P2 - Chương 13
Nhu nhìn Ngọc, suy tính. Tuy giữa trưa, phòng giam vẫn tối mờ, ngọn đèn điện hắt một màu vàng, bệnh hoạn. Trần Kim Tuyến ngồi lùi sát bức tường ẩm ướt, thỉnh thoảng chùi đôi kính cận, lặng lẽ như một nhân chứng.
Ngọc thanh thản tựa lưng vào thành ghế, mái tóc bạc rũ xuống che vầng trán rộng. Da anh hơi xanh: mười ngày không gặp ánh mặt trời.
- Ở đây, ông được cư xử tốt không? – Nhu hỏi sau một lúc đắn đo tìm cách mở lời.
- Tôi không bận tâm tới những chuyện đó. Hẳn là Bác sĩ Trần Kim Tuyến – Ngọc không ngó Tuyến – đã tính toán chi li trong mọi trường hợp đối xử. Ngay cả về chung cuộc, tôi còn không quan tâm nữa là…
- Tôi hỏi thẳng ông: Ai cử ông đi liên lạc với Bình Xuyên? - Nhu sửa giọng oai vệ.
- Điều đó có gì quan trọng? Tôi là một cán bộ, tôi hành động theo chức trách của tôi…
- Tại sao ông xui Bình Xuyên gây phản loạn? Chính các ông luôn hô hào hòa bình kia mà?
- Trong một câu nói, ông phạm đến mấy lỗi, có cái thuộc văn phạm, có cái thuộc chủ đề! – Ngọc cười hơi khinh miệt – Tôi không xúi, không xua Bình Xuyên làm bất kì điều gì ngược với lợi ích hòa bình của đồng bào ta. Chính các ông đã làm việc đó… Còn từ “phản loạn” ông gán cho Bình Xuyên e chưa chính xác... Ai “phản loạn” hơn ai – giữa các ông và Bình Xuyên - cần phải xem lại!
- Ông là một đảng viên Cộng sản, phải không?
- Tôi chưa bao giờ nói khác…
- Một đảng viên Cộng sản không được quyền mù quáng! Ông đi với Bình Xuyên thì được lợi ích gì?
- Còn nếu tôi đi với các ông thì được lợi ích gì? Bình Xuyên là một nhóm ô hợp, phạm nhiều tội ác mà tội ác lớn nhất là phản quốc nhưng trong họ không phải không có người còn lương tri mà đến với Bình Xuyên…
- Ông tổ chức họ chống đối chúng tôi lâu dài?
Ngọc không trả lời.
- Ông tin là chúng tôi sẽ đổ? - Nhu hỏi, khiêu khích.
- Người ta đồn Ngô Đình Nhu là một chánh khách sắc sảo. Hóa ra người ta đồn lầm… - Ngọc dằn mạnh – Ông cho là ân huệ của Chính phủ Mỹ mãi mãi dành riêng cho gia đình ông? Sao ông ngây thơ quá vậy? Đó là tôi chưa nói nhân dân miền Nam, họ không dính dáng gì đến viện trợ Mỹ. Các ông đã bắt đầu “tố Cộng” rồi chớ gì? “Tố cộng” về thực chất là tố quần chúng. Các ông dám tố quần chúng thì quần chúng dám tố các ông. Đương nhiên là như vậy!
- Cứ cho như ông nói đúng về cái nhân dân mà ông đơm đặt cho họ nhiều ưu điểm quá, nhóm Bình Xuyên lại gây hứng thú cho ông, thì quả lạ lùng…
- Những người Bình Xuyên yêu nước không hành động theo lối Bảy Viễn. Rồi ông còn đủ thì giờ kiểm nghiệm lời nói của tôi. Và không riêng gì các giáo phái, ngay quân đội mà ông đang cố gắng xây dựng làm lực lượng chống đỡ cho chế độ của ông, họ sẽ chĩa súng vào ông khi họ cho là cần thiết, hoặc khi Mỹ cho là cần thiết…
Nhu rít thuốc liên hồi, Ngọc nói những cái đáng sợ thật và những cái không phải Nhu không một lần nghĩ tới.
- Theo ông, Kĩ sư Nguyễn Thành Luân là người thế nào?
Nhu bất thần đổi chủ đề cuộc trao đổi. Trần Kim Tuyến dán mắt vào Ngọc, soi mói.
- Như thế nào là về phương diện gì? – Ngọc hỏi lại, thản nhiên.
- Chẳng hạn như xu hướng chính trị, như thái độ đối với Bình Xuyên…
- Tại sao ông hỏi tôi những điều ông đã quá rõ? Luân là bạn thân của tôi, trong kháng chiến chúng tôi quen nhau, tuy không cùng nghề nghiệp. Bạn thì thân; song tôi và anh ta khác nhau về nhiều cách nhìn. Anh ta mơ màng về một chủ nghĩa Quốc gia nào đó. Sự ấu trĩ của anh ta – như sai lầm của chính tôi vào thời gian đầu cách mạng – đôi khi khiến chúng tôi bất hòa. Anh ta không thích Bình Xuyên, kể cả những người không giống Bảy Viễn…
- Gần đây, ông thấy ông Luân có những đổi thay gì đáng kể?
- Anh ta ngày mỗi ngày mỗi mơ màng hơn. Chủ nghĩa Quốc gia nói chung đã là một hư ảo mà việc khoác cho anh em ông cái áo Quốc gia lại càng hài hước… Vĩnh viễn tôi với anh ta không thể dung hòa được quan điểm đó… Mặc dù, vĩnh viễn tôi với anh ta là bạn thân.
- Ông Luân biết tin ông bị bắt chưa?
- Tôi nghĩ là chưa… Chúng tôi liên lạc với nhau rất thưa.
- Ông tin là ông Luân sẽ tìm cách cứu ông?
- Luân là người trọng tình bạn. Còn việc cứu tôi thì chắc anh ta không làm nổi.
- Tại sao?
- Đơn giản quá mà… Tôi không tin ở chủ nghĩa Quốc gia của các ông – và bây giờ cũng là của anh ta – và tôi không thể nào từ bỏ lí tưởng Cộng sản mà tôi thiết tha để đổi lấy tự do cá nhân. Các ông không đời nào chấp nhận ột người thù địch về ý thức hệ với các ông được sống sót và hoạt động trong cùng các ông cai quản. Nguyễn Thành Luân tôn trọng tôi, sẽ không muốn tôi thành một tên phản bội và anh ta không chịu khuyên tôi trá hàng... Đơn giản như vậy! – Ngọc nói rành rọt.
- Ông là một người cuồng tín! – Nhu kêu to – Ông bít tất cả đường sống của ông, ông có biết điều đó không?
Ngọc cười buồn:
- Tôi không thích kéo dài sự thăm dò không cần thiết.
- Kĩ sư Luân có một bạn gái, đúng hơn, có một người yêu… Ông có biết cô ấy? – Trần Kim Tuyến hỏi.
- Thế à? – Ngọc vui hẳn, nhưng Nhu bận trầm tư nên không để ý một thoáng bối rối trong mắt Ngọc – anh hoàn toàn không hay biết việc nầy và, khi biết thì anh hiểu ngay vai trò của người bạn gái ấy đối với Luân.
- Tôi nghe Luân nói về một cô bạn gái, nhưng vì mối quan hệ giữa hai người lúc đó còn chưa rõ nên anh ấy không giới thiệu với tôi.
- Ông có yêu cầu gì không? – Nhu hỏi.
- Có! Tôi muốn gặp Luân…
- Yêu cầu của ông sẽ được giải quyết…
*
Cuộc xung đột bước sang ngày thứ ba. Trừ bót Catinat và quán Théophile ở Đakao, toàn bộ lực lượng Bình Xuyên rút qua bên kia cầu chữ Y và quanh vùng Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, Xóm Chiếu, Xóm Củi…
Tổn thất hai bên khá nặng nhưng thiệt hại của dân lại nặng hơn nhiều: hàng nghìn người chết và bị thương, hàng vạn nhà cháy. Ủy ban cứu trợ nạn nhân cuộc xung đột được thành lập khẩn cấp và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo được bầu làm chủ tịch. Nhưng, một phong trào quần chúng sâu rộng mới là cái quan trọng. Riêng cái tên của Ủy ban cũng dấy lên sự tranh cãi giữa Chính phủ và các nhân sĩ: Chính phủ muốn ủy ban mang tên Ủy ban cứu trợ nạn nhân phản loạn Bình Xuyên,