P6 - Chương 9
“L. Về căn cứ an toàn. Có triệu chứng đường dây bị theo dõi, yêu cầu tạm đình mọi liên lạc. Khi cần, sẽ có người gặp. Chúc thành công. Sáu Đ.”
Thư trên đây của anh Sáu Đăng, câu đầu liên quan đến Lục:
… “Em bình yên. Ông vẫn đi nhà thờ đều chứ?” Lục nói có bấy nhiêu, không xưng tên. Gác máy nói, Luân cùng Dung phán đoán. Hai người tin Lục như tin chính họ. Không thể nào có trò Lục làm con mồi nhử Luân. Nhưng, Lục không phải là người già dặn trong nghề, nếu địch cao tay ấn hơn, thả lỏng Lục để theo dấu thì sao? Tại sao cả James Casey và Mai Hữu Xuân đều báo rằng Lục đã chết?
Rõ ràng, Lục hẹn gặp Luân ở nhà thờ, nơi mà trước đây Lục vẫn chở Luân mỗi tuần đến đọc kinh sáng chủ nhật, Luân tiếp tục như vậy mấy năm nay. Cứ đến nhà thờ như thường lệ. Luân quyết định và Dung cũng đồng ý.
Hai vợ chồng cùng đi – Dung lấy cớ đi chợ - khi xe ngừng, Luân thoáng thấy một tài xế tắc xi ngồi sau tay lái, rất giống Lục, kết sụp tận chân mày, cằm tua tủa râu, kính đen. Dung tinh mắt hơn, khẽ huých vào vai Luân. Luân xuống xe, bảo Thạch đưa Dung đi chợ và đón anh sau. Nhà thờ đông bổn đạo, Luân trà trộn theo dòng người ra vào và sau đó, đến chiếc xe tắc xi đã mở cửa sẵn. Đúng là Lục, Lục cho xe về đường Hiền Vương và rẽ vào hướng Chợ Lớn.
Qua kiếng chiếu hậu, Lục nhìn Luân với tất cả tình cảm, Luân mỉm cười đáp lại.
- Nói đi! Vừa thoát chết hả? – Luân bảo, trìu mến.
- Vâng, suýt chút nữa em không còn gặp ông kĩ sư với cô Dung… Hồi nãy, em có thấy cô Dung… Ông với cô khỏe, em mừng.
- Ông, cô! – Luân đùa – Đồng chí chớ!
- Vâng… em quen miệng…
Lục làm nhiệm vụ theo dõi các toán biệt kích đường không ở trường Nha Trang, báo cáo với trung tâm mỗi khi có chuyến đổ bộ. Báo cáo của Lục, đã mã hóa và viết “bạch” lên rìa báo, rìa trang sách hoặc toa thuốc, hằng tuần mang đến một hốc đá nằm giữa Hải học viện và lầu ông Hoàng – biệt điện xưa kia của Bảo Đại - trên bờ biển. Du khách đến ngắm cảnh ở đây rất đông, nhất là chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật. Lục chỉ cần đặt báo cáo vào hốc đá – giống một tờ giấy bị gió thổi tạt vào chỗ sâu kín này – rồi ai đó, vào lúc nào đó, đến nhận. Mỗi báo cáo mang số riêng, Lục biết báo cáo về đến trung tâm qua buổi nhắn tin vào Nam phát gần giữa khuya của Đài tiếng nói Vệt Nam. “Ông Hà Hậu, gia đình đã nhận được bưu thiếp đề ngày...” Hoặc “Ông Xuân Huy.” Hoặc “Chị Lục Văn” v.v… Báo cáo của Lục gửi đều đều và anh cũng nhận được tin đều đều.
Chiều ngày 2-7, Lục mang một báo cáo đặc biệt ra hốc đá. Đặc biệt vì báo cáo không phản ánh tin tức của biệt kích đường không mà liên quan đến toán người nhái. Trường huấn luyện người nhái thành lập vài năm nay, thuộc Bộ tư lệnh hải quân, do một trung tá người Việt phụ trách với nhóm huấn luyện viên Mỹ. Trường người nhái và trường biệt kích của Lục đóng không xa nhau mấy, song nội quy cấm ngặt quan hệ giữa hai trường.
Chỉ có huấn luyện viên thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở quán rượu. Qua điều tra, Lục biết nhân kết thúc khóa học đầu tiên, sẽ có cuộc ra quân.
Nhiều toán người nhái, mỗi toán ba đến năm tên, sẽ thực tập đổ bộ thăm dò dọc bờ biển bắc vĩ tuyến 17, mục đích đánh giá tình hình phòng vệ bờ biển của miền Bắc, móc nối với bọn gián điệp tại chỗ, mở đầu cho hoạt động biệt kích bằng hình thức người nhái. Năm điểm được dự kiến đổ bộ trong đợt này – những nơi địa hình cho phép người nhái che giấu hành tung và có bọn gián điệp tại chỗ đón. Năm điểm đó mang mật danh Sea từ một đến năm. Ngoài ra, một điểm đặc biệt mang mật danh Explorer, mà toán người nhái không đổ bộ nhưng phải thu thập tất cả tình hình của tàu hải quân và lực lượng trú phòng miền Bắc: thu thập bằng quan sát, thậm chí, bằng bắt cóc, khai thác nhân chứng sống và thủ tiêu sau đó. Phối hợp các nguồn tin lại, Lục đoán các “Sea” trải từ cửa sông Gianh trở vào. Còn Explorer chính là đảo Cồn Cỏ.
Mặt trời khuất sau núi. Bờ biển vắng dần. Lục bước trên từng hòn cuội, như người dạo chơi, đến hốc đá. Quanh hốc đá không có người. Ngoài sóng biển, tất cả yên lặng. Quan sát chung quanh, không có gì khả nghi, Lục nhìn vào hốc đá. Hốc đá trống trơn. Lục toan đặt báo cáo vào hốc – viết trên nhãn hộp sữa – thì đột nhiên nghe tiếng quát:
- Giơ tay lên!
Từ các gộp đá, ba người chĩa súng ngắn vào Lục, cả ba nấp ở các gộp đá cách Lục mươi thước. “Mình bị phục kích” Lục than thầm.
- Đừng giỡn các bạn! Các bạn là ai?
Lục trì hoãn thời gian. Chắc chắn hộp thơ đã lộ, có thể giao liên đã bị bắt. Có nên để lọt vào tay chúng không?
- Ai mà giỡn với mày? Đưa tay lên!
Một tên hùng hổ. Nó bảo luôn đồng bọn:
- Coi chừng nó hủy tài liệu…
Thế là rõ. Thế là không thể để lọt vào tay chúng. Nó có ba tên… Lục chọn phương án hành động.
- Đưa tay lên!
Tên – dáng chừng chỉ huy – nhắc lại.
Lục từ từ đưa tay lên.
- Tước súng nó!
Tên chỉ huy ra lệnh. Một tên, theo các hòn cuội, tiến đến, tay lăm lăm súng. Hắn cách Lục chừng vài bước, lợi dụng hắn đang bước rất khó khăn trên các hòn đá lông chông, đồng thời hắn lại là tấm lá chắn che Lục khỏi bị hai tên kia bắn. Lục rút súng, nổ liền mấy phát, vừa nhảy núp sau gộp đá. Tên đi tước súng của Lục ngã gục, rơi luôn xuống biển. Hai tên kia, bàng hoàng một lúc, bắt đầu bắn. Song, bây giờ thì chúng không thể nào dám xáp gần Lục. Lục dè sẻn đạn, chỉ bấm cò khi phát hiện chúng di động. Nếu tiếp tục chọi nhau như thế này, chắc chắn sẽ “hòa,” trời tối, mạnh ai nấy rút. Nhưng, trên đường, đã vang tiếng tiểu liên cùng tiếng xe. Bọn chúng có tiếp viện; Lục đột ngột bắn thật căn về phía hai tên – anh bắn hết băng đạn vừa thay, rồi lặng lẽ tụt xuống nước, men theo bờ đá, vòng qua mõm đất nhỏ, bò sát mặt cát, lẫn vào các thuyền đánh cá kéo lên cạn, vượt qua con đường mòn, vượt tường một ngôi biệt thự không rõ của ai, chạy về hướng núi. Anh vẫn nghe súng nổ ở vùng gộp đá.
Khi trời tối, Lục đã cách thành phố vài cây số. Bây giờ thì không còn sợ bọn chúng truy đuổi nhưng lại rất dễ lọt vào bọn tuần tiễu. Lục quyết định chọn một bụi rậm để ẩn mình. Không thể trở lại trường biệt kích nữa. Còn đi làm du kích thì quá phiêu lưu. Cho nên, trời hừng sáng. Lục chôn súng, băng đồng ra lộ, đón xe xuôi Ba Ngòi. Từ Ba Ngòi, Lục chuyển sang xe lửa. Cứ thế, anh vô Sài Gòn. Đôi lần, anh bị hỏi giấy. Cảnh sát nghi anh đào ngũ từ các lực lượng tiền đồn Quảng Trị hoặc Tây Nguyên. Anh trình giấy – kí hiệu của trường huấn luyện biệt kích làm các tay cảnh sát phải xin lỗi anh…
- Chỉ vậy thôi sao? – Nghe Lục thuật xong, Luân vụt hỏi, Lục không hiểu ý nghĩa câu hỏi, liếc Luân mãi.
“Chỉ vậy thôi sao?” – tức là Luân không ngờ sự việc từ một nguyên nhân khác, giản đơn hơn nhiều: hộp thư bị lộ, hoặc giao liên mang tài liệu bị lộ rồi khai báo, địch phục kích… Trong trường hợp đó, nếu Lục thủ tiêu kịp báo cáo thì vẫn cứ để chúng bắt, không đủ yếu tố buộc tội Lục. Chắc là một nhóm công an đã hành động như nghiệp vụ của chúng. Thật tiếc cho Lục!
Luân thở dài. Lục, lần này hiểu:
- Em có lỗi.
- Thôi đã lỡ rồi… Chú nên về khu, tùy trung tâm quyết định…
Luân thuật cho Lục nghe các tin tức về cái chết của anh.
– Có lẽ họ phát hiện xác cái thằng bị em… Em thưa với ông, em muốn tiếp tục làm việc với ông kĩ sư!
Luân phì cười:
- Bậy! Cứ về khu. Không thiếu cơ hội làm việc đâu. Vả lại, đồng chí, hiểu chưa, không có ông kĩ sư nào ở đây!
Lục cười theo.
- Tôi sẽ bố trí cho anh về khu… Đến nơi, anh báo cáo ngay kế hoạch Sea và Explorer, chắc chưa muộn… Nhớ, đừng nói gì về tôi với bất cứ kì ai…
Luân xuống xe trước Chợ Lớn mới. Hai người từ giã nhau bằng mắt. Luân đi loanh quanh một lúc, lên một tắc xi khác quay lại nhà thờ Tân Định.
Luân chưa kịp lên xe của Thạch và Dung – họ đến nhà thờ sau Luân vài phút – thì một cô gái gọi anh:
- Ông kĩ sư!
Luân nhớ ra ngay cô gái – cô Mai, nhân viên tòa đô chính, người đã đưa Luân vào chào Trần Văn Hương khi anh về thành năm 1955 và sau đó, gặp anh ở trường Vương Gia Cần. So với bảy năm trước, Mai già hơn nhiều. Càng lớn tuổi, Mai càng giống một người nào đó quen quen với Luân mà khi gặp Mai lần đầu Luân cố đoán song đoán không ra.
- Ông kĩ sư nhớ tôi không? – Mai đến cạnh Luân.
Luân chìa tay bắt.
- Nhớ! Cô Mai khỏe không?
- Cám ơn… Tôi bình thường.
- Ai đây, xin hỏi, phải bà kĩ sư không?
Dung ra khỏi xe, bắt tay Mai. Luân giới thiệu:
- Cô Mai, nhân viên tòa đô chính, tôi nói cách đây bảy năm, còn bây giờ làm gì, tôi chưa biết.
- Tôi sang Hàng không dân dụng đã năm năm nay!
- Thế à…? Còn đây, Dung, nhà tôi.
Mai nhìn Dung hơi lâu.
- Ông bà đi chơi sáng Chủ nhật?
Dung gật đầu.
- Tôi có một việc muốn thưa với ông kĩ sư để nhờ giúp ý kiến. Tôi có thể gặp ông kĩ sư ở nhà riêng không?
- Được! Xin mời cô Mai. Cô biết nhà tôi chưa?
Mai lắc đầu. Luân đưa Mai tấm danh thiếp.
- Tôi sẽ gọi điện cho ông trước.
Luân về đến nhà, vừa kịp thuật cho Dung nghe trường hợp của Lục, dặn Dung bố trí cho Lục lên Củ Chi thì điện thoại reo: Mai xin gặp Luân ngay.
- Cô ấy đến vì việc gì? – Dung hỏi. Luân không đoán nổi. Anh nhắc những nhận xét của anh về Mai trước đây – một người có thể có mối quan hệ nào đó với kháng chiến.
Mai vào nhà. Một mình Luân đón tiếp cô.
- Tôi muốn hỏi ông một việc. Tôi mạo hiểm và tin rằng không linh cảm sai. Tùy ông, hoặc giúp tôi ý kiến, hoặc gọi công an bắt tôi.
*
Ngọn đèn điện soi lù mù gian nhà xây đá tảng. Chiếc cửa sắt nặng nề ngăn gian hầm với bậc thang, cũng xây đá, hẳn là lối lên mặt đất. Một con đường hẹp hun hút không rõ chạy về đâu ở đầu hầm bên kia.
Một người trần truồng đang co quắp trên nền xi măng lạnh, thân thể bê bết máu. Người đó – tuổi có lẽ trên dưới sáu mươi – vụt nhỏm dậy. Cùng với tiếng động nặng nề, hai chấm xanh lè theo con đường hẹp mỗi lúc một tiến sát gian hầm. Bây giờ thì thấy rõ rồi: con cọp to gần bằng con bê. Người đó lao đến cửa sắt, lay mạnh: “Cứu tôi! Cọp!…”
Con cọp dừng lại vài giây, nhe hàm răng chơm chởm. Nó rống còn to hơn cả tiếng kêu cứu. Chỉ một cái nhún, cọp vồ gọn người đó. Ngọn đèn khẽ lắc lư. Nửa giờ sau, con cọp ung dung theo con đường hẹp, vừa bước vừa liếm mép thỏa mãn. Gian hầm còn lại chiếc đầu lâu, các bộ phận bầy nhầy và bộ xương. Nền xi măng lầy máu.
…
- Tại sao cô biết việc đó?
Luân ôm đầu hỏi.
- Chú ruột tôi là lao công vệ sinh chuồng cọp ở sở thú. Ông chứng kiến không phải một lần… Gian hầm đó nằm trong hệ thống mấy gian hầm, gọi là P.42. Sợ quá, ông ngỏ ý xin thôi, ông Thái Đen – ông kĩ sư nghe tiếng Thái Trắng, Thái Đen không? Vâng, hai ông đều tên Thái, mật vụ - ông Thái Đen cười lạt: Được, tôi cho ông nghỉ, nhưng không về nhà mà vô hầm đá… Chú tôi đành tiếp tục công việc thu dọn xương thịt, lau chùi máu mỗi ngày. “Ở ngoài, ai biết được chuyện này, ông phải chết!” Thái Đen bảo như vậy, chú tôi biết ông ta không nói đùa.
- Những ai bị hại theo kiểu đó? – Luân hỏi, thái dương anh giật giật.
Mai không trả lời câu hỏi của Luân, nói tiếp:
- Cách đây vài hôm, tôi đưa một người bạn trai về nhà. Anh là phi công lái máy bay ném bom AD6, vừa tốt nghiệp ở Mỹ. Vì sao tôi quen với anh phi công này, xin phép khỏi kể với ông kĩ sư, nhưng cũng cần nói thẳng: anh ta nhỏ tuổi hơn tôi và không phải chuyện tình cảm. Chúng tôi đang ăn cơm thì chú tôi ghé thăm. Ông mệt mỏi lắm. Chúng tôi mời ông dùng cơm, ông cầm đũa, vừa ăn một miếng, bỗng nôn ọe. Tôi hiểu lí do, người bạn của tôi thì trố mắt nhìn. Tôi đỡ ông nằm tạm trên đi văng.
Trong khi ăn, người bạn phi công kể lể về việc nhà: anh ở Thừa Thiên, cha và hai người chú đều bị bắt vì dính líu với Đảng Đại Việt – Hà Thúc Ký, Phan Quang Đông giam giữ họ cùng một số người khác, sau đó giải tất cả vào Sài Gòn, nghe nhốt ở khám tên P.42. Anh phi công sợ liên lụy, nhờ người khác hỏi tin tức giúp, chẳng đâu có tin tức.
Chú tôi nghe hết, lồm cồm ngồi dậy, rút trong túi ra một chiếc nhẫn bằng ngà voi, đặt lên bàn. Vừa trông thấy chiếc nhẫn, anh phi công chụp lấy, run rẩy:
- Nhẫn