Ngọn nguồn của trận phong ba phải kể bắt đầu từ sự kiện ngộ độc thực phẩm vào trung tuần tháng Sáu. Hơn hai trăm giáo viên và học sinh của trường tiểu học số hai đường Kỳ Sơn đã bị nôn mửa và tiêu chảy ở các cấp độ khác nhau sau một buổi ăn trưa. Trong đó, một số trường hợp nghiêm trọng đã lập tức được đưa vào bệnh viện lân cận. Có sáu học sinh và hai giáo viên rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, gần như là nguy hiểm đến tính mạng. Họ lâm vào hôn mê, mấy ngày sau mới tỉnh lại, lá gan bị tổn hại nặng nề.
Sở an ninh địa phương tức thì lập án điều tra, chất vấn hơn hai mươi nhà buôn và cửa hàng bán lẻ cung cấp thực phẩm cho trường tiểu học số hai Kỳ Sơn, xét nghiệm sản phẩm của họ, cuối cùng xác định được thực phẩm nhiễm độc đến từ một tiệm buôn gia vị tên là “Hiệu Tương Đại Lỗi”, xì dầu và rau giá họ bán cho trường tiểu học số Hai Kỳ Sơn chứa một lượng lớn khuẩn nấm vàng, đây chính là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm cho tập thể giáo viên và học sinh. Hiệu Tương Đại Lỗi là một thương hiệu lâu đời đã buôn bán được hơn bốn mươi năm ở Chiết Giang, trước nay vẫn luôn vượt trội về chất lượng, sản lượng lớn mà ổn định, phạm vi cung cấp hàng hóa bao trùm toàn bộ tỉnh Liêu Ninh, thậm chí còn vươn cả sang một số khu vực ở Hắc Long Giang và Cát Lâm. Hiện giờ thương hiệu này lại đột ngột dính vào vòng pháp lý, suýt hại chết mạng người, chỉ trong một đêm, Hiệu Tương Đại Lỗi đã bị đập tan các loại chum lu ủ tương ủ giấm, cửa hiệu và sản nghiệp bị niêm phong, cuối cùng ngừng kinh doanh, chờ trị tội.
Truyền thông địa phương tích cực đưa tin tuyên truyền về vụ này, dân chúng vỗ tay khen hay, nhưng rồi cũng nhanh chóng cảm giác được nỗi bất an và mối nguy hại to lớn hơn: Nếu sản phẩm của một thương hiệu chính quy lâu năm như vậy còn không đáng tin thì những thương hiệu bán tương khác liệu có thể tin được không? Nếu xì dầu không đáng tin, vậy muối ăn có tin được không? Rau dưa có tin được không? Thóc gạo dầu mỡ có tin được không?
Tin tức chia thành tin tức lớn và tin tức nhỏ, cường độ đưa tin và sức chiếm trang báo cũng khác nhau. Sau khi đăng tin an toàn thực phẩm lên trang đầu, tổng biên tập Lưu, cha của Lưu Nam Nhất đã nhận được chỉ thị của cấp trên: Cũng là trang đầu nhưng chỉ dùng một góc bằng nửa miếng đậu phụ đăng tin chính phủ quân phiệt ký hiệp nghị hợp tác với xí nghiệp nông lương Nhật Bản, đặt ở góc phải, không lớn không nhỏ, phải viết thành một tin tức tốt để chính thức thông báo và khẳng định, nhưng không thể quá lộ liễu, không thể để dân chúng cảm nhận được chút quan hệ nhân quả tất yếu nào.
Lúc đó Minh Nguyệt đang ngồi chơi ở nhà Nam Nhất, ông Lưu về đến nhà lập tức hỏi vợ, Trong nhà gạo mì dầu muối còn nhiều không? Bà Lưu đáp, Còn đủ, không cần phải mua gấp, gần đây không phải chất lượng hàng hóa không tốt sao? Ông Lưu đáp, Mau, cầm tiền dư ra đây, mua tích trữ thêm đi. Tích trữ bao nhiêu á? Tích được bao nhiêu hay bấy nhiêu! Bà Lưu nghe lời đi mua một đống rau dưa đồ ăn về tồn.
Đồng thời khi nhà họ Lưu đang tích trữ thực phẩm, một con tàu chở hàng khổng lồ chở đầy gia vị và bao tải gạo khởi hành từ Nhật Bản đã cập bến ở cảng Đại Liên. Tòa soạn của ông Lưu và các tòa soạn đồng nghiệp khác đều được lệnh tiến hành đưa tin liên quan, còn phải thống nhất đăng ảnh chụp, dùng cái đó để khẳng định: Thật sự có tàu chở hàng thực phẩm Nhật Bản tới, vệ sinh an toàn, giá cả hợp lí, sắp được đưa lên thị trường.
Không lâu sau đó, dân chúng phát hiện ra một số mặt hàng Nhật Bản trong các hiệu buôn thực phẩm, cửa hàng nhỏ lẻ và sạp bán ngoài chợ. Những mặt hàng này ban đầu đúng là không đắt, xì dầu tươi ngon đậm đà, hạt gạo chắc mẩy thơm ngọt, hơn nữa còn đóng gói bắt mắt, anh xem, trên hộp bánh bích quy còn có hình ca sĩ xinh đẹp và lực sĩ khôi hài này… Các thương hiệu Nhật Bản nhanh chóng mượn cơn khủng hoảng chiếm lĩnh thị trường, nhưng không ai biết, số hàng hoá nhập khẩu cập bến và dỡ hàng mỗi một khoảng thời gian ở cảng Đại Liên căn bản là không theo kịp tốc độ tiêu dùng của cả Liêu, Hắc, Cát, nói cách khác, hàng Nhật chuyển tới chỉ có một phần mà dân chúng lại mua những năm phần, vậy bốn phần chênh lệch kia là từ đâu ra?
Sự thật là, “hàng nhập khẩu” họ tiêu dùng không khác những mặt hàng trước đây là bao, chỉ có điều, rất nhiều xí nghiệp vì không chịu được khổ đã bị ông chủ Nhật Bản chèn ép thu mua, những sản phẩm trước đây chỉ cần thay đổi bao bì là thành hàng Nhật Bản, đổi một thân phận khác mà tiếp tục bán đổ bán tháo tại bản địa. Đương nhiên, đây chưa phải là mục đích cuối cùng. Hậu quả mà việc lũng đoạn đem đến là không khống chế được vật giá: Mùa hè còn chưa kết thúc, trong vòng chưa đầy ba tháng, giá cả lương thực thực phẩm ở Phụng Thiên đã lặng lẽ tăng lên ba mươi phần trăm.
Rốt cuộc cũng có người bắt đầu nhận ra.
Thương hội tỉnh Chiết Giang đệ đơn lên tòa án, đồng thời công bố bắt được tên người Nhật đã đầu độc Hiệu Tương Đại Lỗi. Tòa án ban đầu không cho thụ lý, nhưng tin tức nhanh chóng lan tỏa tràn ngập trong dân chúng. Sự bất mãn của nhân dân đối với việc lương thực thực phẩm vật giá leo thang nhanh chóng lan ra các lĩnh vực khác. Họ chợt nhận ra cuộc sống của mình đã bị nước nhỏ Nhật Bản chiếm lĩnh, thoi thóp ngắc ngoải trong kẽ hở lợi ích giữa các chính phủ quân phiệt.
Cuộc vận động tẩy chay hàng Nhật và thương hiệu Nhật Bản nổ ra vào tháng Tám, với những hoạt động thoạt tiên mang tính tự phát của dân chúng, phát triển thành các cuộc diễu hành và mít-tinh. Lại là các sinh viên đại học dẫn đầu ra đường, họ nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của nhân dân trong thành phố, khẩu hiệu tiêu ngữ giăng ngập trời ngập đất. Minh Nguyệt bổ nhào ra bệ cửa sổ, thấy Ngô Lan Anh đi đầu đội ngũ.
Lúc đó đang là tiết đại số, thầy giáo hai mươi sáu tuổi ném sách xuống bàn, dẫn học sinh ra các cửa sổ vẫy chào vỗ tay, hò reo trợ uy. Đợi đoàn diễu hành đi qua rồi, thầy giáo bảo họ về lại chỗ ngồi, tiếp tục dạy học. Y phát hiện ra vị trí của hai học sinh bị bỏ trống: Uông Minh Nguyệt và Lưu Nam Nhất.
Hai cô bé tự cuốn mình vào đoàn diễu hành biểu tình, đi theo đám trẻ lớn hơn họ chút xíu ngang dọc khắp đường to ngõ nhỏ trong trung tâm thành phố suốt hai tiếng đồng hồ, cuối cùng họ đi tới trước cửa soái phủ ở Cửa Nam, ngồi đó yêu sách.
Tháng Tám, mặt trời ngột ngạt chói chang giữa trời, đám sinh viên ngồi bệt dưới đất trên đường lớn trước cửa soái phủ. Soái phủ