P2 - Chương 3
Ở Cẩm Giang, lãnh địa của tướng Trịnh Minh Thế, không có cuộc đón tiếp nào. Binh sĩ Cao Đài Liên Minh đóng trong rừng cao su, dưới những tấm tăng xám. Có vẻ tất cả đang nhàn hạ. Luân dễ dàng thấy sự khác biệt giữa Cao Đài Liên Minh với các nhóm Cao Đài khác: quân trang, quân dụng đều đính mấy chữ đen US Army. Cái vòi CIA vươn tới tận đây rồi.
Đoàn xe không ghé dinh Tỉnh trưởng mà vào thẳng Tòa Thánh.
Con đường rộng chưa rải nhựa này đã thành một chuyến tiếu lâm: Phạm Công Tắc tuyên bố với đám báo chí rằng ông ra lịnh đắp con đường đi khắp hoàn cầu, bắt đầu từ Tòa Thánh, sẽ qua Cambốt, Ấn Độ... để toàn thế giới về Tây Ninh dự Đại hội Nhơn Sanh do Ngọc Hoàng Thượng Đế ủy nhiệm ông ta triệu tập.
Đến chợ Long Hoa, đoàn xe buộc phải giảm tốc độ. Nhìn qua, Luân càng hiểu thêm ý nghĩa của việc tranh chấp: khu chợ đông đúc, nơi trung chuyển hàng hóa nông, lâm, súc không chỉ của Tây Ninh mà cả của Đông Nam nước Cao miên. Khu “Thánh địa” tràn ngập trại cưa – lực lượng Cao Đài tự giành độc quyền khai thác gỗ ở một tỉnh có trữ lượng gỗ rất cao. Quá nhiều trạm thu thuế. Cạnh chợ, nổi lên một ngôi nhà khang trang, bề thế, mang biển hiệu: Nhàn du khách sạn.
“Tôn giáo đã khá thạo nghề kinh doanh.” – Luân thầm nghĩ.
Một bầy bò đến mấy chục con chàng ràng trên mặt đường – những con bò hóng u cổ, món hàng hấp dẫn của chợ Long Hoa – chận hẳn đoàn xe lại. Bác sĩ Tuyến phải nhảy xuống, lôi xểnh từng con ra khỏi mặt đường.
Người ta thông báo với Luân là chợ Long Hoa đông đến mười vạn khẩu. Cơ ngơi sung túc này gắn chặt với yêu sách kiên định của ông Phạm Công Tắc: Chính phủ nhường cho Tòa Thánh một vùng 40 cây số vuông. Ông mơ màng về một Vatican phương Đông.
*
Bảo đạo Hồ Tấn Khoa đón Thủ tướng tại cổng chính. Một người dong dỏng, mắt linh lợi – từng làm chủ quận thời Tây, chủ tỉnh thời Nhật, hàm đốc phủ sứ.
Luân có một số kiến thức về tôn giáo Cao Đài – anh nghiên cứu khi làm trưởng phòng mật vụ, và gần đây, đọc thêm tài liệu. Không tôn giáo nào ở Việt Nam pha trộn bằng Cao Đài: phong kiến trong tổ chức, tư sản trong lí thuyết, không tưởng trong một số hoạt động từ thiện. Và cũng không một tôn giáo nào ở Việt Nam có nhiều đốc phủ sứ, huyện, công chức bằng Cao Đài. Những người leo đến đỉnh chiếc thang phẩm trật dành cho người bản xứ của chế độ thuộc địa mà chưa thỏa mãn – cuộc sống thực tại không còn chỗ nào cao hơn trừ phi họ dám đứng lên lật đổ chế độ - nên lòng tham vọng vô tôn giáo. Chính trị và tín ngưỡng, dân tộc và thế giới đại đồng... mờ mờ ảo ảo trong những câu kinh dễ đọc, dễ thuộc tuy ít hàm súc và càng kém giá trị văn học.
Những điều Luân hiểu về đạo Cao Đài được bản thân tòa chánh điện xác minh.
Hộ pháp Phạm Công Tắc chờ Thủ tướng nơi thềm chánh điện. Tắc nhỏ nhắn, không râu, mặc áo quần và vấn khăn toàn trắng. Hộ pháp chắp tay trước ngực niệm mấy tiếng Nam mô... Ngô Đình Diệm – bây giờ trông trẻ hơn tuổi năm mươi tư của ông ta, gọn gàng trong bộ comlê trắng cắt thật khéo, đầu chải bảy ba – bước mấy bước lên thềm và cũng chắp tay trước ngực.
Đứng dưới thềm, Luân có dịp so sánh hai đối thủ. Tuổi tác, vóc vạc cả hai đều xấp xỉ nhau – Diệm có phần béo hơn. Họ cũng không khác mấy về lịch sử: Diệm há chẳng có lúc vào tu viện đó sao? Tắc bị Pháp đày tận Madagascar – ông ta dính vào nhóm thân Nhật và điều này thì hiển nhiên: đạo Cao Đài tôn Cượng Để làm minh chủ và mê tín nước Nhật đế quốc như một Mạnh Thường Quân đối với các dân tộc da vàng. Bởi vậy, khi Nhật đổ bộ vào Đông Dương, cơ sở đầu tiên của chúng là các nhóm Cao Đài mà Trần Quang Vinh – một giáo sứ thiên phong – làm lãnh tụ. Diệm bị Pháp cho ra rìa khi ông giữ ghế Thượng thơ bộ Lại và sau đó lưu vong sang Mỹ. Tắc về nước cùng với quân viễn chinh Pháp, Pháp đánh bóng ông và ông tỏ cho người Pháp biết là họ đã sai lầm khi không dùng ông: Quân đội Cao Đài Tây Ninh do ông thành lập sát cánh với quân đội Pháp, hùng cứ cả các trục lộ tỉnh Tây Ninh và còn thay cho quân đội Pháp đóng chốt nhiều nơi khác. Diệm về nước theo cách khác – khác về chi tiết thôi.
Và, bây giờ hai người đối mặt trong cuộc tranh dành mới. Có lẽ ý định cá nhân của hai người không đến đỗi khác nhau lắm. Cái khác nhau là tài năng.
*
Tắc yên ngôi vị tại Tòa Thánh được chín năm. Dưới bóng cờ tam tài, ông đương nhiên là giáo chủ của một trong nhiều phái Cao Đài – mà phái Tây Ninh lớn nhất. Với quyền lực ngoài đời, người Pháp quyết định dùng ông để hướng Cao Đài phục vụ cho chiến tranh của họ - Ông Tắc tha hồ thao túng về mặt đạo. Thế là cơ bút xuống tới tấp, đích thân Ngọc Hoàng thượng đế giao cho ông trách nhiệm giữ giềng mối đạo, đưa Cao Đài tiến lên vị trí quốc đạo ở Việt Nam và chiếm lĩnh lòng tin của toàn nhân loại. Trên giáo lí, Cao Đài chưa có giáo tông sau khi đốc phủ Lê Văn Trung liễu đạo, nhưng Ngọc Hoàng đã phong cho ông Tắc làm Hộ pháp, cai quản Hiệp thiên đài, như Quốc hội và sau đó kiêm cai quản “nhị hữu hình đài,” tức là nắm cả quyền giáo tông. Thế là cả lập pháp lẫn hành pháp đều nằm trong tay ông.
Các cuộc hành quân càn quét, khủng bố, các cuộc ném bom và bắn phá của Pháp xua hàng chục vạn người ra khỏi làng mạc hẻo lánh. Đạo Cao Đài phái Tây Ninh phát triển nhanh chóng nhờ cơ hội đó. Ai muốn không bị Pháp truy bắt và tề ngụy quấy rầy thì vô đạo. Đóng một món tiền, kê khai tên họ, sẽ được cấp giấy chứng nhận tín đồ. Vô đạo rồi, cần công quả để xây thất. Xây thất rồi, cần sống gom lại quanh thất. Sống như vậy, cần vòng rào. Đó là các chu vi. Có chu vi, phải canh gác. Lính Cao Đài ra đời, súng lãnh từ kho của Pháp. Phòng thủ lẻ tẻ chưa chắc ăn, các liên đội Cao Đài thành lập. Một mình Cao Đài đánh với Việt Minh không xuể, phải phối hợp với người Pháp. Vai trò lực lượng vũ trang Cao Đài nâng cao mãi, trở thành quân địa phương. Có quân đội thì phải có tướng, có sắc phục. Tuân đóng phải có Bộ tổng chỉ huy, Hộ pháp kiêm Tổng tư lệnh quân đội Cao Đài, và v.v...
Giữa lúc ông Tắc say sưa với chiến tranh – nó mang đến cho ông biết bao đổi thay và đặt ông lên hàng chí tôn, nó là cứu tinh với ông khỏi thân phận lưu đày tận hòn đảo nam Châu Phi, giữa Ấn Độ Dương, nơi mà ông đêm đêm phải nằm chung với gia súc và cũng là nơi mà ông buộc lòng phải ăn ở với một người phụ nữ da đen, còn bây giờ, chỉ phiền ông luống tuổi, sức có hạn... thì đùng một cái, Pháp thua. Pháp thua trận tức là ông thua trận.
Ông bớt hoang mang khi biết rằng Nam vĩ tuyến 17 vẫn còn là đất của phe Quốc gia.
Nhưng nỗi lo lắng của ông lại bắt nguồn từ phía khác. Pháp không còn ở lại với phe Quốc gia nam vĩ tuyến mà sẽ về nước. Người Pháp an ủi ông, bày vẽ cho ông. Song ông thấy chưa ổn. Ông ít quen người Mỹ và liệu người Mỹ cư xử với ông có được như người Pháp không? Nhiều triệu chứng chẳng lành: một viên đại tá Mỹ tên là Lansdale thậm thò thậm thụt móc với Trịnh Minh Thế. Tắc vốn ghét