Mồng năm Tết, nhà họ Lưu mời khách, không ít bạn bè thân thiết tới dự, phòng khách chật kín người. Nam Nhất giúp cô giúp việc chuẩn bị đồ uống và quà bánh trong phòng bếp, một lúc sau bà Lưu qua tìm cô, mang cô ra chào hỏi khách khứa. Khách đến là một nhà ba người, hai cha mẹ dẫn theo một anh con trai, khí chất phong cách từa tựa nhà họ Lưu. Bà Lưu hỏi Nam Nhất, Con còn nhớ chú thím Đổng không? Nam Nhất căn bản là chẳng nhớ xíu nào nhưng vẫn gật đầu chào: Chú, thím ạ. Thiệu Kỳ thì sao? Con có nhớ Thiệu Kỳ không? Nam Nhất tiếp tục cười hề hề: Chào cậu, Thiệu Kỳ.
Đổng Thiệu Kỳ hai mươi tư tuổi, gầy gầy cao ráo, đeo kính lên nhìn rất văn nhã, bỏ kính xuống lại có phần khôn khéo. Bà Lưu gợi ý mấy lần, Nam Nhất rốt cuộc mới lục ra được một vài ký ức. Cậu chàng Đổng Thiệu Kỳ này rất thích động não, từ khi còn bé đã vậy, lúc họ chơi rượt đuổi, tất cả đám trẻ con đều chạy sau mông Nam Nhất, Nam Nhất chạy quá nhanh, không ai bắt được cô, chỉ có mình Thiệu Kỳ là biết cách bọc đánh, lần nào cũng ngược một vòng xa, chạy tới đón đầu Nam Nhất, chặn đứng cô lại. Về sau, ông Đổng cha Thiệu Kỳ xuống phía nam dạy học, cả nhà họ chuyển đi theo. Vật đổi sao dời, ông Đổng nay lại về quê cũ nhậm chức sở trưởng sở văn hóa, nhà họ Đổng dọn về Phụng Thiên, Thiệu Kỳ và Nam Nhất mới có lần gặp lại này.
Nam Nhất là chủ nhà, lúc hai người ngồi riêng nói chuyện phiếm, khó tránh khỏi phải tìm vài câu hỏi gợi chuyện: “Thiệu Kỳ, hiện giờ cậu làm việc ở đâu?”
“Sở giáo dục.”
“Bận không?”
“Bình thường.”
“Cậu cũng cảm thấy đi làm không thú vị à?”
“Ừ. Có điều trên thế giới này thứ gì mà chẳng được đem ra làm công việc chứ, đều không thú vị cả.”
“Mình đồng ý,” Nam Nhất nói, “Bình thường có sở thích gì không?”
“Để mình nghĩ xem. Đọc sách, chơi thể thao. Mình đánh ten-nít.”
“Ten-nít à… Đánh có tốt không?”
“Không tốt. Nhưng dù sao cũng còn hơn là rảnh rỗi không có gì để làm.”
“Ừ, cũng đúng.”
Nam Nhất cảm thấy anh chàng Thiệu Kỳ này có một vẻ phớt đời rất hào sảng, tức là, anh ta tuy không đoan chính nhưng lời nói ra đều là nói thật. Nam Nhất không ác cảm với người như vậy bởi chính bản thân cô cũng là như thế. Cô tiến hành một lượt đánh giá nhanh chóng trong đầu về Thiệu Kỳ, quay sang nhìn đám đông đông đúc những người hoặc biết hoặc không biết, sau đó quyết định mượn anh ta làm cớ bỏ trốn.
“Ở đây nóng quá. Thiệu Kỳ, cậu có muốn ra ngoài chút không?”
“Đi đâu?”
Nam Nhất nói: “Mồng năm rồi, ngoài phố nhộn nhịp lắm, bên hoàng cung cũ ở khu trung tâm chắc chắn có người đi cà kheo múa ương ca (*), vui hơn ở đây nhiều. Cậu vừa về chưa được bao lâu, nhất định có chỗ không biết, để mình dẫn cậu đi. Nhé?”
(*) Nguyên văn: 扭秧歌, là một điệu múa dân gian miền Bắc Trung Quốc, khởi nguyên là một hoạt động ca hát lúc cấy mạ của người nông dân, tương truyền có từ thời Bắc Tống.
Thiệu Kỳ hơi lưỡng lự, Nam Nhất cười: “Không phải cậu vẫn còn phải xin phép cha mẹ đấy chứ?”
Thiệu Kỳ biết cô khích tướng mình, cũng cười: “Vừa tới đã đi có phần hơi thất lễ.”
“Cậu không muốn đi?”
“Muốn.”
Thiệu Kỳ buông chén trà trong tay xuống rồi cùng Nam Nhất ra cửa lấy áo khoác. Nam Nhất cách một phòng người đông đúc ra dấu cho mẹ, người mấy hôm nay vẫn luôn không cho cô ra khỏi nhà: Con đưa Thiệu Kỳ đi dạo loanh quanh một chút. Bà Lưu do dự gật đầu.
Ra đến đầu ngõ, Nam Nhất gọi hai chiếc xe ba gác, một xe cho Thiệu Kỳ, một xe cho mình. Cô dặn dò kéo xe của Thiệu Kỳ: “Đưa tiên sinh đến phía đông khu trung tâm đi dạo trước đi. Chỗ nào náo nhiệt cũng đừng ngại, cho xe dừng một lúc. Nếu không thì đi thẳng đến Hội Lan Đình, dẫn cậu ấy đi ngâm bồn tắm.”
Thiệu Kỳ hỏi: “Cậu đi đâu?”
Nam Nhất nghiêm túc nhìn anh, tỏ vẻ “Cậu biết điều chút đi”: “Mình vất vả mãi mới ra ngoài được, cơ hội hiếm có khó tìm lắm đó. Chúng ta thời gian hữu hạn, mạnh ai nấy chơi đi, đừng để lỡ.” Dứt lời thúc giục kéo xe của mình: “Đi thôi, đến phía Tây cung Thái Thanh. Nhanh nhanh hộ với, tôi cho chú thêm tiền.”
Gió bấc đang lớn, nhưng Nam Nhất vừa nghĩ đến thẻ xâm nhân duyên “gắn bó keo sơn” mình rút được hôm mồng một, trong lòng lập tức như ấp ủ một cánh én mùa xuân, bừng bừng sức sống ấm sực.
Đến nơi, cửa hàng thổ sản đang đóng cửa, căn bản là không có người. Nam Nhất nghĩ bụng, Đàm Phương có lẽ cũng về núi đón Tết rồi, nhưng giờ đã vào năm, những cửa hàng khác đều đã mở cửa cả, hắn đáng ra phải quay lại rồi chứ. Cô loanh quanh trước cửa hai vòng, lưỡng lự nghĩ xem có nên đi cửa sau không, đúng lúc này, có người tiến tới bắt chuyện.
“Cô nương, chờ người à?”
Người đến vóc dáng tầm tầm, chừng ba mươi tuổi, sắc mặt tối tăm, chằng chịt nếp nhăn, tay trái buông thõng, tay phải cắm trong túi áo bông. Nam Nhất nghĩ ngợi rồi đáp: “Không đợi ai cả,