P9 - Chương 19
Đại hội các sắc tộc Thượng khai mạc tại Pleiku.
Nguyễn Khánh đọc một diễn văn dài, hứa hẹn một loạt thay đổi chính sách đối với người Rađhê, Sêđăng, Mơnông, Giarai, Bana v.v... mà điểm được nhấn mạnh nhiều lần là thực hiện quyền bình đẳng giữa mọi người Kinh và người Thượng sống trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Tất nhiên, Khánh lẩn tránh yêu sách tự trị địa phương và số đại biểu chọn lọc này cũng không nêu yêu sách như là tiên quyết. Sự chia rẽ ngay trong hàng ngũ đại biểu đã giúp cho Khánh hướng mục đích của đại hội theo ý định của Chính phủ: dẹp bỏ các chống đối vũ trang, mơn trớn các tộc trưởng với đủ thứ bảo đảm lợi quyền riêng của họ.
Ymơ Eban là chỗ dựa quan trọng của Khánh. Còn Y Nouth, với chủ tâm khác, không đăng đàn, không tuyên bố. Điều anh ta cần đã đạt được: lực lượng đặc biệt người Thượng chẳng những tồn tại mà còn rộng địa bàn hoạt động, do Y Nouth chỉ huy, sĩ quan các cấp trong lực lượng đều là người Thượng, trực tiếp nhận viện trợ của Mỹ, không bị bất cứ một câu thúc hay kiểm soát nào... Thỏa thuận trong cuộc hội đàm Sapar mang lợi thế cho Y Nouth. Về mặt uy tín, Y Nouth vọt lên như “người hùng” thật sự - anh khước từ quân hàm đại tá mà Nguyễn Khánh mớm cho. Ai cũng biết, nếu Y Nouth đòi quân hàm chuẩn tướng hay thiếu tướng, chắc chắn Nguyễn Khánh không dè sẻn, nhưng Y Nouth nói rõ: Với anh, quân hàm không là cái gì cả, anh chỉ muốn phục vụ người Thượng và không hề toan tính bán sinh mệnh của đồng đội để được thăng cấp. Lập tức, người ta loan truyền thái độ khẳng khái của Y Nouth như phẩm chất của một lãnh tụ chân chính.
Luân khâm phục tài quyền biến của Y Nouth.
Khi họ chia tay nhau – Nguyễn Khánh hấp tấp về Sài Gòn bởi cuộc tổng đình công khá phức tạp đe dọa chế độ - Luân và Y Nouth không nói với nhau bằng lời mà bằng mắt.
Tòa án quân sự tha bổng các bị can trong vụ “biểu dương lực lượng” ngày 13-9. Hơn nữa, các tướng bị an trí ở Đà Lạt được tái bổ dụng phụ tá cho Tổng tư lệnh. Để tạo cân bằng, năm chuẩn tướng thăng thiếu tướng: Nguyễn Cao Kỳ (không quân), Lê Nguyên Khang (thủy quân lục chiến), Bùi Hữu Nhơn, Phạm Văn Đổng (bộ binh), Nguyễn Chánh Thi (dù) và thăng phó đề đốc Hải quân Chung Tấn Cang lên đề đốc.
Báo chí rộ loạt bài phê phán tuyên bố của Nguyễn Khánh ở Pleiku: Quân đội là cha của quốc gia. Trong lúc bốc đồng, quả Nguyễn Khánh có lỡ mồm tuyên bố như thế. Và, bây giờ anh ta phải chống đỡ hết sức vất vả. Nguyễn Khánh thanh minh rằng câu nói đó chỉ nhằm nhấn mạnh vai trò của quân đội chứ tuyệt nhiên không hề đặt quân đội lên đầu dân chúng. Lời qua tiếng lại một lúc rồi đột nhiên Đại tướng Trần Thiện Khiêm nhận chức vụ mà anh ta không bao giờ chờ đợi khi đang thăm viếng các quốc gia đồng minh với tư cách thay mặt cho ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực: Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Nguyễn Khánh đã hành động để tự vệ.
Giữa mớ bòng bong của tình thế, quyết định tỉa bớt những người có khả năng giành ngôi vị của mình, Nguyễn Khánh tìm lối thoát bằng các mẹo đầy mâu thuẫn. Gạt Khiêm còn có một lí do trực tiếp: Lê Văn Ty, thống tướng, chết vì ung thư, để lại ghế Tổng tham mưu trưởng – ghế đó, Nguyễn Khánh e sợ rơi vào tay Khiêm.
Nhưng Thượng hội đồng quốc gia lại bầu Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng chứ không bầu Nguyễn Khánh.
Lễ bàn giao quyền lực thật buồn tẻ. Khánh phải gắng gượng để xuất hiện trong buổi tiếp tân.
Phan Khắc Sửu chọn Đại tá Nguyễn Thành Luân làm phát ngôn viên chính thức của Quốc trưởng và theo gợi ý của đại tá, mời Bác sĩ Hồ Văn Nhựt lập Chính phủ. Bác sĩ Nhựt, một nhân sĩ nổi tiếng thiện cảm kháng chiến Việt Cộng đã từ chối.
- Tôi không thích trở thành bù nhìn.
Ông nói thẳng như thế với Nguyễn Thành Luân.
- Tại sao đại tá giới thiệu tôi? – Ông nói thêm – Bây giờ cứ để ấy lão đầu cơ nhảy múa. Đất nước không thể bình an khi Mỹ càng lúc càng đông và bọn quân sự tạm rút lui trên các danh nghĩa trang trí. Tôi mà làm Thủ tướng thì trong một ngày thôi sẽ bị bắt, bị xử bắn, bởi tôi sẽ phát lời kêu gọi bạn của tôi là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ tìm kiếm giải pháp hòa hợp dân tộc, tống khứ Mỹ và tôi tớ chúng ra khỏi đất nước ta. Thôi, cứ để tôi yên với cái Hội đồng thập tự của tôi, nơi mà tôi có thể làm đôi điều giảm bớt nỗi khổ cho đồng bào ta.
Luân cảm phục bác sĩ. Anh nhớ thời kháng chiến chống Pháp, Bác sĩ Hồ Văn Nhựt đã từng dám bôi xóa khẩu hiệu đả đảo Việt Minh mà chính quyền Bảo Đại bắt buộc cơ quan Hồng thập tự phải đóng trên các công văn. Cùng các nhân sĩ hàng đầu của miền Nam như Lưu Văn Lang, Dương Minh Thới, Phạm Văn Lạng, Thượng Công Thuận, Nguyễn Xuân Bái, bác sĩ sẵn sàng tham gia mọi phong trào yêu nước, đòi hòa bình và độc lập. Nhưng, bác sĩ hiểu rõ trò hề mà Mỹ dàn dựng cốt hạ áp suất cơn thịnh nộ của các giới, sau đó, sẽ hành động thô bạo hơn.
- Tôi không phải là chất an thần! Bây giờ, làm cho dân chúng lầm tưởng một Chính phủ dân sự sẽ mang lại điều tốt lành, theo tôi, đó là một thứ cò mồi mạt hạng!
Càng nói, bác sĩ càng nổi nóng. Ông vứt cho Luân một tờ báo trong đó đăng tít to lời kêu gọi của một Thượng tọa: Thành lập Chính phủ dân sự!
- Nếu không phải đần độn về chính trị thì là một kẻ nối giáo cho Mỹ! – Bác sĩ gằn giọng.
Phan Khắc Sửu, cuối cùng rồi cũng có Thủ tướng: Trần Văn Hương.
Chương trình của Chính phủ Trần Văn Hương được đón tiếp vừa lạnh nhạt vừa nóng bỏng. Lạnh nhạt từ phía đông dân chúng – chẳng ai tin ông giáo sư gàn gàn này làm được bất cứ chuyện nào, trừ chuyện mỗi lần Mỹ lâm nguy thì ông đưa lưng ra đỡ. Nóng bỏng từ phía quân giải phóng: Đúng ngày Trần Văn Hương trình bày chương trình của Chính phủ dân sự thì sân bay Biên Hòa bị pháo kích nặng nề nhất: hàng trăm thương vong đến gần ba mươi chiếc máy bay chiến đấu bị hủy diệt, đau đớn hơn là gần hai mươi chiếc loại B.57, máy bay phản lực ném bom tan xác...
Nước Mỹ sửng sốt. Tin chiến sự che lấp danh sách nội các Trần Văn Hương, dù Hương có tô vẽ ình một lô cộng sự ít dính dáng đến các vụ bê bối trong quá khứ: Đích thân Hương kiêm Tổng trưởng Quân lực, Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng, Phạm Đăng Lâm Tổng trưởng Ngoại giao, Lữ Văn Vĩ Tổng trưởng Tư pháp, Lê Văn Tuấn, Tổng trưởng Thông tin, Nguyễn Duy Xuân, Tổng trưởng Kinh tế, Lưu Văn Tính, Tổng trưởng Tài chính, Ngô Ngọc Đối, Tổng trưởng Cải tiến Nông thôn, Lê Sĩ Ngọc, Tổng trường Công chánh, Phân Tấn Chức, Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục, Trần Quang Diệu, Tổng trưởng Y tế, Đàm Sĩ Hiến, Tổng trưởng Xã hội, Nguyễn Hữu Tùng, Tổng trưởng Lao động, Phạm Văn Toàn, Tổng trưởng Phủ Thủ tướng.
Thế nhưng, vấn đề then chốt vấn còn y nguyên: Nguyễn Khánh được cử làm Tổng tư lệnh.
Và lập tức, Tổng hội sinh viên ra tuyên cáo: khó mà tín nhiệm một Chính phủ như của Trần Văn Hương. Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ, nhân vật thay Phan Khắc Sửu đứng đầu Thượng hội đồng quốc gia, từ chức để phản đối thành phần Chính phủ Trần Văn Hương, một Chính phủ mà theo các chính khách, thuộc nhóm “Tinh thần” của Trần Văn Hương, nhóm chính trị ôm ấp nhiều tham vọng.
Giữa lúc đó, cơn bão Iris thổi vào miền Trung, gây tổn thất nghiêm trọng về người và của: Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều chìm dưới những cơn mưa kéo dài ba ngày liền.
Rồi cái phải đến đã đến: Tướng Dương Văn Minh rời Sài Gòn với chức danh đặc phái viên của Quốc trưởng.
Trước khi lên đường, tướng Minh gặp Đại tá Nguyễn Thành Luân và Hoàng Thị Thùy Dung, hai người chào từ biệt tướng Minh tại nhà riêng và với tư cách cá nhân.
- Vậy đó! – Tướng Minh thở dài. - Tôi cám ơn anh chị tiến tôi như tiễn người bạn thân, dù thật ra, tôi biết anh chị chưa quên cái chết của ông Diệm, ông Nhu.
- Thưa trung tướng. – Dung nói – Trung tướng cũng có nhiều mất mát, chẳng hạn thiếu tá Nhung...
Mắt của tướng Minh thêm tối:
- Khó làm lường hết những thứ tráo trở của chính trị... Tôi dốt chính trị và thiệt thòi... Bây giờ, tôi bắt đầu một cuộc sống lưu vong, không lần này cũng lần khác.
- Thưa trung tướng, hẳn trung tướng không phải là trường hợp cá biệt... - Luân cũng ngậm ngùi.
- Tôi hi vọng... - Tướng Minh bỏ lửng câu nói, ngó Luân.
Luân biết vị tướng hi vọng điều gì. Nhưng, anh không muốn đi sâu hơn vào nỗi niềm riêng – dù sao, với tướng Minh, bài học quá khứ mang giá trị tỉnh ngộ chẳng ít thì nhiều.
- Chúng ta rơi vào bẫy và đóng vai bù nhìn... - Tướng Minh chép miệng – Tôi hiểu hơi chậm về người Mỹ... Anh Luân nhất định hiểu hơn tôi, phải làm gì đây?
Luân và Dung thông cảm cái đau của tướng Minh. Ông đặt câu hỏi vào lúc mà ông không còn tí khả năng để làm cái gì.
- Chiến tranh ác liệt. Đồng bào sẽ chết chóc. Ngày 1-11 năm ngoái trở thành cái mộc chuyển tình thế ác liệt, tôi ân hận lắm. Không biết đồng bào đánh giá tôi thế nào?
Tướng Minh có vẻ không chỉ nói với vợ chồng Luân.
Sau cơn bão Iris cơn bão thứ hai ụp tới. Cả miền Trung bị tàn phá khủng khiếp. Cơn bão Joan vừa dịu thì cơn bão Kate vét nốt những gì còn sót lại từ vĩ tuyến 17 giờ trở vào tận Nha Trang.
Không khí chính trị ùn ùn giống các cơn bão. Học sinh, sinh viên hội thảo liên miên, nhất là khi Trần Văn Hương tuyên bố: Chính phủ không nhượng bộ, quyết lập lại kỉ cương. Sáu tờ báo bị tịch thu.
Một đoàn đại biểu tình sinh viên gặp Phan Khắc Sửu, đòi giải tán Chính phủ Trần Văn Hương. Phát ngôn viên của Quốc trưởng, Đại tá Nguyễn Thành Luân, trả lời các hãng thông tấn nước ngoài về cuộc gặp gỡ đó, “Quốc trưởng nhận ý kiến của sinh viên, hứa sẽ xem xét...”
- Thái độ của Quốc trưởng ra sao? Đồng tình hay không với nguyện vọng của sinh viên? – Một nhà báo Mỹ hỏi.
Đại tá Luân mỉm cười:
- Tôi chỉ là phát ngôn viên. Quốc