Edited by Gracie.
Trần Lâm Qua theo xe công ty chuyển nhà quay về Khê Thành, kết quả kì thi đại học năm nay vừa được công bố, Tưởng Ngọc Văn liền nhờ người chuyển hộ khẩu và học bạ của anh về Khê Thành.
Đây là chuyện mà "hai mẹ con" đã thương lượng xong từ sớm, nếu thi tốt, hộ khẩu của anh liền tùy theo nguyện vọng mà chuyển đến nơi học đại học, nếu thi không tốt thì bàn lại sau, tóm lại là không thể giữ anh lại trong hộ khẩu nhà họ Trần được nữa.
Trước lúc xe khởi hành, Tưởng Ngọc Văn nhét cho Trần Lâm Qua một tấm thẻ ngân hàng, dù sao cũng là con trai được bà nuôi hơn mười năm, giờ đây khi phải thực sự rời xa, ít nhiều gì bà cũng cảm thấy có chút không đành lòng, "Chế độ thi đại học ở Khê Thành và Thượng Hải không giống nhau, con không cần phải trở về đó, với lại, không phải chủ nhiệm lớp đã liên hệ với trường học cho con rồi sao?"
Trần Lâm Qua nhìn vào người phụ nữ mà mình đã gọi là mẹ mười mấy năm qua, không có biểu tình gì, nói: "Ở đâu cũng vậy thôi".
Tưởng Ngọc Văn hạ giọng: "Mẹ biết trong lòng con không thoải mái, mẹ cũng không nói con...".
Trần Lâm Qua ngắt lời: "Không..."
"Cái gì?"
"Con không có không thoải mái".
Vóc dáng Trần Lâm Qua cao lớn, ban đầu anh dựa lưng vào cửa xe, người hơi cúi xuống để nói chuyện với Tưởng Ngọc Văn, lúc này anh đã đứng thẳng người lại, Tưởng Ngọc Văn không khỏi ngước đầu lên nghe anh nói: "Các người nuôi con nhiều năm như vậy, muốn nói đến chuyện không thoải mái cũng không tới lượt con".
Lời này có chút làm người ta tổn thương, cũng xé rách chút tình cảm cuối cùng của hai mẹ con, Tưởng Ngọc Văn nhét thẻ ngân hàng vào ngăn bên cặp sách mà Trần Lâm Qua đang mang trước ngực, giương mắt lẳng lặng nhìn anh: "Tiểu Lâm, chúng ta không nợ con".
"Chúng ta không ai nợ ai cả".
Trần Lâm Qua lại lấy thẻ ra nhét trả vào tay Tưởng Ngọc Văn: "Là con nợ Tiểu Vũ, quà sinh nhật tặng con bé con đã đặt trong phòng em ấy, nếu có thể, giúp con chuyển lời chúc mừng sinh nhật đến con bé".
"Được".
Tưởng Ngọc Văn cũng không nhiều lời về việc này, cầm thẻ rồi lui về sau một bước nhỏ, "Trên đường đi nhớ chú ý an toàn".
Trần Lâm Qua gật đầu, trước khi lên xe, anh nhìn lại ngôi biệt thự phía sau, tiếp đó mở cửa xe rồi rất nhanh đã ngồi vào trong.
Từ Thượng Hải đến Khê Thành mất khoảng 6, 7 giờ lái xe, khi xe chở Trần Lâm Qua đi được nửa đường thì nhận được điện thoại của Trần Kiến Nghiệp.
Chuyện anh về Khê Thành từ đầu đến cuối chỉ có mình Tưởng Ngọc Văn xử lý, đại khái là hôm nay chuyển nhà động tĩnh quá lớn, người giúp việc trong nhà mới nói cho Trần Kiến Nghiệp biết.
Điện thoại đổ đến hồi chuông thứ hai Trần Lâm Qua mới bắt máy, mở miệng muốn gọi một tiếng "ba" nhưng nghĩ lại có chút buồn cười, nên thôi.
Hai người im lặng khoảng mười mấy giây, Trần Kiến Nghiệp mới mở lời: "Mẹ con hồ đồ thì thôi đi, con cũng muốn làm loạn lên mới chịu phải không? Cút về đây ngay!".
"Không làm loạn, thủ tục đều xong cả rồi".
"Cái rắm!".
Năm xưa Trần Kiến Nghiệp làm công nhân kỹ thuật trong nhà máy thuốc lá, sau đó chuyển xuống phía nam kinh doanh, lăn lộn ở Phố Đông tranh giành việc làm ăn với người ta nên đã luyện được chất giọng khá khỏe: " Một thằng nhóc lông cánh còn chưa mọc đủ như mày thì có thể làm được gì? Dừng lại ở trạm dừng chân tiếp theo cho tao, tao bảo chú Đậu đuổi theo đón về, hôm nay phải cho mày một trận mới được".
Đã lâu rồi không được nghe Trần Kiến Nghiệp mắng chửi người như vậy, Trần Lâm Qua cười nói: "Ba".
"Bây giờ mày mới biết gọi tao một tiếng "ba" hả? Muộn rồi!".
"BA..." Trần Lâm Qua trầm giọng lặp lại lần nữa, qua điện thoại anh đoán rằng ông Trần Kiến Nghiệp giờ đã bình ổn lại nhịp thở, mới nói tiếp: "Con không làm loạn, cũng không phải máu nóng dâng trào gì, mẹ cũng không đuổi con, là con, chính con không muốn ở lại đó nữa.
Con không muốn sống mà lúc nào cũng bị nghi kỵ, bất cứ điều gì con làm cũng bị hiểu lầm là mang mục đích trong đó, con cũng không chịu được việc luôn phải đeo mặt nạ để sống.
Con là một con người, cũng có cảm xúc, cũng sẽ đôi khi tức giận.
Con biết nhiều năm qua ba đối xử với con rất tốt, nhưng ba à, con ở trong cái nhà này thật sự quá mệt mỏi rồi".
Trần Kiến Nghiệp không nói gì, tiếng hít thở của ông rất rõ ràng.
Trần Lâm Qua vô thức kéo kéo dây kéo cặp sách ở bên cạnh, khẽ thở dài: "Ba, để con rời đi thôi, cũng đừng bảo chú Đậu đến nữa, con về Khê Thành cũng có thể tham gia thi đại học".
Hai cha con trầm mặc một lúc lâu, Trần Kiến Nghiệp mới khàn giọng nói: "Trần Lâm Qua, con quá vô lương tâm".
Đủ loại cảm xúc chồng chất từ khi rời đi vào giờ khắc này giống như thủy triều, cứ thế đánh thẳng vào Trần Lâm Qua, làm mũi anh chua xót, nước mắt thiếu chút đã rơi xuống.
Anh vội vàng cúp điện thoại, ngại bên cạnh còn có tài xế không quen biết, bèn quay đầu nhìn ra ngoài cửa xe, từng hàng cây xanh um, tươi tốt cứ thế lướt qua thật nhanh như một thước phim điện ảnh mùa hè mơ mơ hồ hồ.
......
Xe vừa qua trạm thu phí cao tốc, điện thoại di động trong túi Trần Lâm Qua lại vang lên, lúc này là cuộc gọi của chú Đậu, Trần Kiến Nghiệp vẫn bảo chú ấy đi theo đến Khê Thành.
"Ba con bảo chú đi theo con xem thử có chỗ nào cần giúp hay không, thằng nhóc này khá thật đấy, chuyện lớn như vậy chưa nói tiếng nào đã tự ý hành động rồi".
"Chú Đậu...".
Trần Lâm Qua không muốn giải thích thêm bất cứ điều gì nữa.
"Được rồi, còn hai tiếng nữa chú mới đến, gặp mặt rồi nói sau".
Chú Đậu lại dặn dò một câu: "Đến thẳng nhà cũ bên kia đi".
"Con đã đặt phòng khách sạn rồi".
"Con có thể ở khách sạn cả một năm hay sao đại thiếu gia?".
Chú Đậu lại nói: "Đừng cãi chú, chìa khóa nhà chú cầm theo rồi, không nghe lời chú liền trói con mang về".
Việc này chú Đậu thật sự có thể làm được, Trần Lâm Qua không dám cự lại chú ấy nữa, báo cho tài xế một địa chỉ mới: "Đến khu tập thể nhà máy thuốc lá trên đường Bành Nam ạ".
"Được".
Trước kia, Trần Kiến Nghiệp và Tưởng Ngọc Văn cũng là nhân viên của nhà máy thuốc lá, một người chuyên bên kỹ thuật, một người quản lý sổ sách, sau khi nhà máy thuốc lá đóng cửa, hai người cùng nhau xuống phía nam dốc sức mưu sinh, tài sản hiện giờ ở Thượng Hải cũng coi như là lập nghiệp từ hai bàn tay trắng mà nên.
Căn nhà cũ nằm ở tầng sáu tòa trong cùng của tiểu khu, từ năm Trần Lâm Qua 3 tuổi đã sống ở đó, đến 11 tuổi thì theo ba mẹ nuôi chuyển đến Thượng Hải, hiện giờ tính ra cũng đã 6, 7 năm anh chưa trở về.
Lúc xách hành lý lên lầu, anh đột nhiên sinh ra vài phần ảo giác giống như đã qua mấy đời người, nhìn lũ trẻ đang đuổi bắt, chơi đùa với nhau trên