Khi con người ta đã bị dồn đến đáy vực thẳm, họ thường nảy ra ý nghĩ sai lầm: ai cũng không khổ bằng mình.
Vũ cũng thế, kiếp trước sau khi Nguyễn Hoài Phát hại nàng bị thổ phỉ bắt đi, trên đường do chống cự mà lăn từ trên đồi xuống. Dung nhan bị hủy hoại, thứ đáng giá nhất không còn, nàng bị biến thành nô lệ phục dịch trong trại, chịu đủ mọi sự hành hạ tinh thần và thể xác. Về sau, khi trốn khỏi trại cướp, nạn đói lan tràn, nàng lưu lạc tha hương nơi phương Bắc xa xôi, sống gần bốn năm cuộc sống của loài giun loài gián. Vì sinh tồn, vì giành giật cái ăn, nàng có thể bán rẻ lương tâm, làm ra đủ loại chuyện hèn hạ, so với đốt nhà giết người thật chẳng kém bao nhiêu.
Con người ta nếu chỉ trải khổ thì tâm tư cùng lắm mới hóa thâm trầm, nhưng đã từng làm ác mới rèn ra được cõi lòng rét lạnh. Không kẻ nào mới sinh ra đã mưu mô thủ đoạn, chẳng người nào mới mở mắt đã ma mãnh gian manh. Vũ không như cậu cả nhà họ Nguyễn Hoài, vừa ra đời đã là thiên tài, lớn lên học được lý lẽ "người không vì mình trời tru đất diệt," dần dần mới trở thành loại người tâm ngoan thủ lạt. Sự độc ác đa đoan của nàng là do hoàn cảnh dung dưỡng, nghiệt cảnh cấu thành. Suốt mười năm cuối cuộc đời, Vũ không lúc nào là không bị ức hiếp, coi khinh, vì thế lòng tin vào sự chân thiện đã sớm nát vỡ tơi bời, không còn dấu vết.
Tựa như khi về đến bản Vĩ, bị chào đón bởi sự rẻ khinh và ác ý từ người trong bản là điều mà Vũ đã dự đoán trước. Lời ong tiếng ve từ nhà lớn truyền xuống vốn đã chẳng khó khăn gì, nay lại còn để những người đàn bà trong bản trông thấy sắc đẹp của nàng; việc họ cho rằng nàng là một ả đàn bà lăng loàn, trắc nết nên mới bị đuổi đi là điều không tránh khỏi.
Hai chủ tớ thị Vũ được xếp đến ở nhờ nhà Nguyễn Tuất. Gã này trên dưới nhà cả thảy có năm miệng ăn, tuy nghèo nhưng vì háo sắc nên cưới tận ba bà vợ, hai trong số đó là người Táy Đăm. Ngặt nỗi đằng đẵng bấy lâu mà chẳng bà nào sinh được một mụn con, hắn lâu dần sinh cáu kỉnh, các bà cũng từ từ hóa điêu ngoa. Hắn còn có một bà ngoại khá lớn tuổi, nhưng thường ngày ngoài việc lủi thủi quét nhà, nấu cơm, lau chùi thì cũng chẳng gây sự chú ý. Thấy trong nhà tự dưng có thêm hai cô gái trẻ mơn mởn như cặp hồng chín, ba bà vợ dĩ nhiên đâm sợ bóng gió, bèn tìm đủ mọi cách làm khổ. Ăn uống thì độn thêm trấu vào cơm, tắm rửa lại lén thả rắn vào chum vào vại, ngay cả chỗ ngủ cũng nhét chăn có rệp vào. Thị Ly được cô chủ chiều chuộng như chị em từ nhỏ, vì không quen cảnh khổ cực mà đâm bực dọc, luôn tìm cách chống đối, phán gì mà trong phim nói lạc đà gầy còn lớn hơn ngựa, tốt xấu các nàng cũng là họ hàng nhà ông cả, há có thể để bọn dân đen coi thường?
Vũ không phản ứng gì trước sự bức xúc của con hầu, thường ngày cứ vờ yếu đuối, bệnh tật, để mặc Ly đấu cùng bọn họ, vô tình tự biến bản thân thị ta thành tấm bia sống, gánh hết oán hận ganh ghét giúp nàng. Nàng không biết cái "phim" Ly hay nhắc đến là gì, song quả thật nó đã dạy cho thị không ít điều dại. Ly cho rằng người càng ít học thì càng ít mưu mô, so về lý lẽ và tranh đấu sẽ chọi không lại các nàng vốn xuất thân từ đại gia tộc, rồi gì mà tâm tư bọn "diễn viên quần chúng" này đơn thuần, dễ dắt mũi, chỉ cần mình ra oai sẽ nhanh chóng co vòi... Vũ thật không hiểu con hầu của nàng lôi những quan niệm này từ đâu ra, nhưng nàng biết thị còn tiếp tục coi thường dân đen như thế, sớm muộn sẽ có ngày bị họ đè chết.
Trải qua mười năm làm dân đen, Vũ hoàn toàn biết rõ tầng lớp này không đơn giản như thế. Các nàng có thể từ khi sinh ra đã được trui rèn trong sóng gió gia tộc, nhưng ít nhất còn đủ ăn đủ mặc, cơm ấm gạo êm, hại nhau sứt đầu mẻ trán thì cũng là tổn thương tự trọng. Nhưng bọn người này... nếu chạm đến giới hạn của bọn họ, không cần đấu mưu so kế lằng nhằng, các nàng chỉ có trực tiếp bị đập chết. Ba chữ điêu chẳng lớn bằng một chữ liều, chống lại dân đen trong lúc thân không tấc sắt là một điều ngu xuẩn.
Quả nhiên, không quá ba ngày, Ly đã bị đè ra châm kim tẩm nọc ong đến co rút cơ tay, mặt bị dính loại phấn hoa lạ mà nổi lên tầng tầng hạt đỏ. Ban đầu Vũ nhìn thị cũng thấy tim có chút khó chịu, song nhanh chóng gạt bỏ lòng trắc ẩn ra khỏi đầu. Thị thế này khổ bằng một phần ngàn nàng của kiếp trước sao? Bị như vậy là còn nhẹ tội, nếu không phải vì thị, nàng có bị thằng Phát dồn ép đến cảnh tha hương cầu thực, sống dở chết dở, tôn nghiêm đến cả con chó cũng không bằng?
Nhưng việc Ly đổ bệnh lại trở thành mối họa cho nàng. Bởi bọn người kia vì không muốn quá tay làm mất mạng cái Ly, bèn dồn hết phần thù hận với Ly sang nàng. Còn tên Tuất nữa, nàng đã khiến cho bản thân lôi thôi, dơ dáy, tiều tụy đến đáng thương, cớ chi hắn vẫn có thể nổi tà tâm với nàng? Ban đêm, hắn lẻn vào phòng nàng toan giở trò xằng bậy, bị nàng cắn rách cả tai. Vũ đó giờ chuyện nhục nhã gì cũng có thể cắn răng chịu đựng, duy chỉ có lang chạ cùng người là không. Cái điều dơ bẩn xảy ra với cậu Hai Dương đã sớm trở thành con ác quỷ trong lòng nàng, đuổi mãi chẳng đi, diệt hoài không chết, nàng thà mất mạng chứ không đời nào để đàn ông dày vò thể xác nữa. Tuất tức giận và nhục nhã lắm, hắn mượn cớ Ly bị mắc bệnh truyền nhiễm, "mời" nàng chuyển vào gian chứa củi ở nhà phụ. Ba bà vợ kia vốn đã không ưa nàng, nay lại càng điên tiết, ra sức hành hạ chẳng chút khoan hồng.
Ngày đầu tiên chuyển xuống nơi hôi hám, dơ bẩn này, Vũ kinh ngạc khi phát hiện ra; ngoài chuột, gián và bản thân, chỗ này còn là phòng ngủ của bà ngoại tên Tuất.
Thường ngày gã nông phu kia và ba bà vợ cáu gắt, vô lễ với cụ bà đã đành, song nàng chẳng thể ngờ chúng lại có thể để bà ngủ tại một nơi xập xệ thế này. Tuất tuy không giàu có, nhưng căn nhà sàn này vốn do họ Nguyễn Hoài cấp cho ở, phòng ốc tính ra cũng dư thừa, đến ba bà vợ còn có buồng chái riêng. Vậy mà... bà ngoại hắn lại phải ở trong kho củi?
Thấy Vũ bước vào, bà nở nụ cười móm mém của người già, vỗ vỗ xuống chỗ cạnh mình, ý bảo nàng cùng ngủ trên cái chõng tre cũ kỹ.
Nàng nhìn bà lão da tóc đồi mồi đầy nghi hoặc rồi nghĩ không lý nào lại vậy. Có khi nào bà ta vì mắc bệnh truyền nhiễm gì đó mới bị lũ kia đuổi vào ở đây không?
Như thể đoán ra ý nghĩ của nàng, bà xắn tay áo lên, lộ ra làn da nhăn nheo vàng vọt, ngoài đồi mồi thì không có gì đáng nghi. Sau đó bà còn lôi trong cái thúng rách dưới gầm ra một cái gối mây đặt cạnh mình, đoạn ngả người nằm xuống, lưng quay ra ngoài. Vũ vốn đã muốn bước lại nằm ngủ, nàng thật sự quá mệt mỏi để suy nghĩ nữa rồi.
Nhưng rồi, trước mặt nàng lại xuất hiện gương mặt vằn vện đỏ tím bị biến dạng đến kinh tởm, thị vừa cười rú lên một cách trào phúng vừa nói. "Bố cái con ngu! Mày nghĩ trên đời này còn người tốt với mày không điều kiện sao? Còn nhớ bọn nít ranh mời mày chia sẻ chăn gối trong miếu bà đêm đông không? Chúng nó đã thật sự có lòng tốt, hay chỉ dùng mày làm lá chắn trừ ma? Sáng ra, mày sẽ lại không thấy trên thân có đầy chuột chết và hành tỏi nữa đấy chứ?"
Mắt Vũ lạnh lại, nàng ôm gối đến một góc phòng, đùn rơm thành một ụ rồi rón rén nằm lên, không thèm quay đầu lại.
Đêm đến, chỉ còn nghe ra tiếng thở dài của cụ bà vào không gian u uất.
Ở đây được vài ngày, Vũ phát hiện ra bà lão này có vài tật xấu, thể như thường xuyên bỏ mứa đồ ăn lung tung, nhân lúc nàng không chú ý lại độn rác vào đống rơm nàng nằm lên, tối tối không lo ngủ mà hay lảm nhảm "may là... may là..." cái gì đó, phiền không để đâu cho hết.
Thế rồi, một ngày nàng phát hiện ra, vì biết nàng thường xuyên bị ba đứa cháu dâu bỏ đói, thức ăn đó là bà cụ cố ý để thừa để nàng dùng; rác rến bà trộn vào cỏ rơm lại chính là lá sả và rau thơm đuổi côn