Lãnh Huyết đi qua bờ sông mỹ lệ mà thê lương, vắng lặng, gió thổi lồng lộng. Chàng tiễn Tập Mai Hồng về đến nhà Quách Trúc Sấu, đánh thức y dậy, nhìn thấy y vừa ngáp vừa dụi dụi mắt đóng cửa lại, chàng mới yên tâm rời khỏi đó.
Đối với chàng, trong đời này, lần này “khinh công” có thể nói là nhẹ nhất, cũng là đắc ý nhất.
Bởi vì chàng cơ hồ như đang “cưỡi gió mà tới, đạp gió mà đi”, cả người như bập bềnh phiêu hốt trong gió.
Trong gió có mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ mái tóc của Tập Mai Hồng, trong gió có đôi mắt sáng lấp lánh như sao buổi sớm của Tập Mai Hồng, trong gió có nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời của nàng...
Trong gió, bên cạnh nàng, còn có chàng.
Tuy rằng chàng hoàn toàn không thi triển khinh công.
Sau khi đưa Tập Mai Hồng đến nhà Quách Trúc Sấu, chàng tự nhiên rất yên tâm, điều duy nhất không yên tâm chính là Quách Trúc Sấu ngây ngây ngốc ngốc, chỉ sợ không thể chiếu cố cho vị tam tiểu thư này.
Nhưng chàng không dám lưu lại quá lâu.
Chàng vẫn còn trách nhiệm nặng nề bên mình.
Thiết Thủ còn đang đợi chàng.
Chàng đương nhiên biết Thiết Thủ sẽ đợi, nhưng Lãnh Huyết xưa nay chưa từng để huynh đệ bằng hữu phải đợi mình, lần này đã có thể xem như là một ngoại lệ.
Vì vậy chàng không thể để Thiết Thủ đợi lâu.
Khi rời khỏi Quách gia, trong lòng Lãnh Huyết chợt có cảm giác rất lạ. Chàng thở dài, cho rằng đó là cảm giác lưu luyến không nỡ rời xa, bèn ngẩng cao đầu, sải chân bước đi thật nhanh.
Chuyện lớn chưa xong, không thể bị tình cảm níu kéo.
Vì thế chàng không chần chừ, đi một mạch rời khỏi đó trong ánh mắt ngây dại của Tập Mai Hồng.
Nhưng lần này chàng đã sai lầm, lúc chàng quay đầu rời khỏi nơi ở của Quách Trúc Sấu, chàng đã phạm phải một sai lầm không thể nào bổ cứu.
Thiết Thủ và Lãnh Huyết đã sục sạo tìm kiếm trong khu mộ cả hai canh giờ, ngoại trừ tử thi, còn có một số quan tài không, nhưng cũng chẳng có phát hiện gì đặc biệt.
Trời đã gần sáng.
Nghi vấn trong lòng hai người thì vẫn không thấy ánh sáng.
Quách Thương Hùng rốt cuộc đã phát hiện được điều gì ở đây?
Lẽ nào chính là phát hiện những quan tài không này? Quan tài vốn để cho người chết nằm, nhưng chỉ có quan tài, không thấy người chết, liệu có phải hơi bất bình thường không?
Người chết đi đâu rồi?
Khắp nơi trong mộ trường đều có người chết. Có một số vì bị mưa dập gió vùi, nên quan tài nứt toác ra, khiến thi thể lộ ra, có một số bị nước và bùn đất đùn lên, đến nỗi phơi cả chân tay người chết ra ngoài. Có một số còn bị dã lang dã khuyển đào bới, thi cốt bị kéo hẳn ra, thậm chí còn bị lũ đào trộm mộ bới lên, vứt thi thể ra đất... những quan tài không này, liệu có phải là của những thi thể đó?
Lãnh Huyết và Thiết Thủ đều không biết.
Có lẽ đêm mà Quách Thương Hùng phát hiện bí mật đó, những quan tài trống không này không phải là quan tài rỗng, mà chứa những vật rất đặc biệt.
Trong quan tài không lưu lại bất kỳ dấu vết gì, ngoại trừ hoàng thổ, xú khí, bạch cốt và mấy mảnh y phục cũ với một chút nước chảy ra từ thi thể người chết.
Rốt cuộc trong đó đã chứa những gì?
Thiết Thủ và Lãnh Huyết cũng không thể trả lời câu hỏi này.
Lẽ nào bí mật không ở những cỗ quan tài bị quật lên đó, mà ở trong những cỗ quan tài đang chôn sâu dưới đất kia?
Nghĩ tới đây, Thiết Thủ và Lãnh Huyết chỉ biết cười khổ, mộ trường này ít nhất cũng phải có một vạn quan tài thi thể từ trước đến nay, có một số đã bị bùn đất đùn lên, làm quan tài vỡ tung, thi thể chìm sâu vào lòng đất và sớm bị phân hủy từ lâu, nếu bảo hai người bọn họ đào từng cỗ quan tài lên, chỉ sợ không mất một hai năm thời gian mới là chuyện lạ. Cho dù khai quan quật mồ có thể điều tra được chân tướng, nhưng hương dân làm sao có thể để cho người khác tùy tiện đào mộ tổ tiên của mình lên như thế?
Thiết Thủ và Lãnh Huyết tự nhiên không thể giải quyết được chuyện này.
Nhưng hai người có thể khẳng định một chuyện.
Nếu có người chôn ở đây những thứ quan trọng hoặc không muốn bị người khác phá hiện, vậy thì trong đống mồ mả loạn xạ này, dù người người chôn thứ đó xuống cũng khó mà nhận ra được mình đã chôn ở đâu, trừ phi đó là một nơi cực kỳ dễ nhận hoặc giả có dấu hiệu gì đó.
Những người cao minh không bao giờ đem giấu những vật quan trọng vào những nơi ẩn mật hoặc có điểm gì đặc biệt, cũng giống như một người thông minh tuyệt đối không giấu châu báu kim ngân của mình dưới gậm giường vậy.
Mà ký hiệu dễ nhận ra nhất, lại không sợ bị lẫn lộn, càng không dễ bị người khác phát giác trong mộ trường này chỉ có một thứ.
Bia mộ.
Người chết đều có bia mộ, cũng giống như người sống đều có tên vậy.
Đương nhiên cũng có người sống mà cả tên cũng không có, những người này khi chết đương nhiên cũng không có bia mộ.
Có một số người chết đi, mộ phần được xây dựng thập phần hoa lệ, chiếm cả khoảng đất rộng, hùng cứ trên cao, mộ trí khắc chi chít những chữ lớn chữ nhỏ thuật lại công đức của người chết lúc sinh tiền (đương nhiên vì giấu ác khoe thiện, nên những sai lầm tất nhiên là không được khắc lên), chết rồi vẫn còn muốn làm quỷ bá vương. Kỳ thực, trải qua ngàn năm sau, thi thể của người đó sẽ trôi dưới lòng đất đến một mộ phần vô danh vô tính nào đó cũng không thể liệu trước được.
Rất hiếm có người nào nhàn rỗi để đi đọc tên trên từng bia mộ một, vậy mà Lãnh Huyết và Thiết Thủ đến cả mộ chí cũng không bỏ qua.
Bởi vì bọn họ từng nghe Quách Thu Phong nói, vào đêm trước khi Quách Thương Hùng ngộ nạn có kể cho y nghe về bí mật mình đã phát hiện được, ngoại trừ bí mật trong quan tài, hình như còn có một bí mật khác.
Bí mật của bia mộ.
2.
Bia mộ có bí mật.
Nhưng Lãnh Huyết và Thiết Thủ đều không phát hiện ra được gì.
Lúc này trời đã sáng bảnh.
Thiết Thủ, Lãnh Huyết không chỉ chú ý đến bia văn, mộ huyệt mà thậm chí cả chất đá của tấm bia họ cũng rất lưu ý. Quách Thương Hùng ôm một tấm bia vô danh mà chết, trên tấm bia đó có khảm một thứ ngọc thạch gọi là “Thiểm Sơn Vân”.
Cả hai càng chú ý xem có hố chôn bia nào mới bị đào lên hay không, đồng thời cũng kiểm chứng xem có phải tấm bia mà Quách Thương Hùng ôm lúc chết có phải ở đây hay không?
Kết quả là, không có loại ngọc thạch đó. Và do trộm mộ, nước xói mòn, bùn đất đùn lên nên những hố chôn bia ở đây rất nhiều, không biết là mới hay là cũng, mà cũng không thể phân biệt được hố nào là mới, hố nào là cũ.
Thiết Thủ và Lãnh Huyết giờ mới biết được trong câu nói “Phàm là những chỗ khả nghi, Du đại nhân và tại hạ đều đã cho quật lên kiểm tra rồi, nhưng vẫn không có chút kết quả” của Tạ Tự Cư có bao nhiêu là chán nản và bao nhiêu thất vọng.
Lãnh Huyết và Thiết Thủ bận rộn nửa ngày trời, kết quả là không thu hoạch được gì. Cả hai chỉ muốn ngửa mặt mà kêu lớn, đánh thức những người chết nằm dưới lòng đất dậy giải đáp những nghi vấn trong lòng.
Có điều hai người đương nhiên không làm như vậy.
Nhưng có người đang cao giọng gọi tên họ.
“Thiết nhị gia!”.
“Lãnh tứ gia!”.
3.
Người gọi tên Thiết Thủ và Lãnh Huyết thở hổn hà hổn hển, rõ ràng là đã chạy cả một quãng đường dài tới đây để tìm hai người.
Người này là Tập Hoạch.
Tập Hoạch là một tránh đinh ở Tập gia trang, ngày ấy khi Thiết Thủ và Lãnh Huyết lần đầu đến Tập gia trang, chính là Tập Hoạch đã dẫn đám gia đinh cản hai người lại không cho vào.
Tập Hoạch xưa nay luôn là một thủ hạ vừa tinh minh vừa trung thành của Tập gia trang.
Tập gia trang cách Đại Bá Công Nghĩa Trường không xa lắm, với võ công của Tập Hoạch đương nhiên không đến nỗi phải thở phì phò như trâu thế này, trừ phi là gặp phải chuyện cực kỳ khẩn cấp khiến y phải toàn lực chạy đến.
Thiết Thủ và Lãnh Huyết nghĩ tới đây, lập tức chạy tới.
Tập Hoạch thở gấp, lắp bắp nói: “Không... không không không... không xong rồi... có đại đạo hái hoa... lẻn vào... lẻn vào Tập gia trang... bắt Tiểu Chân cô nương...”.
Chữ “nương” vừa mới thoát ra khỏi miệng Tập Hoạch, Thiết Thủ đã chộp lấy hai cánh tay y lắc mạnh: “Tiểu Chân cô nương làm sao rồi?”.
Tập Hoạch rống lên thảm thiết như heo bị chọc tiết: “Đau quá!”.
Hai chữ này vừa hay lại nói rất liền mạch chứ không hề lắp bắp.
Thiết Thủ giờ mới giật mình buông tay, nôn nóng hỏi: “Mau nói đi!”.
Tập Hoạch lắp ba lắp bắp: “Đại đại... đạo hái hoa... vào... vào phủ, bắt Tiểu... Tiểu Chân cô... cô nương, nhưng bị... bị... bị...”.
“Bị cái gì?”.
Lòng Thiết Thủ nóng như bị lửa đốt.
Tập Hoạch càng quýnh lên, gãi đầu gãi tai một lúc mới nói được tiếp: “Bị... bị... bị... Trang chủ phát giác... bắt... bắt... gặp... sau... sau... sau đó đánh nhau... đánh... ở Quốc An Các...”.
“Hiện giờ sao rồi?”.
Thiết Thủ gắt lên.
Tập Hoạch bị chàng hét lên một tiếng, không ngờ lại nói được một câu hoàn chỉnh.
“Còn đang giằng co trong trang”.
Từ sau sự kiện “Toái Mộng Đao” tứ đại cao thủ của Tập gia trang bao gồm Trang chủ Tập Tiếu Phong, đại tổng quản Đường Thất Kinh, nhị quản gia Tập Anh Minh, tam quản sự Tập Lương Ngộ toàn bộ đều đã mất mạng. Tập gia trang nhân tài điêu linh, Tập Mai Hồng lại không có mặt trong trang, giờ chỉ có một mình Tập Thu Nhai thần trí vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn chủ trì đại cục, nếu như có cao thủ thừa cơ xâm nhập, đích thực Tập gia trang khó mà ngăn cản nổi.
Tập Hoạch lại nói tiếp: “Hai vị... mau mau đi, nếu còn chần chừ... sẽ hỏng hết đó”.
Nhưng từ lúc y mở miệng nói ra câu này, Thiết Thủ và Lãnh Huyết đã không còn thấy đâu nữa rồi.
4.
Thiết Thủ và Lãnh Huyết xông thẳng vào Tập gia trang.
Đám hộ vệ bên ngoài chỉ kịp nhìn thấy hai bóng nhân ảnh lao vào như lốc xoáy,