Ừ thì "Quân tử trả thù, ngày mai chưa muộn."
Cụ chồng của mợ Hai nhà này, hẳn là sớm sủa nhất hệ phái trả thù rồi.
Mà cái việc cậu khui ra cũng hãi lắm thay. Nào có phải vặt vãnh như cỏ bên lề? Này là nguyên cây đại thụ!
Sự là, hai mươi năm trước, không dưng bà cụ Tý lại đem một bé trai tuổi xấp xỉ cặp song sinh trong nhà về giao cho ông Cả nhận nuôi, bảo là con rơi của một nhà người bạn. Ông Cả trông nó cũng kháu khỉnh ưa nhìn, bèn đưa cho bà Hai lúc bấy giờ tưởng đã bị "điếc" để nuôi dưới gối, nhận làm con cái trong nhà.
Đứa trai ấy, chính là cậu Tư Quang của ngày nay.
Bên ngoài trông vào thì chỉ có vậy, rủi sao ông trời lại thấy buồn, bèn vung tay làm sóng. Có trưởng lão trong tộc sáng trời vào trong hàng nước, vô tình nghe thấy một tên buôn dầu xứ ngoài say khước khoe rằng, hắn chính là cha đẻ của cậu Tư nhà trưởng họ Nguyễn Hoài, sau còn ẩu đả loạn xạ với đám dân cày đang cơm nước trong quán.
Thân là trưởng lão trong tộc, nghe đến cái họ mình bị quân du thủ du thực réo gọi, cụ này dĩ nhiên giật mình thon thót. Chờ đến lúc trông rõ mặt mày gã kia, cụ càng thêm điếng hồn. Ơ đấy là cái cậu lực điền điển trai nhất làng khi xưa chứ ai? Cụ chẳng nhớ nổi nó tên gì, nhưng mặt mũi thì không nhầm đâu được, con gái cụ ngày ấy còn quyết chí chỉ gả cho mình nó cơ mà? Phải tội, chả biết sau này ngang trái ra sao, nó lại hủy hôn với nhà cụ rồi bỏ làng đi biệt xứ.
Nay nó lại bảo nó đẻ ra thằng Tư nhà Cả Trị? Ấy là cái lẽ gì...?!
Nghĩ ngợi tới lui, cụ quyết định bỏ dở công việc, trả tiền cơm rượu cho gã buôn dầu rồi lôi xệch về nhà đóng cửa hỏi chuyện.
Không biết có phải vì cố nhân gặp lại lắm sự mềm lòng hay không, sau một hồi được cụ khuyên bảo kết hợp với đòn roi dọa dẫm, gã bán dầu bụm mặt khóc rống.
Thế là câu chuyện hy hữu lặng lẽ mở ra. Hóa ra, khi xưa gã bỏ làng ra đi là vì bà cụ nhà Nguyễn Hoài bắt ép. Bà cụ biết gã và bà cô Út lén tư tình đến độ có chửa, lại thấy con gái đang lúc tang chồng mà dám làm ra chuyện đồi bại cỡ này, sợ làng phạt vạ, thế là ép bà Út vờ đau chồng lên chùa tu hành một quãng. Phần gã, bà dúi tiền cho rồi đuổi khỏi làng, còn dọa đánh chết nếu còn dám quay về gây sự.
Thương bà cô Út, rồi cũng thương thân, gã bỏ làng đi thật, xuống miền xuôi hành nghề buôn dầu, mượn mấy phiên chợ mà dăm bữa vài hôm lại quay về nghe ngóng tin người tình và đứa con ruột thịt. Mấy tháng trước, giời xui đất khiến gã nghe lỏm được một sự động trời. Hóa ra, núm ruột của mình chính là cậu Tư tật nguyền nhà họ Nguyễn.
Đau lòng con trai năm đó mới tý tuổi đã gặp tai ương hủy đi mặt mũi và đôi chân, gã lại càng năng về lén lút nhìn con, thậm chí còn đánh bạo cải trang chui vào làng.
Cuối cùng, mặt con thì chưa thấy, mặt mình đã bị lộ mất rồi.
Sự sau đó nhiễu nhương một hồi, họ Nguyễn Hoài người ra kẻ vào liên tục không ngơi, đến chiều tối thì kéo thẳng ra đình xử tội. Chửa hoang! Đây thì đã phạm vào lệ làng, chẳng thể nào giấu giếm ở nhà tộc mà xử riêng được.
Chờ đến khi ông Cả vác được cái thân rệu rã ra đình, đã thấy cô em út ngu đần bổ vào lòng người tình xưa òa ra nức nở. Giời ơi! Ông chỉ muốn gầm lên là sao mày ngu thế phỏng?! Vốn dĩ chỉ là lời một phía từ thằng kia, có thể thoái thác mà? Thế mà mày lại ôm chầm lấy nó thế kia, còn chối đường nào nữa?!
Mặt ông đỏ gay, tức đến độ lao lên vung gậy quất túi bụi lên người cặp nam nữ trời đánh.
"Một lũ khốn nạn! Chúng mày làm thế này thì thằng Quang còn sống thế nào, còn sống thế nào hả?!"
Ấy rồi, theo lệ làng thì gã bán dầu tên Cam kia phải bị nọc ra phạt trượng, phần bà Hằng phải chịu cảnh gọt đầu bôi vôi đem thả bè chuối. Ngặt vì có ông bà Cả và cả chi trưởng nơi đó, bọn cai đinh cũng chẳng dám nặng tay. Gã Cam kia thì thôi, ngất lịm rồi nhưng vẫn còn mạng. Chỉ tội cho bà Út Hằng, già đầu đến nơi còn bị nọc ra cắt phăng mái tóc. Lúc bị trát vôi, bà rú lên tức tưởi, nhiều phen oán hận ông giời rồi quay sang oán luôn luôn ông Cả, oán cả bà cụ Tý đang bệnh ở nhà...
Đến lúc người đàn bà tội lỗi bị trói gô rồi tống lên bè chuối, ông Cả cũng thẫn thờ ngồi sụp xuống bên bờ. Làm sao đây? Đó là em gái ông, cứ để mặc thế này, chờ đến tai bà cụ, sao bà còn sống nổi?
Một đôi tay rắn chắc khẽ đặt lên vai ông, thằng con thứ cúi đầu ghé tai nói khẽ gì đó. Lời vừa dứt, mắt ông đã sáng lên, mặt từ từ bình ổn lại, bàn tay gân guốc siết chặt tay con trai không thả.
"Xử tốt lắm," ông khẽ khàng bật lời, chỉ để mình thằng con nghe thấy. "Kỳ này, cô mày nợ mày cả đời...!"
Hồi sau, bè chuối không dưng mắc vào mảng lục bình giữa sông, lúc trai làng bơi ra toan gỡ bè, lại trông thấy một tràng hạt giữa những luống hoa tím biếc. Ấy vậy là, mạng bà Út đã được cứu thật, bởi Phật tổ.
Chiều tối đó, người làng thu ghém cho bà dọn lên chùa làm vãi chuộc tội.
Ông Cả thở dài, gom người nhà lại dặn dò trên dưới bưng bít chuyện này. Bà cụ Tý giờ đã như chỉ mành treo chuông, nếu biết con gái gặp phải chuyện này, chuông kia hẳn sẽ rơi vỡ mất. Cụ có hỏi đến, mọi người cứ nhất trí bảo bà Út sang Thanh thăm bạn đi thôi, giấu được đến đâu hay đến nấy.
Bước ra khỏi nhà chính, Vũ níu tay áo chồng, sẽ giọng rì rầm.
"Tràng hạt đó cũng là anh ạ?"
Từ dưới ống tay rộng thùng thình, Dương chồm qua bắt lấy tay vợ, hạ giọng đáp.
"Không, là giới hạn của em."
Mợ Hai tròn mắt, lập tức hiểu ra ý tứ sau câu nói tối nghĩa.
Hóa ra... sự khoan dung khắc cuối dành cho bà Út, cậu trao ra chính là vì nàng. Vì nàng dễ mềm lòng, vì nàng có giới hạn.
Bất giác nhích lại gần chồng hơn, khóe miệng nàng khẽ cong cong. Có một người đi guốc trong lòng, biết mình muốn gì trước cả khi mình kịp nhận ra, hóa ra không hề đáng sợ như nàng tưởng.
Cúi đầu đi ở phía sau họ, Sáu Hạ mặc kệ cho cô Năm run rẩy bám vào tay thị, thị vẫn cố trợn mắt ngó cho rõ dáng hình hai nhân vật phản diện đương sóng vai nghênh ngang trước mắt.
Cảnh đêm dù âm u, song vì thị có tâm để ý, dĩ nhiên nhìn ra dưới tay áo thùng thình kia, tay bọn họ đang nắm lẫn nhau.
Sự phát hiện này khiến cô Sáu một phen khiếp vía. Sao có thể? Sao có thể? Nguyễn Hoài Dương nọ chẳng phải là yêu Lưu Ly đến chết đi sống lại, âm u biến chất hóa thành vai ác điên cuồng hủy diệt hay sao? Nhớ lại nam nữ chính trong quyển tiểu thuyết kia đã lên bờ xuống ruộng nhiều năm đều vì thủ đoạn tên bệnh hoạn này, Hạ khẽ rùng mình. Ngay cả sau khi gã bị sét đánh chết, nam nữ chính cũng phải mất rất nhiều năm lăn lộn trong hiểu nhầm và trái ngang do gã bày bố ra. Dĩ nhiên, Hạ biết được điều này cũng là nhờ đã đọc đến kết, nơi mà tất cả âm mưu đều bị phơi bày ra ánh sáng.
Hết thảy, đều có dấu tích của Nguyễn Hoài Dương, vai ác yểu mệnh đã chết từ nhiều năm.
Tay dài đến độ có thể vươn ra khỏi quan tài, cho dù chỉ là nhân vật hư cấu, Hạ đã thấy rờn rợn rồi. Huống hồ, nay còn xoay mình thành con người bằng xương bằng thịt.
Dường như nghe được suy nghĩ của thị, kẻ kia khẽ xoay nghiêng đầu, dù chỉ