Nam Nhất là từng chút từng chút biết được hậu quả và kết cục của Uông Minh Nguyệt và Ngô Lan Anh. Sau ngày đó, Minh Nguyệt không còn đến trường nữa, hơn mười ngày liền không có bất kỳ một tin tức gì. Cuối cùng, Nam Nhất trông thấy cán sự chỉnh lý tài liệu của Minh Nguyệt ở chỗ giáo vụ, nhờ thế cô mới biết nàng đã được người “chú” họ Ái Tân Giác La kia đưa đi Nhật Bản. Mà Ngô Lan Anh thì hoàn toàn bặt vô âm tín. Đương khi Nam Nhất đang ngây thơ hi vọng xa vời rằng rồi sẽ đến một ngày nhận được tin tức của cô giống như những tin tức vụn nhỏ của Minh Nguyệt, rằng cô đã được đưa ra nước ngoài đi học, hoặc là bị đuổi về quê, hoặc tệ nhất là bị giam trong một nhà giam nào đó mà chí ít Nam Nhất cũng có thể đi thăm tù, thì lời đồn đáng sợ nhất đã lan truyền trong thành phố: Những thanh niên tổ chức và dẫn đầu cuộc vận động học sinh sinh viên đã nhanh chóng bị quân phiệt bắt giam và đã sớm bị bí mật sát hại. Không ai chứng minh được lời đồn này là đúng, bởi chưa từng có ai bắt gặp thấy xác họ; càng không ai chứng minh được lời đồn này là sai, bởi cô gái tên Ngô Lan Anh kia chưa từng quay lại lớp học hay quê nhà, hay trước mặt bạn bè mình.
Sau sự kiện đó, cha mẹ Nam Nhất cũng không trách phạt cô vì hành động bí quá hóa liều, suýt nữa bỏ mạng của con gái. Bà Lưu ngồi bên Nam Nhất kể cho cô nghe một câu chuyện, rằng trong những năm mùa màng thất bát, dưới quê đã xảy ra một tai họa khác, chồn bạc trong rừng sâu núi thẳm xuống núi bắt người. Nó hóa thân thành một thiếu niên tuấn tú xinh đẹp, thường nằm thẳng đơ trên tuyết, giả bộ sắp chết cóng. Có cô gái trông thấy nổi lòng trắc ẩn, muốn cứu hắn, vừa cõng lên lưng, chồn bạc đã bắt cô đi mất. Có điều chồn bạc không ăn thịt cũng chẳng hại cô, chỉ nuôi cô cho đẫy đà trắng trẻo rồi cưới về làm vợ. Những năm đói rét ấy, các gia đình bị mất con gái đều giải thích như vậy. Bà Lưu vỗ lưng con gái nói, Con nghĩ xem, cô bạn kia có khi nào cũng bị chồn bạc bắt mất, tha lên núi, lấy làm vợ rồi không? Bạn ấy rất xinh xắn, phải không? Chồn bạc chưa bao giờ gây khó dễ với những cô gái xinh đẹp.
Một cô gái mười tám tuổi học trường Tây đã bao năm trời sao chịu tin vào truyền thuyết vô căn cứ đó chứ? Đó không phải cái thứ truyền thuyết mà đám thôn dân đói rét bán con gái mình cho bọn buôn người thường đem ra tự lừa mình dối người hay sao? Nhưng tin hay không là do cô có bằng lòng tin tưởng hay không, có bằng lòng để một lời giải thích mạnh mẽ hơn làm cô không tự chủ được mà tin vào để lòng dạ nguôi ngoai đi phần nào hay không. Nam Nhất lặng lẽ chấp nhận lời giải thích này, cô co người lại gật đầu, đồng thời che đi khuôn mặt ướt nhòa nước mắt.
Nhưng câu chuyện mẹ cô kể đã chôn sâu vào lòng Nam Nhất, trở thành khởi đầu cho câu chuyện của cô với một người đàn ông trẻ tuổi. Cô bắt gặp người đó nằm thẳng đơ trong tuyết, tóc và mi mày đều dính đầy hoa tuyết trắng xóa, và thế là câu chuyện này hiện lên trong đầu cô. Hắn là con chồn bạc từ rừng sâu núi thẳm đi xuống nơi đây.
Đó là Tết âm lịch năm 1924. Nam Nhất đã tốt nghiệp trung học theo cha mẹ về nhà bà ngoại dưới quê Phủ Thuận ăn Tết. Bà ngoại nhờ đồ tể trong thôn làm thịt một con lợn một trăm hai mươi ba cân, mỡ đun chảy đựng đầy hai bình, đặt cùng ruột tiết trong phòng bếp. Thủ lợn được cúng lên bàn thờ, bên cạnh đó còn bày bánh nhân đậu, màn thầu hình cá và hoa quả phơi khô. Xương sườn bị dỡ ra chôn trong tuyết ngoài sân. Lê và táo chín ướp lạnh bỏ dưới giếng. Trong phòng, giường đất được nung nóng hừng hực, người lớn ngồi trên giường ăn lạc, cắn hạt dưa, đám nhỏ ở dưới giường chơi bắn bi, đoạt huy hiệu. Nam Nhất lỡ cỡ không lớn cũng chẳng nhỏ ngồi bên mép giường đất, nhét tay vào chỗ ủ trong tay áo nhìn em họ dùng một phương thức khá giảo hoạt đoạt lấy từng cái huy hiệu trong tay đứa em nhỏ tuổi hơn.
Cậu khát nước, mẹ bảo Nam Nhất ra ngoài lấy lê chín đông lạnh vào. Cô đúng đang cầu một cơ hội để ra ngoài, không đi lấy lê mà một mình ra cửa đi dạo, giẫm chân trong tuyết, bước thấp bước cao đi tới rìa cánh đồng. Cánh đồng tuyết trắng xóa, mênh mông không bờ, ánh mặt trời bị chiết xạ đâm cay mắt, từ từ có nước mắt chảy ra. Nam Nhất không đeo găng tay, lấy mu bàn tay bị cóng đỏ dụi mắt, sau đó khum hai tay đặt lên miệng, hét to một tiếng “Đáng ghét!” hướng về phía khoảng không xa xôi.
Tiếng “Đáng ghét!” kia vang ra rất xa, giữa chừng còn có vài tiếng vọng về, giống như có ai đang cãi trả. Nam Nhất lại tiếp tục hô to: “Đáng ghét! Đáng ghét! Đáng ghét! Thật đáng ghét! …” Cô hung hăng gào thét vài tiếng, nhận ra chẳng có gì vui, quyết định quay trở về. Vừa xoay người bước được một bước thì vấp chân, ngồi xổm xuống, từ trong đống tuyết đào ra được một người hai mắt nhắm nghiền. Cô sợ hết hồn, tưởng là một cái xác, tức thì hét “á” lên một tiếng, ngã ngồi ra sau. Qua một lát, thò tay thăm dò trước mũi người kia thì lại thấy có hơi thở, cô chuyển sang sờ sờ cổ hắn, da đã đông cứng nhưng bên trong vẫn mềm – người này chưa chết.
Nam Nhất đứng dậy, bổ nhào trên tuyết, rảo bước chạy về phía nhà bà ngoại, nghĩ bụng: Chồn bạc sắp tới hại người, nhất định là vậy, hệt như lời mẹ kể, hóa thành hình dáng thanh niên anh tuấn sắp chết, nằm một chỗ chờ cô gái ngốc nghếch tự chui đầu vào rọ, cô không nên quan tâm tới hắn. Vội vã đi được một quãng xa, Nam Nhất đứng lại, nửa ngây thơ thiện lương trong mình nói với nửa còn lại: Nếu là một người thật thì phải làm sao? Hiện giờ vẫn còn chút hơi thở, nếu để chịu cóng tiếp sẽ thật sự chết mất. Thấy chết không cứu không phải là giết người sao? Cô gái do đó đã quên đi lời dạy, lại vòng ngược về.
Những người lớn ngồi trên giường đất đốt sưởi đang bàn tán về một chuyện khá ồn ào xảy ra ở một thôn láng giềng cách đây hai mươi dặm. Một buổi tối năm ngoái, cái hôm mà đám thanh niên đi hết sang thôn khác xem hát nhị nhân chuyển (*), thôn này đã bị thổ phỉ đánh cướp. Họ cướp sạch của mấy hộ giàu có nhất không để lại chút gì, còn cắt đứt gân chân lão địa chủ già trong thôn – hành động đầy tính thù hận này đã hé lộ một chân tướng, đó là đợt rét đậm mấy năm trước trong thôn từng có người xin vay lão địa chủ nửa đấu lúa mạch, nhưng năm đó mùa màng thất bát, trước hạn sau úng, lúa mạch đem trồng không thu hoạch được hạt nào. Sau đó lúc đòi nợ, lão địa chủ nói với người nông dân vay lúa mạch hai tay trống không rằng, Hoặc là mày bán hai thửa ruộng cằn cho tao, hoặc là tao cắt đứt gân chân mày. Một câu nói đùa của kẻ giàu, người nghèo phải lấy mạng ra đền lại, đặc biệt là khi ông ta thà mất mạng cũng không chịu bỏ ruộng. Người nông dân vay lúa mạch nói, Nếu cắt đứt gân chân, ông sẽ xóa nợ cho tôi chứ? Lão địa chủ nói, Xóa. Thế là người vay lúa mạch bèn thực sự dùng xẻng cắt đứt gân chân của mình, từ đó trở thành kẻ tàn phế, giữ lấy ruộng nhà để lại cho hai đứa con trai thứ nhất và thứ hai.
(*) Nhị nhân chuyển (二人转) là một loại kịch dân gian vùng Đông Bắc Trung Quốc dưới hình thức một nam một nữ ăn mặc rực rỡ, cầm quạt, khăn tay, vừa đi vừa múa vừa hát, biểu diễn một câu chuyện ngắn, giọng hát cao vang, hào phóng, lời hát hài hước dí dỏm.
Y vốn có ba người con. Đứa con thứ ba năm mười ba tuổi bén duyên vào núi học mua bán thảo dược cùng người khác, đi buôn vài chuyến với sư phụ rồi bỗng không thấy về nữa. Mọi người nói, mười phần chắc chín là hắn đã gia nhập vào ổ thổ phỉ rồi, thằng nhóc đó từ nhỏ tướng mạo đã sáng sủa, gan lớn mà ác dạ. Đến lúc lão địa chủ bị cắt đứt gân chân y hệt cha thằng bé kia, mọi người cuối cùng cũng được khẳng định. Sai một ly đi một dặm, sự báo thù ngoan độc của hắn đã bán đứng chính hắn. Lão địa chủ không chịu để yên, trói người cha tàn phế hai chân lên một cái xe đẩy ròng rọc, chỉ huy cháu trai cháu gái ra treo người nông dân vay lúa mạch lên cây hòe cổ thụ xiêu vẹo ở đầu thôn, đồng thời tung tin: Muốn cứu cha hắn xuống thì thằng con thứ ba làm thổ phỉ phải mang bạc đã cướp về trả, nếu không cha hắn sẽ bị treo chết trên cây này.
Tin tức lan truyền đi rất nhanh, đêm hôm người cha bị treo lên ấy, đứa con thứ ba trở về, cũng mang theo túi bạc nén cướp của nhà địa chủ về. Con lớn lão địa chủ nói, Tiền thì trả lại rồi, không thiếu một đồng, nhưng gân chân cha tao thì phải tính thế nào đây? Đứa con thứ ba nói, Anh muốn tính thế nào? Con lớn lão địa chủ nói, Mày là tráng hán, khỏe mạnh hơn hai anh mày nhiều, tao chỉ hoàn lại một dao, mày nhận hay cha mày nhận, tự chúng mày quyết định. Đứa con thứ ba nói, Thả cha tôi xuống trước đã.
Cùng lúc khi ông già được thả xuống, đứa con thứ ba cười cởi áo khoác da của mình ra, để lộ lồng ngực rắn chắc bên trong. Con lớn lão địa chủ cầm dao giết lợn đâm vào bụng hắn, lưỡi dao sắc bén đâm vào rồi rút ra, hoàn toàn không thấy máu. Người thanh niên kia ung dung mặc lại áo, cúi đầu nhìn lão địa chủ đang nghẹn họng trân trối, nói: “Bác à, đắc tội rồi.” sau đó ung dung phóng khoáng rời đi. Người thôn bên nói, thằng nhóc đó không chỉ làm thổ phỉ mà còn học yêu thuật! Từ đó về sau không ai dám tìm đến nhà hắn sinh sự nữa.
Mợ kể đến đây, khát khô cả cổ, uống một hớp trà lớn, lại cảm thấy cần một thứ có vị hơn: Con bé Nam Nhất này đi đâu lấy lê đông lạnh rồi? Đang định bảo đứa con nhỏ đi tìm chị họ nó thì chợt nghe có tiếng mở cửa gian ngoài, Nam Nhất thở hổn hển nói: “Nặng chết mất.”
Bà Lưu nhảy xuống giường đất đầu tiên, lệt xệt lê giày đi ra, thấy Nam Nhất cõng một người trên lưng, mệt nhọc đến độ mặt mũi đỏ bừng, rịn mồ hôi trán, lập tức bị dọa cho giật mình: “Làm sao thế?”
“Nhặt được, trong tuyết.”
Ông Lưu và cậu Nam Nhất cũng đi ra, lúc này mới đỡ gã trai trẻ trên lưng Nam Nhất xuống. Bà Lưu ở phía sau hung tợn dí đầu Nam Nhất: “Cái đồ ăn đậu trăm lần không biết bã đậu trông thế nào.”
Nam Nhất không né, cũng không nói gì, nhìn cha và cậu đưa gã trai trẻ vào nhà, cởi áo hắn ra, lấy tuyết lau ngực cho hắn. Cậu là thầy lang trong trấn, bên người luôn mang theo hòm thuốc và hộp châm cứu, vê châm đâm vào phần ngực mềm, sau đó bảo mợ đi nấu nước.
Vê châm trên ngực được khoảng nửa nén hương, gã trai như đã chết kia mới thở hắt ra một hơi dài. Người này xem như được cứu rồi.
Gã trai trẻ cứu từ trong tuyết về trở thành một rắc rối Nam Nhất chọc phải: Trên bụng hắn có một vết thương mới dài nửa tấc, trên thắt lưng buộc một con dao găm, trên chuôi dao bằng ngà voi trắng quấn một sợi kim tuyến. Cậu giúp hắn băng bó kĩ vết thương trên người rồi nói, Người này chỉ sợ mời về dễ, tiễn đi khó, để ở nhà phải chăm sóc cẩn thận, lấy cơm ngon trà tốt ra mà hầu, cho đến khi nào chính hắn muốn đi thì mới được. Nam Nhất không hiểu ra sao, hỏi, Vì sao ạ? Cậu nói, Thổ phỉ chứ sao. Nam Nhất lập tức lại bị mẹ dí