Giữa trưa, đại quân đã hành quân đến địa điểm cách ranh giới ước định với phe Cát Nhĩ Đan chỉ năm dặm. Đông Quốc Cương truyền lệnh cho quân đội dừng lại, cũng triệu tập các tướng lĩnh lại để thương lượng về sách lược tiến công. Dận Chân, Bành Xuân, Tô Nỗ cùng các thuộc hạ trong doanh đều vây quanh Đông Quốc Cương. Đông Quốc Cương cầm theo một cái thiên lý vọng, dẫn mấy người bọn họ trèo lên một cái gò nhỏ cho bọn họ quan sát địch tình. Dận Chân nhìn thấy đà thành trước mắt có lố nhố bóng người đứng xen kẽ trong đó. Điều này cho thấy tên Cát Nhĩ Đan kia hiển nhiên đã chuẩn bị rất kĩ.
Đông Quốc Cương đợi bọn họ quan sát xong một lượt mới lấy bản đồ ra chỉ: “Chư vị đều thấy rồi phải không? Tên giặc già Cát Nhĩ Đan này hẳn đã thu được thám báo, quân ta có khả năng không thể đánh úp bất ngờ được rồi. Trước mắt chắc cũng chỉ còn cách cường công. Hai kẻ mạnh gặp nhau, kẻ nào dũng mãnh hơn kẻ đó thắng! Lấy khí phách của dũng sĩ Mãn Châu ta ra đây! Chúng ta phải chặt đầu Cát Nhĩ Đan xuống đặng báo đáp thánh ân của hoàng thượng! Binh mã cánh phải do Cung thân vương suất lĩnh chắc giờ cũng đã sắp tiếp cận bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ, theo ước định thì bọn họ sẽ lấy kèn lệnh và pháo sáng làm tín hiệu hô ứng với chúng ta. Chư vị hãy nghe tướng lệnh của ta: “Nội Ngoại Hỏa Khí Doanh phát ra ba trăm binh mã, phiền Bành công dẫn đầu, Hải Ngọc đi cùng hiệp trợ, lặng lẽ di chuyển tới cách doanh trại địch hai dặm để chờ lệnh. Tô công lĩnh ba ngàn quân theo sau chi viện cho Hỏa Khí Doanh, các doanh còn lại trước nghỉ ngơi ở đây đã. Đợi khi có tiếng kèn vang lên, đội pháo công của Hỏa Khí Doanh đồng loạt bắn pháo, trước cứ đánh thủng một lỗ của cái đà thành đối diện trước cho ta. Mã quân của Hỏa Khí Doanh cùng ta suất lĩnh kỵ binh theo sau, đồng loạt xông lên. Tô công, quân đội của ngài chuyển qua tiếp viện gấp. Tứ a ca, phiền ngài với Tô công thủ vững đường lui của quân ta. Một trăm binh sĩ còn lại của Hỏa Khí Doanh đi theo bảo vệ tứ a ca.”
Cả đám người vâng dạ, chỉ có Dận Chân là bất mãn, hắn tức giận nói: “Đông đại nhân, Nội Hỏa Khí Doanh ta quen hơn Bành Xuân. Vì sao không cho ta suất lĩnh Hỏa Khí Doanh?”
Bình thường Dận Chân luôn cư xử ôn tồn và lễ độ, giọng điệu lúc này lại bừng bừng khí thế, làm cho mọi người xung quanh cảm thấy rất kinh ngạc. Về sự sắp xếp bố trí này, Đông Quốc Cương đương nhiên cũng có nỗi khổ tâm: Đây là đứa con trai mà cháu gái mình yêu thương nhất, tương lai của nhà họ Đông cũng có một phần phải buộc chặt với thiếu niên trẻ tuổi này, sao có thể để hắn đi mạo hiểm như thế. Nhưng tứ a ca lại sốt ruột muốn đánh trận như vậy, lão cũng không tiện gạt bỏ khát vọng này của hắn. Vả lại, nếu thật sự lập được chiến công, thánh quyến trước mặt hoàng thượng tự nhiên cũng lên cao như nước dong thuyền nữa.
Hơi do dự một lát, Đông Quốc Cương nói: “Thiếu niên xuất anh hùng. Nếu tứ a ca đã kiên trì như vậy, thì đi cùng với Bành Xuân đi. Có điều phải mang nhiều người, phải dẫn hết Hỏa Khí Doanh đi, Mục Sâm cũng đi theo. Từ chi quân đội của Mã quân phân ra tám trăm binh sĩ do Khang Khách Lạt dẫn đầu đi theo bên cạnh tứ a ca. Tứ a ca, nô tài cứ nói trước nhé, nô tài nhận lệnh của đại tướng quân làm chủ tướng của cánh trái. Lúc công kích, ngài nhất định phải nghe theo tướng lệnh của ta. Nếu ngài không thuận theo, nô tài cũng chỉ còn cách không nể mặt ngài thôi đấy!”
Lúc trước khi hai người trò chuyện, Dận Chân chưa bao giờ để Đông Quốc Cương phải tự xưng nô tài. Hắn luôn luôn giữ thái độ của vãn bối, về việc tư hắn đúng là vãn bối, về việc công hắn lại là thuộc hạ. Đông Quốc Cương cũng thấy cảm động, về mặt xưng hô khá là tùy ý. Lần này, Đông Quốc Cương lại nghiêm trọng đến mức lôi cách xưng hô trên quan trường ra, Dận Chân biết lão nghiêm túc thực sự. Vả lại, hắn cũng đã đạt được mục đích rồi, bèn chắp tay đáp: “Dận Chân xin tuân theo tướng lệnh.”
Ngay lập tức, mấy người họ quay về các chi quân đội thuộc quyền quản lý của mình, Dận Chân cùng Bành Xuân ghìm ngựa đứng một bên nhìn binh sĩ gỡ những tấm bạt màu tro phủ trên tử mẫu pháo xuống. Lần này, đúng là may vì có Khang Hi yêu thương che chở. Lúc đầu trang bị cho Nội Ngoại Hỏa Khí Doanh cả thảy chỉ có sáu mươi khẩu tử mẫu pháo, Khang Hi vung tay ban cho Dận Chân luôn hai mươi khẩu, mỗi khẩu pháo lại biên chế cho ba tên pháo thủ, công thêm hai trăm xạ thủ súng điểu thương và một trăm bốn mươi kỵ binh trang bị hỏa súng, gần như tập trung toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất của Hỏa Khí Doanh rồi. Tử mẫu pháo trang bị cho Hỏa Khí Doanh này khác với hồng y đại pháo trang bị cho các Kỳ doanh khác. Hồng y đại pháo nổi tiếng với tầm bắn cực xa, là vũ khí lợi hại khi tấn công, nhưng khuyết điểm lại là trọng lượng lớn, không tiện di chuyển, tốc độ bắn cũng cực kì chậm, bất lợi khi muốn bắn tản đạn. Mà tử mẫu pháo lại khác, lấy nguyên mẫu là hỏa pháo Phật Lãng Cơ (1), bắn rải đạn là chủ yếu, tốc độ phát xạ nhanh, theo kết quả mấy lần thử bắn của Dận Chân thì thấy mỗi lần bắn chỉ mất trên dưới mười lăm giây, thực sự lợi hại. Vả lại lực sát thương ở
khoảng cách gần là cực lớn, diện tích sát thương cũng rộng. Tầm xa của tử mẫu pháo cũng nằm ở tầm trung so với hồng y đại pháo và hỏa pháo Phật Lãng cơ, khoảng trên dưới hai dặm mà thôi. Đây là thứ vũ khí thực dụng nhất để đối phó với phe Cát Nhĩ Đan – vốn lấy kị binh làm chủ, tính cơ động lại rất mặt nữa. Cho nên sau khi Dận Chân đem tử mẫu pháo mà Đới Tử chế tạo ra so sánh thì hắn đã quyết định rằng, thể nào cũng phải xin cho toàn bộ Nội Ngoại Hỏa Khí Doanh được trang bị hết bằng tử mẫu pháo này.
Nhìn tử mẫu pháo đặt trên xe pháo đang tỏa ra hàn quang lạnh lẽo, Dận Chân thầm nghĩ trong lòng: “Lần này là đánh trận thật đó, Hỏa Khí Doanh ơi, đừng làm tiểu gia ta đây phải mất mặt nhé!”
Khang Khách Lạt, Hải Ngọc và Mục Sâm đều tỏ ra rất hưng phấn, mặt mũi mấy người họ đều tỏa sáng, không ngừng đốc thúc bọn quân sĩ chuẩn bị trang bị chỉnh tề, xốc lên tinh thần đánh một trận như sấm rền chớp giật.
Sau đó, đoàn bọn họ chia kỵ binh ra làm hai đội, một đội ở phía trước, đội pháo binh ở giữa, một đội bọc hậu. Đội đi trước do Hải Ngọc và Mục Sâm suất lĩnh, không giơ tinh kỳ, chỉ lặng lẽ hành quân tiếp cận đà thành của Cát Nhĩ Đan. Trên đường phải vòng qua một cái hồ nhỏ, đến bờ sông Tát Lý Khắc, phía trước cách đó hai dặm chính là đà thành. Dận Chân càng lúc càng hưng phấn, trên mặt đã lấm tấm mồ hôi, Bành Xuân thì một mực theo sát Dận Chân, hình như ông ta còn lo lắng cho an nguy của Dận Chân hơn cả Bảo Trụ nữa. Bành Xuân là người của Đổng Ngạc thị, người của Chính Hồng Kỳ Mãn Châu. Người này có thể xem như một vị dày dạn kinh nghiệm chinh chiến sa trường. Tổ tiên hắn chiến công cao như núi, đến thế hệ này của hắn, ba mươi mấy tuổi đã tấn chức công tước nhất đẳng, còn là công thần số một trong trận chiến Ni Bố Sở, còn được ban thưởng đủ loại như trang phục đánh cầu, cung tiễn ngự dụng, đây tuyệt đối là một viên hổ tướng. Nhưng mà hôm nay, nhìn vị con trai yêu của đương kim thánh thượng này trong lòng hắn cũng hơi run, mấy ngày nay hắn chỉ hi vọng mình đừng phải ở bên cạnh vị a ca này, nhỡ xảy ra chuyện gì. Cho nên, từ Phúc Toàn đến Đông Quốc Cương, những người đồng ý cho Dận Chân theo đến đây đều bị hắn thầm mắng trong lòng mấy lần rồi.
Bố trí xong pháo trận, mọi người bắt đầu yên lặng chờ tín hiệu từ cánh phải.
Nhưng điều tất cả mọi người không ngờ tới chính là Thường Ninh lại gặp phiền toái lớn. Binh mã bên phía cánh phải bị vây khốn ở một đầm lầy lớn, lùi không được, tiến không xong. Bằng tốc độ của tọa kỵ xông qua đầm lầy vẫn có khả năng là được, nhưng chắc chắn sẽ phải bỏ lại chỗ hỏa pháo kia. Nhưng kể cả đội kỵ binh mấy ngàn người này có thể đi tiếp, không có hỏa pháo thì lấy gì ra đột phá đà thành đây? Còn có đầm lầy bị mấy ngàn con ngựa giày xéo này nữa, toàn bộ bộ binh theo sau còn hành quân qua đây kiểu gì? Suy tính thật lâu bên bờ đầm lầy, Thường Ninh quyết định quay về chỗ cũ dựng doanh trại. Đồng thời, bắn pháo khói màu đỏ thông báo cho trung quân và cánh trái.
Nhìn thấy khói đỏ, hiểu rõ tình hình của cánh phải, Dận Chân choáng váng luôn. Giờ này mặt trời đã tà tà ngả về Tây rồi, binh sĩ cũng bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, nếu giờ còn không tiến công sẽ làm sĩ khí đi xuống nghiêm trọng. Giờ phút này mà quay về doanh trại, phe mình quân số ít, vạn nhất Cát Nhĩ Đan mà xuất kích, thế nào cũng sẽ thành đại họa. Vả lại, trung lộ muốn công kích thì điều kiện tiên quyết là cánh trái và cánh phải phải đột phá được một chỗ hổng. Cánh phải đã không thành, giờ cánh trái cũng từ bỏ giữa chừng thì lần tác chiến này tương đương thất bại rồi.
Có lẽ Đông Quốc Cương cũng cân nhắc đến điểm này, hơn nữa bản thân tính cách Đông Quốc Cương cũng cực kì cứng rắn và quyết đoán, sau khi cân nhắc qua một lát ông nhanh chóng đưa ra quyết định. Thế là Dận Chân và Bành Xuân nhận được lệnh do kỵ binh cấp tốc chuyển đến: “Một khắc sau, nã pháo tấn công!”
============
Chú thích:
(1) Hỏa pháo Phật Lãng Cơ: Là một loại hỏa pháo lưu hành từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỉ XVI ở châu Âu. Nguồn gốc là “ưng pháo” (falconet cannon). Hỏa pháo Phật Lãng Cơ có thể bắn liên tục, còn có tên gọi là pháo cao tốc. Loại pháo này được người Bồ Đào Nha truyền vào Trung Quốc, mà thời nhà Minh, Bồ Đào Nha được gọi là Phật Lãng Cơ nên tên loại pháo này cũng được gọi là hỏa pháo Phật lãng cơ. Cấu trúc là loại pháo có nòng làm bằng sắt, nòng xoắn nạp hậu, gồm 3 phần: Họng pháo, bụng pháo và tử pháo. Ưu điểm là có trục dẫn hướng, đầu ngắm và thước ngắm. Khuyết điểm là tầm xa không bằng hồng y đại pháo.