Đầu hạ.
Đông bắc Đại Quyển quốc.
Quán trọ Việt Xuân Yên.
Tên tiểu nhị của quán vừa thấy khách vào vội chạy ra vồn vã:
- Xin chào! Khách quan cần gì, ăn trưa hay thuê phòng trọ?
Vị khách kia từ tốn nói:
- Ta muốn gặp ông chủ Trần!
- Chẳng hay khách quan có việc gì quan trọng? Tôi nên nói thế nào với ông chủ?
- Ta họ Bá tên Lạc Thiên, thấy phía trước có treo biển bán lại quán trọ này nên vào tìm ông chủ Trần hy vọng có thể thương lượng.
- Xin khách quan ngồi đợi một chút.
- Được.
Tên tiểu nhị mau lẹ chạy đến báo cho chưởng quỹ A Phúc. A Phúc xác nhận lại một lượt rồi đi vội lên lầu, ông định gõ cửa phòng ông chủ nhưng vừa đẩy một cái cửa liền mở, ông chủ không có trong phòng! A Phúc vội chạy sang dãy lầu khác, y biết ông chủ không có trong phòng chỉ có thể ở một nơi, phòng của ngũ thiếu gia.
- Ông chủ ơi ông chủ.
- Có chuyện gì vậy A Phúc?
Giọng người đàn ông cất lên. A Phúc dừng chân trước cửa một gian phòng, cánh cửa ấy nhẹ nhàng mở ra, từ bên trong một người đàn ông trung niên bước ra. A Phúc vội vàng bẩm báo:
- Thưa ông chủ, bên dưới có người tự xưng là Bá Lạc Thiên nói muốn mua lại quán trọ của chúng ta.
- Được, ta xuống ngay.
Ông chủ lướt ngang qua A Phúc đi xuống lầu. A Phúc khẽ liếc mắt nhìn vào căn phòng thấy bên trong có một vị thiếu phụ trung niên ngồi bên giường đang dùng khăn lau mồ hôi trán cho một người đang nằm “ngủ”. A Phúc khẽ thở dài thầm cảm thán: “Ngũ công tử lại bệnh rồi!”
- A Phúc, khép cửa lại giúp ta!
Giọng người phụ nữ trong phòng nhẹ nhàng cất lên. A Phúc vội khép cửa theo mệnh lệnh. Người đó là bà chủ của y, người này là vị phu nhân độc nhất của ông chủ Trần. Vợ chồng họ có đến sáu đứa con nhưng trong số đó có hai người con nuôi. Ngũ công tử là người suốt ngày đau yếu, còn bị tật ở chân nếu không có đôi nạng gỗ thì y không thể đi đâu hết. Ngũ công tử là con nuôi của vợ chồng ông chủ nhưng lại là đứa con được bà chủ cưng yêu nhất, chăm sóc suốt ngày. A Phúc từng nghe nói, y thuật của bà chủ rất khá nên mới có thể giữ mạng được cho công tử, mấy năm nay hễ trời trở gió công tử lại bệnh liệt giường, ngày thường thì cả năm công tử ra khỏi nhà cũng được đôi ba lần, lần nào cũng do lục tiểu thư kéo đi, mỗi lần như vậy khi cả hai về sẽ bị Trần phu nhân mắng cho một trận. A Phúc là người hầu thân cận với ông bà chủ đến nay đã gần hai mươi năm nên chuyện nhà họ ít nhiều cũng biết được vài phần.
Khép cửa phòng xong, A Phúc theo sau ông chủ xuống lầu. Người khách kia vẫn ngồi đợi, thấy chủ quán trọ xuống y cung tay vái chào:
- Long huynh!
Ông chủ của A Phúc tên đầy đủ là Trần Dương Long.
- Ra là Thiên huynh, đã lâu không gặp!
- Mới đó đã hai năm rồi nhỉ? Ta nghe nói Long huynh định bán quán trọ này nên đến định thương lượng để mua lại.
- Đúng vậy.
- Trên tấm bảng phía trước còn viết, nếu người mua quán trọ mua luôn cả trại dệt Bạch Hoa sẽ được giảm giá, điều này…
- Đúng vậy.
- Ta định mua lại cả hai, chúng ta cũng là chỗ quen biết có thể nhượng lại cho ta với giá thấp hơn một chút nữa hay không?
Ông chủ Trần cười nói:
- Trại dệt là của thê tử, giá cả thế nào để ta gọi nàng ấy gặp Thiên huynh rồi hẳn bàn. Mời Thiên huynh lên tầng trên uống trà, chúng ta từ từ thương lượng. A Phúc, đến chuyển lời cho phu nhân, có ông chủ Bá muốn mua lại trại dệt.
A Phúc ứng tiếng:
- Vâng.
Dương Long chìa tay ra mời khách.
- Thiên huynh, mời!
Lạc Thiên sóng bước bên Dương Long, vừa đi y vừa đảo mắt nhìn quanh, chợt cảm thán:
- Cả một cơ ngơi đồ sộ thế này nói muốn bán là bán… Long huynh không cảm thấy tiếc sao?
Dương Long cười nói:
- Đây là ý định của thê tử! Sắp tới chúng tôi có lẽ cũng không ở đây nữa nên đành vậy…
- Các vị định dời nhà sao? Người làm ăn xem trọng nhất là phong thủy, nơi nào làm ăn khấm khá nhất định phải giữ tới cùng, các vị đang lúc phất lên lại muốn chuyển nhà thật không thể nào hiểu nổi.
Dương Long chỉ cười. Hai người bọn họ đến căn phòng kín trên tầng hai, Dương Long chìa tay mời Lạc Thiên vào. Ngay sau đó Trần phu nhân đích thân mang mâm trà vào, tự tay rót mời khách.
- Thiên huynh, đã lâu không gặp.
- Đã lâu không gặp! Trần phu nhân dường như không hề thay đổi so với trước!
- Có chứ, đã già hơn rồi! Không như Thiên huynh ngày càng phong độ hẳn ra, chắc là mấy năm qua làm ăn rất khá.
- Phu nhân quá khen.
- Nghe nói Thiên huynh hôm nay đến đây là muốn mua lại quán trọ và cả trại dệt của tiểu muội?
- Đúng vậy, nhưng giá mà phu nhân đưa ra trước đó có chút quá tầm với của ta, chẳng hay có thể thương lượng hay không?
- Có thể.
***
Sau gần hai canh giờ đàm đạo uống trà, cuối cùng Bá Lạc Thiên và vợ chồng họ Trần cũng có thể thỏa thuận giá sang nhượng lại quán trọ Việt Xuân Yên và trại dệt Bạch Hoa.
Lạc Thiên đi rồi trong căn phòng chỉ còn lại đôi vợ chồng họ Trần. Dương Long bưng tách trà lên nhấm nháp, nhẹ giọng hỏi vợ:
- Huỳnh Hoa, nàng thật sự muốn trở về nơi đó sao?
- Đã hai mươi lăm năm rồi, có lẽ cũng nên trở về một chuyến.
- Nhưng bán cả quán trọ và trại dệt… nàng dường như không định trở về đây.
- Chàng luyến tiếc sao?
- Nói không chính là dối lòng, ngần ấy thời gian, ngần ấy công sức đổ ra. Nếu bỏ đi lại phải bắt đầu lại từ đầu…
- Cũng do chàng cả. Thiếp chỉ mới nói "có lẽ sẽ trở về", chàng lại đi nói mọi chuyện cho tụi nhỏ để chúng nó chạy cả về nơi đó, đã hơn nửa năm rồi, bọn chúng một đi không trở lại, chút tin tức cũng không gửi về. Thiếp không biết chàng có lo cho chúng nó hay không, còn thiếp thì không thể không lo, thiếp phải về đó một chuyến xem chúng nó đã gây họa gì rồi. Thiếp về đó chắc chàng cũng sẽ đi cùng mà phải không? Tuy nhiên quán trọ này và cả trại dệt kia không thể cứ bỏ không như vậy, nó cần có chủ, thôi thì bán nó cho ai đủ sức tiếp quản, như vậy miếng ăn của mấy trăm con người mới không bị mất đi! Nhưng nếu như chàng không muốn bán có thể không bán nữa, thiếp về nam một chuyến tìm tụi nhỏ rồi nhanh chóng trở về, chàng cứ ở lại trông quán…
- Nàng nói vậy mà nghe được sao? Nàng không muốn chứng minh mình đã thắng trong vụ cược ngày xưa sao? Không có ta đi cùng, nàng trong mắt ông ta sẽ là kẻ thua cuộc.
- Không quan trọng nữa, bây giờ con cái mới là thứ quan trọng với thiếp, mặc người khác nghĩ sao cũng được. Còn về chuyện đó, sự thật ngay từ khi bắt đầu đánh cược thiếp đã là người thua cuộc rồi thì bây giờ có làm gì đi nữa cũng còn có nghĩa sao? Một chiến thắng hư ảo thiếp không cần, chàng muốn trở mặt cứ trở mặt đi, thiếp không quan tâm nữa.
Dương Long bước đến choàng tay ôm lấy vợ, cười cười dịu giọng:
- Ta chỉ mới nói như vậy đã giận ta sao?
- Thiếp từ lâu đã không còn cái tâm để buồn hay để giận chàng rồi.
- Được rồi, là ta sai, ta xin lỗi! Hơn hai mươi năm trước ta đã nói rồi, mọi sự theo quyết định của nàng, đến chân trời hay góc bể ta đều sẽ cùng nàng. Chỉ không biết đường xa như vậy Khanh nhi có chịu nổi không?
- Chúng ta đi chậm một chút chắc sẽ không sao. Về phương nam ấm áp có thể sức khỏe của Khanh nhi sẽ tốt hơn.
- Nàng và Lạc Thiên hạn định nửa tháng nhận tiền và dọn đi có phải gấp gáp quá không?
- Y sẽ xoay sở được!
- Vừa rồi nàng nói tại ta mà bọn trẻ chạy cả về nam sao?
- Không phải do chàng sao, nói mọi chuyện cho chúng nó sớm làm gì?
- Tại nàng một phần đấy, bỗng dưng nhắc chuyện về nam khiến bọn trẻ tò mò. Đã vậy còn nói với Nhân nhi là sẽ về Nam Sơn ở luôn nên bọn chúng háo hức muốn biết quê cha đất tổ là như thế nào.
- Thôi bỏ đi, dù gì chúng cũng chạy đi cả rồi, trong nhà chỉ còn lại Nhân nhi và Khanh nhi. Chàng nói với Nhân nhi một tiếng cho nó và thê tử thu dọn hành trang. Thiếp qua xem Khanh nhi thế nào rồi.
- Ừm.
***
Tám tháng trước.
Quán trọ Việt Xuân Yên.
Con trai lớn của vợ chồng Dương Long tất tả chạy tìm cha mẹ để hỏi một chuyện.
- Cha mẹ, con nghe lục muội nói nhà chúng ta sắp chuyển về nam có phải không?
Huỳnh Hoa gật đầu:
- Đúng vậy.
Dương Long đang ngồi xem sổ sách bên cạnh chen lời vào:
- Mẹ con còn định về Bình An trấn định cư, nơi đó dù sao cũng là quê ngoại của mấy đứa.
Huỳnh Hoa nghe vậy cãi lại:
- Không, thiếp định ở lại Nam Sơn cơ, còn Bình An trấn chỉ về thăm ông ấy vài hôm rồi đi. Ở lâu chỉ khiến cho mọi người càng thêm khó xử chứ có ích gì…
- Mẹ, vậy là chuyện chúng ta dời nhà là thật ạ?
Huỳnh Hoa buộc miệng đáp:
- Ừ.
Ngay sau đó cả một đám trai gái chỉ vừa mười mấy đôi mươi tuổi chạy ào vào, nhao nhao hỏi:
- Mẹ, chúng ta về nam thật hả mẹ?
- Quê ngoại ở Bình An trấn hả mẹ?
- Nam Sơn là như thế nào hả mẹ?
- Bao giờ nhà chúng ta dọn đi hả mẹ?
- …
Dương Long hắn giọng:
- Mấy đứa im cho ta thống kê sổ sách coi. Mẹ mấy đứa nói thì nói vậy thôi, cũng phải cả năm nữa chúng ta mới dọn đi, sớm hơn… mẹ mấy đứa không về nơi đó được.
- Sao vậy cha?
- Hôm qua con nghe mẹ với cha nói ông ngoại cấm đoán hai người nhưng mẹ quyết lòng theo cha nên bị cấm về luôn, chuyện đó là thiệt sao cha?
Dương Long hừ giọng:
- Chuyện người lớn mấy đứa tìm hiểu làm gì?
- Cha, vậy chúng con về quê ngoại trước xem nơi đó thế nào có được không?
- Mấy đứa muốn đi đâu thì đi.
- Con cũng muốn đi.
- Con cũng đi.
- Con nữa.
- Đại ca.
- Ta không đi, đại tẩu mấy đứa mới sinh ta không bỏ đi được, vả lại công việc ở nhà nhiều, mấy đứa đi cả ở nhà ai phụ cha mẹ…
- Mẹ, con đưa ngũ ca cùng đi nha, con đi tìm anh ấy.
Bất ngờ tiếng quát vang:
- Phương Linh, con đứng lại cho mẹ. Con muốn Khanh nhi chết hay sao mà đòi mang nó đi.
Cô bé tên Phương Linh chính là đứa con út của Dương Long và Huỳnh Hoa, năm nay chỉ mười bảy tuổi nhưng lại tinh nghịch nhất trong đám con trai con gái của Long Hoa hai người.
Phương Linh phụng phịu:
- Ngũ ca suốt ngày ở trong nhà, chẳng biết đầu thôn cuối xóm thế nào, lần này về thăm quê ngoại, mẹ cũng không cho huynh ấy đi xem trước sao?
Huỳnh Hoa hừ giọng:
- Sức khỏe của anh con đâu phải con không biết, đi đường xa nó không chịu nổi đâu. Mấy đứa lại nghịch như vậy đi cùng mấy đứa ai sẽ chăm sóc cho Khanh nhi?
- Con đưa anh ấy đi đương nhiên con sẽ chăm sóc.
- Người cha mẹ không yên tâm nhất chính là con đó!
Dương Long từ nãy đến giờ im lặng rốt cuộc cũng lên tiếng.
- Mấy đứa háo hức cha không cấm, muốn đi cứ đi nhưng phải chú ý an toàn. Trọng Tín tuy là nhị ca nhưng võ công kém hơn Hoài Tuyết một chút, Tuyết nhi, giang hồ hiểm ác, con hãy bảo về chu toàn cho tất cả anh em. Tuyệt đối không để bất kỳ ai trong các con bị thương, không được gây mâu thuẫn với họ Hồ và họ Đoàn, họ rất có thể là thân bằng quyến thuộc với chúng ta, càng không thể có tình cảm nam nữ với những ai mang họ Hồ. Tín nhi, An nhi, hai đứa là con trai đi cùng Linh nhi nhất định phải quản nó cho thật tốt đừng để nó chạy lung tung, gây chuyện thị phi, có biết không?
- Dạ.
- Con biết rồi.
Phương Linh phụng phịu:
- Cha làm như con là người hay gây chuyện không bằng vậy.
Huỳnh Hoa nhướn mày gằn giọng:
- Người trong nhà hay gây chuyện nhất chính là con đó…
- Mẹ…
Hoài Tuyết chợt hỏi:
- Cha mẹ, chúng con ngày nào có thể đi được ạ?
Dương Long đóng cuốn sổ lại, lạnh nhạt đáp:
- Tùy mấy đứa.
Phương Linh nhanh nhảu:
- Tứ tỷ mai mình xuất phát đi!
Dương Long và Huỳnh Hoa chỉ còn biết nhìn nhau lắc đầu. Cả bọn chạy đi hết Dương Long mới quay sang vợ hỏi:
- Nàng có vẻ lo lắng, sao ban nãy không giữ chúng nó lại.
- Chàng nghĩ cho chúng biết chuyện rồi còn có thể giữ chân bọn chúng được sao?
- Đứa ta không yên tâm nhất chính là Linh nhi.
- Thiếp thấy, Tín nhi là đứa có mã ngoài khá hút bướm ong, đã đẹp mã còn đa tình không ngốc như chàng ngày trước, chuyến đi này không khéo lại gây ra họa phong tình.
- Mã ngoài giống ta, còn tính tình chính là của nàng đấy.
- Lát nữa chàng căn dặn tụi nhỏ, nếu về đó có mâu thuẫn gì không thể giải quyết nhất định phải hòa hoãn đến khi nào chúng ta đến đó sẽ giúp chúng nó dàn xếp. Thiếp qua xem Khanh nhi hôm nay thế nào, đêm qua thằng bé có vẻ mệt!
- Mới đó mà đã hai mươi lăm năm, thời gian trôi nhanh thật.
Huỳnh Hoa cùng Dương Long rời khỏi Bình An trấn đến nay cũng đã được hai mươi lăm năm, có với nhau mấy mặt con, con trai lớn cũng đã có vợ và hài tử. Huỳnh Hoa gần như muốn quên đi những chuyện xưa trong cái hạnh phúc êm đềm này nhưng chàng lại vô tình khơi lại, những chuyện trước kia lẽ nào chưa bao giờ chàng có thể quên? Trong lúc nhất thời Huỳnh Hoa nói sẽ về nam định cư sinh sống luôn, lại bị đứa con gái út Phương Linh nghe được, nó kéo cả đám anh em nó vào để hỏi chuyện. Rốt lại, nghe xong cả đám bỏ cha bỏ mẹ chạy cả về phương nam để thăm thú nơi được gọi là quê ngoại. Hơn nửa năm qua không chút tin tức gửi về, Huỳnh Hoa không thể không thấy lo, nàng nhanh chóng thu dọn gia tài sản nghiệp, cùng chồng con đi vội về phương nam xem mấy đứa con làm nên những chuyện gì rồi.
Huỳnh Hoa tần ngần đứng trước phòng con trai một lúc mới bước vào.
“Thằng bé đang ngủ!”
Đứa con mà nàng lo lắng nhất chính là đứa thứ năm này, nó tên Trần Thiếu Khanh, không phải con ruột của nàng nhưng cả hai vợ chồng nàng đều rất thương. Đây là đứa con của một đôi vợ chồng vô phước, đã hiếm muộn đứa con sinh ra lại không mạnh khỏe như người thường, đứa bé có trái tim yếu đuối và đôi chân cả đời không thể đi lại được như người thường. Đôi vợ chồng già chạy chữa thế nào cũng không khỏi, họ nghe nói bà chủ quán trọ Việt Xuân Yên biết y thuật nên tìm đến cầu may. Huỳnh Hoa xem bệnh rồi cũng lắc đầu bó tay, thứ bệnh bẩm sinh này nàng không thể làm gì được.
Lúc đôi vợ chồng đó mang đứa bé đến trời vừa lúc trở đông, Đông Bắc lại vô cùng lạnh khiến đứa bé gần như sắp chịu không nổi đến nơi. Huỳnh Hoa đã giành cả mấy tháng trời vật lộn với tử thần để giữ mạng cho đứa bé. Đôi vợ chồng già thấy bà chủ Trần nhiệt tình như vậy, cứu mạng con mình tốn không biết bao nhiêu công sức tiền bạc thì tỏ ra bối rối, họ không biết nên hoàn trả thế nào. Kể từ hai năm trước, lúc bắt đầu chạy chữa cho Thiếu Khanh thì gia sản của họ cũng lụi tàn dần đến hôm nay thì hết sạch.
Dương Long bàn bạc với thê tử hay là để đôi vợ chồng già ở lại làm chút chuyện lặt vặt trong quán xem như trả công, như vậy Huỳnh Hoa cũng đễ dàng chăm sóc đứa bé khi nó trở bệnh và nàng đồng ý. Một năm sau nữa Huỳnh Hoa chính thức nhận đứa bé làm con nuôi, vì thấy đôi vợ chồng già kia cũng gần đất xa trời, nàng và chồng cũng thấy thương mến đứa nhỏ, nhận làm con sẽ danh chính ngôn thuận chăm lo mà đôi vợ chồng kia cũng không còn phải canh cánh chuyện mang nợ ân tình, nếu có chết đi cũng yên lòng mà nhắm mắt.
Thực ra đôi vợ chồng đó khi đến không chỉ mang theo Thiếu Khanh mà còn có một cô bé tên Tiểu Tình, họ nói Tiểu Tình là cháu ruột của họ, con bé là con của người em chẳng may bệnh qua đời nên họ mang về nuôi. Tiểu Tình lớn hơn Thiếu Khanh ba tuổi, Huỳnh Hoa để cô bé ở lại quán trọ làm chân sai vặt, mỗi tháng trả công cho cô bé ít tiền. Ngày tháng trôi qua, ai có ngờ con bé và đứa con lớn của nàng là Trần Trọng Nhân có tình ý với nhau. Tiểu Tình chỉ bé hơn đại thiếu gia một tuổi, nhan sắc lại có chút hơn người, gần hai mươi năm cận kề nên nảy sinh tình cảm, khi hai đứa quyết định chọn nhau đã rất e dè dắt tay nhau đến nói với cha mẹ chuyện của mình. Dương Long hỏi vợ rằng:
“Nàng nghĩ thế nào?”
Huỳnh Hoa đã trả lời.
“Đã thương rồi thì cưới, chứ chàng nghĩ còn có thể làm thế nào sao?”
Lúc đó con bé ôm chầm lấy đứa con lớn của nàng mà khóc. Huỳnh Hoa đã bật cười xoa đầu con bé, dịu giọng nói:
“Lớn rồi, đừng trẻ con như vậy, hở chút là khóc, sắp làm tân nương rồi mà lại…”
Con bé vừa khóc vừa cười nhìn nàng.
Thê tử của lão bá bá của con bé đã mất trước đó năm năm, nên hôn sự hai nhà chỉ mình ông lão đứng ra làm chủ nhà gái. Hai đứa nhỏ nên đôi trong nụ cười viên mãn của đôi bên. Một năm sau, con bé sinh cho Trần gia đứa cháu trai kháu khỉnh đến nay cũng được gần một năm rồi, gia đình trên thuận dưới hòa. Ba tháng trước lão bá bá con bé cũng bạo bệnh qua đời, con bé bây giờ chẳng còn người thân bên ngoại liền chăm chồng chăm con tốt hơn ngày trước rất nhiều. Huỳnh Hoa thấy vậy cũng nhẹ lòng.
Nhưng đó chỉ là đứa con lớn. Còn đứa thứ hai, Trần Trọng Tín, mã ngoài trông rất thuận mắt, một nửa giống mẹ một nửa giống cha. Chỉ có tính tình không như đại ca trầm tính của mình, cả ngày bay nhảy, thích trêu ong ghẹo bướm, nhỏ hơn đại ca một tuổi mà lựa mãi không được người vừa mắt để cưới về. Còn có một thói xấu là thích bao đồng, chỗ nào có náo nhiệt là chạy đến, thấy có kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu thì xen vào không cần biết đầu đuôi câu chuyện ra sao. Tuy võ công không bằng em gái thứ tư cũng làm náo sự được mấy vụ, có hai lần lôi cả về nhà cho cha mẹ giải quyết mới xong.
Đứa con thứ ba thì thân thế có phần đặc biệt một chút, nó là đứa con nuôi và cũng là cháu ruột! Thực hư thế nào Huỳnh Hoa không được rõ, chỉ biết lần đó Dương Long đi mua hàng ở Đông Đô Hồ Thành, khi trở về mang theo thằng bé, chàng nói thằng bé là con của Trường Vũ và Ái Ly. Lúc giao đứa bé cho chàng Trường Vũ đã là người sắp chết vì bị thọ trọng thương. Dương Long cứu được cha con anh ta lúc anh ta đang bị truy sát! Ai truy sát, lý do vì sao mãi đến sau này cũng không ai biết được. Vì sau đó Trường Vũ chỉ nói được thằng bé tên An, vừa tròn hai tuổi, thằng bé là con của anh ta và Ái Ly, anh ta nói được bấy nhiêu thì trút hơi tàn. Theo những gì Trường Vũ nói, cả Dương Long và Huỳnh Hoa đều không thể xác định Ái Ly hiện giờ ra sao, còn sống hay đã chết.
Từ đó đứa bé trở thành con của bọn họ, tên Trần Vũ Thiên An, nhỏ hơn đứa con lớn của bọn họ ba tuổi. Thằng bé lớn lên trông rất giống cha, không rõ lúc có thai Ái Ly yêu hay hận Trường Vũ mà đứa trẻ lại giống đến vậy. Dù là yêu hay hận cảm xúc đó phải thật mạnh mẽ đứa con mới có thể trở thành bản sao hoàn hảo như vậy. Cả bản tính cũng giống, thích nuông chiều em út, về công việc thì hễ làm đều rất có tâm có thể tin tưởng được ngoài việc giao cho thằng bé trông đứa em gái út. Con bé chỉ cần kêu “Tam ca” thằng bé giận đến đâu, làm căng đến đâu cũng ngay lập tức tan chảy, không thể giận nữa.
Đứa con thứ tư là Trần Hồ Hoài Tuyết, bằng tuổi với Thiên An. Tên con bé chính là sự hoài niệm của nàng và trượng phu về cái ngày đầu tiên đặt chân lên nơi được gọi là quê chồng này. Ngày đó tuyết trắng đào hồng cùng rơi trong gió lộng, Huỳnh Hoa nói với trượng phu muốn lưu giữ khoảnh khắc ấy. Hoài Tuyết chính là bức tranh đẹp nhất mà họ đã vẽ lại về ngày hôm đó. Con bé có chút lạnh lùng và trưởng thành trước tuổi, rất chăm học võ công và tư chất hơn hẳn những đứa khác trong đám con của hai người. Con bé càng lớn càng đẹp giống mẫu thân mình, không bao đồng như anh trai nhưng lại thích rày đây mai đó, có khi chạy đi liền cả tháng không về.
Có lần con bé đi gần nửa năm, khi đó con bé chỉ vừa mười tám tuổi, làm cho cả nhà phải chia nhau đi tìm. Khi gặp được thì con bé đang ở cùng một đám lâu la của trại cướp nào đó, con bé cảm hóa đám đó cho chúng không đi làm cướp nữa, bày kế làm ăn cho chúng, thành lập một cái “đội quân anh hùng” gì đó với tiêu chí “ở đâu có hoạn nạn ở đó có anh hùng cứu nguy”, cứu người rồi đến đòi quan quân triều đình trả công. Con bé nói nếu họ không trả cứ lôi tên quan đó đến nhà tìm cha mẹ mình, con bé còn nói chỉ cần thấy mặt cha mẹ mình quan quân triều đình nhất định trả công cho đám “anh em” đó của nó! Bởi con bé biết mối quan hệ của cha mẹ mình và người của triều đình nên mới bạo gan nói ra như vậy, thật hết nói nổi! Cha con bé chỉ lắc đầu nói một câu “Giống nàng! Thua rồi!”
Đứa thứ sáu cũng là đứa cuối cùng trong đám con của cả hai là một bé gái, tên là Trần Hồ Phương Linh, phá phách thì thôi rồi, làm nũng cũng không ai hơn được. Người con bé thích làm nũng nhất chính là cha con bé, bởi con bé là con út nên Dương Long rất cưng yêu. Những lúc nàng la rầy hay đánh mắng con bé chàng đều ngăn lại nên càng lớn con bé càng ỷ lại vào cha, cứ bị mẹ la mắng là chạy ngay đến bên cha, sau đó Dương Long lên tiếng giảng hòa, Huỳnh Hoa đành lắc đầu bỏ cuộc.
Người tiếp theo con bé hay làm nũng chính là tam ca. Bởi con bé biết ngoài việc hái trăng sao trên trời xuống thì con bé cần gì người anh này cũng chiều theo nên suốt ngày con bé quấn lấy tam ca, luôn miệng tam ca. Còn một việc con bé thích làm nữa chính là lôi Thiếu Khanh ra khỏi nhà. Hôm nào thấy thời tiết tốt và tinh thần Thiếu Khanh tốt là con bé lôi tuột thằng nhỏ đi, mặc tình cho nàng và trượng phu có năm lần bảy lượt căn dặn không được tự ý đưa Thiếu Khanh ra khỏi nhà.
Lớn lên Thiếu Khanh cũng khỏe mạnh hơn lúc nhỏ, nên Huỳnh Hoa cũng ít quản hơn, mặc tình cho con bé đưa anh trai ra ngoài, chỉ căn dặn không được đi quá xa. Còn lúc nhỏ thì không được như vậy, cứ ra ngoài gặp gió lớn về thằng bé lại nóng sốt, gặp chuyện gì khiến thằng bé giật mình hay sợ hãi là cứ y như trở về lại phải nằm liệt mấy ngày. Năm Thiếu Khanh lên mười, con bé lôi thằng bé đi chơi, ham chơi thế nào không biết đến khi