Cuộc họp kéo dài ba tuần, nhưng không liên tục. Tướng Taylor thường thị sát các nơi, làm việc với các cơ quan quân sự Mỹ - Việt. Mỗi phiên họp, Taylor nói và gần như chỉ có ông nói. Gọi là cuộc họp – vì hai phái đoàn ngồi đối diện, trên chiếc bàn dài ngăn đôi đính hai lá quốc kì - còn thì phái đoàn Việt Nam cắm cổ ghi các ý kiến của Taylor, mặc nhiên như là chỉ thị cần thực hiện. Tức là cuộc họp đi vào khía cạnh kĩ thuật. Trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Đình Thuần – có một dọc chức vụ: Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống kiêm bộ trưởng phụ tá quốc phòng, xử lí bộ trưởng đặc nhiệm phối hợp an ninh – cần mẫn hơn ai hết trong việc ghi chép. Người xun xoe thứ hai là Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng công dân vụ. Cả Thuần lẫn Hiếu đều muốn nhân cơ hội này tự giới thiệu với Mỹ. Vũ Quốc Thúc lộ rõ thái độ kiêu ngạo bởi vì dù sao ông ta cũng đi trước Thuần và Hiếu một bước. Kế hoạch mang tên Staley và ông ta, bây giờ được tướng Taylor bổ sung, gồm ba tác giả: Thúc cực kì hãnh diện vì tên ông được xếp cạnh tên Taylor. Tướng Lê Văn Tỵ bàng quan. Với ông, hàm đại tướng và chức tổng tham mưu trưởng trước đây vốn là trò trưng kiểng của Tổng thống Diệm, bây giờ lên giá một chút – ông là trái độn của Mỹ. Thỉnh thoảng, Tỵ vẫn nhớ cuộc đời “binh nghiệp” của ông. Xuất thân đội “chân xanh mắt ếch,” tức là tiểu đội trưởng lính Garde civile locale(4) sau 1945 theo kháng chiến vài tháng, sợ Tây quá, trốn về thành. Tây cho ông ta học lớp pháo binh và phong lon “ách”(5) rồi quan một(6). Khi Tây về nước, ông đeo lon quan ba(7). Tưởng đó là lon tột cùng, ai dè Diệm lại phong ông vượt cấp, lên trung tá. Diệm và Hinh chỏi nhau. Hinh thua trí mụ Trần Lệ Xuân phải sang Pháp, Tỵ được chỉ định thay Hinh làm tổng tham mưu trưởng, quân hàm thiếu tướng. Sau vụ Bình Xuyên, Tỵ lên trung tướng và chẳng bao lâu, đại tướng. Từ chú lính “đơdèm cùi bắp” – chữ gọi đùa hạng binh nhì thời Pháp – bò đến đại úy, Tỵ tốn ba mươi năm. Từ đại úy đến đại tướng – ông khỏi bò, thiên hạ “ẩy” ông lên – ông cần có bảy năm. Đã quá đủ rồi, sanh sự làm chi ệt. Người không hề hé răng suốt cuộc hội đàm là ông.
(4) Như Bảo an, tổ chức lính Việt Nam thời Pháp (trước 1945)
(5) Adjudant: tương đương thượng sĩ
(6) Thiếu úy
(7) Đại úy
Tướng Taylor, hẳn đã nghe mật báo, thỉnh thoảng liếc Trung tá Nguyễn Thành Luân, nhưng không tỏ ra vồn vã. Taylor bắt tay Luân như với mọi người. Cho đến một hôm, lúc mà cuộc hội đàm coi như không còn vấn đề gì để bàn, chỉ chờ Tổng thống Diệm thông qua và Tổng thống Kennedy duyệt thì Taylor buộc phải tranh luận với viên trung tá Việt ngồi hàng ghế thứ hai sau lưng tướng Tỵ.
- Thưa tướng quân, tôi xin phép nêu một băn khoăn. Tất cả chúng ta, ai cũng mong sớm chấm dứt những tháng ngày căng thẳng như chúng ta thấy ở Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, liệu rằng ý định đánh bại Việt Cộng trong vòng mườitasm tháng – nghĩa là đến giữa 1963 – có quá lạc quan không?
- Trung tá cho là kế hoạch bình định thiếu cơ sở? – Taylor hỏi lại, giọng điềm đạm, nhưng rõ ràng ông ta cố hết sức kiềm chế.
- Tất nhiên! – Luân trả lời, dứt khoát.
Tướng Tỵ hơi ngoảnh lại phía sau, nhìn anh. Nguyễn Đình Thuần gõ cây bút trên giấy ra vẻ không ưng ý. Ngô Trọng Hiếu bĩu môi – chỉ bĩu môi cho phía Mỹ thấy. Vũ Quốc Thúc cười lạt và muốn Luân biết ông ta cười lạt. Phía Mỹ, Nolting khoanh tay trước ngực, lặng lẽ.
- Tôi chờ lí giải của trung tá. – Taylor nhún vai.
- Tôi nêu một chi tiết thôi: trong vòng mười tám tháng, chúng tôi không sao huấn luyện đến nơi đến chốn mộ trăm bảy mươi nghìn tân binh Việt Nam, đó mới tính số bộ binh và chưa nói đến Bảo an. Đối với các binh quân chủng khác, thời gian huấn luyện đòi hỏi lâu hơn… - Luân làm như không để ý chung quanh, nói đều đều.
- Có lí! – Taylor kêu lên, song đôi mắt nheo của ông không chứng minh ông đồng ý với Luân.
- Có lí, tôi nói về lí thuyết. – Taylor tựa người vào ghế - Nhưng, chúng ta có quyền sáng tạo lí thuyết giải đáp được yêu cầu của chúng ta. Một, mở thêm trường huấn luyện bộ binh; chúng tôi đảm bảo cho các ông huấn luyện viên. Hai, rút ngắn thời gian huấn luyện; bỏ phần chính trị. Nói thật, các ông diễn thuyết dài bao nhiêu chẳng ai để ý đến các khẩu hiệu của các ông. Lính cần biết sử dụng vũ khí. Một tháng là quá đủ, súng trường Garant lợi hại nhưng sử dụng đơn giản. Sáu tháng, với ba hay bốn trung tâm huấn luyện, các ông thừa sức cho ra trường hai mươi lăm nghìn quân. Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu cam kết động viên dưới cờ, trong trường hợp cần thiết, nửa triệu lính, đúng không, ông Hiếu?
- Đúng! – Hiếu trả lời hấp tấp.
- Như vậy, chẳng những quân số một trăm bảy mươi nghìn sẽ được huấn luyện mà quân lực các ông còn có dự trữ lớn… Tôi đảm bảo quân lực Việt Nam sẽ được trang bị tốt. Các ông tin, vũ khí bộ binh Mỹ không tồi lắm đâu và nhất là không thiếu lắm đâu. Riêng về các binh quân chủng, đúng là khó. Song, trong khi quân lực Việt Nam chưa cáng đáng hết các yêu cầu yểm trợ chiến đấu, tướng Harkins sẽ giúp. Pháo, giang thuyền, không quân, thiết giáp… lần lượt các ông sẽ có đủ người sử dụng thành thạo vũ khí Mỹ.
- Tôi được biết, qua bà Ngô Đình Nhu, thanh nữ Việt Nam đang được động viên và huấn luyện! – Nolting bổ sung.
- Tuyệt! – Taylor tặc lưỡi – Chúng tôi sẽ trang bị cho lực lượng nữ binh đó vũ khí thích hợp, cả quân phục nữa… Trung tá Luân thấy thế nào?
Luân ngó thẳng Taylor, trước câu hỏi khiêu khích của ông ta.
- Thưa tướng quân, tôi càng thấy kế hoạch mười tám tháng không thể đạt nổi. Rất đơn giản, những người gọi là lính của Việt Nam Cộng hòa chỉ “lính” ở bộ quân phục và khẩu súng. Dù các nhà báo gán cho hiện tượng đánh nhau ở Nam Việt là gì – chiến tranh đặc biệt, chiến tranh chống lật đổ, nội chiến, chiến tranh đơn phương, chiến tranh chống khủng bố… - chiến tranh vẫn là chiến tranh. Chúng ta – nước Mỹ và Việt Nam Cộng hòa – cần những chiến binh chứ không cần những người máy cầm súng.
- Thế, trung tá tin rằng kéo dài thời gian có lợi cho chúng ta? Trung tá tin rằng Chính phủ Nam Việt đủ sức thắng Việt Cộng nhờ tiêm nhiễm vào con người Việt