Do sự kiện 918[1] ở vùng Đông Bắc, phong trào kháng Nhật của người dân Thượng Hải càng lúc càng dữ dội, đâu đâu cũng vang lên những lời hô hào tẩy chay hàng Nhật. Sinh viên tổ chức rất nhiều đợt biểu tình trên phố, những cửa hàng bán đồ Nhật thì bị đập phá. Báo trì bắt đầu khen hàng nội địa, nhờ thế nhà máy của nhà Phó được hưởng lợi theo, máy móc bắt đầu chạy hết công suất đêm ngày mà cung vẫn không đủ cầu. Phó Ngọc Hoa bận tối mặt mũi, hôm nào cũng phải làm việc đến tận khuya nên chẳng để ý được đến anh, thành thử không biết anh gặp chuyện.
1.
Ở Thượng Hải có rất nhiều samurai Nhật Bản tự do hay đi gây hấn khắp nơi nên nhiều nhà máy đã lập nên các đội tuần tra, quản đốc của công ty vận tải thủy cũng lập một đội tự vệ, mỗi ngày đều bớt ra chút thời gian để huấn luyện cho một nhóm công nhân lựa chọn. Kỳ thực anh hơi phân vân chuyện này, nhưng đến cuối cùng thì vẫn chi tiền bảo người mua một lô súng về để ở bến tàu.
Nói trắng ra thì ai cũng biết thừa lũ Nhật Bản lòng lang dạ sói, chỉ là không ai ngờ nổi bọn chúng sẽ trâng tráo coi thường dư luận quốc tế cỡ này để mà đi cưỡng đoạt vùng Đông Bắc thôi.
Ngay từ lúc ở Thanh Đảo, Phó Ngọc Thanh đã hay tin bọn chúng đã kiểm soát tuyến đường sắt của mỏ than, đồng thời còn trắng trợn buôn thuốc phiện, ma túy, và hàng lậu với người Triều Tiên, siết chặt các tỉnh miền Đông trong tay chẳng khác nào lũ đỉa hút máu. Song lúc trước nói chuyện với Diệp Hãn Văn thì anh cứ nghĩ người Nhật tiến đánh ít nhất cũng phải năm năm, hay thậm chí là mười năm nữa cơ. Dè đâu người Nhật bỗng đột ngột trở mặt, tiến hành càn quét chiếm đánh luôn phần lớn phía Đông Bắc. Quân Đông Bắc không chống chọi nổi đã phải rút toàn bộ đến vùng Trung Nguyên. Toàn miền Đông Bắc bị chắp tay dâng lên cho giặc ngoài, trông nước nhà chẳng khác nào một trò đùa.
Lục Thiếu Kỳ bảo muốn đến đóng quân ở Thượng Hải lại càng làm anh lo lắng. Nỗi lo này không chỉ là vì bản thân, mà hơn cả thế còn là vì tương lai mờ mịt của đất nước. Song anh có thể trút bầu phiền muộn này cùng ai đây? Hà Ưng Mẫn bảo là anh đang lo bò trắng răng, thà đi học tập ông anh của mình mau mau đi kiếm tiền còn hơn.
Phó Ngọc Thanh chết dí trong nhà đến ngốt cả người, mắt không đọc báo được nên mỗi ngày chỉ có thể
nghe đài. Anh quả thực chẳng có hứng thú gì với các thông báo của chính phủ, hồi xưa ba thứ đó anh không nghe đâu, vậy mà bây giờ lại khó chịu bứt rứt thế này đây.
Cơ mà đêm xuống thì đài sẽ phát ít nhạc, cho nên không đến nỗi chán òm không ngấm nổi chỗ nào. Hễ rảnh là anh sẽ ngồi trên ban công nghe, cũng thú ra phết, coi như có cái giết thời gian. Có đêm quên tắt, nhạc phát xong rồi mà tiếng đài vẫn còn kêu lè rè, đến lúc dậy anh mới biết, càng thấy chán chường.
Vốn anh là người ngủ nông, giờ lại vác thêm cả đống thương tích trên mình, thành thử toàn mất giấc giữa đêm. Dậy rồi tắt đài đi thì cũng chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng lúc dậy, anh lại cảm thấy xung quanh có gì đó là lạ, lướt mắt nhìn mới phát hiện rèm cửa hơi hé, để cho ánh sao đêm soi vào. Cơn buồn ngủ của anh lập tức bay sạch, anh rùng mình mò tay đến ngăn kéo đầu giường tìm súng.
Bỗng một giọng nói rất khẽ vang lên cạnh giường: “Tam gia, đừng sợ, là em đây.”
Phó Ngọc Thanh không ngờ người tới lại là Mạnh Thanh, anh vừa mừng lại vừa sợ, con tim rốt cuộc mới thả lỏng. Anh lại đóng ngăn kéo lại về chỗ cũ, người vã mồ hôi, không nhịn được phàn nàn, “Sao giữa đêm hôm lại trèo cửa sổ vào thế này, em không sợ nhỡ tôi bắn trúng em à?”
Mạnh Thanh đè giọng lẩm nhẩm gì đó, xong mới hỏi anh: “Công tắc đèn ở đâu?”
Lúc bấy giờ Phó Ngọc Thanh mới thấy hối hận, chẳng biết người này vào bao lâu rồi, đã phát hiện ra gì chưa. Vết thương của anh còn chưa lành hẳn, mặt mũi thì trông phát khiếp ra, làm sao anh dám để hắn bật đèn cơ chứ? Thế là anh mới bảo: “Bật đèn làm gì? Không cẩn thận người làm lại lên giờ.”
Mạnh Thanh mới thôi không hỏi nữa, lần tay sờ giường anh rồi ngồi xuống, hắn thoáng ngập ngừng, rồi khẽ khàng hỏi: “Tam gia, anh vẫn còn giận em à?”
Phó Ngọc Thanh hết giận hắn từ lâu rồi còn đâu, nhưng không thể nói thật cho hắn nên chỉ đành ậm ừ mơ hồ.
Mạnh Thanh mới xích lại gần chút nữa, hỏi dồn: “Thế nên không chịu gặp em nữa à?”