Thật hiếm khi Ninh Lan được một giấc ngủ bình yên.
Anh thường ngủ không sâu, một đêm tỉnh dậy vô số lần là điều bình thường.
Lần này mở mắt ra, vậy mà lại có ánh sáng lọt qua khe rèm.
Trời sáng rồi.
Đầu óc vẫn đang mơ màng, anh dùng lực chớp mắt vài cái, mới dám khẳng định sự thật.
Đột nhiên bên tai trái vang lên giọng nói: "Dậy rồi à?"
Ninh Lan quay đầu, nhìn khuôn mặt bên giường, ngay lập tức ngây người.
Tuỳ Ý giơ tay vuốt tóc anh, ngón tay ấm nóng sượt qua trán, phản xạ có điều kiện của Ninh Lan là rụt cổ.
Anh và cậu cũng đã có khoảng thời gian bên nhau như vậy, nhưng nó quá ít quá ít, ít đến mức anh thỉnh thoảng nhớ lại, hoảng hốt tưởng rằng mình đang nằm mơ.
"Là em, đừng sợ." Tuỳ Ý nâng khoé môi, lộ ra nụ cười an ủi.
Đôi môi Ninh Lan hơi động đậy, những kí ức đêm qua ùa về trong tâm trí như một cơn lũ.
"Em ở đây, em không đi, không đi đâu, đừng sợ...!đừng khóc."
Giọng nói vang bên tai cùng với vành mắt chua xót nhắc nhở anh – Tối qua anh khóc, khóc trước mặt Tuỳ Ý.
Ninh Lan vừa chán nản vừa bất lực nhắm mắt.
Tất cả mọi việc đều bị anh làm rối tung lên.
Lúc bà Trương bê cơm vào, Ninh Lan đang ngồi trên giường, nhìn chằm chằm vào bông hoa hướng dương in trên chăn.
Tuỳ Ý tiến đến nhận đồ trên tay bà lão, bà như bảo vệ đồ ăn tránh đi: "Cái này cho Ninh Ninh, không có phần của cậu."
Tuỳ Ý hậm hực thu tay.
Đương nhiên cậu biết không có phần của mình, cậu chỉ muốn đút cho Ninh Lan thôi.
Bà lão bê bát cháo, múc một thìa đưa đến bên miệng Ninh Lan.
Ninh Lan ngại để bà hầu hạ, nhích sang cạnh giường muốn tự ăn, giơ tay nắm lấy cán thìa, choang một tiếng, chiếc thìa sứ rơi xuống đất vỡ làm đôi.
Tuỳ Ý tinh mắt nhanh tay nhặt mảnh vỡ, đến phòng bếp lấy cái mới.
Bà lão lẩm bẩm "rơi vỡ bình an" *, vuốt ve bàn tay phải đang run rẩy của Ninh Lan: "Nắm áo của thằng nhóc đó cả đêm không buông, giờ biết đau rồi đúng không?"
* rơi vỡ bình an (tạm dịch) gốc là 碎碎平安,đồng âm với 岁岁平安, đều đọc là "suì suì píng ān", rơi vỡ là hiện tượng phổ biến, sau khi rơi vỡ người Trung hay nói câu "suì suì píng ān" để an ủi mình rằng làm rơi vỡ là một điều tốt, điều may mắn.
Giờ các khớp tay của Ninh Lan muốn động đậy cũng rất mất sức, nhũn như chiếc tay giả mới được lắp vào, điều đó cho thấy "cả đêm" mà bà lão nói không hề khoa trương.
Anh không thể không thừa nhận một sự thật, trừ việc muốn nhắm mắt đi ngủ thì đầu bắt đầu âm ỉ đau, hận không thể nằm ra ngủ một giấc, coi tất cả những điều này như một giấc mơ chẳng liên quan gì đến thực tế.
Tuỳ Ý đưa chiếc thìa mới cho anh.
Ninh Lan rũ mắt nhận lấy, như đang ăn vụng dưới ánh mắt nóng hừng hực của cậu, ăn được một nửa đột nhiên nhớ đến điều gì, hỏi bà lão: "Lỗ đại ca đâu ạ?"
Bà lão đáp: "Tối qua nó đi rồi, bảo cháu tỉnh dậy thì gọi điện cho nó."
Ninh Lan ăn xong đặt bát xuống, lấy ra hai lọ thuốc trong ngăn kéo, cầm cốc nước nóng uống hai viên, sau đó mò điện thoại cũ kỹ to bằng nửa bàn tay dưới gối gọi điện cho Lỗ Hạo.
"Alo, Lỗ đại ca...!em không sao, rất tốt...!uống rồi ạ, vâng, ăn xong mới uống...!Hôm qua đã nói mời anh ăn cơm, kết quả ngủ quên mất.
Tối nay anh rảnh không?...!Vậy em nấu cơm mang đến...!không sao, dù gì ở nhà cũng rỗi mà...!Vâng, được, buổi trưa gặp."
Bà lão thu dọn bát đũa, đợi anh cúp điện thoại, cười tít mắt nói: "Phải đưa cơm cho cậu Lỗ à? Sắp 8 giờ rồi, nhanh lên."
Ninh Lan xuống giường, mở tủ lấy bộ quần áo sạch, đi qua bên cạnh Tuỳ Ý, nói: "Hôm qua cảm ơn cậu.
Nếu không phiền thì ở lại ăn cơm nhé."
Tuỳ Ý cả đêm không chợp mắt, vô cùng mệt mỏi, nghe Ninh Lan nói xong, sắc mặt u ám trở nên sáng sủa hơn một chút.
Rau hôm qua mua ở siêu thị, bí đao thái miếng dày, cho sườn vào ninh nhừ; dưa chuột bỏ đầu đuôi, cắt thành lát mỏng, xào với trứng; cá được sơ chế xong cho hành, gừng, tỏi vào hấp chín là xong, ba món hoàn thành.
Hai bếp đều đang nổi lửa, Ninh Lan đứng bên điêu luyện cho một thìa bột và thìa nước vào nồi canh nhỏ, dùng đũa khuấy nhanh.
Sau khi đảo đều, cá đã được hấp chín, nồi ngào ngạt mùi thơm được bắc ra, đặt nồi canh lên bếp, nhỏ lửa nấu đến khi sôi, cuối cùng tắt bếp để nguội.
Tuỳ Ý vào trong phòng vệ sinh rửa qua mặt, đứng cạnh phòng bếp, muốn giúp đỡ nhưng không tìm được cơ hội chen tay.
Ninh Lan cất nồi vào tủ lạnh, định lấy dưa hấu hôm qua mua ra ăn.
Có lẽ hôm qua Lỗ Hạo thực sự không tìm được chỗ thích hợp, đặt quả dưa hấu ở giá trên cùng.
Ninh Lan đang nhón chân gắng sức lấy.
Tuỳ Ý tiến đến giúp đỡ, như ôm nửa cơ thể của Ninh Lan vào lòng, một tay vươn lên lấy dưa hấu, sau đó đưa cho Ninh Lan.
Ninh Lan ôm dưa hấu lùi sau hai bước, gượng gạo nói: "Cảm ơn."
Mới hơn mười giờ, tiệm tạp hoá nhỏ của nhà họ Trương đã bày bữa trưa.
Ninh Lan ăn hai miếng đã đặt đũa xuống, tách miếng dưa hấu đang nằm trên thớt, dùng thìa tròn múc dưa hấu rồi cho vào hộp và đậy nắp lại.
Hộp cơm còn lại chia tầng, từ dưới lên trên là cơm trắng, dưa chuột xào trứng, sườn bí đao, cuối cùng lấy một chiếc lạp xưởng hấp cùng cơm từ trong nồi cơm điện ra, cắt thành miếng bày lên trên cơm.
Hai hộp cơm xếp riêng vào hai túi xốp.
Trên bàn không có lạp xưởng, chỉ có cá mà Tuỳ Ý không thích ăn.
Vậy lạp xưởng đó hiển nhiên là chuẩn bị riêng cho Lỗ Hạo.
Tuỳ Ý nghẹn họng, còn bà lão bên cạnh hầm hừ trợn mắt nhìn cậu, cho dù là cơm do Ninh Lan tự tay nấu, cũng ăn không ra mùi vị.
Cậu vội vàng và nốt cơm trong bát, đứng dậy cùng Ninh Lan ra ngoài.
"Cậu đi đâu hả?" Bà lão hét to.
"Đưa anh ấy đi ạ."
Tuỳ Ý lao ra khỏi cửa, lấy chìa khoá xe trong túi ra, lên xe khởi động một mạch.
Đêm qua đã tạnh mưa, mặt trời vừa ló dạng, nước trên mặt đất nhanh chóng bốc hơi.
Tuỳ Ý không nhanh không chậm đi theo anh cả một đoạn đường.
Ninh Lan thà phơi nắng cũng không chịu lên xe của cậu, đi bộ đến trạm xe buýt.
Tuỳ Ý tìm một chỗ trống đỗ xe, cùng anh đợi xe buýt.
Tần suất xe buýt ở ven thành phố thấp, phải một lúc sau xe mới đến.
Ninh Lan quẹt thẻ lên xe, Tuỳ Ý theo sau, lấy tờ trăm tệ từ trong túi ra.
Tài xế không kiên nhẫn xua tay với cậu: "Tiền lẻ tiền lẻ."
Ninh Lan vốn đã ngồi yên vị vẫn đứng lên tiến đến cửa giúp Tuỳ Ý quẹt thẻ.
Trở về chỗ ngồi, ghế bên cạnh là một phụ nữ lớn tuổi cũng lên từ bến Tuyền Tây: "Đây là bạn cháu à Ninh Ninh?"
Tuỳ Ý vừa lên xe, tài xế vội vàng khởi hành, cậu nghiêng ngả suýt không đứng vững, bám lấy thành ghế của Ninh Lan ngồi xuống hàng sau, nghe thấy Ninh Lan trả lời người phụ nữ đó: "Đồng nghiệp cũ ạ."
"Đồng nghiệp cũ" Tuỳ Ý ổn định tâm trạng, đi theo Ninh Lan xuống xe trong thành phố, sau đó chuyển sang đi tàu điện ngầm với anh.
Mất một khoảng thời gian đến quầy phục vụ đổi tiền lẻ mua vé một chiều.
Cửa tàu sắp đóng, Tuỳ Ý chân dài sải bước đến, sánh vai đứng cùng Ninh Lan.
Tuyến tàu này từ sáng đến tối đều đông nghịt, may là hành khách trên tàu chỉ cúi đầu nhìn điện thoại, không ai chú ý có một minh tinh lớn đang đứng cạnh ghế dành cho người già và người tàn tật như hạc giữa đàn gà.
Xuống tàu điện ngầm, Tuỳ Ý vẫn đi theo từng bước, rẽ vào lối dẫn đến bệnh viện, Ninh Lan rốt cuộc không nhịn được quay đầu lại hỏi: "Cậu theo tôi làm gì?"
Tuỳ Ý dừng bước, nhất thời không tìm được câu trả lời thích hợp.
Ninh Lan cũng không đợi cậu trả lời, lại nói: "Tôi uống thuốc, không phải phát bệnh, không cần phải đi theo tôi."
Tuỳ Ý nghe thấy hai từ "phát bệnh", ánh mắt ngưng đọng, đến bước chân cũng chậm lại.
Cậu nhìn Ninh Lan vào thang máy, đợi anh bên bồn hoa tầng một.
Đợi một phát đến tận chiều.
Mấy lần lên tầng tìm bác sĩ họ Lỗ, câu trả lời luôn nhận được từ y tá là "Bác sĩ Lỗ đang phẫu thuật".
Tuỳ Ý chạy lên chạy xuống mấy lần cũng không tìm thấy Ninh Lan.
Cậu gọi điện cho thím Khương.
Thím