Ván Bài Lật Ngửa

Phần VII - Chương 02 phần 1


trước sau

P7 - Chương 2
Luân và Dung vắng mặt ở Sài Gòn hơn một năm, Trong thời gian ấy, ngoài những tháng nghiên cứu trong Học viện, họ đi lại nhiều nơi trên nước Mỹ và cả châu Âu. Dĩ nhiên, lần xuất ngoại dài ngày đầu tiên này trong đời, giúp họ một loạt hiểu biết mới và kèm theo một loạt suy nghĩ mới. Tình hình trong nước đến với họ qua thông báo của đại sứ quán, qua đài phát thanh và một số báo chí. Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ: Trần Văn Chương và quan sát viên của Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hợp Quốc: bà Trần Văn Chương, đã dành cho vợ chồng Luân một ưu ái gia đình đặc biệt. Người viết thư thường xuyên nhất cho Luân, ngoài Nguyễn Thành Động lại là Ngô Đình Nhu. Trong những bức thư này, có cái khá dài. Nhu phản ảnh tình hình trong nước thì ít, mà than thở thì nhiều. Đôi bức thư bộc lộ nỗi hoảng sợ, mặc dù anh ta không nói rõ nỗi hoảng sợ đó là gì và cứ băn khoăn mãi về thời gian ở nước ngoài của Luân mà anh ta cho là quá dài.
“Tôi nghĩ là tôi đã sai lầm khi đồng ý để anh vào Học viện Fort Bragg. Anh không cần phải có những kiến thức chuyên môn quá sâu về hành quân. Chắc chắn anh có thể trở thành một tướng lĩnh nổi tiếng, nhưng như thế sẽ là một tổn thất đối với sự nghiệp của chúng ta. Anh đi rồi, tôi thấy hết sức trống trải. Người ta chửi tôi đương nhiên là không đếm xuể, nhưng họ chửi lén, còn số tâng bốc tôi cũng tương ứng như vậy. Tóm lại, tôi không có interlocuteur(1) và thẳng thắn, tôi không có cả adversaire – adversaire(2) với nghĩa franc-jeu(3). Gia đình đã dời sang Dinh Gia Long, anh cũng biết, và ủy ban tái thiết Dinh Độc Lập được thành lập, anh cũng biết. Thật buồn cười khi Tổng thống đích thân nghiên cứu bảng thiết kế xây dựng lại Dinh Độc Lập.
(1) Người đối thoại
(2) Đối thủ - đối thủ
(3) Thẳng thắn, sòng phẳng

Tôi sẽ không nói về dáng dấp của cái dinh tương lai ấy. Bởi ý của tôi là phục chế lại kiểu của cái dinh từ thuở nó còn mang tên Norodom. Kiến trúc Pháp vừa bệ vệ vừa thanh tú. Mà thôi, cái buồn cười lại ở chỗ khác. Tổng thống mời một chiêm tinh gia – thông thường chúng ta gọi là thầy địa lí, hoặc nôm na hơn là thầy bói - để tính các quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài... sao cho nơi ở của nguyên thủ quốc gia tránh được những quả bom kiểu cuối tháng hai. Tôi không phản đối xây hầm bêtông kiên cố, nhưng tôi hết sức lạ lùng về lòng tin nhiệt thành của Tổng thống đối với các thuyết âm dương ngũ hành. Đã thế, khôi phục quách ngọn cờ quẻ Ly của Trần Trọng Kim để đạt một sự hài hòa đúng mức! Hôm tay thầy bói - cũng may là một tay thầy bói chưa mù - giảng về những cửa, những hướng mà Dinh Độc Lập phải xây theo, thì Tổng thống bảo tôi ngồi nghe, cùng với Đức cha. Tôi không nói một lời vì biết Tổng thống sẽ nổi cơn thịnh nộ. Đức cha gật gù, sau cùng bảo: “Kết hợp cả Đông Tây cũng là một cách tốt, tôi cho xây dựng nhà thờ Phú Cam theo những nguyên tắc na ná như vậy.” Nhà tôi khuyên tôi: “Thôi anh, Tổng thống chẳng có thú vui gì, mình đừng làm cho ảnh phiền.” Tôi không rõ kiến trúc sư số một của ta, người được giải thưởng lớn ở La Mã là Ngô Viết Thụ có ẩn ý gì hay không, khi trong bản thiết kế mặt tiền của dinh nhìn qua thấy toàn là xương, cũng còn may mắn, không phải là xương sọ! Vào những lúc “đơn thương độc mã” như vậy, tôi thấm thía về sự vắng mặt của anh. Anh ở nhà, có thể giảm nhẹ những việc lố bịch đó, bởi tiếng nói của anh dễ được Tổng thống nghe hơn của tôi và anh biết cách nói hơn tôi.
Một chuyện khác cũng không vui. Tượng Bà Trưng được dựng khá bề thế ở giữa một công viên, nhưng dư luận thì cho đó là tượng của nhà tôi. Anh thấy đấy, toàn những chuyện chẳng ra làm sao cả trong khi cường độ chiến tranh mỗi lúc mỗi gia tăng và thiệt hại của chúng ta mỗi lúc một lớn hơn. Tướng Paul Harkins úp mở với tôi rằng viện trợ Mỹ về khí tài quân sự được thực tế chứng minh là không đủ để giành chiến thắng. Chắc anh hiểu hàm ý của nhận xét đó. Tôi hỏi đại tướng: cần bao nhiêu thực binh Mỹ nữa. Ông ta nhún vai và trả lời: “Cần đủ để chiến thắng.” Tôi lại hỏi: “Có thể lấy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương hay chiến tranh Triều Tiên làm một tiêu chuẩn tính toán không?” Ông ta nhíu mày: “Lúc cao nhất Pháp có hai mươi vạn quân viễn chinh ở Đông Dương - mỏng quá chăng? Còn ở Triều Tiên, Mỹ cần gần ba mươi vạn - nhiều quá chăng?” Rồi ông ta cười: “Lính Nam Triều Tiên đánh giỏi hơn lính Nam Việt...” Và, ông ta nhấn mạnh: “Cần bao nhiêu thực binh Mỹ là tùy ở năng lực chiến đấu của Nam Việt.”
Tình hình Lào cũng kích động dư luận trong nước. Pathet Lào mở rộng địa bàn kiểm soát đến nỗi Thủ tướng Boun Oum và tướng Nousavan bay sang Sài Gòn vận động chúng ta ủng hộ họ chống Cộng. Một đồng minh láng giềng mong manh cỡ đó thì thật nguy hiểm đối với cao nguyên Trung phần của chúng ta. Còn Sihanouk, như anh đã biết, le prince qui boude(4), ông ta luôn luôn đồng bóng, chửi Cộng sản Cambốt tàn tệ nhưng lại cho phép Việt Cộng thiết lập một phòng thông tin tại Nam Vang và làm ngơ để Kossem tiếp tục cái Fulro lá mặt lá trái của hắn ta, lôi kéo một nhóm người Thượng, và người Chàm từ Việt Nam Cộng hòa sang Camp Rolland huấn luyện. Triển vọng của tình hình, chưa thấy sáng sủa, đặc biệt khi tướng Paul Harkins vừa được Chính phủ Mỹ chỉ định kiêm nhiệm Tư lệnh quân đội Mỹ cả ở Việt Nam và Thái Lan.
(4) Ông hoàng “bốc.”
Thôi, anh liệu mà thu xếp về nước càng sớm càng tốt. Cho tôi hỏi thăm cô Thùy Dung.”

Trên đây là một trong các bức thư của Nhu gửi cho Luân. Với các bức thư đó, Luân hình dung được sức ép của quân Giải phóng đối với quân Sài Gòn và từ cái nền như vậy, biến động chính trị ở Nam Việt là không tránh khỏi. Luân tin chắc rằng cú ném bom của Nguyễn Văn Cử và Phạm phú Quốc là lời cảnh cáo sau chót của Mỹ. Bây giờ, không cần cảnh cáo nữa. Nếu Diệm đủ khôn ngoan thì còn buộc Kennedy cân nhắc, bằng ngược lại...
Nguồn tin chính trị thì Luân theo dõi qua các bài của Helen Fanfani. Luân đặc biệt lưu ý đến tin về ngày Phật đản năm 1962 được cử hành hết sức long trọng tại chùa Xá Lợi Sài Gòn với cả trăm nghìn người tham gia theo quyết định của Phật giáo thế giới. Fanfani đã phân tích sự việc đó như là một dấu hiệu chính trị nổi bật: Phật giáo leo lên vũ đài và đằng sau các nhà sư là một khối lượng người rất khó ước định. Fanfani là một nhà báo sắc sảo, càng về sau, Luân càng khâm phục cách ghi nhận và đánh giá tình hình Nam Việt của cô. Nhiều phóng viên báo chí và thông tấn ở Sài Gòn, song Fanfani xứng đáng đại diện cho giới tài chính ngân hàng Mỹ - bao giờ cũng suy tính mọi lợi hại trên tầm bao quát. Luân đã cắt một bài của Fanfani mà anh cho là hay nhất trong các bài của cô. Dung cũng đồng ý như vậy. Bài báo viết vào đầu năm 1963, sau kì Noel mà Fanfani về Mỹ và gặp vợ chồng Luân - họ đi chơi tận Chicago, Los Angeles và San Francisco. Đó là lần duy nhất mà Luân gặp Fanfani ở Mỹ. Trái với Saroyan, Fanfani không hề viết riêng thư cho Luân. Cô cười khi cùng sóng đôi với Luân trên bãi biển: “Tôi viết cho ông thường nhất đấy chứ... Chẳng lẽ ông không đọc bài của tôi?”
Bài báo đặc sắc gợi cho Luân suy nghĩ, không dài, tựa là Việc đầu tư của Mỹ ở Nam Việt.
“Cái đích mà những người có quyền thế ở Mỹ, quyền thế thật sự mặc dù chưa bao giờ họ kí tên vào bất cứ một mảnh giấy con nào về các vấn đề hành chính, có vẻ mỗi lúc mỗi xa tầm với của họ ở Nam Việt. - Fanfani mở đầu bài báo. Cô viết tiếp: “Thực tế Nam Việt dấy lên cuộc tranh chấp mà vào lúc sơ khởi, hầu như chưa ai nghĩ rằng sẽ có cuộc tranh chấp như vậy. Việt Nam hay Đông Dương thuộc Pháp, vốn định mệnh đã an bày, và thật ít người Mỹ biết đến sự có mặt của nó trên hành tinh, chứ đừng nói ý định nước Mỹ dính líu vào đây. Vào thế kỉ XIX, một đại diện của hoàng đế Việt Nam tên là Bùi Viện sang Washington xin cứu viện chống lại người Pháp thì Tổng thống Mỹ lắc đầu. Nhưng lịch sử không chịu đừng yên. Năm 1951, tướng 5 sao - sau khi ông ta chết, được truy phong thống chế - Jean de Lattre de Tassigny, với tư cách là Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đến Mỹ để xin viện trợ quân sự giữa lúc chiến tranh Triều Tiên vào hồi sắp tàn cuộc. Cái bóng ma ám ảnh cuộc thương lượng của De Lattre và Chính phủ Mỹ là sự can thiệp của Trung Cộng, điều mà đúng vào ngày De Lattre hấp hối trên giường bệnh, một tướng 5 sao khác của Pháp, tướng Juin - và ông này về sau cũng được phong thống chế - khẩn cấp có mặt ở Washington xin Mỹ hãy hành động như ở Triều Tiên.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ lúc bấy giờ là đại tướng Bradley hoài nghi về khả năng Trung Cộng dám liều lĩnh. Theo tướng Bradley, Trung Cộng đủ khôn ngoan để học bài học Triều Tiên: nếu Mac Arthur bị Tổng thống Mỹ cách chức vì chuẩn bị vượt sông Áp Lục tiến đánh cảnh cáo Trung Quốc; thì Trung Cộng gửi liền cho Mỹ một thông điệp bằng hành động: nguyên soái lừng danh Bành Đức Hoài bị Mao Trạch Đông cách chức vì ông ta thề quét quân Mỹ ra ngoài vịnh Triều Tiên.

Chính phủ Hoa Kỳ nhắc lại sự cam kết đầu tiên là quan tâm hàng đầu đến viện trợ kinh tế theo điểm 4 trong chương trình Truman(5), mặc dù Chính phủ Pháp từng cử đại sứ ở Viễn Đông để trao đổi những kiến nghị với Chính phủ Mỹ về thái độ của Mỹ trong cuộc chiến Đông Dương. Sự lơ là của tướng Bradley còn liên quan đến tuyên bố của tướng Pháp Carpentier, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp vào đầu năm 1950 tại Đông Dương: “Nếu Mỹ muốn việc trợ quân sự cho các quốc gia Đông Dương thuộc Pháp thì nhất thiết sự viện trợ đó phải thông qua Liên hiệp Pháp, tức là quân đôi Pháp.” Có lẽ tướng Carpentier bị Chính phủ Pháp khiển trách, do đó mà giữa tháng 5-1950 Bộ trưởng ngoại giao Anh, Pháp, Mỹ họp tại Paris với chủ đề: Viện trợ quân sự và kinh tế cho Đông Dương. Đầu tháng sáu cùng năm, Robert Blum, Trưởng phái đoàn Mỹ tới Sài Gòn chính thức thông báo phần viện trợ kinh tế của Mỹ cho Đông Dương tài khóa 1950-1951 lên đến 23.5 triệu dollar, còn viện trợ quân sự chỉ bằng vũ khí và quân nhu, sẽ qua tay quân đội Liên hiệp Pháp. Sáu ngày sau, một ủy ban viện trợ kinh tế Hoa Kỳ được thiết lập ở Sài Gòn để tiếp nhận những triệu dollar khiến nhiều người thèm rỏ dãi nói trên. Chúng ta có thể nói được rằng, đó là số tiền đầu tư quan trọng của Mỹ vào Đông Dương mà chủ yếu là vào Việt Nam.
(5) “Point Quatre” Plan Truman: tháng 1-1949, Tổng thống Mỹ Truman công bố bổ sung chương trình Marshall một điểm (điểm 4): Mỹ sẽ giúp đỡ tài chính và kĩ thuật cho các quốc gia chậm tiến, nhằm mở rộng ảnh hưởng Mỹ.
Cũng cần thiết nhắc lại rằng, con số 23.5 triệu dollar của Mỹ đã góp phần đưa cuộc đàm phán mau thoát khỏi tình trạng cù nhầy mà nguyên do là Chính phủ Pháp của Vincent Auriol vẫn luyến tiếc chế độ trực trị các thuộc địa cũ. Ngày 22-7-1950, hai chuyến máy bay đầu tiên mang cờ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, bấy giờ còn rất cũ kĩ. Thuốc men, bột DDT, thuốc kháng sinh, dụng cụ y tế v.v... nhãn hiệu USA được phân phối trực tiếp cho Chính phủ Việt Nam mà không qua các cơ quan Pháp, dù cho cái “Chính phủ Việt Nam” đó gồm những người xem tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ. Bất cứ một mưu đồ lớn nào của các nhà chính trị cũng đều mở đầu một cách hiền lành, nhân đạo như vậy cả. Chính phủ Mỹ tự rút kinh nghiệm: Mùa xuân cùng năm, hai chiếc tàu chiến Mỹ bỏ neo trên sông Sài Gòn, ngay cái thành phố rất náo động và bài ngoại nổi tiếng, đã bị hàng mấy trăm ngàn người giận dữ xua

đuổi. Tiếc là nhà tiên tri Nostradamus(6) không dự đoán nổi cái điềm trên là hứa hẹn hay hăm dọa. Thận trọng hơn, một phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ do Thứ trường quốc phòng Malby và tướng Erskine cầm đầu “không kèn không trống” đến Sài Gòn và phúc trình sau đó của họ được Tổng thống Mỹ chấp nhận cực kì nhanh chóng nếu không nói là Tổng thống đã quyết định từ trước. Âm thầm và rón rén như những kẻ buôn lậu, giữa tháng 8-1950, một tàu buôn Mỹ cập bến Sài Gòn và mọi hoạt động chỉ về đêm: súng, đạn pháo, xe bọc thép v.v... hối hả nhập vào các kho của quân đội Pháp. Quyển sử về sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam và Đông Dương mở ra chương thứ nhất với chuyến tàu trọng tải 15.000 tấn đó.
(6) Nhà thiên văn và bác sĩ (1503-1566), tên thật là Michel De Nostre-Dame, tác giả các quyển sách tiên tri.
Tháng mười cùng năm, Thủ tướng Pháp Pleven lại cử bộ trưởng quốc phòng Jule Moch sang Mỹ thúc viện trợ quân sự nhưng nói rõ chỉ viện trợ vũ khí mà thôi. Một ngày đáng ghi nhớ trong quyển sử mà tôi tin thế nào cũng sẽ xuất hiện, ngày 10-10-1950 một phái đoàn viện trợ quân sự Hoa Kỳ đặt dưới quyền của tướng Brinsk chính thức treo ngọn cờ lấm chấm những ngôi sao xanh và vằn vện những sọc đỏ giữa Sài Gòn. Nước Mỹ quyết định từ bóng tối bước ra ánh sáng vào đúng cái thời điểm bản lề của cuộc chiến Đông Dương: toàn tuyến biên giới Việt Bắc do những lực lượng tinh nhuệ nhất của quân viễn chinh Pháp trú đóng bị chiếc chổi khổng lồ của tướng Giáp quét một nhát sạch nhẵn, từ Cao Bằng qua Đông Khê, Thất Khê đến Lạng Sơn với năm nghìn tù binh và hai đại tá sừng sỏ.
Giới doanh nghiệp Mỹ lúc đầu chú ý đến Việt Nam ít hơn giới chính trị và giới quân sự. Ngót trăm năm cai trị của Pháp, miền đất hẻo lánh này của thế giới chỉ trưng bày được trong thông tin kinh tế quốc tế với mặt hàng quá khiêm nhường: cao su thì thua Malaysia, cà phê xếp sau Brasil, các loại quặng chỉ mới tính bằng đơn vị tấn, trừ than đá và lúa gạo. Nhưng cuộc chiến tranh Pháp - Việt đã khiến cho giới doanh nghiệp Mỹ từ chỗ thờ ơ, đến chỗ quan tâm đặc biệt tình hình Việt Nam. Có lẽ cái khác nhau giữa họ - giới doanh nghiệp - với giới quân sự và chính trị chung quanh những vấn đề như vị trí chiến lược, như tiền đồn ngăn chặn làn sóng đỏ, vẫn còn trừu tượng; nhưng cái yếu tố hấp dẫn lồ lộ như nhà thôi miên cuốn hút họ: những chục triệu dollar công khai và hàng trăm triệu dollar bí mật cần phải được sử dụng, tuy tận miền Viễn Đông nhưng không thể vượt ngoài quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ. Giới doanh nghiệp Mỹ bắt đầu làm tính với Việt Nam một cách thực dụng như họ làm tính với đồng bào họ và khi Trưởng phái bộ kinh tế đầu tiền của Mỹ ở Sài Gòn, ông Williamon, công bố số tiền viện trợ kinh tế cho Việt Nam tài khóa 1951-1952 là 25 triệu dollar thì các hãng buôn Mỹ thiết lập nhanh nhảu chưa từng có cơ quan đại diện của mình trong các khách sạn sang trọng giữa trung tâm Sài Gòn. Một viện hối đoái được thành lập và một Huỳnh Văn Lang thân Pháp, một Đinh Quang Chiêu thân Mỹ song song điều hành công việc. Giới doanh nghiệp Mỹ không cần thiết lập nhiều ngân hàng ở Sài Gòn, trừ chi nhánh ngân hàng Manhattan, bởi các ngân hàng của Trung Hoa Tưởng Giới Thạch và của Hongkong thật sự hay phần quan trọng là của họ. Rồi cuộc chiến tranh Việt - Pháp kết thúc, rất bi thảm đối với nước Pháp nhưng rất rực rỡ đối với Chính phủ Mỹ. Thế là, từ trước, khu vực ảnh hưởng xa nhất Đông Nam Thái Bình Dương của Mỹ dừng tại Philippines, bây giờ, nó thêm hàng nghìn cây số lên mép lục địa Đông Nam Á, trên đất liền. Bỗng nhiên trong giới doanh nghiệp Mỹ lưu hành một luận điểm mỗi ngày mỗi trở nên chính thống: Đông Dương có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế với tầm cỡ chiến lược, mà nếu như Mỹ bị hất ra khỏi nơi đó thì có nghĩa thủ đô Washington sẽ thất thu! Người xướng xuất cái lí thuyết viễn tượng khá phi thường ấy là Giáo sư Henry Kissinger với một đồng minh mang bệnh tâm thần là Thượng nghị sĩ Mac Carthy, dưới sự bảo trợ của một kẻ lõi đời: Foster Dulles. Các con số về tiềm năng kinh tế của Việt Nam đều được máy tính điện tử thổi phồng theo cấp số nhân. Foster Dulles chết vì bệnh ung thư nhưng rất tiếc trình độ khoa học chưa đủ sức tìm trong các tế bào rối loạn của cựu Ngoại trưởng Mỹ phần nào tượng hình ung nhọt Việt Nam. Giới doanh nghiệp Mỹ nhảy xổ vào Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève, nói trắng ra là nhảy xổ vào 300 triệu dollar viện trợ và chừng đó dollar viện trợ quân sự hằng năm giống những cầu thủ ruby XV thô bạo dùng quyền Anh, võ Judo và cả những nhọn lao người da đỏ đánh rạp người Pháp trên thương trường. Ngày nay, những người định đoạt chính sách nước Mỹ rất thống nhất với nhau: Phải đẩy lùi càng xa càng tốt nguy cơ Trung Cộng thọc tay vào Đông Dương. Thật là may mắn, Mao Trạch Đông đã viện trợ hào phóng cho nước Mỹ bằng cách ông ta thọc tay khuấy động nội bộ nước Trung Hoa và cả phe Cộng sản quốc tế, trong đó thế nào cũng có giới Hoa kiều đông đúc ở Chợ Lớn. Phải giữ Bắc Việt tạm thời tồn tại phía Bắc vĩ tuyến 17. Lúc bấy giờ, nghĩa là mấy năm liền sau Hiệp nghị Genève, ý định này không phải là viển vông: ông Hồ Chí Minh còn bận nhiều việc gấp hơn. Nước Mỹ phải nhập cảng vào Nam Việt thật nhiều cirage và verni để đánh bóng chiếc tủ kính trưng bày sự có mặt của nước Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Đó là sự có mặt rất đỗi ôn tồn và niềm nở, giàu có và vung tay, thậm chí rất tế nhị. Nước Mỹ chăm sóc cả những bộ ngực mĩ miều của các cô gái Nam Việt, dành một sự quan tâm ngang với quan tâm kinh thánh, vòng nở nang của đùi và mông. Nhưng - chữ “nhưng” mà Eisenhower nổi đóa và Kennedy sắp chửi thề - Tổng thống Việt Nam Ngô Đình Diệm thích dùng cirage và verni của Mỹ đánh bóng cho cái mà danh từ Á Đông gọi là chiếc ngai vàng. Ông ta say mê trở thành hoàng đế hơn các nhà doanh nghiệp Mỹ say mê khai thác các thứ có thể khai thác trên đất nước ông. Và ở đây, tồn tại một sự can thiệp của lịch sử dù Chính phủ Mỹ có nhắm mắt cũng phải thấy - đó là Cộng sản. Bây giờ họ tự xưng là Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Họ nói rằng họ chống sự xâm lược của Mỹ và chế độ độc đoán của gia đình ông Ngô Đình Diệm để xây dựng một miền đất nước không có tiếng súng, không có áp bức của nước ngoài, không có bóc lột và đối xử ngang ngược trong nước. Họ đòi thi hành Hiệp nghị Genève và tuyên bố độc lập với chế độ Cộng sản Bắc Việt bởi họ chủ trương trung lập. Nhưng đồng thời họ cứ nhắc đi nhắc lại mãi rằng đất nước Việt Nam của họ là một dân tộc của họ thống nhất từ bốn nghìn năm.

Muốn thắng Cộng sản ở Nam Việt, không một nhà chiến lược quân sự Mỹ nào không nghĩ đến quy mô chiến tranh nhất thiết phải mở rộng toàn cõi Việt Nam, hơn nữa, toàn Đông Dương.
Cái nguy cơ Trung Cộng can thiệp dứt khoát đã lùi xa, xa hơn cả những gì mà giới chiến lược Mỹ mơ ước, nghĩa là tấn thảm kịch Triều Tiên gần như tuyệt đối không thể tái diễn: không có những yếu tố vật chất, đối ngoại và tâm lí để tái diễn. Cái giá sinh mệnh hàng triệu lính Trung Quốc tại Triều Tiên chỉ để làm ranh chia hai Triều Tiên, nhích xuống phía nam vài chục cây số thì quả là giá quá cao. Trung Cộng vẫn giúp Cộng sản Việt Nam ở cả Nam và Bắc, nhưng đó là một sự giúp đỡ tự nó đã có giới hạn. Trung Cộng không muốn một Việt Nam thuộc Mỹ để phải hứng ngọn đòn vu hồi từ phía dưới khó đối phó. Nhưng Trung Cộng cũng không thích thú một Việt Nam thoát li sự chi phối của Trung Quốc mà các hoàng đế tiền bối của họ luôn luôn nhắc nhở họ phải hoàn thành tốt. Nước Mỹ rõ ràng chỉ phải đối phó với một nước Việt Nam, mà theo Mao, cần thiết cắt đôi lâu dài như Triều Tiên, Đức. Ngay cái đảo nhỏ xứ Đài Loan mà họ cũng chỉ dọa bằng những lần cảnh cáo nhiều đến nỗi thành lố bịch. Nhưng Nga Sô đã là nước đầu tiên đưa người lên vũ trụ. Thành tựu về kĩ thuật quân sự của Nga sẽ được Cộng sản Việt Nam thụ hưởng trong chừng mực cần thiết. Ở chiến trường Nam Việt, người Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòađã bắt đầu nếm khá cay đắng những thành tựu ấy, kể luôn những vũ khí tuy mang nhãn hiệu Trung Cộng nhưng từ model Nga Sô. Nước Pháp vẫn bất đồng với Mỹ về vấn đề Đông Dương, Ấn Độ luôn trung thành thuyết trung lập ảnh hưởng ngày một rộng. Thế là bài toán Việt Nam đối với nước Mỹ thêm nhiều con số mới. Chiếc tủ kính trưng bày hàng mẫu không chỉ gồm có thuốc lá Salem, nịch vú và xilip, mà còn có cả những khẩu súng của các hãng Colt, Remington v.v... Dĩ nhiên giới doanh nghiệp chẳng thiệt thòi gì. Không bán tủ lạnh, xe hơi du lịch thì bán các bộ quân phục và xe tăng, máy bay ném bom - lãi to hơn nhiều.
Công cuộc đầu tư ở Nam Việt cứ lộn rồng lộn rắn như thế và mỗi ngày thêm nhiều triệu chứng cho thấy sự đầu tư sẽ chủ yếu bằng sinh mệnh của những người Mỹ và bằng cả vận mệnh của nước Mỹ. Các Tổng thống Mỹ từ nay trở đi có dám chấp nhận một cuộc phiêu lưu như vậy hay không, đó còn là ẩn số. Song, không còn là ẩn số điều sau đây: chính giới Mỹ giải thích cái tình trạng tấn thối lưỡng nan của mình ở Nam Việt, sự thụt lùi của nỗ lực chống Cộng với các kết quả xám xịt bằng một luận điểm bất ngờ nhất nhưng lại được thống nhất nhất - sự tồn tại của chính cá nhân Tổng thống Ngô Đình Diệm. Con người mà chín năm trước nước Mỹ gọi rằng “vị cứu tinh của nước Việt Nam đau khổ,” trong phút chốc đã trở thành một thứ Dracula không chỉ hù con nít mà là một hiểm họa thật sự đe dọa nước Mỹ. Chính thức mà nói, nước Mỹ đầu tư vào Việt Nam bằng cái vốn Ngô Đình Diệm. Và bây giờ, bán chính thức mà nói, nhà độc tài Nam Việt đang lên giá cực cao trên thị trường chứng khoán Mỹ - cái giá của “một vật tế thần,” hiểu theo cách phương Đông. Cái có thể trở nên chuyện huyền thoại là ông Diệm cứ ngỡ mình như một thực thể do ý Chúa. Giới doanh nghiệp Mỹ, trái lại, tiêm nhiễm một thói quen sau Thế chiến thứ hai - nước ít bị tổn thất nhất - là không cần biết ông A hay ông B cầm quyền ở nước nào đó. Lý Thừa Vãn hay Phác Chánh Hy, Magsaysay hay Macapagal... mà chỉ cần biết các kết số lời lỗ trong các giao dịch tính bằng dollar. Và, nói theo ngôn ngữ của giới gangster: “Diệm! Hãy cầu nguyện đi!”
Bài báo tuyệt vời! Luân tấm tắc. Nếu không bị các ràng buộc về trách nhiệm, Luân đã gọi điện khen Fanfani. Nhưng, thật kì quặc, Nhu không hề nhắc đến các nhận định đó của Fanfani trong hằng tá thư anh ta viết cho Luân. Fanfani, chẳng thiện cảm chế độ Diệm, nhưng cô cũng không hoàn toàn tán thành cách dính líu của Mỹ vào Nam Việt. Hiểu theo một nghĩa nào đó, Fanfani đánh động ông Diệm. Tờ Financial Affairs sở dĩ đăng bài này của Fanfani là vì - chính Fanfani tiết lộ với Luân - số ngân hàng chi phối tờ báo chưa chia chác được bao nhiêu món viện trợ Mỹ ở Nam Việt.
Luận gặp Saroyan hai lần. Lần trước, chỉ vài tháng sau khi Luân đến Fort Bragg. Lần sau tại Paris, nơi Luân dừng chân ngơi nghỉ và sửa soạn đi Philippines và Malaysia.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện