Tiểu thư khuê các là phải cửa lớn không ra cửa sau không ghé, đề cao đức tính nhã nhặn lịch sự trong trắng thùy mị.
Mặc dù triều đại chỉ vừa mới khai quốc, nhưng vì coi trọng Nho học nên bất luận là nhà quan văn hay quan võ thì hơn phân nửa đều nghiêm khắc dạy dỗ nữ nhi nhà mình như thế.
Trên đường cái có thể thấy được phần lớn là nữ tử nhà bần hàn, cho dù tiểu gia bích ngọc cũng hiếm khi đi ra bên ngoài.
Chương Hàm ngoại trừ vài lần lúc trước bất đắc dĩ phải ra cửa, rồi một lần duy nhất về nhà lôi kéo mẫu thân đệ đệ dưới sự bảo vệ của cha huynh bừa bãi đi dạo phố một hồi, mặc dù chỉ một lần đó mà suýt nữa cũng bị đăng đồ tử quấy rầy.
Cho nên với thế đạo như thế, Chương Hàm cũng biết lá thư kia gởi ra thì chỉ có thể kiên nhẫn chờ Triệu Vương Thế tử Trần Thiện Chiêu tìm cách hồi âm.
Thế mà nàng đưa bộ xiêm y giày vớ đến phủ Triệu Vương không quá hai ngày, bên kia lập tức đưa tới hai cuộn vải bông Tùng Giang, đều là màu sắc mộc mạc.
Người tới đưa đồ là Đan ma ma, hành lễ với Thái phu nhân rồi ngồi xuống xong liền cúi cúi người nhìn Chương Hàm mỉm cười.
“Thế tử nói, phía Bắc chiến sự căng thẳng nhiều năm, ngoại trừ phải vận chuyển tiền bạc và lương thực từ miền Nam đưa ra thì y phục cũng rất khan hiếm.
Chương cô nương muốn gởi đi y phục giày vớ cũng vừa lúc trong phủ muốn đóng gói đồ vật nên sẽ cùng nhau đưa đi, chỉ là hiện giờ còn phải chờ thêm mấy ngày.
Nghe nói Chương cô nương may vá rất tốt, có thể dùng hai cuộn vải bông này làm thêm mấy bộ y phục? Lão nô cũng biết đề nghị này thật sự đường đột, nhưng Thế tử nói, Vương phi mấy năm nay mỗi khi nhàn rỗi đều cùng nữ quyến trong Vương phủ dệt vải may áo, mà các gia đình quân nhân cũng làm như thế, cuối năm gom hết lại để thưởng cho các gia đình binh sĩ.
Ngay cả Thế tử đang ở kinh thành, mỗi năm bốn mùa vào thời điểm gởi đồ luôn tiện thể gởi theo y phục.
Chương cô nương nếu có thể làm một vài bộ, khi đưa đến đó trực tiếp giao cho phụ huynh cũng là tốt.”
Thái phu nhân đã sớm nghe qua Triệu Vương ở Bắc địa trị quân rất nghiêm cẩn, Vương phi thì luôn ưu đãi và an ủi đông đảo quân sĩ trong đội hộ vệ của Triệu Vương, vốn tưởng rằng vị Đan ma ma này là Triệu Vương Thế tử phái tới ban thưởng thứ gì, hiện giờ mới bừng tỉnh ngộ ra.
Bà thầm nghĩ cho dù phủ Triệu Vương đã có tiền lệ như thế, nhưng Triệu Vương Thế tử này cũng thật ngờ nghệch -- Chương Hàm còn ở kinh thành, tặng đồ về phía Bắc mà cũng phải tính cho con bé một phần.
Còn Chương Hàm sau khi sửng sốt một chút lập tức mỉm cười nói: “Nếu Vương phủ đã có tiền lệ như thế, tiểu nữ cũng nên hỗ trợ.
Dù sao ngày thường tiểu nữ cũng rảnh rỗi không có việc gì, sau một thời gian ma ma cứ việc tới lấy y phục.”
“Lão nô liền trở về bẩm báo Thế tử.” Đan ma ma mỉm cười đứng dậy nhún gối thi lễ.
Thấy Thái phu nhân sai người đưa tiền thưởng, Đan ma ma tức khắc có chút ngượng ngùng nói, “Không phải lão nô làm ra vẻ, thật sự là từ trước Vương phi giao cho lão nô chăm sóc Thế tử gia đã nói qua Vô công bất thụ lộc, ý tốt của Thái phu nhân lão nô xin nhận trong lòng.”
Trước đây bởi vì vụ tiệm vàng bạc Phúc Sinh mà Thái phu nhân không khỏi ra sức tìm hiểu về vị Triệu Vương Thế tử lưu tại kinh thành, biết Đan ma ma là bảo mẫu tâm phúc bên người Thế tử nên không hề cưỡng cầu.
Vừa vặn Sở mụ mụ báo rằng phòng bếp mới làm mẻ bánh táo, Thái phu nhân liền cười phân phó: “Nếu đã như vậy, ta cũng không để ngươi khó xử, bánh táo này hãy mang một hộp về từ từ ăn, cũng coi như cảm ơn ngươi đã chạy đến đây một chuyến.”
Đan ma ma cười đáp ứng.
Chờ đến khi Đan ma ma vừa đi, Thái phu nhân nhìn Chương Hàm thở dài: “Vị Triệu Vương Thế tử này...!cũng thật không biết cái gì gọi là Khách khí.
Đúng lý hợp tình ném bao nhiêu chuyện may vá thế này cho con.”
“Không sao đâu ạ, con cũng nhàn rỗi.” Chương Hàm đoan trang thu hết hai cuộn vải bông Tùng Giang trên bàn rồi trầm ngâm nói, “Chỉ là vải bông Tùng Giang nghe nói quý ngang với tơ lụa, y phục này thật là hao phí xa xỉ.”
“Ai nói không phải? Nhất định là Triệu Vương Thế tử lại tái phát tính tình con mọt sách, vải Hoàng Thượng ban thưởng không may cho bản thân vài bộ đồ mới mà mặc.
Đây rõ ràng là ân điển của Thiên Tử, lại muốn con may y phục đưa đến Bảo Định phủ.”
Truyện do bà còm ở wattpad biên tập
Người khác cười Trần Thiện Chiêu ngốc, nhưng chờ đến khi Chương Hàm đem hai cuộn vải này về lại dãy phòng phía Đông, cho hết tất cả nha hoàn lui ra, tự mình cầm thước đo bắt đầu cắt vải, quả nhiên cắt xong một đoạn liền phát hiện có tờ giấy kẹp ở giữa cuộn vải, nhất thời ngây người ngẩn ngơ.
Mặc dù đã nghĩ đến Trần Thiện Chiêu có lẽ sẽ tìm mọi cách truyền lại tin tức giống nàng, nhưng xem nàng phải cẩn thận biết bao nhiêu, đâu giống ông tướng này cứ tùy tiện nhét thẳng tờ giấy vào trong cuộn vải như thế? Nghĩ đến đây, nàng cũng cảm thấy quá may mắn đã cho Phương Thảo và Bích Nhân lui ra, trước tiên nhét tờ giấy vào trong tay áo, sau đó mới hít một hơi thật sâu.
Đợi cho bình tĩnh lại một chút, trong lòng nàng mới suy nghĩ được minh bạch.
Nếu phủ Triệu Vương đưa tới gấm vóc tơ lụa thì có lẽ sẽ thu rồi cất vào hòm xiểng, có lẽ sẽ tạm thời để Thái phu nhân giữ, càng có lẽ sẽ trực tiếp đưa vào nhà kho của Cố gia.
Cũng chỉ có vải bông Tùng Giang, hơn nữa lại muốn nàng lập tức cắt may y phục để kịp đưa tới Bảo Định phủ, vì thế hai cuộn vải nhất định sẽ danh chính ngôn thuận tới tay nàng, cho dù bị người thấy được thì chỉ có người bên cạnh của nàng nhìn thấy mà thôi.
Ông tướng này cứ thế mà chắc chắn nàng có thể quản được người bên cạnh không nhiều chuyện lắm miệng?
Chương Hàm trấn định thản nhiên cắt cho xong hết cuộn vải dựa theo kích cỡ, lúc này nàng mới kêu Phương Thảo và Bích Nhân tiến vào, sai hai người họ mang hết những mảnh áo đã cắt ra ngoài phơi nắng.
Chờ hai người ôm đống lớn vải vóc đi rồi, Chương Hàm mới ngồi xuống giường La Hán, lấy ra từ giấy từ trong tay áo lướt qua một lần.
Trên giấy là từng hàng chữ nhỏ xíu san sát nhau đặc kín cả trang, hóa ra là lý lịch của Đại Lý Tự Thiếu khanh Cảnh Khoan.
“Cảnh Khoan, tên tự Hoành Khoát, người Đại Đồng Sơn Tây, tiến sĩ năm Hồng Chính thứ hai, vào Hình Bộ tu nghiệp rồi lên được tới chức Đại Lý Tự Thiếu khanh, làm quan thanh chính phong nhã, giao du rộng rãi nhưng chỉ bàn luận suông về văn sử, hiếm khi đề cập tới tình hình chính trị đương thời.”
Sau vài dòng san sát như trên thì có một ít chỗ trống, kế tiếp là bốn chữ phê bình -- -- “Học đòi văn vẻ”.
Không hiểu sao khi nàng nhìn bốn chữ này lại không nhịn được mà bật cười, ngay sau đó vội thu hồi nụ cười tiếp tục xem.
Quả nhiên, nội dung kế tiếp có chút kinh tâm động phách.
“Từng nạp một thiếp, là nữ nhi nhà nhũ mẫu của Đằng Xuân, tiền Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ, trùng hợp bệnh chết một ngày trước khi Đằng Xuân rơi đài.
Là bạn học