“Câu chuyện này tên là ‘Shunkinsho’ (*).
“Shunkin là một bậc thầy đàn tam huyền, là con gái của chủ một tiệm thuốc. Nàng trẻ trung xinh đẹp, nhưng tính tình lại rất quái đản, là một đại tiểu thư bị chiều hư. Năm chín tuổi Shunkin mắc bệnh ở mắt nên bị mù. Nàng càng không nhìn được thì càng kiêu căng ngang ngạnh, càng kiêu căng ngang ngạnh lại càng xinh đẹp đáng yêu.
“Ngày ngày Shunkin đi học đều phải băng qua thôn mà nàng lại không nhìn thấy đường, tên hầu phò tá nàng lớn hơn nàng bốn tuổi là người chuyên dẫn đường cho Shunkin. Nàng vốn có cả những người hầu dẫn đường khác nhưng chỉ chọn duy nhất một người này, người khác hỏi lý do, Shunkin đáp: ‘Bởi vì hắn ít lời’.
“Shunkin đối xử với tên hầu phò tá mình cũng không tốt, chưa từng tươi cười với hắn. Nhưng tên hầu ấy lại yêu khuôn mặt nghiêm túc cứng nhắc đó của nàng, không muốn thấy nàng cười. Người mù khi cười luôn có phần cứng đờ quái dị. Tên hầu cảm thấy muốn Shunkin cười hay yêu thích nụ cười của nàng đều là tàn nhẫn. Hắn mến mộ Shunkin, tích góp tiền công, cũng mua một cây đàn tam huyền, lúc luyện tập cũng nhắm hai mắt lại, cảm nhận sự đau khổ và bất tiện của Shunkin.
“Tuy Shunkin còn trẻ nhưng nhạy cảm thông minh, sao có thể không nhận ra tấm lòng của tên hầu? Trong lòng hiểu rõ rồi thì càng thêm ỷ lại. Nàng trở thành người thầy khắt khe nhất của tên hầu, yêu cầu nghiêm ngặt, lời nói sắc mặt đều rất nghiêm khắc. Lúc tâm trạng không tốt còn lấy gậy làm roi, đánh cho người thiếu niên kia khóc nức nở. Nàng còn phạt tên hầu luyện tập suốt đêm. Nói chung là đối xử với hắn rất không tốt.”
(*) Truyện ngắn “Shunkinsho (春琴抄)” của nhà văn Nhật Tanizaki Jun’ichirō, năm 1976 được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên.
Sáng sớm hôm sau, Minh Nguyệt vật vã nguyên một đêm tỉnh lại, uống thuốc, làm ổ trong chăn, nghe Shuji kể câu chuyện Nhật Bản này. Anh từ Phụng Thiên đến tận đây, đi suốt hai ngày, mệt nhọc một đêm, lúc này khoanh chân ngồi trên giường đất, cách nàng một cánh tay. Ba-đờ-xuy âu phục của anh đều đắp hết bên ngoài bọc chăn của nàng, trên người chỉ mặc một cái sơ mi trắng, cổ áo mở rộng, tay áo xắn đến khuỷu. Ánh nắng từ ô cửa sổ nhỏ rọi lên người anh, dáng vẻ anh vẫn đẹp đẽ như vậy, nhưng mắt thì đỏ hồng, trên cằm đã nhú lên gốc râu màu xanh xanh, giọng hơi khàn.
“Sau đó thì sao?” Minh Nguyệt hỏi.
“Sau đó à, Shunkin bị hủy dung. Nàng vẫn luôn biết mình xinh đẹp nên không chấp nhận nổi chuyện này, gần như là phát điên, không cho bất kỳ ai tới gần, không cho bất kỳ ai hầu hạ. Tên hầu biết Shunkin không muốn để người khác nhìn thấy mặt mình, bèn chọc mù hai mắt, tiếp tục ở lại bên nàng, làm người hầu của nàng.”
“…”
“Nếu em không thể tha thứ cho sự thất lễ của tôi đêm qua, tôi cũng có thể chọc mù mắt mình đi như tên hầu đó.”
Minh Nguyệt hít mũi, chậm rãi nói: “Nếu không nhờ Shuji tiên sinh, em đã chết rồi.”
“Uống nước không?”
“Sao anh biết em ở đây?”
“Tôi đến trường tiểu học Kioka, tìm được hiệu trưởng Noji, hỏi bà ấy địa chỉ của em.”
“Cảm ơn anh lại cứu em một mạng.”
“… Tôi tới là bởi lần trước có mấy lời chưa kịp nói.”
“Lần trước em quá lỗ mãng, quá mức không ra sao. Mong anh tha thứ.” Minh Nguyệt nói.
“Em hiểu lầm tôi, Minh Nguyệt. Tôi làm những chuyện đó không phải vì em, càng không phải để đến một ngày ‘đòi nợ’ em, nếu tôi biết em sẽ phản ứng mãnh liệt như vậy, tôi đã không nói ra câu đó. Em luôn cảm ơn tôi, hoàn toàn không cần thiết. Việc tôi làm là vì tôi cho nên mới cam tâm tình nguyện.”
Nước mắt nàng đọng trong hốc mắt, chớp mắt một cái, theo khóe mắt chảy xuống gối đầu.
Anh khom người, cúi đầu dùng khăn tay mềm mại lau nước mắt cho nàng: “Sao lại khóc?”
“Em…em không đáng để Shuji tiên sinh tốt như vậy, không đáng để anh đối đãi như thế. Em trước đây…”
Nàng còn muốn nói nốt, chợt bị anh che miệng lại. Anh nhìn vào mắt nàng, chậm rãi lắc đầu: “Minh Nguyệt, trước đây của em không liên quan gì tới tôi cả.”
Trước đây của nàng lúc này đang đứng trên mạn thuyền từ Thiên Tân vượt biển tới đảo Hồ Lô. Trời đang mưa, mặt biển bốc lên một tầng sương mỏng nhạt, nếu không phải thỉnh thoảng lại có hải âu xám tro phá rách tầng không bay tới thì trước mắt sẽ chỉ toàn một màu xám trắng mênh mông không bờ. Chàng nghiêng người ra phía trước, một chân giẫm lên lan can, châm một điếu thuốc. Chợt nghe phía sau vang lên một giọng nói nho nhỏ: “Tiên sinh.”
Chàng xoay người lại, trông thấy một bé gái, cùng lắm chỉ chừng mười tuổi, khuôn mặt nhỏ nhắn, thắt một bím tóc đuôi sam mỏng manh, tay khoác một cái lẵng, bên trong là một vài loại quả khô như hạt dưa, hạt hướng dương và nho khô.
Cô bé hỏi: “Tiên sinh có muốn mua ít đồ ăn vặt không ạ?”
Hiển Sướng cười cười: “Hạnh nhân có đắt không?”
“Không đắt ạ, một đồng một chén.” Nó có một cái chén nhỏ làm dụng cụ đong đo.
“Vậy cho ta một chén.”
“Lấy túi không ạ?”
“Có.”
Cô bé múc một chén hạnh nhân bỏ vào một cái túi vải nhỏ xinh xắn, đưa cho Hiển Sướng: “Cảm ơn ngài, năm đồng ạ.”
“Túi bốn đồng?”
“Vâng.” Cô bé ngửa mặt cười hì hì.
“Ranh ma thật.” Chàng lấy từ trong túi áo ra một đồng bạc, đưa cho nó, “Không cần trả lại.”
Cô bé sướng rơn, cất đồng bạc này vào ngực áo. Hiển Sướng nhón một hạt hạnh nhân bỏ vào miệng: “Ừm, không tệ.”
Nó cười toe: “Lấy nữa không ạ?”
“Thôi. Ăn không hết.” Chàng quan sát cô bé, “Sao con lên được đây bán hàng?”
“Gác khoang đều quen con cả. Người khác không lên được, con lên được.”
“Con là người Sơn Đông?”
“Vâng, sống ở đảo Hồ Lô, theo cha mẹ lên thuyền làm việc.”
“Họ làm gì?”
“Cha đốt nồi hơi dưới thuyền, mẹ nấu cơm ạ.”
Hiển Sướng ngồi xổm xuống ngang tầm với cô bé, chàng nhìn khuôn mặt gầy nhỏ mà sạch sẽ này: “Ta biết một cô gái. Cũng theo cha từ Sơn Đông đến Đông Bắc, khi còn nhỏ cũng nói giọng quê nhà giống con, về sau lớn lên, bất tri bất giác chuyển thành giọng