P2 - Chương 4
Cuộc viếng thăm Tòa Thánh của Diệm đánh dấu bằng một thông cáo báo chí ngắn gọn: Thủ tướng và Đức Hộ pháp xét duyệt tổng quát tình hình quốc nội và quốc ngoại. Thủ tướng nhắc lại lần nữa quyền tự do hành đạo của các tôn giáo và Đức Hộ pháp cam kết ủng hộ mọi nỗ lực của Chính phủ ngỏ hầu thực hiện đoàn kết quốc gia chống lại Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Đức Quốc trưởng. Báo chí hoàn toàn im lặng về nội dung của cuộc gặp gỡ giữa Diệm và tướng Trịnh Minh Thế ngoài mẩu tin thật đơn sơ. Thật ra, báo chí cũng không biết săn tin từ đâu. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một địa điểm ở chân núi Bà Đen mà người môi giới chính là đại tá Mỹ Lansdale; trên đường Ngô Đình Diệm từ Tòa Thánh về Sài Gòn; đoàn công xa vẫn cứ theo quốc lộ 1, nhưng một người khác ngồi trên chiếc Cadillac thay chỗ Diệm. Dự cuộc gặp gỡ chỉ có bác sĩ Tuyến và Luân, Lansdale kín đáo rời khu doanh trại dã chiến khi Diệm đến. Về thời gian, cuộc gặp gỡ ngắn – thật ngắn – so với cả một buổi ở Tòa Thánh. Vỏn vẹn mười lăm phút. Nhưng, mười lăm phút đủ cho Diệm tỏ lời khen ngợi tướng Thế và căn dặn ông ta – tựa như cha dặn con. Mọi sự Lansdale đã giải quyết từng chi tiết rồi.
Luân lặng lẽ ngồi cạnh Diệm. Trước anh, viên tướng Cao Đài khá nổi tiếng, ngoan ngoãn lắng nghe Thủ tướng. Diệm hài lòng. Tuyến kín đáo trao đổi bằng mắt với Luân. Tay bác sĩ mật vụ này khá đa nghi, sự tuân phục quá dễ dàng của viên tướng bất trị khiến hắn càng không yên tâm.
Luân hiểu rằng mọi cử động của Thế đã được Lansdale đạo diễn kĩ càng. CIA – nếu không phải là Collins – sửa soạn ngay một loạt con bài để giảm bớt cái độc quyền của Diệm. Thế ngoan ngoãn, song rõ ràng ông ta đóng vai vụng. Ông ta chỉ biết có Diệm. Với Luân và Tuyến – cùng đi với Diệm – chỉ được ông ta bắt tay hời hợt.
Ba chiếc trực thăng – do phi công Mỹ lái – hạ trên một đám đất trống. Diệm về Sài Gòn bằng đường không, dù ông đã nghe phúc trình về vụ báo động ở Gò Dầu: nhận lầm, chẳng có đám lạ mặt nào ngoài dân đốt đồng săn chuột.
Trên máy bay, Diệm hết lời trầm trồ Trịnh Minh Thế. Ông hoàn toàn tin tưởng nước cờ sắp tới của ông.
Do vậy, chỉ non hai tuần lễ, sau khi thông cáo báo chí về cuộc gặp gỡ Diệm – Tắc, tại Dinh Gia Long, Diệm họp báo. Lần đầu tiên, Diệm họp báo. Đó là buổi sáng ngày 12-2, khi các khu tập kết ba trăm ngày hết hạn, nước Việt Nam thực tế chia hai.
Phòng khánh tiết Dinh Gia Long chật ních. Tuy Chính phủ đã nhận dinh Norodom, song còn phải sửa sang, hơn nữa, nó là nơi của Quốc trưởng, nên Thủ tướng vẫn phải ở tạm Dinh Gia Long.
Giữa khói thuốc lá mù mịt, bức ảnh phóng lớn của Bảo Đại ẩn hiện lơ lửng trên tường, có vẻ là món trang sức cho phải phép hơn là đại diện một quyền uy. Kí giả trong và ngoài nước ngồi trên các ghế giả da, đối diện với chiếc bàn đặt nhiều micro và một lọ to cắm đầy hoa Đà Lạt.
Chưa tới giờ. Từng nhóm kí giả chụm nhau, bàn tán.
- Mối tình gượng ép Quốc trưởng – Thủ tướng sắp hạ màn!
- Chẳng qua là tấm gương phản chiếu cuộc sang sổ nợ ở Đông Dương. Pháp Quốc ngân hàng gán Đông Dương ngân hàng cho Ngân hàng Manhattan.
- Quốc trưởng từ lâu đài Thorenc vừa xoa ngực một cô đào vừa kí lệnh, lệnh ông ta bốc hơi theo vô tuyến điện. Trong trận ăn thua chót, ông Diệm cầm được cán con dao, còn ông Bảo Đại cầm đúng lưỡi dao!
Một nữ kí giả - tóc đen, mắt xanh, mũi cao – nghe ngóng các lời bàn tán ấy và ghi lia lịa. Có mặt cô, tự dưng các nam kí giả hăng máu hơn: cô trẻ, đẹp nhờ hai dòng máu Âu – Á.
Bỗng, từ ngoài đường vọng vào tiếng hò hét loạn xạ:
- Đả đảo Thực, Phong, Cộng,...
- Ngô chí sĩ muôn năm…
Và đồng ca: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người…” – bài hát trơ trẽn như những người hát nó.
Đoàn biểu tình kéo theo đường Công Lý, trước đây mấy tháng còn mang tên Charles de Gaulle, quẹo qua Dinh Gia Long. Trước cổng dinh, đoàn biểu tình dừng lại.
Kí giả ùa ra thềm, theo dõi. Có thể, trước hết, vì lạ mắt – nhất là kí giả phương Tây. Cô nữ kí giả lai Âu giương máy ảnh, bấm liền mấy “pô.”
Hầu hết người biểu tình là trẻ con, bà già, quần áo nâu, cổ chình chịnh tượng ảnh và bùa thánh, tay cắp ổ bánh mì, len lét nhìn một số người khác – tướng phốp pháp, đeo kính đen.
Từ một phòng khác, Nhu và Luân quan sát đám biểu tình. Thấy Luân lặng lẽ, Nhu bảo, giọng bực:
- Cả hai cái đầu của ông Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Thái cộng lại chỉ ra được một trò lố lăng như thế! Tha hồ cho bọn nhà báo nói cạnh, nói khóe.
Ở thềm trước, Ngô Trọng Hiếu – béo ị, phì phà điếu xì gà, nói với cô kí giả lai:
- Cô Helen, đây là một cuộc cách mạng dân chúng…
- Vậy sao? – Cô kí giả tên Helen hỏi lại cố ý ngây thơ – Họ đứng đó làm gì?
- Họ chờ đại diện của Ngô chí sĩ ra nhận kiến nghị.
- Nầy, ông Ngô Trọng Hiếu – Một người gầy gò, bĩu môi - mỗi người biểu tình chỉ được trả công có một ổ bánh mì thôi sao? Đúng, đây là một cuộc cách mạng bình dân… rẻ nhất thế giới!
Helen che miệng cười, dịch lại cuộc đối thoại cho các kí giả nước ngoài nghe. Người ta quay quần chung quanh cô.
- Ông Trần Văn Ân – Ngô Trọng Hiếu phản kích – Tôi thách ông tổ chức một cuộc biểu tình như vậy. Dĩ nhiên, mướn bọn dao búa thì tốn tiền lắm. Nhưng, dù sao, bọn dao búa không nhiều lắm. Ngay trong làng nhà báo chúng ta, loại trộm cướp đếm được trên đầu ngón tay!
Cuộc đấu khẩu còn có thể kéo dài, nếu Tổng trưởng thông tin và chiến tranh tâm lí Phạm Xuân Thái không ra cổng Dinh Gia Long nhận tờ kiến nghị và nếu chuông phòng họp chưa reo.
Ngô Đình Diệm khẽ gật đầu chào những người có mặt. Hôm nay, Diệm mặc áo the. Chiếc áo khiến Diệm già và khắc khổ hơn. Ông thích nó vì có lẽ nó nhắc ông nhớ thời ông làm Thượng thơ ở Huế.
- Thưa các bạn – Diệm nói đĩnh đạc – Trước hết, tôi cám ơn tất cả các bạn trong và ngoài nước, dù thân hữu hay người còn khác chính kiến với tôi, đã vui lòng hiện diện… Từ khi về nước, tôi mong có cuộc tiếp xúc với báo chí, tiếc rằng công vụ quá đa đoan, nay mới có thể gặp các bạn. Báo chí giữ sứ mệnh quan trọng trong đời sống của thế giới hiện đại, qua báo chí mà công luận có cơ sở để nhận định các biến cố… Với thiên chức nghề nghiệp đó, tôi mong các bạn trình bày một cách chân thực tình hình đất nước Việt Nam trong một giao điểm rất đặc biệt như hiện giờ…
Giọng Diệm lúc đầu còn nhã nhặn, nhưng qua vài câu, âm sắc kẻ cả lấn dần.
- Những ai quan tâm đến tình hình Việt Nam đều biết rằng, đất nước nầy đang trải qua một thử thách bi thảm. Hiệp định Genève kí không có sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam – hẳn các bạn còn nhớ tuyên bố của ngoại trưởng Trần Văn Đỗ ngay khi hiệp định kí: Chính phủ Quốc gia Việt Nam long trọng tuyên bố phản đối cung cách mà thỏa ước kí kết - để cho chính xác tôi nhắc lại nguyên văn bằng tiếng Pháp: “Proteste solennellenment contre la façon dongt l’armistice a été conclu”(1) – và phản đối những điều kiện mà thỏa ước đó không tính đến những nguyện vọng sâu sắc của nhân dân Việt Nam giữ toàn quyền tự do hành động nhằm bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc là “độc lập và tự do.” Tuy nhiên, Việt Nam đã cố gắng và hoan nghênh mọi nỗ lực để tái lập hòa bình và sẽ không dùng võ lực để cản trở sự thi hành hiệp định mặc dù có sự dè dặt kể trên…
(1) Long trọng phản đối cái cách mà hiệp định được ký kết.
- Nhiều mâu thuẫn quá, phải không, thưa ông? - Cô Kí giả Helen khẽ bảo khẽ vào tai Ngô Trọng Hiếu.
- Chả có gì là mâu thuẫn, thưa cô… Chúng tôi phản đối “la façon” – cô nghe rõ chứ!
Diệm hơi liếc về phía Hiếu và Helen. Hiếu chạm nhẹ vào tay Helen, rồi ngay trở lại.
- Chia hai đất nước – Diệm nhấn mạnh – là một tội ác. Đó là sự cấu kết giữa Cộng sản và Thực dân. Rất tiếc, Chính phủ của tôi thành lập trễ, những cơ sở hầu như sụp đổ và tiếng nói chỉ vang lên trên sa mạc… Bây giờ, để tránh khỏi số phận như nửa nước phía Bắc, chúng tôi cần có một quân đội mạnh, một quân đội không theo lối mòn dẫn đến lòng chảo Điện Biên Phủ!
Phòng họp nổi lên tiếng vỗ tay:
- Adieu Điện Biên Phủ… Adieu “lòng chảo”(2)
Mắt Diệm sáng lên
- Cám ơn các bạn! Quân đội Quốc gia phải được xây dựng lại. Tôi nhấn mạnh: “xây dựng lại.” Nghĩa là không phải cải tổ, bổ khuyết, càng không phải chắp vá!
Ngô Trọng Hiếu thét to, đến nỗi cô kí giả Helen phải thè lưỡi:
- Commencer par le commencement!(3).
Diệm tảng lờ không nghe Ngô Trọng Hiếu – ông hơi nhíu mày: “Thằng ni lố bịch!”
- Làm sao một nước độc lập có thể chấp nhận quân đội chỉ phiên chế đến cấp tiểu đoàn? Và các bạn biết, các (4) đóng vai trò quân bổ túc – Forces supplétives, như người ta gọi nó, một thứ partisans(5).
(2) Adieu: vĩnh biệt
(3) Bắt đầu từ cái bắt đầu
(4) Bataillon Vietnamienne: Tiểu đoàn
(5) Thân binh
Giọng Diệm đanh lại – giọng miền Trung cố ý thành giọng miền Nam:
- Một điếm nhục!
Trần Văn Ân cười khẩy:
- Không còn là Forces supplétives, nhưng lại là Suppli forces!(6)
(6) Quân bổ trợ. Trần Văn Ân chơi chữ: Forces supplétives (tiếng Pháp) và Supply forces (tiếng Anh) là từ cùng nghĩa.
Diệm vẫn trấn tĩnh:
- Trong chương trình rộng lớn của Chính phủ, tôi giành vị trí ưu tiên cho việc sớm ra đời một quân đội gồm một trăm năm mươi nghìn lính chính quy. Quân đội của tôi phải được huấn luyện và trang bị tốt. Chỉ huy của tôi là các sĩ quan có tài và có học...
Diệm cố ý gằn giọng các từ “của tôi,” “có học.”
- Rồi đây, các bạn sẽ thấy, một thế hệ mới các tướng lãnh Việt Nam, tướng lãnh đúng như đòi hỏi của quân đội chỉ biết có chiến thắng!
Phòng họp báo bật tiếng rào rào của ngòi viết. Những điều Diệm nói ném ra một loạt viễn cảnh: xáo trộn ghê gớm trong hàng ngũ chỉ huy lực lượng quân đội quốc gia.
Qua một chiếc loa phóng thanh nhỏ ở phòng trong, Nhu và Luân nghe rành mạch từng câu của Thủ tướng.
- Thế là, tuyên chiến!
Nhu mỉm cười, bảo Luân.
- Hơi muộn một chút! – Luân cười hóm hỉnh.
Diệm dừng lại vài giây, như đợi sự thách thức của ông được ghi chép bằng giấy trắng mực đen đầy đủ.
- Đồng thời với việc thành lập quân đội, tôi sẽ xúc tiến cải cách điền địa ngỏ hầu tư hữu hóa các tiểu nông, đã và sẽ định cư nửa triệu đồng bào miền Bắc tìm tự do, sẽ cải tiến thuế vụ, đánh vào những người làm giàu quá mức mà đại đa số không phải là người Việt Nam, sẽ thành lập các cơ cấu dân chủ, trước hết, một Quốc hội lâm thời sẽ ra mắt quốc dân trong đôi ba ngày tới để nghiên cứu việc thành lập Quốc hội lập hiến. Cơ cấu dân chủ nầy dựa trên các hội đồng thành phố, tỉnh, đô thành và đại diện các đoàn thể, tôn giáo, gồm có sáu mươi vị. Sau chót, tôi sẽ cố gắng tối đa vãn hồi an ninh ở thôn xã. Phải nói rằng tình hình an ninh ở hạ tầng đang rất xấu. Không chỉ do Việt Cộng! Thưa các bạn, những gì cần trình bày trước công luận, tôi đã nói hết...
Diệm nhìn phòng họp, miệng hơi cười, đầy tự tin.
- Xin Thủ tướng chi biết những dự định của Chính phủ đã được Quốc trưởng phê chuẩn chưa?
Không ai bảo ai, cả phòng họp – và Diệm nữa – cùng ngó lên bức ảnh Bảo Đại treo trên tường mờ trong khói thuốc, đầu chải úp mu rùa láng bóng, gần gũi với một khách làng chơi hơn là một nguyên thủ quốc gia, trước câu hỏi của một nhà báo.
- Tôi cho rằng sự phê chuẩn quan trọng nhất là của quốc dân! – Diệm trả lời, giọng ngạo nghễ.
Một nhà báo phương Tây tự giới thiệu là phóng viên của tờ France Soir, tờ báo có số phát hành cao nhất ở Pháp, hỏi:
- Xin ông Thủ tướng nói rõ hơn về việc huấn luyện và trang bị ột trăm năm mươi nghìn lính chính quy.
- Phái đoàn do tướng O’Daniel đứng đầu sẽ đảm trách toàn bộ chương trình, kết hợp với phái đoàn của tướng Pháp Paul Ely trong Training Relation Instruction Mission(7), gọi tắt là TRIM...
Diệm dừng đột ngột câu nói, như để tung ra một ý quan trọng. Và, đúng như vậy:
- Chính phủ tôi hoan nghênh các huấn luyện viên Pháp tình nguyện phục vụ tại Việt Nam nếu họ nhớ rằng Việt Nam không phải là một thuộc địa che giấu sau danh từ “Quốc gia liên kết” và quên đi các quyền lợi ích kỉ xa xưa. Chính phủ tôi cũng hoan nghênh nếu họ ra đi!
Nói chung Diệm có thói quen ít ngó thẳng vào mặt người mà ông đối thoại. Nãy giờ, ông thường ngó lên trần nhà, ra cửa sổ hoặc nhìn cử tọa, song nhìn rất bao quát, không ghé lại người nào. Bây giờ, ông lại ngó thẳng phóng viên báo France Soir.
Nhà báo Pháp nầy cười – rõ ràng cười lạt:
- Votre réponse me satisfait, Monsieur le Premier Ministre!