Họ xuống tàu hỏa, rời khỏi sân ga, xuyên qua đám người đứng trong quảng trường dưới cơn mưa nặng hạt, tay chàng vẫn nắm chặt cổ tay nàng. Nhưng sau khi họ hoàn toàn ra khỏi nhà ga rồi, Hiển Sướng lại buông tay. Chàng đeo khẩu súng săn của mình, phăm phăm đi về phía trước, để lại cho Minh Nguyệt một bóng lưng. Tốc độ đi của chàng quá nhanh, bước chân lại dài, nàng phải chạy mới theo kịp được. Nước mưa xối khiến tóc và lớp trang điểm trên mặt nàng rối tinh rối mù, một bước giẫm phải một vũng nước hơi sâu, bùn bắn cả lên mặt. Nàng vừa đi vừa nghĩ ngợi, bỗng như hiểu ra điều gì, giậm chân dừng lại, không bám theo sau nữa. Hiển Sướng một mình đi cách ra bảy tám trượng rồi mới chậm rãi xoay người lại.
Minh Nguyệt lau mặt, cách màn mưa giăng hỏi chàng: “Giận…giận ai vậy?”
“Trong lòng em tự rõ.” Giọng chàng không lớn, nhưng cũng đủ để nàng nghe được rõ ràng.
Nàng chạy lại vài bước, tới cạnh chàng, một đầu ngón tay chỉ vào mình: “Là…là giận em? Tiểu vương gia ngài giận em sao?”
Chàng nhìn mặt nàng, từng chữ từng chữ phun qua khớp hàm: “Nếu ta không trở lại thì sao? Nếu chuyến tàu này không xảy ra trục trặc, xuất phát đúng giờ thì sao? Minh Nguyệt em có phải sẽ thực sự gả tới nhà người khác không? Có phải không?! Chuyện đại sự cả đời được an bài thỏa đáng, lòng cô nương vui vẻ lắm phải không? Ở chỗ ta chỉ miễn cưỡng dâng được cơm canh đạm bạc đãi ngài, bình thường đối xử với ngài không khách khí cũng chẳng chu đáo, giờ cuối cùng cũng được giải thoát rồi, đúng không? …”
Hiển Sướng vẫn đang nói, Minh Nguyệt chỉ cảm thấy như có một lưỡi dao mỏng tang sắc bén cứa đi cứa lại trong lòng nàng, cứa nàng máu chảy đầm đìa, chảy tràn khắp lồng ngực, như thể chỉ cần hơi há miệng thôi là sẽ hộc ra. Trên mặt nàng chẳng biết là nước mưa hay mồ hôi, chảy ròng ròng ướt nhẹp, một giây sau, không khống chế được mà hét lên: “Vậy em phải làm sao?! Vậy em phải làm sao?!”
“Em làm khá lắm!” Chàng tóm lấy cánh tay nàng, kéo giật qua, trán hai người gần như đụng vào nhau. Chàng bỗng nhận ra lửa giận ngút trời mình vẫn đang đè nén rốt cuộc là nhằm vào ai, đúng vậy, là nàng, chính là nàng! Chàng cứ tưởng rằng nàng bị ép xuất giá, hẳn là đã thề sống thề chết chống cự, bị trói lại mà nhốt trên tàu, chờ chàng tới cứu thoát. Ai ngờ cô gái này lại mặc âu phục xinh đẹp, vẻ mặt bình tĩnh mà ngồi đó. Thề sống thề chết chống cự? Chờ mong trông đợi vào cuộc sống mới, hạnh phúc vì được giải thoát thì có. Chàng kéo nàng từ trên tàu xuống, vừa đi vừa nghĩ, càng nghĩ càng thấy quái lạ, mình không phải là đang phá hỏng chuyện tốt của người khác sao? Không phải là đang tự tổn hại âm đức sao…
“Em cũng không muốn!” Nàng ra sức muốn rút tay mình ra khỏi bàn tay chàng, nhưng chàng siết rất chặt, như muốn bóp gãy cánh tay nàng vậy.
“Vậy tại sao em không nháo không chạy không gọi không tìm ta?!”
Nàng rốt cuộc bật một tiếng khóc oà, gần như cùng lúc đó, dùng hết sức lực húc trán vào mặt Hiển Sướng, xương gò má chàng cứ thế ăn trọn một đòn. Đột ngột bị đau, tay chàng lỏng ra, Minh Nguyệt rút tay về đồng thời xoay người chạy, nhưng chân còn chưa cất đã bị chàng bắt lấy bả vai, lôi mạnh lại, ngã vào lòng chàng. Tiếng khóc của nàng bị thu hết vào lồng ngực chàng. Nàng vừa khóc vừa siết chặt nắm đấm đánh chàng, lên mặt, lên vai, ra sau lưng, mọi nơi có thể chạm đến nàng đều đánh, thực sự dùng sức, đến cả tay mình cũng thấy đau. Nhưng người này không tránh né cũng không ngăn cản, chỉ lấy thân thể vây lấy nàng, chịu đựng nàng. Họ như hai dây mây xoắn bện lấy nhau.
Mưa càng lúc càng lớn, người phụ nữ bán hạt rẻ rang đường đứng trú dưới mái hiên, nhìn đôi trai gái này truy đuổi tranh cãi om sòm trong mưa cuối cùng lại ôm nhau, lẩm bẩm, Tạo nghiệt, đúng là tạo nghiệt.
Rất lâu sau đó, khi Minh Nguyệt đã trưởng thành, gặp nhiều người, trải qua nhiều chuyện hơn, phát hiện ra bất kể sau này nàng có căm tức, chán ghét người này hoặc cảm thấy chàng vô liêm sỉ đến bao nhiêu đi chăng nữa, nàng cũng vẫn phải thừa nhận rằng so với những người khác, Hiển Sướng là một người đàn ông đích thực, một người đàn ông gặp chuyện không tránh né, dám gánh vác phiền phức.
Ngày đó chàng không dẫn nàng đi, không đem nàng đi giấu, không chọn bất kỳ một lựa chọn thỏa hiệp hay biện pháp hòa giải nào, chỉ trực tiếp đưa nàng về vương phủ, dõng dạc tuyên bố với phúc tấn và tất cả mọi người trong nhà rằng Minh Nguyệt từ nay về sau là người của ta, chuyện này cho qua, ta không truy cứu, nhưng sau này không ai được bắt cô ấy đi, cũng không ai được gây khó dễ với cô ấy.
Sáng hôm ấy, Thải Châu ăn phải một quả trứng gà hai lòng đỏ quái gở. Một buổi tối không lâu sau đó, lão vương gia đã hôn mê suốt mấy tháng trời cuối cùng cũng trút hơi thở cuối cùng, xuôi tay về nơi vĩnh hằng. Chiếc nhẫn ngọc bích trong tay lão vương gia truyền lại vào tay tiểu vương gia. Sau nữa, phúc tấn vừa uống canh thuốc vừa nói với Thải Châu: “Từ nay nó là chủ cả một nhà rồi, con theo nó, đừng suy nghĩ nhiều quá, tự mình sống cho tốt một chút.”
Thải Châu trằn trọc, tim như bị cào xé. Một chiều nọ bỗng thấy mấy con mèo đám cách cách mua náo loạn trong sân, lúc thì mấy con cùng cắn một con, lúc sau lại đổi phe, tụ tập lại bắt nạt một con khác. Cô chợt thông suốt, thời khắc này tốt chẳng phải là cả đời này tốt, giờ tuy các người yêu nhau lắm đấy nhưng ai biết được sau này liệu có cắn nhau đau không?
Cúng đầu thất của lão vương gia, tay quân phiệt cát cứ vùng đất này tới vương phủ dâng hương. Xong xuôi, Hiển Sướng dẫn đại soái ra nhà sau uống trà hàn huyên, đại soái nhắc tới một việc: Phía đông bắc gần đây thổ phỉ hung hãn ngang ngược, cậy vào địa hình đồi núi mà vào nhà cướp của, nhũng nhiễu khắp mười ba huyện phụ cận khiến dân chúng lầm than, trước mắt sắp tới mùa gặt, bọn thổ phỉ sẽ vơ vét tích trữ lương thực, đại soái định tự mình dẫn binh diệt phỉ.
Hiển Sướng cho rằng tay quân phiệt này lại tới đòi tiền, ai ngờ điều ông ta muốn là một thứ khác.
“Muốn dấy binh thì phải cổ động sĩ khí, tăng cường quân uy trước đã. Tôi định tổ chức một lễ duyệt binh, muốn mượn tiểu vương gia một nơi.” Hiển Sướng nhấp một ngụm trà, bụng trầm ngâm: Quả nhiên, ta đoán không sai mà, ham muốn của tay quân phiệt này càng lúc càng lớn.
“Muốn mượn ngài đài điểm tướng của Thái tổ.” Tay quân phiệt nói.
Hiển Sướng chậm rãi buông chén trà trong tay.
Từ nhỏ, Hiển Sướng đã hát một khúc ca dao thế này:
Đài điểm tướng, đài điểm tướng, Thái tổ thúc ngựa giương roi tới.
Đài điểm tướng, đài điểm tướng, Thái tông dựng chế truyền mấy đời.
Đài điểm tướng, đài điểm tướng, Thế