Thái Sơn!
Xưa kia là Đông Nhạc, thuộc một trong năm đại danh sơn Trung Nguyên, núi cao ngàn trượng, trên có rất nhiều chùa cổ, người xưa có câu: “Lên Thái Sơn sẽ thấy thiên hạ bé” đủ biết ngọn núi này cao đến dường nào.
Lúc này đang là cuối thu, thời tiết rất lạnh, nhất là ở trên tuyệt đỉnh Nhận Quán phong. Một người mảnh khảnh mặc áo dài màu lam biếc đang đứng trước gió núi giá lạnh, bên kia là tấm bia đá ngàn năm có khắc ba chữ Nhận Quán phong to lớn, trước sương mây mịt mùng, ánh chiều tà mờ ảo.
Gió núi thổi tung vạt áo chàng, làm rối loạn mái tóc ngay ngắn của chàng, đồng thời cũng làm cho biển lòng của chàng gợn sóng sầu thương. Trên gương mặt anh tuấn của chàng phảng phất một vẻ buồn hệt như sương chiều, trong mắt rân rấn lệ nóng.
Hôm nay là ngày chàng - Ngô Sương từ biệt ân sư dấn thân vào chốn giang hồ, đối với kẻ khác thì hôm nay vẫn bình thường như mọi ngày, nhưng riêng đối với Ngô Sương thì đây là một ngày đau buồn nhất trong mười mấy năm qua.
Thật vậy, sinh ly tử biệt, ai mà không đau buồn kia chứ?
Trong sương mây mờ ảo tưởng chừng như hiện ra gương mặt già nua hiền từ của một lão nhân gia, đó chính là ân sư của chàng, người đã hết lòng yêu thương dạy dỗ chàng trong suốt mười năm dài.
Chàng buông một tiếng thở dài, lẩm bẩm :
- Mười năm, đó là một khoảng thời gian dài biết bao!
Thế là trong gió núi lồng lộng, trong sương mây mịt mờ, chàng thiếu niên có khí chất siêu phàm này phảng phất như lại trông thấy bãi cỏ xanh mà chàng đã chăn bò hồi thủa bé, bãi cỏ bỗng biến mất, thay vào đó là sao lạnh đầy trời với những con mắt vô tình đang trố to và buông tiếng cười ghê rợn, rồi đàn bò biến mất, thật là hãi hùng kinh khiếp, đàn bò biến mất trong lúc chàng mơ màng ngủ, lúc bấy giờ chàng hãy còn là một đứa bé chưa đầy mười tuổi.
Ngô Sương nhếch môi cười chua xót, lắc đầu nói :
- Lúc bấy giờ mình cảm thấy toàn thân tê dại, tội nghiệp cho phụ mẫu thân, họ chỉ là nông dân nghèo trong thôn Liễu Ngô, đâu có khả năng để bồi thường đàn bò cho những phú hộ trong thôn.
Thế rồi sương mây bỗng cuồn cuộn tan đi rồi lại hội tụ, hệt như một đàn sói dữ ồ ạt lao đến.
- Vâng, đó chính là một đàn sói dữ. Ngay khi mình khóc la tìm kiếm đàn bò, mình đã trông thấy đàn sói dữ nhe răng múa vuốt, thật là khủng khiếp! Những con mắt xanh rờn và tiếng tru chói lói kia... may nhờ ân sư đã đến kịp lúc, đánh đuổi lũ sói hung tàn kia, cứu thoát mình đưa đến Tề Vân bình ở phía sau núi Thái Sơn. Trong Dưỡng Tâm động ân sư đã truyền dạy cho mình những học thức và võ nghệ mà trước đó nằm mơ mình cũng không nghĩ đến. Sở học của ân sư thật là uyên bác, lão nhân gia ấy cơ hồ như biết hết mọi sự trên đời... Thật không ngờ Dưỡng Tâm động đơn sơ kia lại tạo cho mình một tài sản cả đời không hưởng dụng hết.
Gió núi mỗi lúc một càng lạnh hơn, Ngô Sương kéo cổ áo lại, quyến luyến đưa mắt nhìn quanh, giọng bùi ngùi nói :
- Mình rời xa thôn Liễu Ngô mười mấy năm rồi, chẳng rõ nơi ấy đã thay đổi đến dường nào? Ôi, tiếng chuông của ngôi cổ miếu kia, những ngọn cây già chếch bóng kia... Có lẽ song thân đã tóc bạc da mồi, chẳng rõ có còn nhân ra được đứa con bất hiếu này hay không?
Dĩ vãng như rất xa, lại như gần ngay trước mắt.
Trên Tề Vân bình vẫn sương mây mờ mịt, Ngô Sương thơ thẫn đứng nhìn, nhưng chàng nào trông thấy được gì.
Một tiếng chuông ngân vang từ Ngọc Hoàng các, theo gió lan xa vọng khắp núi đồi.
Ngô Sương giật mình, quyến luyến nhìn quanh lần cuối, sau đó phi thân xuống núi về phía nam.
* * * * *
Thành Thái An là bức bình phong chắn ngang giữa Tế Nam với Sơn Đông và cũng là một thành thị lớn nằm gần Tế Nam nhất về phía Nam.
Từ Nhận Quán phong đến phường Đại Tông nằm ngoài cửa bắc thành Thái An xa đến năm mươi dặm, nếu là người thường thì phải mất gần một ngày trời mới đi tới nơi, song đối với Ngô Sương thì chừng chỉ một giờ rưỡi đã bước chân vào thành Thái An.
Lúc này trời đã hoàng hôn, mọi nhà trên đường phố đều đã đèn sáng treo cao, tiệm quán như rừng, người qua lại chen chúc. Ngô Sương vốn là một đứa bé chăn bò ở nông thôn, lại trải qua mười năm khổ luyện võ công trong thâm sơn, sớm tối chỉ tiếp xúc với một lão nhân, ngày ngày chỉ nhìn thấy rừng núi ngút ngàn, suối nước quanh co và những áng mây trắng, những cánh chim bay trên trời cao.
Giờ đây tiếp xúc với phồn hoa đô hội hoàn toàn khác trước, chàng cảm thấy tất cả đều mới lạ lôi cuốn, đây thật là một chuyển biến lớn trong đời chàng.
Ngô Sương thả bước theo đường phố đi một hồi, tìm đến một khách điếm lớn nhất trong thành với tấm biển nền đen chữ vàng là Cao Thăng Sạn.
Khách điếm này nằm trên đại lộ, rất khí phái và rộng lớn, vừa là khách điếm vừa là tiệm ăn, hết sức tiện lợi.
Ngô Sương thoáng chút do dự chưa kịp bước vào cửa thì điếm tiểu nhị đã niềm nở cười tiến ra đón tiếp. Điếm tiểu nhị này trông rất trẻ, trên vai vắt một chiếc khăn cũ, cúi gập người cung kính hỏi :
- Thiếu gia ăn uống hay là nghỉ trọ? Ăn uống thì tiểu điếm có các món ăn hảo hạng, nghỉ trọ thì có phòng rất sạch sẽ và yên tĩnh.
Ngô Sương thoáng đỏ mặt khẽ nói :
- Ăn uống trước rồi nghỉ trọ!
Điếm tiểu nhị cung kính vâng dạ, đưa Ngô Sương đi thẳng đến một gian phòng khách nằm bên hành lang trong khu nhà thứ ba. Phòng được chia làm hai gian, một to một nhỏ, gian trong có một giường một bàn, gian ngoài là khách sảnh, gồm có một chiếc bàn vuông sơn đỏ, trên có đầy đủ văn phòng tứ bửu, trên bốn bức vách đều có treo họa tự, tuy không phải là danh phẩm song cũng hết sức trang nhã.
Lát sau điếm tiểu nhị mang nước rửa mặt đến, chờ Ngô Sương chải rửa xong, lại ân cần đưa Ngô Sương ra ngoài phòng ăn dùng bữa tối.
Ra đến tiền sảnh, lúc này khách đã đông nghịt, chỉ còn lại hai chiếc bàn trống, Ngô Sương tùy tiện ngồi xuống một bàn. Vừa ngồi xuống, điếm tiểu nhị đã liên tiếp báo ra mười mấy món ăn.
Nhưng Ngô Sương hoàn toàn không nghe rõ, đành ngại ngùng nói :
- Tùy hai món nào cũng được!
Điếm tiểu nhị liền cười bỏ đi, ra sau bếp căn dặn. Nhân khi ấy, Ngô Sương tỏ ra hết sức tự nhiên, lần lượt kín đáo quan sát từng bàn thực khách, tình cảnh này thật khác xa với cuộc sống đạm bạc trong cổ động trước đây.
Tiếng thù tạc, tiếng cười nói ồn ào, ngay khi chàng đang hiếu kỳ đưa mắt nhìn bốn phía thì điếm tiểu nhị đã mang thức ăn đến. Đó là một món mặn và một món chay, kèm theo một món canh, điếm tiểu nhị cười xởi lởi giới thiệu :
- Mấy món ăn này tiểu nhân đã đặc biệt căn dặn nhà bếp làm hết sức vừa khẩu vị, món thịt và canh không kể, chỉ có món chay cải xanh xào sữa tươi này là đặc sản của địa phương, nổi tiếng gần xa, mọi thượng khách qua lại thành Thái An đều rất thích món này. Thiếu gia hãy thư thả mà thưởng thức xem mùi vị thế nào.
Ngô Sương mỉm cười gật đầu, điếm tiểu nhị lại vội vã đi hầu tiếp những thực khách khác. Điếm tiểu nhị vừa đi khỏi, Ngô Sương cả ngày chưa ăn uống gì, sớm đã bụng đói cồn cào, liền cầm đũa lên ăn thử một miếng cải xanh xào sữa tươi quả nhiên ngon khôn tả.
Chàng thầm nhủ :
- Thành thị với thâm sơn quả là cách biệt...
Ngay khi ấy, bỗng nghe ngoài đường tiếng vó ngựa rầm rộ, từ xa thoáng chốc dừng lại trước cửa điếm, các điếm tiểu nhị liền kéo nhau ra đón tiếp, những thực khách cũng đều hướng ánh mắt ra cửa.
Ngô Sương cũng đưa mắt nhìn ra ngoài, chỉ thấy hơn hai mươi người già trẻ tất thảy đều mình đày gió bụi, hiển nhiên đã trải qua một chặng đường dài. Trong số họ, người già nhất tuổi từ bốn mươi đến năm mươi, y phục gọn gàng thân thể rắn chắc, số người trẻ thì tuổi từ mười tám đến hai mươi ba, ai nấy đều anh khí lẫm liệt, tinh thần sung mãn, tất thảy đều có mang vũ khí và những con tuấn mã bên ngoài cũng đều yên cương hết sức chỉnh tề.
Ngô Sương đang lúc thắc mắc về lai lịch những người này, bỗng nghe một thực khách gần bên lẩm bẩm nói :
- Ồ, thì ra những người đến khảo thí!
Ngô Sương nghe vậy liền thầm nhủ :
- Những người trẻ tuổi có lẽ là võ sinh, còn những người già hẳn là sư phụ của họ.
Võ nghệ họ tập luyện tuy phương thức khác với mình, những dẫu sao cũng chung nguồn gốc, khác chăng là mục đích của họ nhằm tranh cầu lợi danh, rạng rỡ tông môn, còn mình thì xông pha trên chốn giang hồ, phò thiện diệt ác, bên vị kỷ, bên vị tha, khác biệt hẳn nhau.
Qua đó chàng lại nhớ đến những lời dạy của ân sư, mười năm dài biết bao kỷ niệm. Vừa mới xa rời vị lão nhân gia hiền từ ấy chưa đầy một ngày mà chàng đã cảm thấy như đã lâu lắm rồi.
Bỗng tiếng ồn ào vang lên :
- Điếm gia, điếm gia, chuồng ngựa không đủ, nước cũng hết sạch rồi!
- Chưởng quầy, còn thiếu thức ăn cho sáu con ngựa nữa...
- Hãy mang nước đến nhanh lên, làm cái quái gì thế này?
Các điếm tiểu nhị cuống cả lên, vội đáp :
- Vâng, vâng các vị khách quan, lão gia có ngay đây, có ngay đây!
Nhưng trong số những thực khách mới đến ấy vẫn còn mười mấy người ra chiều rất nôn nóng, không ngớt ra vào tìm kiếm nước và chuồng cho ngựa. Những người già thì tỏ ra bình tĩnh hơn. Đang khi hỗn loạn, bỗng từ trong khu nhà phía tây vang lên một giọng già nua nói :
- Các vị khách quan xin hãy bớt nóng, nơi góc tiền sảnh hãy còn một chuồng ngựa cũ, lão ô đang bận không ra được, phiền chư vị khách quan hãy tự tìm lấy giùm cho.
Tiếng nói rất thâm trầm mạnh mẽ, tất cả mọi người đều nghe rõ ràng, tiếng ồn ào cũng liền tức lắng dịu.
Ngô Sương thầm nhủ :
- Trung khí thật sung mãn!
Sau đó tiếng ồn lại vang lên, đó là tiếng bước chân của những người đi tìm chuồng ngựa.
Lát sau có tiếng bực tức nói :
- Điếm gia, chuồng ngựa đã nói ở đâu, xin hãy chỉ giùm cho!
- Rõ là láo toét, bọn này đã tìm khắp sân có thấy chuồng ngựa đâu chứ!
- Thật là vớ vẩn...
Thế là, lại một tiếng thở dài vang lên từ trong khu nhà phía tây, tiếp đến là tiếng lọc cọc đều đặn. Lát sau một lão nhân một tay một chân đã hiện ra nơi cửa viện. Chỉ nghe thực khách có người khẽ nói :
- Lão chưởng quầy đã đến!
Lúc này mọi người đều hướng mắt về phía lão nhân tàn tật, nhất là những người tìm chuồng ngựa lại càng chú ý hơn.
Họ vừa quan sát lão nhân tàn tật vừa nghĩ thầm :
- Để xem lão tìm đâu ra chuồng ngựa cho biết!
Ngô Sương thấy lão nhân này tuổi trạc thất tuần, mày rậm mắt to, sắc mặt hồng hào, người cao to khỏe, râu bạc dài phủ ngực, thần thái hết sức uy mãnh. Lão nhân này cụt mất một chân trái và chỉ còn lại nửa cánh tay, ngọn quải trượng dưới nách trông rất là nặng nề.
Lúc này lão nhân bình tĩnh quét mắt nhìn những người trước sảnh, vẫn tiếp tục đi về phía bờ tường, tuy một chân một nạng song bước chân hết sức vững vàng. Lão nhân đi đến gần bờ tường, dừng lại bên một khung đá hình vuông ngang bằng với mặt đất, khom người xuống tay phải nhẹ nhàng vươn ra, năm ngón tay đã cắm vào mặt đất cứng rắn.
Chỉ thấy lão nhân năm ngón nâng nhẹ, khung đá hình vuông liền cất lên cao, ào một tiếng, một chuồng ngựa bằng đá dài cỡ sáu thước rưỡi và cao cỡ hai thước đã hiện ra trước mắt. Và trên mặt đất cũng liền hiện ra một cái hố ngay ngắn kích thước bằng với chuồng ngựa.
Trong khi mọi người kêu lên sửng sốt, lão nhân lại nhẹ nhàng lật ngược chuồng ngựa đập xuống đất, trút hết những đất cát trong chuồng ngựa ra, sau đó đặt chuồng ngựa xuống, chậm rãi đứng thẳng lên, rũ bỏ đất đất dính trên tay phải, trầm giọng nói :
- Các phổ kỵ, hãy mang tàu đá này ra chuồng ngựa ở hậu viện mau!
Sau đó quay sang nhìn những người khách kia, thành khẩn nói :
- Phiền chư vị đã phải đợi quá lâu!
Cả thực sảnh từ trong đến ngoài đều im phăng phắc, những người ngoài sân đều đứng thừ tại chỗ, chỉ có tiếng bước chân hối hả và tiếng thở hổn hển của các phổ kỵ khiêng chuồng đá.
Những người vừa rồi còn nghênh ngang hống hách, giờ đây hẳn là đang thầm nghĩ :
- Chút võ nghệ của mình so với người ta thật kém xa một trời một vực!
Lão nhân thấy vậy mỉm cười nói :
- Các vị khách quan hãy tự tiện, lão ô xin cáo lui!
Đoạn liền nhấc quải trượng lên định bỏ đi...
- Lão trượng khoan đi đã!
Trong đám đông tiến ra một người tuổi trạc ngũ tuần, chính là một vị sư phụ của những người khách ấy. Người này đi đến trước mặt vị lão nhân không xa, vòng tay thi lễ nói :
- Tại hạ là Hứa Tư Kiệt, hôm nay kể như đã được mở rộng thêm tầm mắt tại đây, tục ngữ có câu: “Cùng thuyền qua sông là hữu duyên”, hôm nay chúng tại hạ xin được kính mời lão trượng vài chum rượu, vạn mong lão trượng đừng từ chối và trách chúng tại hạ sỗ sàng.
Lão nhân bật cười ha hả hào sảng nói :
- Tục ngữ có câu: “khách theo ý chủ”, hôm nay vậy là khách trở thành chủ rồi!
Thế là hai mươi mấy người đi vào tiền sảnh, bảo điếm tiểu nhị bày tiệc vui vẻ ăn uống.
Ngô Sương lẽ ra đã ăn xong, nhưng vì hiếu kỳ lại gọi thêm một ấm trà nóng ngồi uống nhâm nhi để nghe lão nhân nói gì.
Lão nhân tửu lượng rất mạnh, hơn hai mươi người thay phiên mời mọc đã uống hơn trăm chung mà không hề có vẻ say, các vị sư phụ cao tuổi nói năng vẫn giữ chừng mực nhưng bọn trẻ thì đa số chưa hết tính trẻ con, không ngớt hỏi hết điều này đến điều kia. Lão nhân như cũng rất là cao hứng, hỏi gì đáp đó, duy chỉ khi hỏi đến xuất thân lai lịch thì lão đều khéo léo lái sang chuyện khác, có ý lẩn tránh.
Con người là loài động vật thật lạ kỳ, nhất là tuổi trẻ, những gì kẻ khác càng giấu thì lại càng muốn biết, huống hồ quá khứ lão nhân tàn tật này lại càng có một sức lôi cuốn mạnh lạ thường.
Lúc này đã quá canh ba, lão nhân rượu đã ngà ngà say, chủ khách vẫn tràn trề hứng thú. Bỗng có hai thiếu niên đứng lên, trông tuổi tác dường như trẻ nhất trong đám, nhưng vẻ mặt dễ mến và tinh nghịch. Hai người ngầm như đã có giao ước, một người cầm chung, một người xách ấm, sóng vai đi đến trước mặt lão nhân cung kính nói :
- Lão tiền bối, hôm nay chúng vãn bối hết sức vinh hạnh được tiền bối chỉ giáo cho rất nhiều điều hữu ích, vãn bối xin được kính tiền bối ba chung, nếu mai sau còn có cơ duyên, vẫn xin tiền bối chỉ giáo nhiều cho... Như vậy chúng vãn bối hết sức lấy làm mãn nguyện.
Lão nhân mỉm cười :
- Tiểu huynh đệ ngoài việc kính rượu, phải chăng là còn có vấn đề gì khác?
Hai thiếu niên cùng đỏ mặt, người lớn tuổi hơn bẽn lẽn nói :
- Không dám, chỉ xin lão tiền bối kể cho nghe một ít