Edit: Sa Trên thế gian này, mỗi người đều có con đường cũng như tiêu chuẩn đạo đức riêng. Thị phi đúng sai vốn là kết quả bởi sự trái quan điểm của con người.
Đôi khi Thi Âm cảm thấy mình là người rộng lượng đến mức vô cảm, cô chưa bao giờ dùng tiêu chuẩn “chủ nghĩa nhân đạo” hay “lương thiện từ bi” để chỉ trích bất cứ người xa lạ nào. Giúp đỡ người khác là tốt bụng nhưng không giúp cũng chẳng có gì đáng chê trách. Trong khi bạn học căm phẫn mắng người đi đường bàng quan nhìn người ta chết đuối hoặc thấy người già bị ngã mà không chạy tới đỡ thì chỉ có cô giống như kẻ ngoại tộc mà viết vào bài văn: “Tôi cho rằng bạn ăn chay vì chủ nghĩa nhân đạo là điều rất tuyệt vời nhưng không có nghĩa là bạn có tư cách không cho tôi ăn thịt.”
Bài thi đó cô chỉ đạt điểm trung bình, thậm chí giáo viên Ngữ văn còn phê: Không thể so sánh thói quen ăn uống với sự vô cảm của người đi đường. Là con người, hằng ngày phải trau dồi lòng cảm thông và đạo đức.
… Ồ. Thi Âm nghĩ mình không làm được.
Tương tự, nếu một ai đó có hành động xâm hại tới lợi ích của cô, bất kể đối phương thiện ý hay ác ý, chỉ cần họ không vi phạm pháp luật và không vi phạm những chuẩn mực đạo đức vượt mức cho phép như lăng nhăng, ngoại tình,… thì cô đều cảm thấy người ấy không có bất kỳ điểm gì để bị chỉ trích. Chẳng hạn như Ninh Từ ngầm “lôi kéo” bạn của cô nhưng chỉ cần cô ấy không nói xấu cô sau lưng thì đối với cô, cô ấy không “ác”.
Thi Âm chưa bao giờ dùng những từ ngữ thường được xuất hiện trong câu chuyện của các cô gái như “đĩ điếm”, “giả tạo”, “cáo già”.
Tuy Thi Âm lạnh lùng nhưng khắc sâu khái niệm thiện – ác, cô phân biệt rạch ròi đâu đúng đâu sai, chưa từng lập lờ nước đôi. Trước giờ, chỉ có hai người ngoại lệ với cô, một là mẹ, hai là Bùi Thời Khởi, còn Ninh Từ… cùng lắm là một người bạn học mà cô từng đánh giá cao mà thôi. Những người không quan trọng chưa từng khiến Thi Âm tức giận hay căm hận, thậm chí còn không cảm thấy đối phương làm gì sai. Sở dĩ Thi Âm nói nhiều với cô ấy là vì cô hiểu rõ con người rất dễ bị nghiện.
Tính kiềm chế của con người không tốt như họ nghĩ, làm bất cứ việc gì, chỉ cần cảm nhận được khoái cảm cùng niềm sung sướng khi đạt được thành công thì sẽ càng dễ lún sâu, đến lúc vượt quá tầm kiểm soát của bản thân thì muốn quay lại cũng đã muộn.
Thi Âm từng lâm vào trạng thái đó, để có thể dứt ra, phải cảm ơn cô gái đã dùng cái chết nhằm trừng phạt cô hồi cấp hai. Vì vậy, có lẽ xuất phát từ lòng thông cảm với kẻ cùng cảnh ngộ, cô mới phá lệ sắm vai cô gái tri kỷ để xen vào việc của người khác, về phần có tác dụng hay không… quả thật không nằm trong phạm vi mà cô quan tâm.
Ăn xong bữa cơm hôm nay thì sẽ chẳng qua lại với nhau nữa.
…
***
Tháng mười hai hằng năm, Nhất Trung sẽ tổ chức tuần lễ văn hóa, trong đó bao gồm thi hùng biện, khu ăn uống, báo tường và các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, trong đó, quan trọng nhất là cuộc thi văn nghệ được diễn ra vào tối cuối cùng.
Trùng hợp là cuộc thi văn nghệ năm nay rơi đúng vào đêm Giáng Sinh, ngày hôm sau sẽ là lễ Giáng Sinh, vì vậy các lớp đều trang trí phòng học bằng dây đèn, lục lạc và mũ noel. Lớp mười hai thử nghiệm là lớp nổi bật nhất vì địa thế của lớp là ưu việt nhất, bên trái phòng học có ban công nhỏ, trước kia được dùng để đặt thùng sách, mấy ngày nay họ đã dọn dẹp lại và trưng một cây thông giáng sinh rất to, trên cây thông treo bốn mươi mốt tấm thiệp theo lời phân phó của thầy chủ nhiệm, không viết gì ngoài nguyện vọng đại học của bản thân. Vì thiệp được phát cùng lúc và giống nhau như đúc, bên ngoài mỗi tấm thiệp cũng được đóng con dấu y chang nhau, sau mỗi buổi học, lớp phó lao động đều khóa cửa phòng học nên rất khó để biết tấm thiệp nào là của ai. Vì vậy mọi người lấy hết can đảm để ghi điều ước, mười tấm thiệp thì có hết chín tấm là hy vọng đậu hai trường Thanh Bắc, đằng nào cũng không ai biết ai để chế nhạo.
Nhưng Thi Âm không viết theo yêu cầu của thầy chủ nhiệm, cô viết tám chữ: Cầu mong mẹ được khỏe mạnh bình an.
Bùi Thời Khởi cũng không viết theo yêu cầu, cậu cũng viết tám chữ: Học cùng trường đại học với Thi Âm.
Ninh Từ cũng không viết theo yêu cầu, cô ấy cũng viết tám chữ: Đậu trường đại học tốt hơn Thi Âm.
… Từ một khía cạnh nào đó, đây đều là những điều ước chân thành.
Những tấm thiệp nguyện vọng treo trên cây thông được năm ngày thì cũng đến đêm Giáng Sinh.
Thi Âm và Giang Diệu rất nghiêm túc luyện đàn bài “Uyên ương hồ điệp mộng” trong suốt ba tuần, hai cô gái theo chủ nghĩa hoàn hảo còn chuẩn bị kỹ lưỡng bối cảnh và trang phục.
Giang Diệu vừa cho rằng đàn guitar rất ngầu, phải giả trai mới hợp vừa muốn phục thù nên đã trộm đồ vest của bố và nhờ mẹ đem ra tiệm may để sửa lại cho vừa người. Hai mẹ con bị ông Giang mắng một trận, vậy mà ngày hôm sau cô nàng còn kể với Thi Âm bằng giọng điệu khoái trá. Thi Âm thấy cô nàng mặc đồ vest nam đứng tuổi thì quyết định mặc luôn bộ váy của mẹ. Cô và mẹ có thân hình xêm xêm nhau, không cần sửa lại, mặc vào rất vừa người, hơn nữa vì cô mày rậm môi đỏ, trang điểm lên trông rất giống mỹ nữ thời xưa.
Trong phòng nghỉ, Giang Diệu nhìn Thi Âm, ôm đàn guitar cảm khái: “Âm Âm, cậu giống hệt Hoàng Quyên(1) trong phim “Nguyên Chấn Hiệp”.”
“Thôi đi cô nương, hôm bữa cậu còn nói tớ giống Hằng Nga trong phim “Tây du ký: Trư Bát Giới” đó.”
“Thì… lúc mặt mộc cậu giống Hằng Nga, còn trang điểm thì giống Hoàng Quyên.”
Cả hai đều là đại mỹ nhân kinh thiên động địa, quỷ khiếp thần sầu.
(1) Nhân vật Hoàng Quyên trong phim “Nguyên Chấn Hiệp” do Lý Gia Hân thủ vai.
“Cảm ơn. Cơ mà Diệu Diệu này, tuy gu thẩm mỹ của cậu khác với Bùi Thời Khởi nhưng xét nhiều khi cũng kỳ quặc y chang nhau.”
“Sao sao? Cậu ấy cũng thấy cậu giống Hoàng Quyên hả?”
“Không phải. Cậu ấy nói tớ buổi sáng giống Chuột Minnie, buổi tối giống Doraemi.”
“…”
Giang Diệu thoáng ngớ người, sau đó cười điên cuồng, suýt lăn từ trên ghế xuống: “Ha ha ha ha ha ha ha… ông anh Thập Thất của tụi mình tài quá, hoàn toàn nắm bắt được tinh túy của cậu đó!”
“Tinh túy gì của tớ?”
“Buổi sáng im ỉm siêu lạnh lùng, buổi tối nói nhiều và thích lo chuyện bao đồng.”
“… Đó là vì buổi sáng tớ còn chưa tỉnh ngủ nên không được hoạt bát có được không!”
“Được chứ được chứ, nhưng mà nói thật đấy, tớ thấy bây giờ cậu siêu giống Hoàng Quyên luôn, đúng kiểu đại mỹ nhân thập niên 90.”
“Ừm hứm.”
“Thi Âm, tuy cậu ở với Thời Khởi lâu nhưng cũng đừng học thói xấu của cậu ấy chứ, cậu có biết giọng điệu này khiến người ta khó chịu lắm không hả?”
Kết quả là vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo xuất hiện.
Giang Diệu vừa dứt lời, cửa phòng nghỉ liền được mở ra, Bùi Thời Khởi mặc đồng phục bóng rổ tiêu sái đi vào, theo sau còn có MC của buổi tiệc văn nghệ tối nay là Uông Minh Viễn đang nói chuyện cùng cậu:
“Tháng ba kỳ xét tuyển sẽ kết thúc, Thập Thất ca, coi bộ nửa học kỳ cuối mày được giải phóng hoàn toàn rồi.” Giống như chắc chắn là cậu sẽ được chọn.
Thiếu niên biếng nhác đá quả bóng rổ qua một bên: “Nói sau đi.”
Căn phòng này được đặt hai máy sưởi dành riêng cho MC. Đang là mùa đông, trời rất lạnh, mà họ phải mặc lễ phục suốt hơn ba tiếng, MC nam còn đỡ chứ Thi Âm và một cô bạn khác thì đều mặc lễ phục lộ vai, do đó nhà trường đã rất tâm lý đặt máy sưởi trong phòng nghỉ.
Phòng nghỉ không nhỏ, Thi Âm dẫn Giang Diệu vào hưởng ké máy sưởi thì các MC khác dẫn bạn mình vào là bình thường. Tuy nhiên Thi Âm không hề biết Bùi Thời Khởi và Uông Minh Viễn lại thân nhau, Uông Minh Viễn nổi tiếng là “người nghiêm túc”, từ cách nói chuyện cho đến hành động đều cực kỳ đứng đắn, nói chung là hoàn toàn trái ngược với Bùi đại gia.
Đang nghĩ ngợi, Uông Minh Viễn bỗng quay sang nhìn các cô: “Thi Âm, tiết mục của các cậu xếp thứ mấy?”
“Chờ ba tiết mục nữa là tới.”
“Vậy sao thay quần áo sớm thế?”
“Tớ muốn kiểm tra thử.” Cô thở dài, “Để tránh trường hợp như Khương Điềm Điềm.”
Khương Điềm Điềm là MC nữ còn lại, tối nay cũng có màn biểu diễn nhưng lúc ra sân khấu, lên tới bậc thang thì khóa kéo của chiếc váy biểu diễn bỗng nhiên bị đứt làm hở hết cả lưng. Lúc đó thời gian quá sít sao, không kịp điều chỉnh tiết mục nữa, cô ấy chỉ còn biết bật khóc.
Khi ấy Thi Âm đã nhanh chóng lên sân khấu, tổ chức giải bốc thăm không có trong kịch bản.
Mang một cái thùng ra, nói vô số câu vô nghĩa, mời hiệu trưởng lên bốc thăm, phần thưởng là bữa ăn thịnh soạn miễn phí ở căn tin mà cô tự nghĩ ra. Cái thùng đó là thùng chuyển phát mà cô đã lấy đại ở trên bàn, trong thùng chỉ có một tờ giấy do cô vội vã viết bừa: 17.
Cũng may hiệu trưởng và người quay phim cực kỳ linh hoạt, hiệu trưởng vui vẻ phối hợp “bốc thăm”, người quay phim cũng không quay cận cảnh, nhờ vậy mà tạm thời giải quyết được sự việc. Nhưng bất kể thế nào, Khương Điềm Điềm cũng rất đáng thương, mất rất nhiều công sức và thời gian để chuẩn bị tiết mục nhưng vừa không được biểu diễn vừa bị giáo viên chủ nhiệm mắng tơi tả, trên sân khấu tươi cười để dẫn chương trình, vô trong cánh gà thì ỉu xìu như đưa đám, tâm trạng cực kỳ tồi tệ.
Uông Minh Viễn thở dài thông cảm: “Cũng phải… À đúng rồi, trên sân khấu là tiết mục nhạc kịch của lớp cậu hả?”
“Đúng vậy, hay không?”
“Hay lắm, tớ mới xem một đoạn, khán giả rất náo nhiệt, kịch bản tốt ghê, cậu viết hả? Thi Âm, tớ nói thật nhé, cậu có năng khiếu thế này thì đi làm biên kịch đi.”
“Không phải tớ viết.” Nữ sinh mỉm cười, “Hình như là Ninh Từ viết.”
“Ninh Từ? Là ai thế?”
Giang Diệu lườm: “Uông Minh Viễn, cậu hỏi nhiều ghê, bọn tớ sắp biểu diễn rồi, cậu đừng quấy rầy bọn tớ luyện tập nữa.”
“…” Nam sinh nhún vai, “Được rồi, các cậu tập tiếp đi.”
Nhưng sau một chốc suy tư, Giang Diệu ôm đàn guitar, nói: “Hay là thế này, bọn tớ diễn thử, cậu xem xem ổn không nhé?”
“Không được rồi, bây giờ tớ phải lên sân khấu dẫn chương trình, hay là các cậu nhờ Thập Thất ca đi, nó từng học nhạc, bảo đảm am hiểu hơn tớ.”
“Hở? Bùi Thời Khởi từng học nhạc á?”
“Ừ, nó chơi piano hơi bị oách đấy, hồi cấp hai còn đi thi giành nhiều giải nữa cơ, đúng không Thập Thất ca?”
Bùi Thập Thất nhắm mắt lại, phớt lờ cậu bạn.
Giang Diệu nhìn thoáng qua Bùi lão đại nằm trên sofa nhắm mắt nghỉ ngơi, bỗng rúm ró cả người: “Éc, à, hay là…” thôi vậy.
“Bắt đầu đi.” Thiếu niên không thèm mở mắt, giọng điệu và tư thế cũng hời hợt không kém: “Tớ nghe đây.”
“Ơ… vậy cũng được.”
“Uyên ương hồ điệp mộng” đã được Thi Âm và Giang Diệu sửa đổi lại trong quá trình luyện tập. Phổ nhạc không hề dễ, hai người còn phải đi học, Thi Âm lại luyện tập dẫn chương trình, Giang Diệu cũng chuẩn bị cho kỳ xét tuyển đại học, thời gian rảnh rỗi của cả hai không nhiều, chỉ có thể luyện tập một tiếng tại phòng nhạc của trường sau giờ tan học, đó là chưa kể cả hai phải chuẩn bị bối cảnh và “tạo hình” để tiết mục đạt hiệu quả tốt nhất. Bài hợp tấu dài chưa tới năm phút nhưng chứa rất nhiều tâm huyết và mong đợi của cả hai.
Vì vậy:
“Đại ca, cầu xin cậu đừng bình luận gì cả.” Đây là câu đầu tiên mà Giang Diệu nói với Bùi Thời Khởi sau khi diễn tập xong. Sau đó, mượn cớ hai người phải thay quần áo để đuổi cậu tra ngoài.
Thi Âm nhướn mày: “Lúc nãy muốn diễn thử cho người ta nghe, sao diễn xong rồi lại không cho cậu ấy nhận xét?”
“Với cái miệng của Bùi Thời Khởi, cậu nghĩ cậu ấy sẽ nói ra điều tốt đẹp gì ư? Tớ sợ nghe xong sẽ làm ảnh hưởng tới trạng thái biểu diễn.”
“… Cũng đúng.”
“À, hồi nãy tớ lén hỏi cậu ấy là có thấy cậu giống Lý Gia Hân không.”
“…”
“Đố cậu, cậu ấy nói gì?”
“Tớ không muốn biết.”
“Cậu ấy chúc chúng ta biểu diễn thuận lợi.” Cô nàng nhíu mày, “Cậu nghĩ ý cậu ấy là gì?”
“… Là không muốn nói chuyện với cậu nữa.”
“Ơ.” Giang Diệu đen mặt: “Cậu ta đáng ghét ghê.”
“Được rồi, tớ phải lên sân khấu đây, cậu rảnh thì kiểm tra lại mọi thứ đi, xem có vấn đề gì