Gần mười thanh niên, gồm ba nữ, đến nhà Luân một cách đột ngột không hẹn trước, vào một buổi sáng. Vợ chồng Luân sửa soạn đi làm, họ tiếp tại phòng khách. Nhìn qua, vợ chồng Luân đoán ngay họ thuộc lớp “tranh đấu,” có người là sinh viên, có người chắc còn ở các lớp phổ thông.
Mấy năm nay, thành phố rung chuyển vì lớp trẻ học đường, lớp trẻ nói chung, từ nhóm Lê Quang Vịnh, qua Quách Thị Trang, Nguyễn Văn Trỗi và mới đây Lê Văn Ngọc. Tập thể lớp trẻ mở ngay mặt trận chiến đấu nơi nhạy cảm chính trị nhất dẫn đầu, chiếm một mặt bằng thật rộng trên báo chí và nguồn thông tin trong và ngoài nước.
Dung hiểu thật rõ những vụ bắt bớ, tra tấn hàng loạt, do cảnh sát cả Nam Việt thực hiện và hàng mấy trăm người đang bị giam, chờ ngày đi đày. Không ai sẽ được tòa án xét sử vì một lẽ đơn giản: không có lí do để xét xử. Những tuyên bố của cảnh sát về bắt được nơi này lựu đạn, nơi nọ súng lục... hầu hết giả tạo. Chính Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia nhiều lúc phàn nàn: gán ghép kiểu này phe đối lập lật tẩy mà không ai khác phải đưa đầu chịu trận là Tổng nha, dù lệnh từ chỗ khác, chủ yếu là Tổng tư lệnh và Tổng trưởng Nội vụ, tất nhiên, khẩu lệnh. Khá nhiều lần, Dung tranh cãi với Tổng giám đốc – Trần Thanh Bền – Nguyễn Quang Sanh rồi Trần Thanh Bền – về khả năng gây tức giận trong công luận do các hành động trấn áp và lộng quyền của cảnh sát. Lập luận của cô khiến các tay đứng đầu ngành cảnh sát phải suy nghĩ, nhưng nó chỉ có thể gỡ một ít vụ quá xôn xao, còn, như guồng máy phải quay, ngành cảnh sát bổ sung thêm lực lượng dã chiến chống biểu tình, được trang bị mặt nạ, hơi cay và phi tiễn, thành lập thêm các phòng chuyên điều tra học sinh, sinh viên mà phái đoàn cố vấn Mỹ khuyến cáo phải tìm cho ra đầu não của “Liên hiệp học sinh – sinh viên giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định,” nòng cốt của Việt Cộng tác động trong các trường học, trước hết, các trường dạy nghề, trường tư thục và một loạt trường đại học, cao đẳng. Những tài liệu mà phái đoàn cố vấn Mỹ cung cấp cho thấy có mối quan hệ giữa các tổ chức “Nhà giáo yêu nước,” “Nghiệp đoàn giáo dục,” “Tổng liên đoàn lao động,” số trí thức gồm cả nhà văn, nhà báo ngày xưa chồng pháp với “Liên hiệp học sinh – sinh viên giải phóng,” với Tổng hội sinh viên, các ban đại diện các trường – những chi nhánh công khai đặt dưới quyền điều khiển của khu đoàn thanh niên nhân dân cách mạng – tức Việt Cộng.
Phái đoàn cố vấn Mỹ thật sự lo lắng sức bật của lớp trẻ. Những ngày đầu, Nguyễn Khánh coi thường “mấy chú học trò.” Nhưng, cú xé Hiến chương Vũng Tàu đã cảnh cáo anh ta cùng bộ sậu quân sự. Điều mà Khánh và cánh võ biền chưa hiểu thì tình báo Mỹ nhìn rõ: tính chất của phong trào học sinh thay đổi từng tháng một. Nếu ngày xưa, học sinh sinh viên và thanh niên nói chung là những tranh cảnh minh họa cho các chính khách mang nhiều lốt áo dấy lên sự chống đối Diệm để giành quyền lực thì từ giữa năm 1964, họ tự chứng mình khả năng độc lập về chính trị, khả năng liên kết với nhau và khả năng liên kết rộng lớn – thậm chí, không trừ tạo ra đồng minh trong thanh niên Mỹ - tuy mục đích còn mơ hồ, nhưng đúng là thế lực đáng sợ, thế lực với cái nghĩa đầy trọng lượng ném lên đòn cân chính trị ở thủ đô và các thành phố lớn nhỏ của Nam Việt. Truyền đơn xuất hiện mỗi ngày một nhiều, rồi nội san in ronéo, rồi hội thảo, rồi xuống đường. Tới nay, chưa có khẩu hiệu chống Mỹ nào công khai trên băng, áp phích là liệt khắp nơi, nhưng đã qua thời kì “đả đảo tàn dư Cần lao,” “đả đảo Thực Phong Cộng” còn khá rầm rộ cách đây vài tháng thôi.
- Các bạn biểu tình tôi? – Luân cười cởi mở, mời họ ngồi.
- Hay với tôi, một nhân viên Tổng nha cảnh sát? – Dung cũng cười.
- Không phải! – Một thanh niên gầy gò, mặt mũi sáng sủa, có vẻ người cầm đầu nhóm, trả lời – Chúng tôi muốn tranh luận với đại tá trước, với bà thiếu tá sau...
- Sẵn sàng! – Luân trở lại thái độ nghiêm chỉnh.
- Chúng tôi hỏi: Tại sao đại tá lại nhận chức phát ngôn viên cho ông Phan Khắc Sửu?
- Việc đó làm các bạn không bằng lòng?
- Tất nhiên! Không bằng lòng và khó hiểu. Một người như đại tá lại làm cái loa ột nhân vật bù nhìn, chúng tôi cố tự giải thích mà không tìm được lời đáp nào thỏa đáng.
Luân nhìn khắp lượt toàn nhóm.
- Tôi rất kính trọng các bạn trẻ... - Luân nói từ tốn – Vừa rồi, các bạn đã hành động như một chiến sĩ chân chính... Xin cho phép tôi hỏi các bạn: Theo các bạn, tôi nên làm gì? Và, trong khi thừa hành “cái loa” như các bạn khinh miệt, tôi phạm sai lầm nào đáng xấu hổ?
Người đại diện của nhóm có vẻ hơi lúng túng trước câu hỏi ngược của Luân. Một nữ - chắc chắn là nữ sinh trung học – đã thay lời bạn:
- Phát ngôn của đại tá chưa có gì gọi là xấu hổ. Cái đáng xấu hổ là việc làm của người phát ngôn.
Giọng cô đầy trách móc.
- Cám ơn cô bạn đã nói thẳng. Song, câu hỏi của tôi chưa được trả lời trọn vẹn... - Luân vẫn một mực ân cần.
- Ông nên làm gì, phải làm gì, không ai thay ông trả lời được. Chính ông, ông biết... - Cô gái vẫn giữ thế tiến công.
- Vì lí do đó mà các bạn đến nhà tôi?
- Đúng một nửa, tức đúng với đại tá... - Một nam thanh niên đeo kính cận trả lời.
- Như thế này, – Luân như tâm sự với người anh tin cậy – Tôi phát ngôn cho ông Sửu, danh nghĩa là Quốc trưởng, mà không phát ngôn cho Chính phủ hay quân đội... Tôi không chọn nghề “ống loa,” người ta mời và tôi nhận. Bởi vì, trong lúc này, theo tôi, là việc làm có thể có được một chút lợi ích nào đó. Một chút thôi. Mọi cái sẽ qua nhanh. Các bạn hiểu chớ?
- Tại sao đại tá không thành lập một đảng chính trị? Chúng tôi cho rằng với tư cách một đảng chính trị, đại tá rộng đường hoạt động hơn... - Người trưởng nhóm nói.
- Đảng chính trị? – Luân cười – Chẳng lẽ các bạn khuyên tôi bỏ “ống loa” cho ông Quốc trưởng bù nhìn để thành thủ lĩnh nhóm xôi thịt? Đảng chính trị, đúng là cần. Nhưng, nó không thể tồn tại giữa Sài Gòn. Một đảng được phép hành nghề của Bộ Nội vụ, các bạn thử tưởng tượng, nó là loại gì? Tôi không thích bị báo chí Sài Gòn gọi là “chánh khứa!”
- Có nhiều loại đảng! Đại tá thành lập một đảng đối lập, công bố đường lối chính trị rõ rệt, tức khắc dân chúng ủng hộ...
- Đường lối sẽ thế nào? - Luân lắc đầu, anh ngó thẳng vào những người đối thoại - Không đường lối nào tốt hơn sự lựa chọn của các bạn. Các bạn đã thấy, khẩu hiệu đòi có một Chính phủ dân sự ra đời, y một trò ảo thuật. Nay mai, sẽ có lập luận: Chính phủ dân sự bất lực, phải tái lập quyền uy của quân đội... Tất cả màn khói ấy nhằm vào cái gì? Các bạn thích bị khoác bộ quân phục, nhét súng vào tay và buộc phải bắn lung tung không? Bắn ai? Ai chết? Quá đủ rồi cái trò “đảng đối lập.” Tôi không chọn con đường, nói trắng ra, là chỉ có lợi cho những kẻ buôn súng và buôn máu... Mọi thứ đều có giới hạn. Chúng ta đang ở chỗ phải phá giới hạn cũ. Nói thật chính xác, nếu những người có nhiệt tâm không phá vỡ giới hạn đó thì thế lực khác cũng phá vỡ nó. Các bạn, tôi tin là đầy nhiệt tâm, nên suy nghĩ chủ động... Các bạn hiểu ý tôi không?
Luân nói tựa như với đồng chí, đồng tâm, mặc dù anh hoàn toàn nói theo thân phận anh cho phép, có thể hiểu bằng nhiều cách – ví dụ trong số này có một tình báo Mỹ hay một gã khiêu khích của phe phái ghi âm lời của anh, cũng vô hại.
- Chúng tôi cám ơn đại tá... Bây giờ, xin được hỏi bà thiếu tá Cảnh sát quốc gia...
Dung cười:
- Xin mời!
- Tại sao bà vẫn tòng sự ở Tổng nha? – Một cô gái hỏi.
- Thế, tôi nên tòng sự ở đâu? Tôi là sĩ quan cảnh sát, đương nhiên tôi phải ở nếu không Tổng nha thì một Nha, một Ty thuộc ngành cảnh sát...
- Bà không thấy bao nhiêu chuyện tàn bạo của cảnh sát sao?
- Vấn đề có lẽ nên đặt thế này: Tôi có tàn bạo không? Bởi vì, các bạn đến đây gặp cá nhân tôi, tôi là phó chủ sự của một Nha của Tổng nha, nhưng tôi không lấy tư cách ấy để nói chuyện với các bạn.
- Chúng tôi biết bà ở Nha công vụ... Nhưng, nếu người ta điều bà sang Nha hoạt vụ chẳng hạn, hay cảnh sát đặc biệt, bà sẽ trở nên tàn ác...
- Ở Nha công vụ, nếu muốn tàn ác, chẳng khó gì. – Dung cười mỉm – Nhưng, vấn đề là phía các bạn, nên hoạt động thế nào để không bị các nhóm hoạt vụ gây phiền toái...
- Nghĩa là bà khuyên chúng tôi xuôi tay? – Một cô gái hỏi gay gắt.
- Tôi không khuyên gì cả. Tôi chỉ nhắc rằng nếu các bạn biểu tình bãi khóa, chiếm trường... thì theo tôi, tùy các bạn. Đừng để những trái lựu đạn – không phải những chai xăng dầu – và khẩu súng ngắn vấy vào các cuộc biểu thị thái độ chính trị.
Dung cố gắng vận dụng lối phân tích về phương châm đấu tranh, cố không dám phiêu lưu quá xa và hi vọng nhóm trẻ này hiểu được.
- Tang chứng của cảnh sát trong vụ đám tang Lê Văn Ngọc là giả tạo! – Một người nói hằn học.
- Đúng, tôi đồng ý. Do đó các bạn bị bắt được thả ngay. Nhưng... - Dung không nói tiếp.
- Nhưng sao? – Một nữ thành niên hỏi, nôn nả.
- Nếu đó là tang chứng thật. - Dung cắn môi – Mọi lẫn lộn đều phải trả giá, đôi khi quá đắt. Tôi chỉ có thể đối thoại với các bạn bấy nhiêu.
Xem đồng hồ, Dung đứng lên:
- Tôi phải đi làm, chào các bạn.
- Bà ấy không hỏi tên bất kì ai trong chúng ta – Một người nói khẽ, song Luân nghe.
*
Tuyên bố của Hội đồng tướng lĩnh:
Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12-1964, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa từ chuẩn tướng và phó đề đốc trở lên, trừ số bận công vụ ngoài nước hoặc không thể rời sở chỉ huy do chiến sự bắt buộc, đã họp hội nghị toàn thể.
Là những quân nhân mang trọng trách giữa thế nước nguy hiểm, Việt Cộng mở rộng hoạt động khắp các vùng cùng với tốc độ gia tăng thâm nhập vũ khí và thực binh của Cộng