P5 - Chương 2
Luân đọc đi đọc lại phần nhận xét sau cùng trong báo cáo của Đại tá Phan Cao Tòng. Ngô Đình Nhu vạch một nét đỏ đậm dọc theo lề phần nhận xét đó.
Báo cáo viết: Từ cuộc đột kích này, chúng tôi thấy: a) Việt Cộng xuất phát từ bên kia biên giới - chắc chắn được sự ủng hộ ngầm của Sihanouk - ngoài khả năng trinh sát của chúng ta; b) Tuy nhiên, mặt khác, thực tế ấy vẫn cho thấy Việt Cộng chưa đủ mạnh theo cái nghĩa chưa đủ thực lực tại chỗ để tổ chức những cuộc đột kích tương tự; c) Kĩ thuật tiến công nặng yếu tố bất ngờ - chọn hậu cứ cấp sư đoàn của ta và nhân ngày giáp Tết - nói rõ, Việt Cộng không thể nhận chiến vào các trường hợp khác. Chúng chưa được huấn luyện chính quy, nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một toán ô hợp; d) Cuộc đột kích do cơ quan quân sự và cán binh cao cấp nhất của Việt Cộng chỉ huy chứng minh đây là cố gắng tối đa của chúng; e) Hành động của Việt Cộng nhằm mục đích tuyên truyền hơn là quân sự; f) Từ tất cả những bằng chứng kể trên, chúng cần thì giờ chuẩn bị. Trên bình diện quân sự, đây là hành động đột xuất. Nó sẽ không luôn luôn hữu hiệu nếu Quân lực Việt Nam Cộng hòađề phòng cẩn mật, tạo được màng lưới thu nhập tin tức bên kia biên giới. Hơn nữa, Quân lực Việt Nam Cộng hòahoàn toàn có thể dẫn dụ bọn phiến loạn vào cái bẫy giăng sẵn để tiêu diệt chúng; g) Trận đột kích Tua Hai của Việt Cộng và phản đột kích của sư đoàn 13 bộ binh là chiếu lệ đầu tiên cần được phân tích từ góc độ công tác tham mưu, chúng tôi đã biên soạn sơ bộ và mong được thượng cấp cho phép có dịp trình bày ở Cục quân huấn.
- Anh chú ý các ý kiến của Phan Cao Tòng… - Nhu bảo Luân - Hay đấy! Chỉ có một vấn đề thôi: tôi hiểu Tòng, hắn không đủ trình độ để đưa ra nhiều ý kiến như vậy…
“Đâu chỉ có mỗi một vấn đề!” - Luân nghĩ thầm, “Các báo cáo khác nhau đến độ kì quặc: báo cáo của Trung tâm tình báo, của tỉnh trưởng Tây Ninh, thông báo của tùy viên quân sự sứ quán Mỹ… Nhu đọc tất cả, nhưng lại bỏ qua những điểm sai biệt, có thể vì Nhu đang dồn tâm trí ột đòn chính trị mà với tư cách cố vấn của Tổng thống, Nhu sẽ phát biểu trên Đài phát thanh Quốc gia nay mai, có thể vì Nhu tin cánh nhà binh hơn. Trong mớ hổ lốn đó, báo cáo của Phan Cao Tòng lại rất giống báo cáo của Lê Khánh Nghĩa, chỉ huy phó bảo an tỉnh Tây Ninh.”
Năm 1959, với chính thể Ngô Đình Diệm, đầy diễn biến phức tạp. Có vẻ cơ ngơi mà chính thể tạo lập đạt đến tột đỉnh sau năm năm bò theo một triền núi, tuy nhiều chướng ngại vật song đều có thể vượt qua, đến nay sườn phía khác tuồn tuột tận chân núi.
Đầu năm, Sài Gòn choáng váng: chế độ Cộng sản Fidel Castro chiến thắng ở Cuba. Tổng thống rất quyền lực và khá lâu năm, Batista - người của Mỹ, tất nhiên, bị lật đổ và phải chạy trốn. Chiến thắng càng thêm lạ lùng khi người ta đo khoảng cách giữa hai hòn đảo với thành phố Miami thuộc bang Florida của Mỹ, 200 cây số thôi - và quân phiến loạn Cộng sản thực tế chỉ là một nhóm vũ trang do một luật sư trẻ cầm đầu. Đức Hồng y Aganianian, khâm mạng của giáo hoàng La Mã, nhận sang dự đại hội Thánh Mẫu ở Sài Gòn, không giải thích với anh em Diệm, Nhu lí do vì sao Fidel đánh tan Batista và vì sao Hiệp chủng quốc Mỹ không đối phó khi nạn Cộng sản lăn sát cửa ngõ nhà mình mà trong lời huấn dụ lại có hàm ý cảnh cáo: Chúa không ở với kẻ bị dân oán. Nhà thờ Đức Bà được Tòa Thánh nâng lên hàng vương cung thánh đường không trấn an nổi gia đình Tổng thống: Chỗ dựa Vatican chỉ là vật phản chiếu mọi cử động của Washington. Người bạn lớn của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles, chết vì bệnh ung thư - chỗ dựa thêm một xói mòn quan trọng. Cho nên, mặc dù vị tư lệnh Mỹ, đô đốc Felix Stump, long trọng trao cho Tổng thống Diệm giải thưởng danh dự “Lãnh đạo tự do” của tổ chức bảo vệ tự do Pensylvanie, Sài Gòn vẫn không thoải mái.
Ngày 7-7, nhân kỉ niệm năm năm chấp chánh, Tổng thống đáp lời Giáo sư Wesley Fishel vừa là người dìu dắt Diệm đến chiếc ghế Tổng thống, vừa là quan chức CIA cao cấp điều hành công việc tại Việt Nam hiện nay - bằng lối nói bóng gió, thành công của chế độ trong năm năm qua là do nỗ lực của toàn dân…
Cái chết bí ẩn của Tổng thống Philippin Magsaysay chưa thôi ám ảnh Diệm và lời khuyên còn bí ẩn hơn của người kế nhiệm Carlos García nhân ông này sang Sài Gòn củng cố những mặc cảm của Diệm mỗi lúc mỗi sâu thêm trong quan hệ với nước Mỹ: “Chúng ta là kẻ sống với Đức tin và hãy phó thác tất cả cho Chúa.”
Đùng một cái, Colagrove, nhân viên hãng Thông tấn Serrips - Noward tung ra một loạt bài nói về việc sử dụng sai lệch các nguồn viện trợ Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa - đúng hơn, tố cáo nạn ăn cắp viện trợ. Quốc hội Mỹ, mà Đảng Dân chủ giữ trọng lượng, la ó. Tổng thống Mỹ buộc gọi một lô tai to mặt lớn Mỹ ở Sài Gòn từ đại sứ Durbrow đến giám đốc USOM Gardiner về Mỹ trả lời đủ thứ chất vấn và Quốc hội ủy thượng nghị sĩ Dân chủ Mansfield - vốn không ưa gia đình ông Diệm - cầm đầu một phái đoàn điều tra sang Sài Gòn. Không ai không thấy qua sự việc này, Chính phủ Mỹ muốn thò dần cây gậy bên cạnh củ cà rốt…
Quan hệ với Nhật tốt hơn - món tiền thưởng của Nhật trong Thế chiến thứ hai được dành trọn cho Việt Nam Cộng hòa và để tỏ lòng biết ơn, nhân thái tử Nhật Akihito cưới vợ, Tổng thống Ngô Đình Diệm gởi một cặp ngà voi làm quà. Nhưng, vào cuối thập niên 1950 này, vai trò quốc tế của Nhật còn khiêm tốn, hơn thế, sự liên hệ quá vồ vập với một đất nước từng gây đau khổ cho cả châu Á rất dễ bị hiểu lầm đã không cho phép ông Diệm đi xa hơn trong tìm kiếm liên minh với Nhật. Tình hình Nam Dương nói chung khích lệ chế độ Sài Gòn: sự tồn tại của Tổng thống Soekarno - quán quân nổi tiếng của chính sách trung lập thân Cộng - đang được đếm từng ngày trước sức ép của lãnh tụ Hồi giáo Hatta và quân đội.
Lào thì chưa ngã ngũ mà thêm rối ren. Sau khi bắt giam các cán bộ cao cấp Pathét Lào, trong đó có “ông hoàng đỏ” Souphanouvong, phái hữu quay sang tự xâu xé. Tướng Phoumi Nôsavãn mang cả thiết giáp bao vây Chính phủ Sananikone, ông này từ chức, gia quyền cho Abhay, một lão già sắp chết. Cả Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa xắn tay áo nhảy vào Lào: Mỹ tăng viện trợ quân sự, Việt Nam Cộng hòa kí kết hiệp ước kinh tế, song cả hai đều thất vọng - người Lào thích dollar nhưng không thích đánh nhau…
Trước sau, Miên vẫn khiến Sài Gòn đau đầu. Biên giới lộn xộn. Chưa xảy ra trận đụng độ nào lớn nhưng súng cứ nổ dai dẳng, ngày nào cũng có. Sài Gòn lóe lên hi vọng: Sam Sary và Đáp Chuôn tấn công Sihanouk. Ngô Trọng Hiếu, đại diện Việt Nam Cộng hòa ở Nam Vang, đạo diễn cú đánh ngoạn mục này. Tuy nhiên, Sài Gòn mừng hơi sớm. Sam Sary bỏ chạy. Đáp Chuôn bị bắn chết ngay trên lãnh địa hùng cứ của ông ta là Siêm Rệp. Sài Gòn đánh giá quá cao nhóm thân Mỹ và đánh giá quá thấp Sihanouk, ngỡ rằng chỉ với vài cuộc động binh ở biên giới của Đáp Chuôn kết hợp với nhóm cảnh vệ tại thủ đô của Sam Sary, chế độ Sihanouk bị lật đổ. Âm mưu phản loạn của Đáp Chuôn - Sam Sary thật ra không lọt khỏi cặp mắt theo dõi của triều đình Nam Vang, nói đúng hơn, của Phòng nhì Pháp. Umsvouth và Kossem, thừa lệnh Nhiek Tioulong, đưa lính dù xung trận và họ dẹp loạn thật nhanh, gọn. Sự việc không kết thúc ở mức đó, bởi Sihanouk thừa hiểu cái gì đằng sau Đáp Chuôn. Và, ông ta họp báo: hai sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòalàm nhiệm vụ cố vấn tác chiến trong Bộ tham mưu của Đáp Chuôn bị bắt sống và được trình diện. Tất nhiên, Việt Nam Cộng hòa phủ nhận, Sihanouk không cần sự công nhận hay phủ nhận. Ông muốn cảnh cáo Sài Gòn chớ chơi trò cắn trộm. Khá đông các quốc gia Đông Nam Á - tuy hùa với Mỹ - không thích Sài Gòn trở thành một lính sen đầm khu vực. Tuy ghét Sihanouk, các quốc gia đó ngại cú gây loạn vừa rồi ở Miên mở ra tiền lệ. Washington phê phán Fishel - thiếu chặt chẽ trong kế hoạch hành động - nhưng không lên tiếng công khai về sự việc đảo chính hụt ở Miên ở Sihanouk không tố cáo Mỹ mặc dù ông ta nắm nhiều tài liệu đủ vạch trần Mỹ - cùng với Sài Gòn - kẻ chủ mưu lật đổ ông. Sihanouk là con người lắm mưu mẹo vặt. Tháng tám, ông ta nhắc lại lời Nhu mời ông viếng Sài Gòn và ông đến thủ đô Việt Nam Cộng hòa giữa hàng rào danh dự, đi trên thảm nhung, nhận hoa cùng những cái hôn nóng bỏng của các cô gái… Hai bên tuyên bố “dẹp hiểu lầm, thắt chặt tình thân hữu.” Nhưng, chưa đầy một tháng kể từ chuyến viếng thăm mà báo chí đôi bên cho là “hết sức kết quả” đó, ngày 1-9, Hoàng hậu Cao Miên Kossamak - mẹ đẻ của Sihanouk - nhận được một gói quà của một hãng buôn từ Hương Cảng gửi sang nhân sinh nhật của bà.
Đó là hãng buôn vẫn chuyên cung cấp các vật dụng sinh hoạt của gia đình hoàng gia. Quốc vương Suramarit và hoàng hậu ngự trên ngai vàng, muốn đích thân xem món quà quý. Hoàng thân nội giám Vakrivan mở gói quà - trong một hộp, ràng rịt cẩn thận. Khi gói quà bóc đến lớp giấy cuối cùng, sắp mở ra thì Thái tử Sihanouk vào. Ông ra hiệu cho Vakrivan tạm ngưng, để quốc vương và hoàng hậu ra phòng ngoài tiếp khách. Mọi người vừa an vị ở phòng ngoài, thì ở phòng trong, một tiếng nổ dữ dội giết chết hoàng thân Vakrivan, phá tung gian phòng… Gói quà chính là một quả bom.
Dư luận Cao Miên sôi sục. Người ta đề quyết Sài Gòn gây tội ác nhằm diệt nhà vua. Một chút ánh hữu nghị vừa nhen lên đã tắt ngấm.
Ngô Đình Nhu lỡ khóc lỡ cười. Anh ta gọi Ngô Trọng Hiếu tới Dinh Độc Lập, cạo cho một trận là tên quân sư này thiếu điều độn thổ:
- Anh ngu như bò. Ai lại cho nổ vào lúc này? Tôi đã bảo ngưng tất cả các dự định dính đến bọn Miên, tại sao anh dám cãi?
Ngô Trọng Hiếu chỉ chống chế:
- Kế hoạch này sửa không kịp…
Hắn ta giấu biệt nguyên nhân: Hắn giao cho Ly Kai bố trí, Ly Kai báo với Dương Tái Hưng và Dương Tái Hưng tự mình sang Hồng Kông bố trí. Khi Hiếu bảo Ly Kai ngừng lại, Ly Kai báo với Tái Hưng. Tái Hưng lớn tiếng:
- Không! Tôi đã thu xếp xong… Ngô Trọng Hiếu là cái gì mà ra lệnh cho tôi? Thủ tiêu Sihanouk với cha mẹ nó cần thiết cho tôi chớ không phải vì Ngô Trọng Hiếu hay Ngô Đình Nhu!
Nói thì găng như vậy song Dương Tái Hưng đưa Ly Kai 1.000 dollar bảo giúi cho Hiếu.
Ly Kai vừa giúi tiền vừa bảo:
- CIA thực hiện kế hoạch này, không sửa được.
Hiếu biết nếu hé với Nhu rằng có bàn tay của CIA thì lập tức hắn bị ném xuống hầm cọp ở sở thú - cái P.42 rùng rợn ấy.
Thế là bang giao Việt - Cambốt trở lại điểm chết. Có vẻ người Mỹ còn hung hăng hơn trong tham vọng tiệu diệt xu hướng trung lập ở Nam Á. Ngày 25-9, Thủ tướng Sri Lanka Bandaranaike bị ám sát tại Colombo. Và, dư luận đặt một dấu hỏi to tướng về sự a tòng của Trung Cộng trên lĩnh vực này - lĩnh vực chống trung lập: Quân đội Trung Cộng tràn qua biên giới Ấn…
Tình hình đối nội của Việt Nam Cộng hòa cũng không bằng phẳng. Nếu giáo chủ Phạm Công Tắc từ trần ở Nam Vang được Sài Gòn đón nhận như một người vô danh tắt thở thì cuộc bầu cử Quốc hội khóa II lại đưa những Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán ngoi lên và ngôi lên ngay tại đô thành. Đán giành được nhiều phiếu nhất và nói chung, phe “độc lập” đánh bại phần lớn ứng cử viên Phong trào Cách mạng Quốc gia, ở nơi mà sự gian lận của Chính phủ bắt buộc phải khéo léo.
Kể ra mươi dân biểu chống đối không thể lung lay nổi cơ chế của cái Quốc hội đã được đủ thứ luật lệ rào chắn bảo đảm ưu thế tuyệt đối của Chính phủ, nhưng Diệm không bằng lòng. Nhu khác Diệm, anh ta muốn Quốc hội có đôi tiếng nói ngược - món trang sức rẻ tiền mà rất hào nhoáng. Diệm không thể hình dung những tay không tôn sùng ông là lãnh tụ cả chính trị lẫn tinh thần lại chiếm ghế ở Quốc hội, dùng diễn đàn của Quốc hội xỉ vả ông và gia đình ông. Về mặt này, Diệm chịu tác động của Trần Lệ Xuân.
Theo ý của Diệm, Ủy ban hợp thức hóa đại biểu Quốc hội không thừa nhận Phan Quang Đán và Nguyễn Trân. Quyết định được đưa ra trước mũi của Thượng nghị sĩ Mansfield, lãnh tụ Đảng Dân chủ đang cùng một đoàn quan chức thanh tra việc sử dụng viện trợ Mỹ