NHU: Tôi nói về “phong” trước. Huế là cố đô. Các thế lực bảo hoàng vẫn còn đông. Còn “thực,” ông muốn hiểu như thế nào, tùy ông, một nhà báo Pháp!
LE FIGARO: Tôi sẽ rất hân hạnh thông báo câu trả lời của ông cố vấn với dư luận Pháp trong số báo Figaro số mai. Cảm ơn ông cố vấn!
ĐẠI DIỆN TRUNG ƯƠNG XÃ ĐÀI BẮC TẠI HỒNG KÔNG: Ông cố vấn giải thích như thế nào việc Phật giáo là một tôn giáo dễ dàng nghe Cộng sản vô thần?
NHU: Hồng Kông gồm các nhà doanh nghiệp lớn vẫn có người theo Trung Cộng kia mà!
TRUNG ƯƠNG XÃ: Nhưng đây là dân chúng, những bức ảnh cho thấy dân chúng khá đông…
NHU: Ông quên dân chúng dự Phật đản. Họ tụ họp vì lí do đó…
ĐẠI DIỆN UPI: Nếu bạn đồng nghiệp của tôi, ông Raymind Wang, không hỏi tiếp ông cố vấn, tôi xin phép từ câu trả lời của ông cố vấn mà đặt một câu hỏi: Dân chúng tụ họp đông đảo vì lí do tôn giáo thế thì việc gì lực lượng an ninh của Chính phủ phải dùng vòi rồng và hơi cay?
NHU: Liệu rằng cảnh sát ở nước Mỹ có cách nào phân biệt được trong đám đông, ai là dân thường đi hành hương hay làm một việc gì đó, đi dạ hội chẳng hạn với một người Cộng sản? Vòi rồng và lựu đạn cay càng không có khả năng phân biệt những thứ mà chính con người còn chưa phân biệt nổi!
UPI: Một câu trả lời có tính triết lí. Rất tiếc chúng ta đang nói chuyện chính trị. Vì một ít người mà đi đến sự thô bạo với số đông, dư luận phương Tây khó đồng tình với Chính phủ của Tổng thống Diệm.
NHU: Trong trường hợp này, thưa ông Roger Spekinsk, có vẻ hãng thông tấn UPI hoặc chính xác hơn, cá nhân ông, là một đồng minh đáng tin cậy của Việt Cộng!
ĐẠI DIỆN WASHINGTON POST: Nhân danh Nghiệp đoàn các phóng viên nước ngoài ở Sài Gòn mà tôi là thư kí, tôi phản đối cách nói của ông cố vấn.
NHU: Các ông có thể phản đối mặc dù trong thâm tâm tôi muốn các ông đồng tình. Tuy nhiên vấn đề là sự thật.
FANFANI: Tôi xin phép được hỏi một câu…
NHU: À! Financial Affairs đây rồi. Xin mời…
FANFANI: Tôi sẽ hỏi một câu rất hiền lành: Từ câu trả lời của ông cố vấn cho bạn đồng nghiệp Washington Post, người ta có quyền lật ngược nội dung: những cuộc đàn áp đẫm máu liên tục diễn ra ở Huế phải chẳng là đồng minh đáng tin cậy của Cộng sản?
NHU: Cô Helen thân mến, chúng ta nên nghiêm chỉnh.
FANFANI: Tôi không thấy trong câu nói của tôi có một chút khôi hài nào… Ông cố vấn muốn hôm nay không phải là một cuộc họp báo mà một cuộc trao đổi. Vậy thì, ông có cho rằng nhà sư Trí Quang đại diện ột xu hương chính trị nào đó không?
NHU: Tôi không thích võ đoán. Tuy nhiên, với những bằng chứng xác thực, tôi có thể giới thiệu hai đặc điểm của ông Trí Quang: Một là, quê của ông ở phía Bắc vĩ tuyến 17, từng học đạo với một nhà sư nay đang ở Hà Nội. Hai là, ông Trí Quang có nhiều bạn bè thuộc Đảng Đại Việt…
FANFANI: Ông cố vấn lại bắt đầu rơi vào cái chỗ mà ông vừa kết án, tức là ông nói chuyện tiếu lâm. Quê của gia đình ông cố vấn – nghĩa là có Tổng thống Diệm – cũng ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Điều đó hình như không hề cắt nghĩa bất kì một khía cạnh nào của sự cố ở Huế và của cá nhân nhà sư Trí Quang. Còn về Đảng Đại Việt, cũng tiếu lâm nốt khi ông cố vấn hàm ý chỉ ra rằng giữa Cộng sản và Đảng Đại Việt có mối quan hệ thân ái thông qua môi giới của nhà sư Trí Quang.
NHU: Cô nhà báo đi quá xa giới hạn của cuộc trao đổi giữa chúng ta rồi. Cô có quyền suy luận song không phải ở đây…
FANFANI: Cảm ơn ông cố vấn đã làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc mà chúng tôi rất quan tâm…
ĐẠI DIỆN BÁO JEO(1): Thưa ông cố vấn, độc giả tiếng Pháp ở Việt Nam rất cần một minh định: Những người Pháp dính dáng như thế nào đối với vụ lộn xộn vừa rồi?
NHU: Trước hết, ông Hubert thân mến, ở Việt Nam không có ai trong cộng đồng cái gọi là Francophone(2), càng không có ai Francophile(3), nếu có – và với hơn một trăm năm kể từ khi pháo thuyền Pháp bắn những quả đại bác vào Cửa Hàn, tức Đà Nẵng hiện nay để rồi sau đó chiếm cứ đất nước chúng tôi, ở Việt Nam hiện nay có một cộng đồng tên của nó là Francophobe(4)! Tuy nhiên, đó là chuyện dĩ vãng, dù dĩ vãng chưa phải đã xa xôi lắm. Hiện nay, năm 1963, tháng 5, tôi có thể nói rằng tôi không thấy một yếu tố nào để nói về một dính líu như vậy, dính líu theo cái nghĩa người Pháp tại Việt Nam, người Việt vẫn còn giữ mối quan hệ dưới một dạng nhất định với người Pháp, Chính phủ Pháp – những lực lượng đó liên can đến vụ Huế.
(1) Journal d’ Extrême Orient: Nhật báo Viễn Đông (báo tiếng Pháp, xuất bản ở Sài Gòn)
(2) Francophone: nói tiếng Pháp
(3) Francophile: thân Pháp
(4) Francophobe: chống Pháp.
PHÓNG VIÊN BBC: Còn sự dính líu của người Hoa, nói rộng hơn của Trung Cộng?
NHU: Câu trả lời của tôi tương tự như câu trả lời vừa rồi.
ĐẠI DIỆN HÃNG THÔNG TẤN TANJUNG: Ông cố vấn có tin rằng sự kiện ngày 8-5 ở Huế sẽ không phát triển thêm về mức độ cũng như về phạm vi?
NHU: Trước hết, tôi xin cảm ơn đại diện của hãng thông tấn Nam Tư, một nhà báo Cộng sản duy nhất nước ngoài và là nhà báo Cộng sản không ngụy trang. Triển vọng của tình hình không phải là việc dễ đoán hay quyết đoán bởi tình hình không chỉ tùy thuộc ở Chính phủ. Tuy nhiên mọi người Việt Nam trở lại khung cảnh mà Việt Nam Cộng hòa đang sống. Chúng tôi đang chiến đấu, một cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù của chúng tôi ở trong và ngoài nước, những kẻ thù địch với thế giới tự do.
Và luôn cả những người trong thế giới tự do mà vì những lợi ích thiển cận, những suy nghĩ thiếu tầm chiến lược đang thọc tay vào cục diện đất nước chúng tôi. Tôi tha thiết mong các bạn nhà báo có mặt hôm nay, với lương tâm nghề nghiệp và với cái nhìn sáng suốt, góp sức với nước cộng hòa non trẻ chúng tôi đang bị xâm lược và dừng ngay chiến dịch có tính chất quốc tế bôi nhọ Việt Nam Cộng hòa, việc làm không lường nổi hậu quả tai hại. Việt Nam Cộng hòa là tiền đồn của thế giới tự do. Chúng tôi không chỉ đổ máu cho riêng mình… Tôi nhấn mạnh rằng ở Việt Nam Cộng hòa không có vấn đề kì thị tôn giáo, không có vấn đề áp bức đạo Phật cũng như không có đàn áp dân chủ. Trái lại, dân chủ ở Việt Nam Cộng hòa phần nào quá trớn là khác. Nhưng tôi cũng cảnh cáo những người đội lốt đạo Phật rằng, vì lợi ích tối thượng của tổ quốc, chúng tôi sẽ không mềm yếu.
PHÓNG VIÊN NEWSWEEK: Thưa ông cố vấn, lời kêu gọi bạn hữu quốc tế của ông vừa rồi có nhằm nước Mỹ không?
NHU: Thưa bà Catherine Barbara, bà là một nhà báo kì cựu, thay mặt ột tờ báo có uy tín ở Mỹ, lại sống nhiều năm ở Sài Gòn, bà có thể hơn ai hết biết rằng Việt Nam Cộng hòa coi nước Mỹ là một đồng minh lớn, một đồng minh trụ cột. Sự nghiệp độc lập tự do của Việt Nam Cộng hòa không tách khỏi mối liên minh huynh đệ ấy… Chúng tôi rất vui mừng trước chính sách liên tục của nước Mỹ ở châu Á và ở Việt Nam Cộng hòa hiện nay Tổng thống Kennedy đang thực hiện. Tuy nhiên, trong dư luận Mỹ, kể cả trong quốc hội, có một bộ phận nhỏ thôi, đang nhìn thực trạng Việt Nam Cộng hòa với cặp mắt ngờ vực, đôi khi độc ác…
NEWSWEEK: Tin đồn khá rộng rãi ở Mỹ và ở Sài Gòn về vai trò của đại sứ Frederich Nolting – vai trò thiên vị, che đỡ cho Chính phủ ông Diệm. Ông cố vấn đánh giá tin đồn đó như thế ào?
NHU: Đại sứ Nolting là một người bạn quý của Việt Nam Cộng hòa, là một người giàu kiến thức và thấu đáo điều kiện của đất nước chúng tôi. Dĩ nhiên, không phải không có những cự li trong nhận thức những sự việc nào đó giữa đại sứ và chúng tôi. Điều mà tôi nhấn mạnh là Ngài Nolting không bao giờ lầm lẫn giữa vai trò một toàn quyền hoặc thái thú xa xưa. Chắc chắn rằng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các đồn đãi