Hôm ấy trời mưa, mưa bụi rơi từng giọt thật mảnh.
Y Xuân sớm đã để lại thư cho Mặc Vân Khanh, hẹn gặp nhau ở rừng đào Hậu Sơn.
Nàng bung chiếc ô bằng trúc tía, mặt ô có vẽ hình hai con bướm vờn một đóa hoa rất đẹp. Cả người nàng cũng trang điểm tinh tế hiếm thấy, la quần* (áo váy tơ tằm) màu tử đinh hương, tóc được chải gọn gàng, mặt thoa một lớp phấn mỏng, tự thấy mình chẳng thua kém bất kỳ ai.
Đến rừng đào, hoa đã sắp rụng, cành trĩu nặng, Mặc Vân Khanh khoanh tay đứng dưới tán cây, thần sắc đầy vẻ mất kiên nhẫn.
Y Xuân nhìn ngang nhìn dọc, ngắm thế nào cũng thấy thích mắt, chàng đứng dưới táng đào, gương mặt tuấn tú đẹp đẽ tựa ánh mặt trời xuyên thấu biển mây, ai cũng muốn đến gần.
Quyết định rồi, hôm nay phải nói với chàng.
Nàng muốn hỏi chàng, liệu cách ăn mặc hôm nay của mình có đẹp không.
Còn nữa, chàng quá thân mật với Văn Tĩnh rồi, tuy chẳng bằng chàng và nàng ngày trước [tự nàng nghĩ thế], nhưng vẫn khiến nàng không vui. Không chừng chàng cố ý tốt với Văn Tĩnh để nàng phải phát cáu lên [vẫn tự mình nghĩ thế thôi]* (trong ngoặc […] là nguyên văn của tác giả).
Cuối cùng, nàng cực kỳ thích chàng, rất mong được ở bên nhau, chẳng hay chàng có nguyện ý.
“Tóm lại, gọi ta đến làm gì?” Do nàng im lặng, chàng rốt cuộc cũng lên tiếng, giọng trầm thấp.
Y Xuân nở nụ cười dịu dàng, đáy lòng vẫn hơi thấp thỏm, thử thăm dò chàng: “Ăn cơm chưa?”
Đôi mày chàng ta cau càng chặt: “Cô thừa lời thế làm gì? Tóm lại có nói không?”
Y Xuân đành nghiêm mặt: “Thôi được, Vân Khanh. Ta thích huynh, huynh thấy ta thế nào? Chúng ta đến cầu tình với sư phụ, để Người làm chủ, được không?”
Biểu cảm chàng ta trở nên rất kỳ lạ – giống như nhìn thấy một đàn heo bỗng bay lên trời, lẩm bẩm: “Cát Y Xuân, cô vừa nói gì? Lặp lại xem?”
Y Xuân đỏ mặt, tươi đẹp hơn cả hoa đào.
“Ta bảo rằng ta thích huynh, muốn cùng huynh thành thân, huynh đồng ý chứ?”
Chàng ta trầm mặc rất lâu, chỉ còn tiếng mưa rơi lộp bộp trên ô, Y Xuân càng chờ càng thấy tim mình cũng đập hỗn loạn như tiếng mưa rơi ấy.
Đột nhiên, chàng ta lộ ra vẻ mặt căm phẫn như bị sỉ nhục hoặc đùa bỡn, lông mày dựng thẳng: “Cô giỡn đủ rồi chứ? An phận chút được không? Ông đây sinh ra là để cho cô đùa à?”
Y Xuân kinh ngạc trợn tròn mắt: “Ta đùa huynh hồi nào? Đang nghiêm túc mà.”
Chàng ta khinh bỉ phất tay áo, hất hết nước mưa đi, lạnh nhạt nói: “Cô từng có lúc nghiêm túc à? À phải, nếu đứng cách vạn bước chân mà nhìn, ừ cô nghiêm túc thật. Gì mà ta thích huynh, muốn cùng huynh thành thân? Cô lại tưởng mình là ai vậy? Cô xứng để tôi lấy hử? Rảnh rỗi đến vậy, chi bằng về phòng soi gương đi!”
Chàng ta hất mặt bước đi. Y Xuân khẩn trương đuổi theo hai bước: “Ầy, ta thật sự rất nghiêm túc mà! Sao huynh nổi nóng với ta chứ? Văn Tĩnh quả tốt hơn ta ư?”
Chàng ta ngoái đầu, chỉ vứt lại một câu: “Mặt nào muội ấy cũng tốt hơn cô. Nói thích ta hả, cô là cái thá gì!”
Chiếc ô bằng trúc tía rơi xuống đất, Y Xuân ngẩn ngơ đứng dưới rừng đào thật lâu.
Trước giờ nàng hơi chậm chạp, vẫn chẳng hiểu rõ ràng rốt cuộc người ta đối xử với mình như nào.
Tỉ mỉ hồi tưởng lại tám năm ở cùng nhau, thời gian dài tựa dòng nước từ từ chảy xuôi trong trí nhớ.
Lúc gặp cậu ta, nàng mới sáu tuổi, vì cha mẹ đều là tôi tớ của Giảm Lan sơn trang, nàng bèn mặc định tương lai mình cũng phải làm nha hoàn, suốt ngày cầm giẻ lau chùi khắp mọi nơi, muốn thạo việc phải chăm luyện tập.
Trên phương diện nào đó, Y Xuân là một đứa trẻ ngoan, chăm chỉ lại có trách nhiệm.
Sau này, gặp Mặc Vân Khanh ở bờ sông, cậu ta ỷ vào thân phận chủ nhân mắng đánh, buộc nàng cùng mình chơi trận kiếm gỗ, Y Xuân bị quấn lấy bèn mất kiên nhẫn, cướp kiếm gỗ phất qua mặt cậu, đánh cậu nằm liệt giường ba ngày.
Ai ngờ được trận đánh này lại thay đổi thân phận nàng từ đấy về sau, đêm ấy, Trang chủ đến tìm. Cha mẹ nghĩ ông ấy đến khởi binh vấn tội, sợ đến mức đã trói gô Y Xuân ném trước cửa nhà từ sớm, tùy ông trừng trị.
Trang chủ chẳng những không đánh mà còn xoa đầu khen nàng là đứa trẻ ngoan, nhân tiện cởi dây trói.
Cha nàng ló đầu ra cửa sổ, giọng nghẹn ngào: “Lão gia ơi, con bé này mạo phạm chủ tử, thật sự là… tội lớn tày trời, tùy ngài xử phạt, chúng tôi tuyệt đối không lên tiếng!”
Trang chủ nghe thế bèn cười: “Ta thấy đứa bé này có khung xương dẻo dai, rất có khiếu luyện võ, cho nó làm đệ tử ta nhé.”
Dứt lời, ông cúi đầu hỏi Y Xuân: “Sao nào, muốn học võ với sư phụ không? Sau này cho con kế thừa Trảm Xuân kiếm.”
Trảm Xuân kiếm vô cùng sắc bén, hàn quang sâu dày, là vũ khí nổi danh trên giang hồ, cũng là đại diện của Giảm Lan sơn trang.
Y Xuân nghĩ thanh kiếm ấy bén đến vậy, nếu dùng để thái rau quả, chắc chắn sẽ rất bùi tay. Thế nên phấn khởi nhận lời.
Nàng cứ ù ù cạc cạc mà thành đệ tử của Giảm Lan sơn trang.
Nghe bảo rằng võ thuật của Giảm Lan sơn trang chỉ truyền cho người thân, hơn nữa truyền nam không truyền nữ, sư phụ nàng lại cứng rắn sửa lại quy tắc cũ, chỉnh thành không thể bế quan tự thủ* (đóng của không giao lưu với bên ngoài), chẳng giới hạn nam nữ, chiêu mộ bốn, năm đứa trẻ vào truyền dạy võ nghệ.
Y Xuân tất nhiên chẳng quan tâm đến những việc này, nàng chỉ biết thân phận mình đã đổi khác, không còn là nha hoàn mà thành đồ đệ sư phụ, sau này phải luyện võ bằng lòng yêu kính, không thể làm mất mặt Người.
Từ đấy, mỗi ngày nàng cùng sư phụ luyện võ ở Nhất Thốn kim đài nở đầy hoa sơn trà.
Cộng cả nàng và Mặc Vân Khanh, sư phụ có tất thảy sáu đệ tử, người lớn nhất mười tám tuổi, suốt ngày bị sư phụ mắng là lười nhác, háo sắc mất gốc. Sau này, khi Y Xuân lên tám tuổi, đại sư huynh đã mất tích, nghe đồn là lừa con gái nhà ai dưới chân núi bỏ trốn, có bị bắt lại hay không thì nàng chẳng rõ.
Sau nữa, lúc Y Xuân mười môt tuổi, nhị sư huynh cũng lừa tam sư tỷ bỏ trốn, trước khi đi họ còn để lại một phong thư, dốc sức mắng sư phụ nghiêm khắc như quỷ, không hợp tình người, khiến Người tức đến nỗi xé thư ngay tại chỗ, phái người xuống núi lùng bắt, cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì.
Khi Y Xuân mười ba tuổi, tứ sư huynh trộm Trảm Xuân kiếm tìm cách xuống núi, bị người khác phát hiện, sư phụ chặt một cách tay của gã rồi trục xuất khỏi sư môn, về sau chưa từng gặp lại.
Từ đấy, Y Xuân rất hiếm khi thấy sư phụ cười, Người luôn bặm môi cay mày, lúc hướng dẫn kiếm pháp thường hay lơ đễnh trong một chốc, tâm tư chẳng biết đã bay đến nơi nào.
Sáu đệ tử, cuối cùng chỉ