với mình, nay sao lại quay sang bảo vệ thế này?
Vũ nhìn cảnh này xong, chỉ lắc đầu thầm nghĩ. Việc có gì khó đoán? Vận chuyển và bảo vệ cái tượng vàng đó ít nhất phải mất cả một đội quân, ấy vậy mà đi vào Mường Tấc được mấy ngày lại chẳng thấy lính lác bên Thanh Nguyên hay Văn Chấn ào sang bắt bớ , hẳn phía trên đã thông đường thẳng lối hết rồi. Nên nhớ làng Bưởi tuy tọa trên vùng tự trị của người Thái, nhưng lại giáp ranh đất Nam, triều Lê tuy để cho quý tộc người Thái tự quản đất đai, song cũng cắt cử quan viên Đại Việt đến các cùng giáp ranh quan sát, phàm là bất cứ động tĩnh quân sự gì đều phải được Thanh Nguyên và Văn Chấn gấp rút báo về. Lần này họ Đèo điều quân rầm rộ như thế mà quan Nam vẫn im hơi lặng tiếng, rõ ràng miệng đã được nhét đầy.
Huống hồ, dân làng Bưởi tuy là dân Nam, song làng vẫn đang nằm trên đất Thái. Tuy nói người Thái từ xưa đã quy phục triều đình, Nam - Thái xem như một thể, nhưng rõ ràng đang ở trên đất người ta, xảy ra chuyện không đi báo phụ tạo nhà người ta, lại muốn chạy sang huyện bên cầu cứu quan Nam là cái lẽ gì? Cho là việc thành, làng Bưởi được Thanh Nguyên đến cứu đi nữa, phụ tạo Mường Tấc sẽ không phật lòng sao? Rồi làng Bưởi liệu có còn trụ nổi trên đất Thái?
Chi tiết tuy nhỏ ít người chú tâm, lại là điểm mấu chốt khiến Vũ suýt nữa cười to vào thời điểm Ly hô hào cầu viện.
Bà Cả phất tay cho thằng hầu tiếp lời, nó kể vừa hay lúc đó võng lọng của quan hoạn Lương Đăng cũng đến, bảo là y hẹn đến tuyển thợ đúc vào kinh làm công tượng cho Cục Bách Tác, trông thấy cảnh nhốn nháo bèn sinh ta tò mò, hỏi han chi tiết. Lão huyện và ông tạo họ Cầm vừa thấy quan to có ý muốn thăm dò, vội vã xoay chiều đổi thành trung lập, sau đó tất cả cùng về nhà họ Nguyễn Hoài.
Bà cô Út hô lớn.
"Tuyển công tượng? Vậy chẳng khác nào lại ép chúng ta cắt thịt lóc da? Thợ giỏi đào tạo ra khi khổng khi không đều phải cống cho triều đình hết?!"
"Đành chịu, nếu không thì làm gì có cớ mời ông Đăng đến nhìn việc? Hẳn là khi đọc được thư mời của ông Cả, ông Đăng đó cũng đoán trước nhà ta phải có chuyện muốn cậy nhờ, tất nhiên sẽ không tiếc vài người thợ cả," bà Cả thở dài.
"Nếu đã định mời quan, em không hiểu sao bác Cả không cậy nhờ ông châu Quyền hay ông Tuyên phủ sứ Diễn? Nhất là cái ông Diễn ấy chẳng phải cũng luôn cay cú đám họ Đèo kia sao?"
Bà Cả cũng gật đầu ra chiều suy nghĩ, lại nhìn con dâu thứ mà hỏi. "Con thấy sao, cái Vũ?"
"Thưa u... con chịu ạ," nàng nhướn mày tỏ vẻ bối rối, đoạn cúi đầu dâng lên bàn đĩa trầu khác.
"Cái Ly?"
Thị suy nghĩ một lúc, cúi đầu mà rằng.
"Thưa mẹ, hẳn là do thầy sợ ông Quyền kia tham tiền nên dễ thay đổi, còn ông Diễn vì tư thù sẽ công kích tên Thu? Dẫu gì thầy cũng muốn giữ mặt mũi cho họ Đèo."
Bà Cả gật gù ra chiều vỡ lẽ, bà Út cũng gật theo, nhìn cháu dâu trưởng cũng bớt gai mắt đi vài phần. Thông minh như thế, tuy hỏng việc to, ít nhiều cũng thành việc nhỏ.
Mợ Hai Dương không nói gì, chỉ cầm ấm chè đã nguội lui ra, lúc ngang qua sân trước thì thấy bọn thằng hầu trong nhà đang thồ cái tượng vàng về hướng phường đúc. Cả Phát thấy nàng tò mò bèn mỉm cười giải thích.
"Ông giám* Đăng nghe chuyện xong, lệnh cho nung chảy tượng vàng kia, xem như kết thúc vụ việc, còn bảo tên Thu vì trẻ người non dạ dễ tin phường giả thần lộng quỷ, tội vây làng vì thế tha cho, họ Đèo và họ Nguyễn Hoài từ nay xóa bỏ hiềm khích, chung sống thuận hòa."
(*Ông giám: một cách gọi quan hoạn của người Việt)
Vũ gật đầu tỏ vẻ hiểu rồi, xoay người xách ấm đi xuống bếp, không hề ngó ngàng đến vẻ mặt trông chờ việc vui của cậu Cả.
Hắn trông chờ gì chứ? Rằng nàng sẽ thất vọng vì sự việc không cần nàng cũng được giải quyết êm xuôi?
Lắc đầu, mợ Hai hơi mỉm cười, đến cạnh một con hầu mập mạp đang hì hục quạt lò thổi cơm. Con bé này chính là phúc nàng tu kiếp trước mà ra, làm người tốt đối đãi nó gần mười năm, đến nay chỉ cần mở miệng, chuyện gì nó cũng dám lao ra lăn xả.
"Cái Lượm này, để đấy đi, ra vườn sau phụ mợ một lúc."
Thế là, chừng nhai giập miếng trầu, khi người nhà Nguyễn Hoài đã tụ cả nơi sân để tiễn tên họ Đèo và ba vị quan to, từ đâu bỗng có một con hầu béo núc chạy ra la ó, bảo gì mà tượng đá rơi lệ máu, tổ thần hẳn đã ứng linh!
Tên họ Đèo suýt nữa đã cáu đến mắng cha ông Cả. Hắn thua đã chẳng cam, đến lúc về cũng chẳng thể một đường yên thân rời khỏi? Còn loạn cái gì đây? Ông Cả Trị nhìn sự thù địch trong mắt hắn, chau mày toan mắng con hầu nói điều vớ vẩn, lại thấy gã hoạn quan có ý đi xem, đành phải dẫn luôn cả đám ra vườn sau mà ngó.
Giữa hàng đống các cốt tượng cũ kỹ xếp san sát nhau được lưu lại từ ba đời thợ cả, lại có thể trông ra một bức tượng người bám rêu xanh đang... rơi huyết lệ.
Cả đám thẫn ra, đoạn đồng loạt quỳ xuống vái lạy.
"Tổ thần linh ứng...! Tổ thần linh ứng...!"
Duy chỉ có một kẻ đứng như trời trồng, miệng thảng thốt. "Mẹ?"
Ra đó chính là bức cốt tượng năm xưa dùng để đúc nên tượng vàng mang hình hài vợ của Đèo Cát Hãn, mẹ của Đèo Đạo Thu.
Ông Cả quan sát tình cảnh một hồi, mắt lóe linh quang, đột ngột đứng lên quát.
"Cốt tượng rơi lệ, hẳn là thần đúc hiển linh! Mau! Mau đi cản bọn thằng Toan nung chảy cái tượng vàng kia! Kẻo không chúng ta lại phải tội với giời!"
Cả Phát cùng vài đứa hầu lập tức nháo nhào đứng lên chạy mất.
Sự thể rối ren sau một canh giờ cuối cùng cũng được giải quyết, tượng vàng nguyên vẹn được giao trả cho một Đèo Đạo Thu vẫn còn bàng hoàng. Ông Cả còn cho người phủ vải đỏ lên bức tượng cốt bám rêu ngoài sân, cho chục thằng hầu thồ lên xe ngựa, đoạn giao luôn cho gã họ Đèo.
"Ông Thu, xin ông hãy đem bức tượng vàng này về nói giúp với ông tạo, họ Nguyễn tôi không thể nhận nung chảy nó, muốn trách muốn oán Trị tôi cũng đành chịu! Cốt tượng tuy chỉ để làm khuôn, lại là linh hồn của tượng vàng được đúc nên từ nó. Nay cốt tượng đột nhiên rơi huyết lệ, chứng tỏ đức bà chốn hoàng tuyền đang có điều không thỏa, làm động đến tổ thần nhà tôi, mới để lệ rơi trên tượng cảnh tỉnh con cháu. Tôi thân cũng là một người thợ cả, tuyệt nhiên không dám trái ý tổ thần. Nếu ông vẫn còn ý nung xin hãy đưa đi nơi khác, còn phần cốt tượng hiển linh, cũng xin trả lại cho ông đem về thờ cúng."
Lời này nói xong, họ Đèo kia lặng lẽ gật đầu vái chào ông Cả, thái độ dù có phần kiêu ngạo song cũng chẳng còn thù địch như xưa.
Vừa lúc đoàn người ra đến cổng nhà, từ xa cũng thấy bóng cậu Hai dẫn theo thằng hầu về đến.
Nhác thấy bóng cậu Hai Dương, gã họ Đèo lập tức há miệng, càng ngạc nhiên hơn khi bọn hầu xung quanh ai nấy đều cúi đầu gọi cậu là cậu Hai.
Trái lại, Dương lại không hề có vẻ bất ngờ khi nhìn thấy gã, cậu còn mỉm cười nhìn sơ qua tượng vàng trên xe ngựa phía sau, đoạn quay sang gã chắp tay cúi đầu.
"Ý nguyện nay đã thành. Mong ông hãy đem tượng u về quê xin thầy ông thờ phụng đàng hoàng tử tế, tránh cảnh người chết rồi vẫn phải chịu ức oan đến rơi huyết lệ."
Thu thẫn ra.
"Ông... là cậu Hai nhà này...?"
Thấy đối phương vẫn chắp tay cúi đầu, ý nghĩ trong lòng gã họ Đèo xoay vần một lúc. Đêm đó rượu vào, hắn đã trút hết nỗi niềm oán hận thầy mình vì nghe lời mẹ kế mà muốn phá hủy tượng vàng với tên này, cứ nghĩ hắn chỉ là một gã bợm say đầu thôn cuối xóm, trò chuyện lại hợp rơ nên càng lớn tiếng than thở, ai ngờ lại chính là con thứ hai của ông Cả Trị.
Tên này lại rõ ràng là vừa về đến, lúc nãy cũng không có mặt chứng kiến mọi việc, cớ gì lại biết tuốt sự tình? Đã thế, cậu ta còn ung dung như vậy...
Nhìn đến bức tượng cốt vẫn còn in rõ hai hàng lệ đỏ phía sau mình, Thu mở to mắt.
Lẽ nào...?
Sóng mắt láy lên lên một lúc, nhanh sóng trầm xuống thành vẻ mặt nhu hòa.
Lần đầu tiên,