Sáng hôm sau tỉnh dậy, ánh mắt Tuỳ Ý rơi vào chiếc chăn hoa hướng dương được đắp trên người, nhất thời ngây người.
Sau khi phản ứng lại, cậu vội vàng nhảy xuống giường chạy ra ngoài, đứng ở cửa phòng bếp thấy Ninh Lan đang cầm chảo rán trứng, trái tim treo lơ lửng mới "bịch" một cái rơi xuống.
Ninh Lan nghiêng đầu nhìn cậu: "Dậy rồi à...!sao không đi dép vào?"
Tuỳ Ý xấu hổ quay về, xỏ dép xong rồi ra ngoài.
Một chiếc nồi khác đang đun nước luộc mì, nhúng qua nước lạnh hai lần rồi vớt ra.
Nước canh thêm vài giọt xì dầu và dầu mè, thả mì vào nước, rắc rau và cho trứng lên trên, bữa sáng đã sẵn sàng.
Đây là lần thứ hai Tuỳ Ý ăn mì Ninh Lan làm.
Ăn miếng lớn sợ hết nhanh, ăn miếng nhỏ sợ mì nhũn, cực kỳ bối rối.
Thấy Ninh Lan ngồi đối diện chỉ ăn một nửa đã vứt đấy, quay người ra bàn bếp làm mì lạnh trước đó đã từng làm, Tuỳ Ý lập tức chuyển mục tiêu, nhanh chóng ăn hết mì của mình, sán đến hỏi lúc nào có thể ăn.
Ninh Lan đang đổ nước vào nồi, vừa đổ vừa nguấy, nói: "Tối đi."
Có thể ở đây đến tối, nói không chừng còn có thể ở lại một đêm, Tuỳ Ý vô cùng mãn nguyện, lại nhớ đến chuyện hôm qua Ninh Lan đồng ý với mình, thực sự tuyệt vời.
Hoàn toàn quên mất dáng vẻ sợ sệt của mình hôm qua khi níu kéo anh không chịu buông.
Tâm trạng của Ninh Lan khá tốt, buổi sáng Tuỳ Ý thấy anh uống thuốc, mở tiệm, nấu cơm, vẫn bận rộn như thường ngày.
Thỉnh thoảng có hàng xóm sợ anh đau lòng, thấy tâm trạng anh ổn định, cũng yên tâm, an ủi vài câu rồi đi.
Tuỳ Ý cũng cảm thấy có lẽ anh đã ổn định.
Lời nhắn bà lão để lại bảo anh bán nhà, anh nhất thời không muốn thay đổi hoàn cảnh sống, đợi qua một thời gian nữa, tìm thời điểm thích hợp nhắc anh, không chừng anh sẽ đồng ý ngay lập tức.
Tuỳ Ý tính toán cả rồi, tìm một căn nhà trong nội thành, diện tích không cần quá lớn, hoàn cảnh tốt, giao thông thuận tiện là được, dù gì cũng chỉ có hai người ở.
Còn về bên trong bài trí như thế nào, đều nghe Ninh Lan hết.
Họ có thể cùng nhau mua sắm ở trung tâm thương mại, mua đồ đôi như bàn chải đánh răng, cốc, dép.
Ninh Lan lúc nào cũng đá dép vào gầm giường, bọn họ có thể mua giường dạng hộp, có thể chứa đồ lại không phải vất vả tìm đồ dưới gầm giường, chắc chắn Ninh Lan sẽ thích.
Trước kia Tuỳ Ý không biết, chỉ cần tưởng tượng về việc sống chung với Ninh Lan là có thể nhận ra hạnh phúc là gì.
Sau hơn ba năm xa cách, yêu cầu của cậu đối với cuộc sống ngày càng giảm, cuối cùng chỉ còn lại một điều – Ninh Lan ở bên cạnh là được.
Buổi sáng, Tuỳ Ý có thời gian đọc kĩ kịch bản Vương Húc đưa.
Tháng sau thử vai, đầu năm sau khai máy.
Dường như công ty muốn bù lại lịch trình cậu xin nghỉ nửa năm, tháng 2 năm sau ngoài việc phát hành bài hát mới, còn có một buổi concert tại thủ đô, lịch trình dày đặc.
Chớp mắt, kì nghỉ chỉ còn lại hai, ba tháng.
Tuỳ Ý đột nhiên cảm thấy thời gian eo hẹp, phải biểu hiện thật tốt.
Đầu tiên, hoa mỗi ngày, không được để thiếu.
Khu Tuyền Tây không bán hoa, vì vậy Tuỳ Ý lái xe đến một con phố thương mại xa hơn để mua, thuận tiện mua nguyên liệu Ninh Lan yêu cầu.
Trở về thấy bác sĩ họ Lỗ đó đang đứng trước cửa tiệm tạp hoá, nói chuyện với Ninh Lan đứng trong quầy.
Hồi chuông cảnh báo trong lòng Tuỳ Ý reo ầm ĩ, vừa vào bếp rửa rau, vừa dựng tai lên hóng.
Bọn họ nói chuyện sau khi bà lão mất đến tình hình cá nhân của Ninh Lan.
Lúc này Tuỳ Ý mới biết Ninh Lan mở blog ẩm thực để giải quyết vấn đề tâm lý, không thể không rơi vào trầm tư.
Lúc làm bữa trưa, Tuỳ Ý tiếp tục xắn ống tay giúp đỡ, sợi khoai tây thái thành que khoai tây, nhặt rau cũng không biết bỏ cuống.
Ninh Lan ủ rũ không tinh thần, cũng không lên tiếng, cứ như vậy để cậu cho vào nồi.
Đến khi Ninh Lan ăn cơm rồi nằm bò ra bàn mơ màng, Tuỳ Ý mới nhận thấy có gì đó không ổn, giờ trán thấy nóng bỏng tay.
Đưa Ninh Lan đến bệnh viện gần đó, đo nhiệt độ, truyền nước, Tuỳ Ý vẫn trách bản thân khinh suất.
Mấy ngày nay Ninh Lan bận lo liệu hậu sự của bà lão, dường như không nghỉ ngơi.
Bà lão qua đời là một đòn giáng nặng nề với anh, không khóc không làm loạn không có nghĩa là anh hồi phục tốt.
Trận sốt này kéo dài ba ngày trời, sốt lên sốt xuống, nhiệt vừa giảm lại tăng lên, ngoài truyền nước, giảm nhiệt vật lý cũng đã dùng hết, Tuỳ Ý còn bảo Mễ Khiết giúp cậu gửi miếng dán rốn đến.
Khi cởi áo giúp Ninh Lan dán miếng dán, anh sốt đến mơ màng, vô thức giơ tay ra đẩy, Tuỳ Ý nhẹ nhàng nắm lấy tay anh: "Có chỗ nào trên người anh là em chưa nhìn thấy đâu? Hửm?"
Dường như Ninh Lan nghe thấy thật, mấp máy môi, ngoan ngoãn từ bỏ kháng cự.
Ngày cuối cùng, nhiệt độ cũng giảm xuống, y tá rút kim tiêm nhìn bộ dạng yếu ớt của Ninh Lan, thở dài nói: "Người trẻ tuổi hiện giờ thể chất thực sự không ổn, sốt một cái là như mất nửa mạng vậy.
Chăm sóc sức khoẻ là chuyện cả đời, đừng cậy mình còn trẻ mà dày vò bản thân."
Tuỳ Ý ghi những lời này vào trong lòng, nghĩ rằng tính mạng đáng quý, thế sự vô thường, ra khỏi phòng bệnh đưa ngay Ninh Lan đi kiểm tra sức khoẻ toàn thân.
Ninh Lan truyền nước ba ngày, thấy kim tiêm là sợ.
Tuỳ Ý cũng đăng ký xét nghiệm máu vì để đi cùng anh.
Ngày hôm sau hai người bụng đói đến bệnh viện, cùng nhau giơ cánh tay để bác sĩ châm kim lấy máu.
Tuỳ Ý rút ra một ống máu trong nháy mắt, mạch máu của Ninh Lan mỏng, lấy hồi lâu mới được nửa ống, bác sĩ hết cách đành phải lấy trên mu bàn tay, lúc này mới lấy đủ máu.
Tuỳ Ý nắm cánh tay đầy vết kim châm của Ninh Lan xoa cả tối.
Ninh Lan ngủ một giấc rất ngon, sáng sớm bị chuông điện thoại gọi dậy, thấy Tuỳ Ý vẫn ôm cánh tay anh không buông, vừa cười vừa câm nín đẩy cậu: "Dậy đi, điện thoại kêu kìa."
Tuỳ Ý vẫn đang ngái ngủ, cầm điện thoại ra ngoài nghe nhưng mắt vẫn nheo, mày vẫn nhăn tít.
Trở về lại biến thành bộ dạng khác, sắc mặt trắng bệch, khí lạnh trong mắt đóng băng, sắc nhọn như muốn giết người.
Lời nói ra lại rất nhẹ nhàng: "Mình đến bệnh viện lấy kết quả trước rồi ăn sáng sau."
Ninh Lan nghi ngờ: "Có kết quả sớm thế à?"
Tay Tuỳ Ý giúp anh quàng khăn ngừng lại, đáp: "Có một phần, mình đi xem trước."
Nói là cùng đi xem, thực tế chỉ có mỗi Tuỳ Ý vào trong.
Ninh Lan không thích mùi diệt khuẩn của bệnh viện, ôm trà sữa nóng đứng đợi bên ngoài.
Lúc Tuỳ Ý đi ra hai tay trống trơn, sắc mặt còn kém hơn lúc đi vào, còn tưởng không ai nhận ra, bày ra nụ cười còn khó coi hơn khóc, nắm lấy tay Ninh Lan như trốn không người, nói: "Đói chưa? Muốn ăn gì?"
Ninh Lan có chút chống đối việc tiếp xúc thân mật ở nơi đông người, giằng hai lần không được, chỉ đành kệ cậu, lắc đầu: "Không đói, muốn về nhà."
Hai người lại về Tuyền Tây.
Buổi chiều, Ninh Lan nói muốn ăn bánh ngọt, Tuỳ Ý lái xe