Tháng Chín năm ấy, con gái của Hiển Sướng và Thải Châu ra đời. Đạo trưởng chân nhân ở Bồng Lai xa xôi cử người mang thiếp tới, trong đó là cái tên ông tỉ mỉ tính ra: Hách Kỳ. Cả phủ ai cũng khen tên này hay, vừa uy nghi long trọng vừa lộng lẫy đường hoàng, chỉ có Hiển Sướng là chê bai: Quá nhiều nét, viết mệt. Thải Châu cười bảo: “Vậy chàng lấy một cái tên dễ viết làm nhũ danh cho con đi.” Lúc nói câu này, đứa trẻ đang được vú em ôm trong lòng duỗi cánh tay như ống ngải cứu (*) vươn ra ngoài, ra sức quơ quẫy làm rơi một cái cốc sứ từ trên bàn xuống. Cái cốc rơi xuống mặt đất vỡ tan tành, tiếng rất vang, Hiển Sướng lập tức nảy ra một ý, ôm con lại, nhìn cặp mắt sáng ngời của đứa nhỏ, nói: “Binh Binh. Gọi là Binh Binh đi.”
“Băng của băng tuyết ấy ạ?”
“Không phải, Binh trong binh lính ấy.” (**)
“Đó đâu phải tên con gái.”
“Nó không phải đứa con gái bình thường, nó là con gái ta.”
(*) Ngải cứu là một phương pháp trị liệu trong châm cứu Đông y, dùng lá ngải chế biến thành ống thuốc, đốt ống hơ lên huyệt vị hoặc đặt lên những bộ vị đặc biệt, dùng hơi nóng kích thích và điều chỉnh các rối loạn sinh lý trong cơ thể.
Ống ngải cứu
(**) Chữ “binh (兵)” và chữ “băng (冰)” tiếng Trung đồng âm [bīng].
Thải Châu mong chờ một đứa con trai, sinh ra lại là con gái, bất kể thế nào, cô cũng cảm thấy có phần thất vọng. Nhưng sự cưng chiều của Hiển Sướng và bản thân đứa trẻ lại khiến cô ngày một vui vẻ. Đứa con gái thân thể khỏe mạnh, dồi dào sinh lực, không khóc không quấy, lại chăm tập thể dục từ sớm. Mỗi ngày nó đều nằm trên giường giơ hai cái chân bọc trong tã lót lên thật cao, tạo thành một góc vuông rõ ràng. Binh Binh có khuôn mặt cực kì giống Hiển Sướng, đường nét mắt, mũi, miệng, gương mặt, mép tóc đều rất đẹp, da còn trắng như men sứ nữa, đem so với ảnh cha nó khi còn nhỏ chỉ thấy giống nhau như đúc. Phúc tấn bệnh tật đã lâu, sức khỏe suy yếu vực dậy được tinh thần, ôm cháu gái vào lòng, nhìn trái nhìn phải, ngắm nghía thế nào cũng thấy không đủ. Lúc đứa nhỏ có một nốt ruồi son sau gáy này vừa mới bắt đầu biết lẫy trên giường, Hiển Sướng đã sai người tìm một con ngựa nhỏ quý giá tướng tá đẹp đẽ, huyết thống thuần khiết ở Mông Cổ cho nó.
Vậy nhưng, trong lòng Thải Châu, tất cả đều không có ý nghĩa trọng đại bằng việc mà Binh Binh làm lúc lên hai.
Đó là một buổi chiều hè, Minh Nguyệt mang một món quà nhỏ tới phòng cô chơi với Binh Binh. Đó là một con ếch đồ chơi màu xanh biếc, sống lưng thêu vài sợi chỉ đỏ, lúc lên dây cót có thể bật nhảy. Binh Binh trông thấy thích cực kỳ, chơi cùng Minh Nguyệt một lúc, tự học được cách lên dây, bàn tay bụ bẫm vặn dây cót mấy vòng, đặt xuống đất, con ếch lập tức nhảy bật lên, nhảy từng bước tới trước mặt Minh Nguyệt. Binh Binh cũng đi theo, cùng con ếch nhảy vào lòng Minh Nguyệt, cười khanh khách. Minh Nguyệt cũng thích nó, ôm trong lòng thơm tho mềm mại, muốn thơm cô bé một cái, lại có chút không dám, chỉ cười nhìn nó, hai người bốn mắt nhìn nhau.
Lúc đó trong phòng có không ít người. Có phúc tấn, có trắc phúc tấn, đại cách cách Hiển Du sắp xuất giá và hai cô em gái cũng có mặt, trong phòng có tiếng nói chuyện và tiếng cắn hạt dưa, không ai chú ý tới Minh Nguyệt và Binh Binh đang chơi đùa trên thảm trải sàn.
Nhưng, một giọng nói non nớt vô cùng rõ ràng đã lọt vào tai của tất cả mọi người, hai chữ: “Hồ ly.”
Tiếng nói chuyện và cắn hạt dưa dừng bặt, trong phòng thoáng chốc lặng phắt như tờ. Ánh mắt đám phụ nữ rơi xuống đứa trẻ bé nhỏ đáng yêu, nhìn nó nằm trong lòng Minh Nguyệt, con ngươi đen láy sáng ngời, khóe miệng nở một nụ cười tươi rói ngây thơ, ngón trỏ chỉ vào chóp mũi cao cao của Minh Nguyệt cô nương, dường như đợi cho sự chú ý của tất cả mọi người cuối cùng cũng tập trung hết lại đây mới lặp lại thật rành rọt: “Hồ ly.”
Đêm khuya, Thải Châu đứng bên giường Binh Binh nhìn khuôn mặt ngủ say của con gái, bản thân cô cũng rất ngỡ ngàng: Là ai dạy con bé nói “hồ ly”?
Trước nay nó chưa từng trông thấy hồ ly, cũng chưa từng biết tới hai chữ này, nói cách khác, trong đầu đứa nhỏ căn bản là không tồn tại hình tượng và khái niệm về “hồ ly”. Nhưng sao nó lại có thể chỉ vào mặt Minh Nguyệt, nghiêm túc chắc nịch thốt lên hai chữ đó như thế? Thật bất thường.
Nghe nói, mắt trẻ con có thể thấy được những thứ người lớn không thấy, lẽ nào Binh Binh thực sự thấy được nguyên hình yêu nghiệt dưới lớp da của Minh Nguyệt? Thải Châu nhớ tới chuyện con cáo trắng đã nhảy vào căn nhà của Minh Nguyệt sau tiệc mừng thọ phúc tấn hơn hai năm trước. Đó rốt cuộc là trùng hợp vừa khéo hay chân tướng xác thực?
Người khác sẽ nói thế nào đây?
Bà cụ sẽ lo lắng, sẽ càng căm ghét hoặc kiêng dè con bé kia hơn.
Miệng lưỡi đám tôi tớ sẽ lấy Minh Nguyệt ra làm truyền thuyết và trò cười, nhưng cũng khó đảm bảo rằng họ không châm biếm mình. Họ sẽ nghĩ, thiếu phu nhân nhịn nhục nhiều năm đã nói xấu thế nào về người phụ nữ khác với con gái mình, bởi vậy nên đứa trẻ thành thật đã phun hết ra ngoài miệng. Nhưng có trời mới biết, cô chẳng thèm làm cái chuyện bẩn thỉu vô vị đó bao giờ.
Nhưng bất kể thế nào, lời đứa trẻ nói cũng là lời cô muốn nói. Đứa con gái hai tuổi của cô đã dùng sự vô tri và can đảm của nó để trả thù con đàn bà đã chiếm đoạt Hiển Sướng, bảo vệ mẹ mình. Chuyện khiến Thải Châu kinh ngạc, song nghĩ ngợi một hồi lại cảm thấy hả dạ và biết ơn. Cô cầm bàn tay nắm hờ trong lúc ngủ mơ