Về nhà ăn Tết
***
Quê của Lâm Xuân ở một ngôi làng thuộc tỉnh J tên là Lâm Khê.
Ngôi làng rất nhỏ, có khoảng hai trăm hộ gia đình nhưng quanh năm trong làng chỉ có khoảng năm mươi hộ.
Kinh tế quê nhà phát triển kém, chỉ có người già và số ít trẻ em không được cha mẹ đưa đi mới ở lại đây, còn người trẻ chủ yếu làm việc ở nơi xa, Tết mới về quê một lần.
Hôm nay là ba mươi Tết, ngôi làng vắng lặng bấy lâu bỗng náo nhiệt hẳn lên.
Lâm Xuân vừa mới bò ra ngoài chiếc TV 21 inch cũ kĩ đã nghe thấy tiếng pháo nổ đì đùng, vang dội.
“Sao năm nay pháo ném vang thế?” Vì không chuẩn bị trước nên cô hoảng tới nỗi suýt nữa chui tọt về.
Cô bước ra khỏi TV, đập vào mắt cô là chiếc chăn dày sụ trên giường mình.
Chiếc chăn “Hoa khai phú quý” này được bà cô nhờ người may bằng vải bông từ hồi cô còn học tiểu học, nặng khoảng sáu cân, đắp mười mấy năm trời vẫn còn ấm.
Nhất là mỗi khi cô về nhà, bà sẽ mang chăn ra ngoài phơi, để khi ngủ cô có thể ngửi thấy mùi nắng vương lại.
– Cạch!
Có âm thanh vang lên ngoài cửa sổ, Lâm Xuân hoàn hồn, bước tới nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy một bóng người tóc bạc đang ngồi xổm bên giếng để rửa rau.
Ánh mắt cô sáng lên, vội chạy ra ngoài, la lớn: “Bà ơi.”
Bà Lâm ngoảnh lại khi nghe thấy tiếng, nhìn thấy Lâm Xuân, vừa ngạc nhiên vừa hân hoan mừng rõ, bỏ luôn mớ rau trong tay xuống chậu, đứng dậy hô: “Xuân Xuân, con về rồi đấy à?”
“Con về rồi.” Lâm Xuân ôm bà nội, nũng nịu rúc đầu vào vai bà.
“Con về từ bao giờ?” Bà Lâm hỏi.
– Con vừa về thôi ạ.
– Thế sao bà không nhìn thấy con?
“Con đi bằng cửa sau nên bà không thấy ạ.” Lâm Xuân bịa chuyện.
“Ông con thì sao? Ông ra cổng làng đón con đó, hai ông cháu không gặp nhau à?” Bà Lâm hỏi.
Cô sững lại: “Ông đi đón con ạ?”
“Ừ, hôm qua con nói với bố là sáng nay về mà, nên ông ra đứng đợi ở cổng làng từ sáng sớm luôn đấy.” Bà Lâm nói.
Lâm Xuân không ngờ ông sẽ đi đón mình nên hơi chột dạ: “Lúc về con không thấy ông đâu, chắc ông sang nói chuyện với nhà ai rồi.”
Dù sao trí nhớ của ông cũng không tốt lắm, ông lại là người thích tán gẫu với mọi người nên chắc chắn sẽ không đứng im ở cổng thôn để đợi mình đâu.
“Chắc chắn lại đi nói chuyện với ông Hùng của con rồi.
Con đi gọi ông về đi, ông ấy không muốn ăn cơm à?” Bà Lâm nói.
“Vâng, để con đi.” Lâm Xuân ra khỏi nhà, đi đến cổng làng theo con đường bê tông mới được sửa vào năm nay.
Trên đường cô gặp được rất nhiều người nhưng cô không nhận ra những ai bé hơn mình, cũng chẳng quen biết những người hơn tuổi mình, cô chỉ thân với các ông các bà thôi.
“Con bé này là ai thế, con dâu của nhà nào đấy?” Ở nông thôn, xem mắt là mốt trong mỗi dịp Tết.
Vật nên chỉ cần thấy khuôn mặt mới, không quan trọng nam hay nữ, mọi người cũng sẽ tự hỏi đó có phải người yêu mới của ai không.
– Nói linh tinh gì thế, con gái của A Lượng đấy.
– À à à, con gái của vợ đầu, con bé toàn bị bỏ rơi ở nhà đúng không?
– Đúng.
– Đã lớn thế này rồi, xinh xắn thật đấy, đã lập gia đình chưa?
– Con bé đang học đại học, không biết đã tốt nghiệp chưa.
“Tốt nghiệp năm nay rồi, còn tìm được công việc xịn lắm, làm cho nhà nước, công chức đấy, công ăn việc làm ổn định.” Một ông lão vừa ra ngoài đã thấy con trai với con dâu đang xì xào về Lâm Xuân nên ông nói luôn.
“Bố, sao bố biết?” Con trai ông lão vô cùng ngạc nhiên.
“Hừ, từ cái ngày con bé Xuân Xuân tìm được việc, ông nội nó suốt ngày ra rả trong làng, ngày nào cũng khoe, bố nghe mà tai đóng kén lại rồi.” Ông lão khó chịu ra mặt
Con trai ông thấy vậy thì buồn cười, hiểu rằng bố mình bực dọc vì bị bạn mình lấn lướt.
Con dâu thấy ông nói như vậy thì rục rịch: “Con bé có bạn trai chưa bố?”
Anh chồng vừa nghe đã biết vợ mình định làm gì, cộc cằn hỏi: “Em lại định mai mối à?”
Người phụ nữ gật đầu lia lịa: “Anh từng gặp con trai anh họ con rồi đấy, nó vừa cao vừa gầy, làm việc ở Thẩm Quyến, tốt nghiệp ba năm rồi, tiền lương cũng được mười lăm nghìn tệ, em thấy hai đứa xứng đôi lắm.”
Anh chồng nhìn vợ: “Cháu em lùn mà, ngoại hình cũng bình thường.”
Người phụ nữ khó chịu: “Lùn thì sao? Đi giày vào cũng phải cao đến mét bảy, con trai cứ phải đẹp mã để làm gì, mài ra ăn được à? Quan trọng nhất phải là người tử tế tốt đẹp.
Anh cũng biết nhà anh họ em có điều kiện thế nào rồi đó, có mỗi đứa con trai, mấy năm trước đã mua nhà ở thành phố, sau này chắc còn mua ở Thẩm Quyến nữa.
Ai cưới thằng bé là hời lắm đấy.
Với lại, con bé này không được bố mẹ yêu thương, có khi chả ai quan tâm đến chuyện cưới xin của nó ấy chứ, em cũng chỉ muốn tốt cho nó thôi.”
Anh chồng im lặng, nói hay ghê, như thể con gái nhà người ta không ai thèm lấy vậy.
Con bé xinh thế kia, khéo ở trường cũng được ối người theo đuổi ấy chứ.
Song anh cũng biết, giờ mà cãi nhau với vợ là năm mới không yên bình.
Vậy nhưng ông lão nghe xong cũng gật đầu: “Quyên này, con làm mai cũng được nhưng phải tìm người tử tế.
Xuân Xuân là đứa trẻ tốt, xinh đẹp, đã thế còn ngoan ngoãn học giỏi.”
Lâm Xuân nằm trong số ít đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ở quê, ông bà trong làng đều được theo dõi quá trình trưởng thành của Lâm Xuân nên ai cũng coi Lâm Xuân như cháu gái mình.
Anh chồng câm nín: “Bố, sao bố cũng xí xớn thế?”
Ông lão trừng con trai: “Anh thì biết cái quái gì, cái thằng A Lượng vô lương tâm đấy có quan tâm đến Xuân Xuân đâu, bố đã bỏ bê như thế, mẹ kế chắc chắn cũng chả thèm tìm bạn đời cho Xuân Xuân đâu, mà chuyện cưới chồng không thể lỡ làng được.
Lão Hòe cũng hay bảo với bố là đợi Xuân Xuân tốt nghiệp rồi kết hôn, dù gì con bé cũng phải có tổ ấm của mình.”
Lão Hòe là tên của ông Lâm Xuân, trong quan niệm của ông, con gái đến tuổi phải lấy chồng, kết hôn rồi thì mới có người bảo vệ chở che.
Người phụ nữ nghe bố chồng nói vậy thì lôi điện thoại ra ngay: “Vâng, con gọi cho anh họ để mai cho hai đứa nó gặp nhau.”
Anh chồng: “…”
Ông cụ bảo: “Nếu Xuân Xuân chê thì đừng bắt ép con bé.”
Người phụ nữ cực kì tự tin: “Bố yên tâm, con bé chắc chắn sẽ ưng.”
Anh chồng không nhịn được nữa: “Hai người không đi hỏi chú Hòe à, nhỡ con bé có bạn trai rồi thì sao?”
“Không có đâu.” Ông cụ tự tin vô cùng: “Lão Hòe chả giữ kín được chuyện gì đâu, nếu Xuân Xuân có người yêu, thể nào ông ta cũng phải đi rêu rao khắp làng.”
Lâm Xuân chẳng hề hay biết mình mới đi bộ có hai trăm mét thôi mà đã có người muốn giới thiệu bạn trai cho mình.
Cô đi tới cổng làng, sau đó nhìn thấy ông nội mình đang “to tiếng” trò chuyện trên trời dưới biển với ai đó ở trước cửa ngôi nhà cách cổng làng năm mươi mét.
Ông bà Lâm đã nhiều tuổi rồi nên thính lực không được tốt cho lắm, mắt cũng kém nên bây giờ phải nói to mới nghe được.
Hồi năm nhất năm hai đại học, Lâm Xuân còn gọi điện cho ông bà, chứ khi lên năm ba, ông bà càng ngày càng lãng tai, lắm lúc gọi về mà ông bà không nghe rõ cô đang nói gì.
Cô nghĩ đến mua điện thoại có loa to cho ông bà nhưng di động dành cho người cao tuổi lại hay bị nhiễu âm, mà ông bà lại không dùng điện thoại thông minh nên dần dà, cô cũng ít gọi về nhà.
Nghĩ đến đây, Lâm Xuân luồn tay vào kho hàng để lấy ra hai cái hộp, bên trong đựng hai chiếc vòng phật.
Giữa các hạt tràng còn