Nắng xuân chiếu xuyên từ cửa sổ nhỏ vào đến phòng biệt giam, ấm áp dần dần phủ kín chiếc giường ván gỗ.
Thiệu Quân hít hít cái mũi chua xót, mơ mơ màng màng tỉnh lại, vừa mở mắt quay đầu một cái lại đúng lúc mắt đối mắt với La lão nhị đang nhìn mình chằm chằm.
Hai người nằm song song, mỗi người đều thu mình trong chiếc chăn bông lớn, tay chân co lại thành một cục, mắt to trừng mắt nhỏ.
Mũi Thiệu Quân giật giật, kiểu này chắc là do đêm qua hít gió lạnh nhiều nên mũi bị viêm vừa đau vừa rát, sau đó lại còn bị nghẹt mũi, nước mũi chảy hết ra ngoài. Tối hôm qua y trằn trọc cả đêm nghe La Cường kể lại mấy chuyện xưa rối rắm của hắn, nghe xong vừa choáng váng lại còn phải khuyên giải an ủi trấn an hắn, quên không đắp kín chăn, làm cho khí lạnh đầu xuân nhập vào người.
Thiệu Quân tiện tay lấy tay áo lau nước mũi, hừm một tiếng rồi nói: “Anh có ổn không?”
La Cường cũng hừm một tiếng từ trong cổ họng. Đôi mắt vẫn còn sưng, trông như hai quả hạch đào, thật hiếm lắm mới có bộ dạng sa sút thảm thương như thế, vậy mà lại bị Tam bánh bao nhìn thấy.
Thiệu Quân: “Tối hôm nay anh định tiếp tục ngủ trong phòng biệt giam hay là tới từ chỗ nào thì về chỗ đó?”
La Cường: “…… Tôi về phòng cũ.”
Thiệu Quân hài lòng, quả nhiên công tác trấn an này y làm rất được, thật mẹ nó quá hữu hiệu, cả đêm đã thu phục được thiên sát tinh – La lão nhị của phòng giam số 3, Tam Gia y làm việc quả thực quá quen tay, y rất có nhân duyên đó nha!
La lão nhị không phục người khác, chỉ phục mỗi mình y!
Thiệu Quân cong khóe miệng: “Được lắm, tôi đưa anh đi ăn bữa sáng, cả ngày hôm qua đã không ăn gì rồi, hôm nay phải ăn thật ngon mới được.”
La Cường gật gật đầu, nghe theo y.
Thật ra, La Cường đã dậy từ rất sớm, cậu nhóc Thiệu Tam này tới rạng sáng mới bắt đầu ngủ, lại còn ngáy khò khò khe khẽ, thở phì phò ngủ rất say nên lúc đó La Cường liền tỉnh luôn.
Thiệu Quân nằm dạng ra theo hình chữ X gần sát mép giường, suýt chút nữa thì lăn lông lốc xuống sàn nhà.
La Cường kéo người lại vào bên trong, bản thân thì dính sát vào góc tường nghiêng người mà ngủ, sau đó tỉ mỉ giúp Thiệu Quân đắp lại chăn, bọc người này thành cái nhân bánh chưng vừa tròn vừa lớn.
Dựa theo ánh trăng sáng ngoài cửa sổ, La Cường cứ như vậy mà nhìn chằm chằm Thiệu Quân ngủ, nhìn không chớp mắt, nhìn đến khoảng sáng sớm, trái tim đang từng chút chìm xuống, giống như rơi vào dòng nước xoáy, đều đã bị người trước mắt cuốn sạch đi……
La Cường trở lại phòng giam, Thiệu Tam Gia đặc biệt an ủi hắn nên mang đến một bữa ăn cực kì tiêu chuẩn —— thịt lợn sốt xé phay Bắc Kinh và cà tím cháy tỏi mua ở một tiệm cơm nhỏ ngoài nhà giam.
Điều hắn không ngờ vẫn còn ở phía sau, hắn không ngờ ngày hôm sau Thiệu Quân mặc áo khoác đồng phục, mũi vẫn cứ sụt sịt lái xe vào thành phố tìm anh cả nhà họ La. Thiệu Quân nhét sẵn một cuộn giấy vệ sinh trong túi, vừa lái xe vừa xì nước mũi suốt cả đường đi.
Trong ngục giam cố định mỗi tháng chỉ có một ngày cuối tuần cho phép người thân được vào thăm tù. Lịch trình lại phải chia đều ra cho các đại đội, phòng giam, trên cơ bản thì mỗi phạm nhân phải đợi một, hai quý sau mới có thể tới lượt người nhà mình thăm, không phải muốn gặp là có thể gặp. La Dũng chính là bởi vì để lỡ mất lịch thăm tù nên chỉ có thể đưa cho thằng hai một lá thư, tặng cho viên cảnh sát phụ trách một bao thuốc, làm phiền nhờ nhắn một lời với La Cường trong nhà tù rằng cha La đã mất rồi.
La Cường biết không thể sắp xếp cho gặp lại được nên cũng không đề cập yêu cầu quá mức với Thiệu Quân.
Dù sao có yêu cầu cũng vô ích, đằng nào cũng đã là một đứa con bất hiếu, chẳng thể nào đứng bên giường trông coi trước khi cha qua đời, không nhìn thấy được cha trước khi ông nhắm mắt. Hắn còn nhớ kỹ lời cha hắn đã từng nói, vĩnh viễn sẽ không tha thứ cho hắn, cũng sẽ không ở cùng một chỗ với hắn, coi như không có đứa con trai là hắn.
La Cường thật sự không ngờ tới, Thiệu Quân sẽ đi tìm anh cả hắn nói chuyện.
Cụ thể bọn họ nói chuyện thế nào, Thiệu Tam Gia lại làm thế nào để sắp xếp việc trong nhà tù, thế mà còn thuyết phục được trưởng nhà tù, lo liệu ổn thỏa từ trên xuống dưới, mấy chuyện này La Cường cũng không rõ lắm.
Dưới tầng ký túc xá nhà giam là một hàng cây hòe nhỏ, những chiếc lá non xanh trên cành bị gió xuân thổi, lay động trong gió rồi rơi đầy xuống đất trông thật tang thương.
Hôm đó là ngày thứ bảy sau khi cha La qua đời, Thiệu Tam Gia giúp La Cường làm cho ông cụ một lễ cúng “Đầu thất” vô cùng đơn giản ở trong nhà giam .
*Đầu thất: Trong phong tục tang lễ của người xưa, “đầu thất” là chỉ ngày thứ 7 sau khi người chết tạ thế. Mọi người đều tin rằng vào ngày “đầu thất”, linh hồn người chết sẽ trở về nhà.
Ở một số nơi trong thành phố và các quận huyện ngoại thành, người Bắc Kinh xưa thường rất chú ý làm đám tang theo tục lệ cũ, phải cúng “Đầu thất”, “Tam thất”, những nhà giàu có tiền thậm chí còn muốn đặt linh cữu ở chùa bảy bảy bốn mươi chín ngày rồi mới hạ táng. Sau này việc thổ táng (chôn cất) đều được thay bằng hoả táng, đã không cần chú ý nhiều như vậy nữa, sắp xếp đưa tang xong là trực tiếp đưa linh cữu đến nhà tang lễ để hoả táng.
Năm, sáu chiếc xe đen cùng một kiểu dừng trước cửa nhà tù Thanh Hà, trên kính chắn gió ở đầu xe còn được buộc mấy lẵng hoa tang trắng.
Anh cả nhà họ La mặc đồ tang, trong tay ôm di ảnh màu trắng đen của cha La, rảo bước tiến vào cửa lớn nhà tù.
Phía sau La Dũng còn có tám người vạm vỡ đi theo, mỗi người đều mặc cả cây đen, tây trang đen thẳng thớm, giày da đen, cánh tay trái đeo băng tang, cực kì trịnh trọng. Đám người này ngẩng đầu bước theo vào nhà tù khiến mấy chiến sĩ cảnh sát vũ trang ở đầu tường nâng họng súng đề phòng cực độ.
La Cường chịu sự giám sát của mấy người cảnh sát quản giáo, ngồi chờ trong phòng nhỏ. Phòng nhỏ được bố trí thành một linh đường đơn giản, di ảnh của cha La được đặt ở chính giữa. Ngoài cửa, cảnh sát vũ trang cầm súng đứng thành từng lớp, vây thành một vòng.
Một đoàn người khác cũng đến đây để phúng viếng, có mấy tên đầu trọc, còn có mấy tên xăm trổ đầy người, vừa nhìn đã thấy đây chính là mấy người có tiếng trên giang hồ. Nhưng mà những người này đều cực kì quy củ nghiêm túc, tất cả im lặng không lên tiếng nâng vòng hoa vào cửa, xếp thành hàng trước di ảnh cha La cúi đầu lạy ba cái, sau đó đến chỗ La Dũng đang túc trực bên linh cữu cúi đầu thăm hỏi, cuối cùng đi đến trước mặt La Cường.
Những người đó khom lưng cung kính mà gọi “Anh Cường”, nói vài câu ngắn gọn rồi lấy ra phong bì tiền phúng viếng.
La Cường xua xua tay ra hiệu không nhận, ôm quyền chào hỏi mấy vị kia.
Nếu cả ba anh em nhà họ La đầy đủ hết, có thể uốn gối mà thể hiện lòng hiếu thảo đối với người cha đã lâm chung, đám tang vẫn sẽ theo lẽ thường mà làm: Dán giấy lên cửa lớn nhà họ La, báo tang cho bạn bè thân thích hàng xóm, sau đó đặt ông cụ ở phòng chính mặc áo liệm rồi rải vàng mã.
Dựng một cái lều đơn giản trong sân để chứa linh cữu, tiếp đón người thân, bạn bè đến cúng viếng, sau đó đốt vàng mã.
Trước đêm đưa tang, ba đứa con trai cần gác đêm trước linh cữu của cha. Đến ngày đưa tang, đội nghi thức thổi sáo đánh trống rải tiền giấy bên đường, mấy đứa con còn phải đội mũ, mặc đồ tang, nâng quan tài, phải đi hết qua ngã ba đường nhộn nhịp, dừng chân để tỏ lòng thành kính.
Vào ngày đưa tang đó