Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân

Chương 6


trước sau


Bí Ngô nghe xong, ngoan ngoãn "vâng" to một tiếng rồi kéo tay tôi đi lại gần giường bệnh, khi nhìn rõ người đàn ông kia, trong lòng tôi bất giác trở nên nặng nề.

Năm năm nay, ấn tượng của tôi về Tuấn không nhiều, hầu như chỉ toàn là những điều xấu.

Tôi còn nhớ rõ khi đó ngồi cùng bàn rượu, ai cũng khen anh ta đẹp trai, mà tôi lúc ấy cũng thấy Tuấn có khuôn mặt rất sáng sủa, trên môi luôn treo một nụ cười cợt nhả và xấu xa, vừa nhìn đã biết là dạng công tử phong lưu, cả ngày chỉ biết tiêu tiền vào những việc vô bổ.
Vậy mà bây giờ sau năm năm, gặp lại lần thứ hai thì mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.

Anh ta nằm yên tĩnh trên giường bệnh, hai má hốc hác, quầng mắt trũng sâu, vì lâu ngày không vận động nên chân tay anh ta rất gầy, làn da trắng bệch và tái nhợt.

Lúc này, Tuấn chỉ là một người bệnh yếu ớt bình thường thôi, không còn là một đại gia chơi bời trác táng như xưa nữa.
Số phận con người đúng là mãi luẩn quẩn trong một vòng luân hồi, dù giàu có đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi, lão, bệnh, tử.

Bí Ngô đứng bên cạnh tôi, nhìn thấy bố thì khoanh tay dõng dạc chào, sau đó, con bé lại quay sang hào hứng giới thiệu với tôi:
- Mẹ ơi, bố đấy.

Bố đang ngủ mẹ này.
- Ừ, mẹ thấy rồi.
- Mẹ bảo bố đi làm xa, nhưng sao bố cứ ngủ mãi thế này hả mẹ? Bố không dậy đi làm hả mẹ?
- Bố bị ốm, không đi làm được.

Đợi khi nào bố dậy thì bố đi làm kiếm tiền mua sữa cho Bí Ngô nhé?
Nói đến đây, tôi sợ con bé lại hỏi "khi nào bố dậy" thì không biết trả lời thế nào, đành lảng sang chuyện khác:
- Bí Ngô thử cầm tay bố, nói chuyện với bố đi con.
Con bé dè dặt quay lại nhìn bác cả, thấy Huy không nói gì, Bí Ngô mới chậm chạp cầm tay Tuấn lên, áp vào má mình rồi chu môi gọi:
- Bố ơi, con với mẹ đến thăm bố này.

Bác cả nói khi nào bố dậy thì bố sẽ cho Bí Ngô đi tàu điện giống bố em Jin Jin.

Bí Ngô muốn đi tàu điện bố ạ.
- …
- Sao bố ngủ say thế? Bố nhanh nhanh dậy để đưa Bí Ngô đi tàu điện nhé.

Các bạn trong lớp cũ của con có bố đến đón tan học, Bí Ngô không có, các bạn cười Bí Ngô.

Hôm sau bố dậy nhớ đưa Bí Ngô đi học cho các bạn không cười Bí Ngô nữa nhé.
Bí Ngô thấy bố không trả lời, lại thất vọng đặt tay Tuấn trở về chỗ cũ, con bé vẫn chưa biết đắp chăn lại cho bố, tôi thấy thế mới cúi xuống, cầm tay anh ta cho vào chăn.

Tuy nhiên, chẳng biết có phải tôi tưởng tượng hay không mà lúc đặt tay anh ta xuống, tôi lại đột nhiên thấy ngón tay của Tuấn khẽ động một cái.
Một người sống thực vật mà bỗng dưng cử động như thế khiến tôi giật mình, hoảng hốt thu tay về.

Cùng lúc này, Huy có lẽ cũng phát hiện ra tôi hơi khác thường nên ngay lập tức bước lên ba bước, đứng ngay sát bên cạnh tôi:
- Có chuyện gì?
- Hình như… tôi không biết nữa, hình như tay em trai anh mới cử động.
Anh ta nhíu mày, vội vàng lật chăn lên kiểm tra tay Tuấn.

Sờ đi sờ lại mấy lần nhưng người đàn ông nằm trên giường vẫn im lìm như cũ, không có bất kỳ động tĩnh gì.

Tôi ngượng quá nên bối rối nói:
- Chắc là tôi nhầm, tưởng tượng linh tinh.

Xin lỗi anh.
Huy không trả lời nhưng hình như anh ta tin tôi, im lặng vài giây rồi quay đầu ra ngoài gọi bác sĩ.

Những người ở bên ngoài nghe thấy thông báo bệnh nhân có phản ứng thì vội vã kéo nhau chạy vào, kiểm tra từ đầu đến chân Tuấn một lượt, thậm chí còn đưa đi chụp MRI.

Lúc có kết quả toàn diện, bác sĩ vui mừng kết luận:
- Đúng là có tiến triển, sóng não của anh Tuấn có phản ứng rồi.

Nhẹ thôi, nhưng rõ ràng có phản ứng.
- Phản ứng thế này thì có khả năng tỉnh lại không bác sĩ?
- Việc này thì chưa thể khẳng định được, nhưng tôi thấy có phản ứng là tín hiệu rất tích cực.

Từ hồi nằm ở đây, ba tháng rồi nhỉ? Não của anh Tuấn chưa phản ứng với bất kỳ thứ gì, gần như toàn bộ thần kinh tê liệt hết.

Nhưng hôm nay có phản ứng nghĩa là một phần hệ thần kinh vẫn còn hoạt động.

Hôm nay chắc phải có tác động gì đó khác với bình thường nên bệnh nhân mới có phản ứng như thế.
Nói đến đây, vị bác sĩ kia mới chợt nhìn thấy tôi dắt tay Bí Ngô đứng trong một góc, ánh mắt hiện rõ vẻ ngạc nhiên và nghi hoặc.


Huy cũng nhìn theo tầm mắt của bác sĩ, thấy ông ấy cứ quan sát tôi mãi, anh ta mới nói:
- Vợ con của em trai tôi.
- À… khả năng tác động chắc là đây.

Người sống thực vật đôi khi vẫn có thể nghe được những âm thanh bên ngoài, chắc là hôm nay có vợ đến nên cậu ấy biết đấy.
Bác sĩ cười cười, nửa đùa nửa thật bảo Huy:
- So với ba tháng trước thì đây coi như là một bước tiến rất dài đấy.

Gia đình cứ lạc quan vào nhé.
- Có cần làm thêm các xét nghiệm gì nữa không bác sĩ?
- Không cần.

Bình thường những người sống thực vật thỉnh thoảng sẽ có trạng thái như thế nhưng cơ thể vẫn tiếp tục hôn mê, ban nãy tôi đã kiểm tra rồi, bây giờ tiếp tục theo dõi sức khỏe thôi.

Anh yên tâm, có tiến triển gì mới tôi sẽ thông báo cho anh ngay.
Huy khẽ gật đầu:
- Cảm ơn bác sĩ.
Sau đó, vì hy vọng Tuấn sẽ có thêm phản ứng nên chúng tôi ở lại chờ đợi thêm mấy tiếng nữa, mãi đến tận khi trời tối mịt, thấy anh ta vẫn nằm im lìm như cũ, Huy mới đưa mẹ con tôi đi về.
Lúc ngồi trên xe, Bí Ngô mới thủ thỉ hỏi tôi:
- Mẹ ơi, bố sắp ngủ dậy rồi hả mẹ?
- Ừ, bố nghe thấy Bí Ngô gọi nên sắp dậy rồi.

- Yeah, thế là con sắp được đi tàu điện như em Jin Jin rồi.
Tôi xoa đầu con, khẽ cười:
- Ừ, sắp được đi tàu điện rồi.

Lần sau Bí Ngô lại đến gọi bố nữa nhé.
- Vâng ạ.
Con bé thích thú hỏi đi hỏi lại mấy lần, sau đó buồn ngủ nên gục xuống, thiếp đi trong vòng tay tôi.

Huy thấy Bí Ngô không nói chuyện mới liếc qua gương chiếu hậu nhìn hàng ghế sau, mà cùng lúc này, tôi cũng vô tình ngẩng lên nhìn anh ta, thành ra hai mắt lại vô tình chạm nhau ở trong gương.

Tôi bối rối nên vội vàng ngoảnh mặt đi chỗ khác, sợ không khí ngượng ngùng nên đành tìm chủ đề nói chuyện:
- Gia đình anh đã thử đưa Tuấn sang nước ngoài điều trị chưa?
- Rồi.
Anh ta thu lại tầm mắt, lạnh nhạt đáp:
- Ở đâu cũng kết luận não tổn thương quá nhiều, khả năng phục hồi lại gần như không có.
- Nếu hôm nay đã có tiến triển, thế thì chắc sẽ tỉnh lại được thôi.

Tôi có đọc thử mấy bài báo, thấy cũng có một số trường hợp sống thực vật vẫn tỉnh lại được.

Chắc là anh Tuấn cần thêm thời gian.
- Ừ.

Huy tiếp tục lái xe, còn tôi thấy anh ta trả lời cộc lốc như vậy cũng không bắt chuyện nữa.

Thế nhưng, sau đó vài phút, đột nhiên anh ta nói:
- Nếu một tuần cô đến thăm nó một lần, tôi có thể đáp ứng một số yêu cầu của cô.
- Yêu cầu gì ạ?
- Tiền, nhà, xe, muốn gì thì tuỳ cô chọn.

Tôi ngơ ra mất mấy giây mới hiểu được Huy đang muốn thương lượng với tôi, có lẽ vì lần đầu tôi đến thăm mà Tuấn đã có phản ứng nên về sau anh ta muốn tôi một tuần đến thăm em trai mình một lần, đổi lại, tôi có thể đưa ra một điều kiện gì đó, anh ta sẽ đáp ứng.
Thực ra việc này hơi bất ngờ nên tôi chưa chuẩn bị tinh thần gì cả, mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ không phải là tiền bạc hay vật chất, chỉ đơn giản là đưa Bí Ngô rời khỏi nhà anh ta.

Tất nhiên, tôi biết Huy sẽ chẳng bao giờ đáp ứng điều ấy, thế nên cuối cùng sau một hồi nghĩ ngợi, tôi mới đáp:
- Tôi muốn đi học tiếp Đại học, nhưng tôi không có tiền.

Nếu anh có thể tài trợ chi phí học cho tôi, tôi sẽ đồng ý với yêu cầu của anh.
- Trường nào?
- Đại học Ngoại thương, tôi học đến năm 4 rồi, còn một kỳ nữa là tốt nghiệp thôi.

Không tốn nhiều tiền của anh đâu.
Anh ta nghe xong thì hơi nhíu mày, im lặng vài giây lại tiếp tục hỏi tôi:
- Còn gì nữa?
- Không còn gì nữa, tôi chỉ yêu cầu thế thôi.
Huy liếc tôi qua gương chiếu hậu thêm lần nữa, nhưng lần này không phải nhìn Bí Ngô mà là nhìn tôi, nhìn một cách đầy dò xét, có lẽ muốn xem tôi đang có toan tính gì.
Tôi thì chẳng có toan tính gì cả, chỉ nghĩ đơn giản Tuấn là bố của con tôi, nếu việc mình đến thăm mà giúp anh ta có thể tỉnh lại, thì dù Huy có đề nghị hay không, tôi vẫn sẽ làm vì Bí Ngô.

Cho nên giờ Huy cho tôi điều kiện, tôi cũng sẽ không làm trái lương tâm mà yêu cầu gì quá cao cả.


Huy nhìn tôi một lát rồi lạnh nhạt quay đi, thờ ơ đáp:
- Nếu không còn yêu cầu gì nữa thì cứ thống nhất thế đi.
***
Vì được anh ta đồng ý tài trợ chi phí học, cũng đồng nghĩa với việc sắp được ra khỏi biệt thự này nên tôi rất mừng.

Sau hôm đó, tôi có lên mạng tìm hiểu về thủ tục chấm dứt bảo lưu và tiếp tục học, chị Oanh thấy tôi ôm điện thoại cả ngày mới hỏi tôi:
- Mẹ Trường An định đi học à?
- À… vâng ạ.

Bí Ngô nó đi học cả ngày, em ở nhà mãi cũng không có việc gì nên đi học theo con chị ạ.
- Ừ, đúng rồi.

Đi học là đúng đấy.

Giờ đăng ký thi hả em?
- Không ạ, em đang học đến năm 4 rồi.

Học ngoại thương chị ạ.
- Ôi thế hả? Mẹ của Trường An học giỏi thế cơ à? Nhìn em trẻ thế này, chị cứ nghĩ em mới học xong cấp 3 là sinh Bí Ngô luôn chứ.

Hóa ra học đến tận năm 4 rồi à?
- Vâng.

Nói đến đây, chị Oanh lại đột nhiên cau mày, tỏ vẻ khó hiểu:
- Cậu Huy đồng ý cho em đi học à?
- Vâng.

Sao thế hả chị?
- Vì bình thường nhà mình là gia đình có tiếng, em đến đây ở, chỉ ở trong nhà cả ngày thì không sao.

Nhưng lỡ ra ngoài, để ai biết được em là mẹ của Trường An thì sẽ nhiều rắc rối đấy.
Từ lần trước tìm địa chỉ nhà Tuấn, tôi đã biết gia đình anh ta rất giàu và danh tiếng, mọi thông tin trong nhà đều không có báo nào nhắc đến cả.

Giờ chị Oanh nói vậy tôi thấy cũng có lý, lỡ để phóng viên nào thấy tôi đi đi về về ở khu nhà này, biết được quan hệ của tôi và gia đình nhà họ, chắc hẳn sẽ rất phiền.
Tôi nói:
- Thế ạ?
- Ừ.

Nhà mình có ai được ra ngoài thế đâu, học thì cũng toàn học ở nước ngoài thôi, như cả ba cậu toàn là học ở nước ngoài từ bé đấy.

Còn với con dâu cũng khắt khe lắm, ra đường hay làm gì cũng phải đoan trang lịch sự.

Chị kể em nghe, cô Phương ấy, ngày trước đi quán Bar nhảy nhót có một lần thôi, đến khi nhà báo chụp được, đến tai ông chủ thì ầm ỹ một trận.

Ông chủ còn dọa tước cả cổ phần của Jin Jin, sau đó cậu Hải phải xin mãi thì ông chủ mới thôi.

Nhưng cô Phương cũng bị phạt một trận nhớ đời, chị nghe người giúp việc ở khu đó nói là cô Phương phải quỳ trong phòng thờ một ngày, rồi bị phạt nhịn cơm và không được gặp con tận một tuần đấy.

- À… vâng.

Em biết rồi ạ.

Em sẽ cẩn thận, em không nói với ai về chuyện nhà mình đâu ạ.
- Ừ, tốt nhất là nên thế, để lộ ra ngoài thì phiền lắm, ảnh hưởng nhiều đến nhà, mà nhất là mình nữa.

Thôi, cứ được đi học là mừng rồi, cố gắng tốt nghiệp ra trường, có bằng Đại học, sau xin việc cũng dễ.
- Vâng, em cảm ơn chị.
Mấy hôm sau, tôi nhận được email thông báo của nhà trường, phòng quản lý đào tạo đồng ý cho tôi tiếp tục học hết chương trình sau bảo lưu, hẹn tôi sang tuần mới bắt đầu nhập học.
Đọc xong email này, tôi đang ôm Bí Ngô trong lòng mới tiện miệng hỏi con:
- Sang tuần mẹ cũng đi học giống Bí Ngô nhé?
- Sao mẹ lớn rồi mà cũng đi học hả mẹ?
- Ừ, mẹ đi học để hôm sau ra trường đi làm kiếm tiền nuôi Bí Ngô nữa chứ.

Nhưng Bí Ngô yên tâm, mẹ sẽ đi học về trước Bí Ngô.

Con bé

chớp chớp mắt, nhìn tôi một hồi rồi nhoẻn miệng cười:
- Yeah, mẹ đi học về sớm hơn Bí Ngô.

Bí Ngô về nhà là thấy mẹ.
- Đúng rồi.

Bí Ngô đi học về là sẽ thấy mẹ ngay.

Giờ Bí Ngô ngủ đi nhé, muộn rồi, ngủ sớm ngày mai còn dậy đi học.
- Vâng ạ.
Kể cho con nghe hai câu chuyện xong, Bí Ngô đã ngủ say rồi, tôi đặt con xuống giường rồi cẩn thận đắp chăn lên, muốn ôm con ngủ nhưng không thể, thế nên chỉ nhìn Bí Ngô một lúc lâu rồi thở dài, đứng dậy quay về phòng mình.
Đã năm năm không đụng vào sách vở, tôi sợ vài ngày nữa mình nhập học thì không còn tý kiến thức gì cả nên về đến phòng là lại tranh thủ lên mạng để đọc tài liệu.

Không có sách, đọc trên điện thoại chữ rất nhỏ, phải căng mắt ra học nên mấy tiếng sau mắt tôi mỏi nhừ, nhức quá không thể đọc tiếp, cuối cùng tôi đành đứng dậy mở cửa đi ra ngoài hành lang cho đỡ khó chịu.

Giờ này hầu như mọi người trong biệt thự phụ này đã ngủ hết, bên dưới chỉ có đàn cá Koi vẫn còn tung tăng bơi lội, những ánh đèn vườn trong nhà lấp lánh khắp nơi, nhưng có lẽ vì không gian rộng rãi quá, khác hẳn với căn nhà tập thể vừa nhỏ vừa xuống cấp của mẹ tôi, thế nên tôi cứ có cảm giác lạ lẫm xa cách sao sao ấy.
Tôi hít vào một ngụm khí lạnh cho tinh thần tỉnh táo thêm đôi chút, sau cùng, bỗng dưng tầm mắt lại vô tình nhìn thấy có một bóng người ở ban công phòng bên cạnh.

Huy mặc một chiếc áo choàng ngủ màu đen, trên tay cầm một ly rượu vang đỏ, ánh mắt của anh ta tĩnh lặng hướng đến bể cá Koi bên dưới, nửa gương mặt khuất trong bóng tối khiến người ta có cảm giác rất trầm tư.
Thấy hai giờ sáng rồi mà anh ta vẫn đứng uống rượu ở đây, tôi hơi ngạc nhiên nhưng không dám lên tiếng, cứ ngẩn ra nhìn mãi.

Một lát sau, bỗng dưng tôi lại nghe tiếng anh ta nói:
- Nhìn đủ chưa?
Huy không quay lại, nhưng vẫn biết tôi đang nhìn trộm, lại nói câu đó khiến tôi giật mình, vội vàng dời ánh mắt đi nơi khác.

Tôi bối rối mất vài giây mới có thể đáp:
- À… Tại thấy có người nên tôi nhìn.

Anh ngủ muộn thế?
Anh ta không trả lời, chỉ hỏi ngược lại tôi:
- Bí Ngô ngủ chưa?
- Nó ngủ rồi.

Dạo này cũng bắt đầu quen ngủ một mình nên kể xong hai câu chuyện là ngủ ngay.
- Ừ.
- Trường đã gửi email xác nhận cho tôi học tiếp rồi.
Nói đến đây, tôi thấy hơi ngại với anh ta nên ngập ngừng chừng nửa phút.

Huy thấy tôi dừng lại giữa chừng mới quay sang nhìn tôi, nhưng anh ta không hỏi thêm gì, chỉ chờ đợi tôi tự nói tiếp.
Cuối cùng, tôi đành mặt dày bảo:
- Thứ hai tuần sau nhập trường.

- Có vài việc trước khi ra khỏi đây cô nên nhớ.
Một cơn gió mùa đông thổi qua tấm rèm bay phất phơ, mang theo một ít hơi nước bên ngoài sượt qua cánh mũi tôi.

Huy lẳng lặng quay mặt đi nơi khác, tiếp tục nhìn đàn cá Koi bên dưới rồi chậm rãi nói:
- Đừng bao giờ để người khác biết được chuyện trong nhà tôi, đặc biệt là chuyện giữa cô với em trai tôi, hoặc là chuyện cô là mẹ của Bí Ngô.

Gia đình tôi không thích phiền phức.

- Tôi biết rồi.

- Ra ngoài phải để ý phóng viên, tốt nhất đừng để người nào chụp được ảnh cô bước ra từ nhà tôi.
- Vâng.
- Việc cuối cùng.

Tôi không muốn nghe bất kỳ tin đồn nào không hay về cô, nhất là về những chuyện liên quan đến quan hệ nam nữ.
Nghe đến đây, tôi hơi ngạc nhiên ngẩng lên nhìn anh ta.

Tôi nghĩ mình chấp thuận các nguyên tắc nhà họ là được, chuyện tình cảm là vấn đề cá nhân, anh ta không có quyền quản lý.
- Chuyện tình cảm là chuyện riêng của tôi, anh muốn thế thì ít nhất nên cho tôi một lý do.

- Khi cô còn ở đây, còn tiếp xúc với con gái cô, tôi không muốn Bí Ngô học hoặc nghe được điều gì xấu từ mẹ.

Con bé phải có nhân sinh quan bình thường.

- À…
Tôi khẽ cười, hiểu được anh ta không muốn Bí Ngô biết mẹ có người đàn ông khác nên không thắc mắc nữa, chỉ nói:
- Tôi biết rồi.

Anh yên tâm.
Anh ta đứng dậy đi về phía ban công chỗ tôi, chẳng biết là đã biến ra được một chiếc thẻ ATM từ lúc nào, bình thản chìa tay ra, đưa qua ban công bên này cho tôi:
- Trong này có một số tiền đủ cho chi phí học của cô, muốn tiêu thế nào tùy ý.
- Cảm ơn.
Tôi cứ nghĩ anh ta nói "đủ cho chi phí học" thì tầm 20 hay 30 triệu gì đó, nhưng đến hôm đi nhập học, đến cây ATM rút tiền, tôi kiểm tra mới biết trong thẻ có một số tiền rất lớn.

Số tiền này không những đủ cho toàn bộ chi phí học và thực tập của tôi trong kỳ cuối, thậm chí còn đủ cho tôi học thêm tận 4 năm nữa cũng không thể tiêu hết được.
Lần đầu tiên cầm một số tiền lớn đến thế, tôi sợ, cũng cảm thấy mình không nên nhận tận một khoản tiền lớn thế này.

Tôi định chỉ rút một ít để làm thủ tục nhập học trước, còn lại về trả lại cho Huy, dù sao thì Tuấn cũng là bố của con gái tôi, tôi không thể nhận tận mấy trăm triệu chỉ để đến thăm Tuấn một tuần một lần được.

Nhập học và nộp tiền xong, tôi không quay lại nhà Huy luôn mà về thăm nhà cũ, tiện lấy thêm ít đồ mùa đông.

Lúc mới bước vào thì gặp em trai tôi, nó vẫn giữ cái bộ dạng chơi bời lêu lổng, vừa thấy tôi bước vào đã nói móc:
- Ơ, chị gái đi lấy chồng giàu đến bây giờ mới về đấy à?
- Nói linh tinh gì đấy.
- Ai mà biết, thấy mẹ bảo chị đi lấy chồng giàu thì biết thế.

Mà chị đi cả tháng trời mới về thăm nhà, mẹ ốm mà chị không biết gì à?
- Mẹ ốm gì? Ốm thế nào?
- Chị vào mà xem.
Tôi vẫn chưa hết giận mẹ, nhưng cũng không thể máu lạnh đến mức thấy bà ốm thì không hỏi thăm được, thế nên tôi nghĩ ngợi một lát rồi vẫn đi vào trong phòng mẹ.

Vừa mở cửa ra đã thấy mẹ tôi nằm bẹp trên giường, người gầy sọp đi, tóc tai rối bù.
Nghe tiếng động, mẹ tôi mở mắt ra nhìn, trông thấy tôi thì ánh mắt hiện lên vẻ sửng sốt:
- Về rồi đấy à?
- Vâng.

Mẹ ốm thế nào?
- Vật vã cả tháng nay, từ hôm mày đi đấy.

Con Bí Ngô thế nào rồi? Ở bên nhà ấy có quen không?
- Cũng dần dần quen rồi ạ.

Mẹ đã uống thuốc chưa? Có cần đến bệnh viện khám không?
- Khám gì mà khám.

Tao bình thường khỏe mạnh có sao đâu, nhưng từ hôm thằng Long nó mang cái giấy nợ về là tao không ăn không ngủ được.

Thế này thì chết thôi, có cái nhà tập thể cũ này rồi cũng mang gán nợ thôi.

- Có chuyện gì, mẹ nói con nghe xem nào.
Mẹ tôi ngồi dậy, hai mắt rơm rớm nước mắt bảo với tôi:
- Chẳng biết nó vay nợ lãi làm gì, giờ người ta đòi tận 100 triệu, tao lấy đâu ra 100 triệu mà trả.

Mấy hôm rồi bọn chủ nợ nó đến làm ầm lên, thằng Long phải nhảy sang ban công nhà bên cạnh trốn.

Ba hôm nay nó cũng có dám ra khỏi nhà đâu, tao cũng không dám vác mặt đi đâu cả.

Thế này chắc chết thôi, không sống được.
- Nó vay gì mà nhiều thế? Con nói mẹ rồi, mẹ đừng có chiều chuộng quá rồi nó sinh hư.

Mẹ xem nó có nghiện không chứ cứ mãi thế này thì không được đâu, nhà mình không có tiền để đi theo sau trả cho nó mãi được.
- Tao cho nó đi xét nghiệm rồi, không nghiện ma t.ú.y nhưng nghiện bài.

Thằng này chuyên đánh bài.

Tôi chẳng biết phải nói với mẹ thế nào nữa, bây giờ bỏ thì thương, mà vương thì tội, dù sao cũng là máu mủ người thân của mình, có giận hay ghét đến mấy thì cũng không thể sống ác được.
Mẹ tôi khóc lóc kể chuyện Long thêm một lúc, lại dường như nhớ ra việc gì đó nên hỏi tôi:
- Thế sao hôm nay lại về một mình? Bí Ngô đâu? Sao không đưa nó về?
- Nó đi học cả ngày, ở bên đó học nhiều lắm nên không đưa đi theo được ạ.
- Hơn một tháng trời rồi còn gì nữa, học gì mà nhiều thế, cũng phải cho nó về thăm bà với chứ.
- Đợi khi nào được nghỉ thì con dẫn cháu về.
- Ừ.

Lần trước tao không hỏi ý mày mà đưa nó cho người ta, tao xin lỗi.

Tại lúc đó người ta thuyết phục quá, tao thì dễ bị dụ, thế là đưa Bí Ngô cho nhà họ.

Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, bởi vì đã xảy ra rồi, có trách móc hay so đo thêm cũng chẳng giải quyết được gì, thế nên đành thở dài:
- Vâng, thôi, mẹ đừng nghĩ nữa, chịu khó nghỉ ngơi cho nhanh khỏe.

Muộn rồi, con về nhà bên kia đây không Bí Ngô nó về lại không thấy con.
- Ừ, lần sau nhớ xin họ cho Bí Ngô về nhé, hơn một tháng rồi, nhớ nó.
Tôi gật đầu, rút ra từ trong túi hai triệu đưa cho mẹ.

Đây là khoản tiền tôi rút thừa để nhập học, giờ bà ốm mà không có tiền thuốc thang, tôi cũng áy náy:
- Mẹ cầm lấy ít tiền này mua thuốc với cái gì ngon ngon mà tẩm bổ.

Về chuyện nợ của thằng Long thì từ từ tìm cách, hỏi xem có vay mượn được ai không.
- Thôi, mẹ có rồi.
- Mẹ cứ cầm lấy đi, con về đây.
Lúc tôi từ phòng mẹ ra ngoài, Long đang gác chân lên bàn chơi điện tử.

Tôi có nói nó mấy câu, nhưng nó chẳng nghe được chữ nào vào đầu, thậm chí còn cáu lên quát tôi:
- Ôi sao chị nói nhiều thế nhỉ? Chị có tốt thì tự đi mà trả, không trả được thì đừng nói nữa.
- Cái thằng này, ăn nói với chị thế đấy à?
- Em còn tốt hơn chị chán, không như chị, đi lấy chồng giàu, ở nhà giàu nhưng quên hết gia đình.

Giờ chị giàu rồi nên chị lên mặt nhỉ? Chị quên ngày xưa lúc chị có bầu con Bí Ngô, ai nuôi chị rồi à? Em nói cho chị biết, nếu không có mẹ với em thì chị không có ngày hôm nay bước chân vào nhà giàu đâu..


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện