P5 - Chương 13
Lúc đó, đã mười giờ đêm. Luân tắt đèn, ngả mình lên giường. Gần đây, anh bị mất ngủ. Công việc của anh tiến hành không phải tồi song anh không bằng lòng. Tại Bến Tre, Luân giải quyết nhiều tình huống gay go và nói chung, anh thắng lợi. Dẫu sao, vị trí của một viên tỉnh trưởng vẫn quá hẹp.
Mỹ tiếp tục dùng Diệm. Uy thế Diệm xuống trông thấy từ sau cuộc đảo chính 11-11 và nhất là từ sau Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời. Mỹ chưa bỏ Diệm là vì chưa có người thay và vì Mỹ hi vọng Diệm ngày nay không cứng đầu như trước. Diệm hiểu tình hình đó khắc hẳn Mỹ. Một lần, ông bảo Luân:
- Tổng thống Kennedy thức thời hơn Eisenhower, Kennedy thừa nhận tôi có quần chúng…
Nhu đủ thông minh để đánh giá thực chất của chính sách Mỹ:
- Anh Luân này, Hoa Kỳ chỉ muốn kí với ta một thứ Modus vivendi(1) chớ chưa chịu kí một Pacte(2). Ta phải thật nhanh tay. Cái định đoạt là thực lực quân sự. Tôi cần bốn quân đoàn bộ binh thiện chiến, vài chục tiểu đoàn tổng trù bị thật cứng, một lực lượng thiết giáp, pháo, không và hải quân trang bị tối tân… Cái giá là chỗ đó. Tại sao ta không có quyền có một trăm bảy mươi nghìn quân thường trực, sáu mươi nghìn quân bảo an, hai trăm nghìn dân vệ?
(1) Modus vivendi: tạm ước
(2) Pacte: Hiệp ước
Nhu trao cho Luân một kế hoạch mới về bình định:
- Khu trù mật kềnh càng quá, tốn kém mà ít kết quả. Tôi nghiên cứu kĩ rồi, tình hình ta khác tình hình Mã Lai, cho nên tôi dự thảo kế hoạch này. Ta phải thành lập hàng trăm, hàng nghìn Ấp chiến lược. Ấp là đơn vị thấp nhất, trực tiếp với dân. Không cần đổi chỗ của dân – nếu có, cũng ít và đổi chỗ gần thôi – mà xây Ấp chiến lược ngay nơi dân ở. Tôi quyết định mở trường đào tạo cán bộ khắp các tỉnh. Cán bộ xây dựng Ấp chiến lược là cán bộ làm dân vận. Anh có ý kiến gì, trao đổi thêm. Nếu tán thành anh thí nghiệm ở Kiến Hòa xem…
Cùng với tài liệu Ấp chiến lược, Nhu trao cho Luân dự kiến chỉnh đốn các quân khu: sẽ thành lập bốn vùng chiến thuật và biệt khu thủ đô, mỗi vùng chiến thuật vừa phụ trách địa bàn liên tỉnh vừa là bộ tư lệnh quân đoàn.
- Anh có hiểu gì về Frederick Nolting không? – Nhu hỏi Luân đột ngột.
- Tôi chưa biết. Nhưng, điều chắc chắn, ông ta là người của tân Tổng thống Mỹ. – Luân trả lời dè dặt.
- Tất nhiên… Giữa tháng năm tới, Phó Tổng thống Mỹ Johnson sang ta… Chà! – Nhu tặc lưỡi – Ta chậm quá! Trước mắt mấy ông quan này, ta xoàng xỉnh quá coi không tiện.
Nhu sốt ruột mà A.07 cũng sốt ruột.
Bức mật thư do Vũ Huy Lục mang vào là một trong những nguyên nhân khiến Luân mất ngủ.
Lục, theo con đường riêng – tình báo Mỹ tự cho là họ tổ chức được con đường đó, nhưng Lục lại đi trong bố trí của cơ quan an ninh Bộ Nội vụ của miền Bắc. Đặt chân xuống Sài Gòn, anh báo cáo liền tình hình và mạng lưới trinh sát do anh chỉ huy ở vùng đồng bằng Bắc bộ với James Casey và xin đi thăm Luân. Anh gặp Dung trước, trao cho cô thư của cha. Ông cụ không viết nhiều – dăm hàng thôi – Dung đã khóc sướt mướt, mặt dù cha Dung không khỏe. Ông đã biết Dung lập gia đình và gửi lời thăm chàng rể. Lục thì hoàn toàn không gặp ông, không nghe ai nhắc, anh chỉ có nhiệm vụ mang mảnh giấy con này mà anh đã vê nhỏ hơn cọng tăm.
Lục hối hả xuống Bến Tre. Muốn Luân bị bất ngờ, Dung không báo điện. Lục lù lù vào cửa, Thạch rú lên, chừng đó Luân mới ôm chầm lấy Lục.
- Ê! Sao vô được? – Thạch hỏi. Lục đưa tay lên môi, Thạch biết mình lốc chốc, nín khe.
Luân mừng Lục: Anh ta bây giờ nghiễm nhiên là một cán bộ chững chạc của ta.
Lục được James Casey bổ làm huấn luyện viên các trường biệt kích.
Nhờ Lục, đường liên lạc với anh Sáu Đăng nối lại. Từ nay, Luân đã có thể báo cáo và nhận chỉ thị đều hơn.
A.07 phân tích tình hình miền Nam như sau: Mỹ đang tính toán thay ngựa giữa dòng. Sở dĩ Mỹ trì hoãn việc loại anh em Diệm là vì ngại ta. Nhưng, sớm muộn gì chúng cũng xóa anh em Diệm. Vấn đề nóng bỏng nhất là làm sao ta đủ mạnh để đối phó với một tình huống có thể xảy ra: Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam.
Luân tiếp thu sự chỉ đạo ấy theo lối của anh: hoặc thúc đẩy Diệm – Nhu liên minh dưới một dạng và ở một mức nào đó với Mặt trận, hoặc thay Diệm – Nhu bằng một nhóm khác có xu hướng độc lập dân tộc, trung lập, ngăn chặn Mỹ biến miền Nam Việt Nam thành một chiến trường đẫm máu mà rốt lại chỉ có người Việt phải hi sinh… Luân phác thảo trong đầu hàng loạt phương án, nhưng chưa phương án nào khả dĩ trọn vẹn.
Nhu từng gợi ý với anh khả năng chế độ Sài Gòn nói chuyện song phương với Mặt trận. Song, anh ta cũng chỉ mới hé ra một thứ nguyện vọng - có thể anh ta bực mình trước trò “đem con bỏ chợ” của Mỹ mà thốt ra thôi, có thể anh ta muốn qua Luân mà bỏ trước cái phao về phía Mặt trận để phòng bất trắc, có thể anh ta muốn dọa Mỹ. Tuy nhiên, sau khi nhận được lời trấn an của Kennedy, anh ta không trở lại đề tài đó với Luân lần nào nữa.
Còn khả năng thay Diệm – phải bằng bạo lực, Mặt trận chưa đủ sức làm, và Mặt trận mà đủ sức thì nhất định Mỹ can thiệp. Bạo lực do các phe phái, chẳng qua các phe phái – kể cả Đại Việt thế lực khá hơn hết – hò hét trợ oai để kiếm chác thôi. Quân đội thì năm cha ba mẹ... Bản thân anh không nắm được bao nhiêu.
Luân trỗi dậy, bật đèn. Đúng vào lúc đó, Thạch vào, dẫn theo Tống Văn Tình, bây giờ là trưởng ty công an thay Lưu Kỳ Vọng.
- Đêm nay Việt Cộng tấn công Trúc Giang. – Tống Văn Tình hốt hoảng, mặt trắng bệch.
- Lại tấn công? – Luân hỏi, hơi lơ đãng.
- Thưa, phải… Tấn công mạnh, quyết chiếm tỉnh lị!
Luân khẽ lắc đầu. Anh nghĩ là không thể đánh chiếm thị xã nổi trong điều kiện của quân giải phóng hiện nay, dù có thể quân giải phóng