“Anh Trịnh à, hôm nay nắng đẹp, anh có muốn ra ngoài đi dạo không?” Nữ y tá tầm bốn mươi gõ cửa bước vào, hỏi bệnh nhân nam ngơ ngơ ngác ngác ngồi trên giường, chị đặt dụng cụ xuống, vén màn cửa sổ.
“A! A!” Trịnh Bảo Nhân hốt hoảng bịt mắt, y không thấy ánh sáng đã lâu, cứ có cảm giác mình sẽ bị ánh nắng thiêu rụi.
“Tôi không chiều anh như mấy cô y tá nhỏ đâu, con người sao lại sợ ánh mặt trời chứ? Muốn tránh nắng thì chờ nằm quan tài rồi tính.”
Mặc kệ phản ứng của Trịnh Bảo Nhân, y tá tháo tấm màn cũ xuống, treo màn mới lên, thay màn xong cũng không kéo lại, thậm chí còn mở cửa sổ ra cái khe nhỏ.
“Họ úm anh kỹ quá, anh kêu không vén màn thì không vén màn, đòi không mở cửa sổ thì không mở cửa sổ, tôi thì khác nhé, coi như anh không ra ngoài phơi nắng thì cũng phải hé cửa cho nắng chiếu vào phòng chứ. Phải rồi, y tá Tiểu Ngô chăm sóc anh nghỉ bệnh, từ giờ tôi sẽ phụ trách, tôi họ Trần, anh gọi chị Trần được rồi.”
Không như những y tá trẻ mới ra trường, cô y tá trung niên này nói chuyện không nể nang ai cả.
Nắng vàng trải trên sàn trắng, phủ lên giường và thân mình y, cuối cùng mắt cũng quen với ánh sáng, Trịnh Bảo Nhân hoảng hốt nhận ra mình không hóa thành tro, cơ thể vẫn còn độ ấm.
Người trong quan tài không thấy mặt trời…
Hai chữ “quan tài” y tá nói khiến Trịnh Bảo Nhân không kiềm được run bắn.
Hóa ra y còn sống.
Trịnh Bảo Nhân có ảo giác mình đã chết vào đêm ấy, ma quỷ bò ra khỏi mộ, kéo y xuống địa ngục thế mạng.
Nhưng bây giờ y có thể phơi nắng, y vẫn chưa chết.
Chờ y tá đi rồi, Trịnh Bảo Nhân thở phào, chậm rãi bước đến bên cửa sổ để nắng chiếu lên mình, y nhắm mắt đứng trong nắng. Ngày thứ sáu mươi từ khi vào viện, rốt cuộc Trịnh Bảo Nhân cũng chịu chủ động nhìn ánh mặt trời.
Trịnh Bảo Nhân từ từ hồi phục, y không tự nhốt mình trong phòng bệnh, thỉnh thoảng còn ra ngoài tản bộ, nhưng cảnh sát có hỏi gì y cũng không hé răng.
Ngày nào cũng có cảnh sát đến thẩm vấn, họ nghĩ y biết Triệu Kim Khôi chết như thế nào, nhưng y thật sự không biết thì làm sao nói cho người khác hiểu?
Hơn nữa… y không thể nói. Trịnh Bảo Nhân không nhớ gì về chuyện đêm đó, ký ức như tia nắng chói chang rọi qua khe cửa, nhưng y biết đó không phải ánh nắng, mà là ác mộng.
Y phủ màn che đậy ký ức, dường như chỉ cần khẽ vén ra là y sẽ nhớ lại tất cả, nhớ đến người kia.
Trịnh Bảo Nhân mở rộng cửa sổ, hít không khí trong lành, nhịp tim dần ổn định.
Hôm nay cảnh sát vẫn không có thu hoạch gì, Trịnh Bảo Nhân thơ thẩn đi đến bức tường.
Trên tường không treo đồ trang trí, chỉ đặt một bể cá cao bằng nửa người do y tá Trần nhờ người khiêng vào, trong bể thả vài con cá vàng rất bình thường nhưng có thể cân bằng độ ẩm trong phòng. Trịnh Bảo Nhân cho cá ăn rồi quay lại bên cửa sổ, nhìn xuống dưới.
Phòng bệnh của y ở tầng năm, tầng càng cao càng ít bệnh nhân nên cảnh sát xếp cho y vào đây ở, phía bên trái có một tòa nhà thấp hơn.
Tòa lầu ba tầng màu xám hình như cũng là dãy phòng bệnh, nhưng vì kết cấu nên nắng không rọi đến, các phòng lúc nào cũng thả màn, chỉ có đúng một phòng vén màn ra.
Bệnh nhân trong phòng đó là một người phụ nữ, vào viện tầm ba tháng trước, vì giường bệnh được đặt sát cửa sổ nên ngày nào Trịnh Bảo Nhân cũng thấy bóng lưng nhỏ gầy và mái tóc dài của cô ta.
Trịnh Bảo Nhân rảnh rỗi không có gì làm, mỗi ngày cho cá ăn xong thì đi nhìn cửa sổ phòng bệnh kia, không phải y để ý người phụ nữ đó, chỉ là nhìn mãi thành thói quen thôi.
Người phụ nữ kia bị cụt hai tay, Trịnh Bảo Nhân quan sát một tuần mới nhận ra, dù nắng gắt cỡ nào cô ta cũng không thể kéo màn che, đúng là đáng thương. Y còn để ý thấy không có ai vào thăm cô ta, chỉ có bác sĩ đến khám và y tá đưa đồ ăn.
Thảo nào cô ta hồi phục chậm như vậy…
Gương mặt cô ta băng bó kín mít, Trịnh Bảo Nhân thầm nghĩ rốt cuộc cô ta phải gặp tai nạn thảm khốc cỡ nào mới thành ra thế này.
Mới đầu Trịnh Bảo Nhân quan sát cô ta vì buồn chán, một tháng sau, y ngờ ngợ phát hiện phòng bệnh đó có điểm kỳ lạ.
Ba tháng sau, một ngày nọ, Trịnh Bảo Nhân ứng phó qua loa với cảnh sát, cho cá ăn, sau đó theo thói quen nhìn phòng bệnh trong tòa nhà màu xám thì thấy có hai người xuất hiện.
Lần đầu tiên y thấy người phụ nữ đó bước xuống giường, tuy là do được người ta đỡ, nửa tiếng sau, người phụ nữ được đưa về, Trịnh Bảo Nhân chú ý lúc này cô ta đã có đủ hai tay nhưng cũng bị băng vải quấn kín.
Chẳng lẽ vừa rồi cô ta ra ngoài để lắp tay giả? Có phải hơi bị nhanh không?
Nhìn bóng lưng cô ta, Trịnh Bảo Nhân cứ thấy lấn cấn trong lòng, thế nên y tiếp tục quan sát, thời lượng quan sát từ nửa tiếng một ngày tăng thành nguyên ngày.
Tối đến, chuyện lạ xảy ra.
Trịnh Bảo Nhân nhớ lúc ấy tầm 9 giờ, đó là thời gian bệnh viện không cho người vào thăm nữa, thế nhưng có một người đàn ông vào phòng của cô ta, hắn đưa cô ta đi, mười phút sau lại đưa cô ta về.
Cuối cùng Trịnh Bảo Nhân cũng biết tại sao mình lấn cấn, không phải cô ta!
Người phụ nữ nằm trên giường từ sáng nay đến trước khi người đàn ông kia đến không phải người mà Trịnh Bảo Nhân đã quan sát ba tháng qua. Người vừa được dìu về mới đúng là cô ta.
Tuy vóc dáng tương tự, nhưng y chắc chắn mình không nhận lầm.
Trịnh Bảo Nhân có cảm giác mình đã biết một bí mật nguy hiểm, nhìn lại người phụ nữ, Trịnh Bảo Nhân tự dưng hoảng loạn, y thả màn xuống.
Một tuần sau đó, Trịnh Bảo Nhân không đến gần cửa sổ nữa, y tá Trần thấy hành vi của y có gì đó kỳ quái nhưng cũng không nói gì.
Sau một tuần nữa, chờ khi Trịnh Bảo Nhân lấy đủ can đảm nhìn sang phòng bệnh kia thì trên giường đâu còn ai nữa.
Giường bệnh để trống, không thấy người phụ nữ kia đâu.
Có ba trường hợp, một là cô ta đã ra viện, hai là cô ta đổi phòng khác, ba là cô ta…
Hai chữ “đã chết” quanh đi quẩn lại trong đầu Trịnh Bảo Nhân, y có cảm giác cơn ác mộng bắt đầu rục rịch, muốn nuốt sống mình…
Từ đó về sau, y không bao giờ lại gần cửa sổ nữa, dù cho nắng ấm thế nào.
Cuộc sống lẳng lặng trôi đi, ngoại trừ bị giam cầm thì sống trong bệnh viện cũng chẳng có gì bất tiện. Có người giặt đồ, đưa cơm, viện phí cũng do cảnh sát trả, y chỉ phải giả ngu khi gặp cảnh sát mỗi ngày thôi.
“Trịnh Bảo Nhân, anh vẫn không có gì muốn nói với chúng tôi sao?”
Người thẩm vấn hôm nay là một cảnh sát tầm tuổi mình, y mới gặp lần đầu. Tuy nhiên, nhìn thái độ của những cảnh sát khác thì đối phương tuy còn trẻ nhưng e là địa vị khá cao.
Trịnh Bảo Nhân quan sát vị cảnh sát này, vẫn im lặng, ánh mắt dời qua bể cá.
“Cấp trên tới mà cứ khinh khỉnh, ánh mắt anh như vậy là thiếu tôn trọng!”
Cấp dưới nổi giận đùng đùng, chứng tỏ vị cảnh sát đối diện không đơn giản, cơ mà… theo lý thuyết thì y chưa gặp người này bao giờ…
Trịnh Bảo Nhân thận trọng đánh giá đối phương, đối chiếu với hình ảnh trong đầu.
“Sao thế? Nhìn anh… không lẽ chúng ta từng gặp nhau ở đâu à?”
Vị cảnh sát mỉm cười, xoay người lấy tệp tư liệu trong tay cấp dưới. Trong khoảnh khắc đó, Trịnh Bảo Nhân bừng tỉnh, nhớ ra mình đã gặp người này!
“Anh là người đưa người phụ nữ kia ra khỏi phòng bệnh…” Trịnh Bảo Nhân vừa nói xong đã hối hận, vị cảnh sát kia thoạt nhìn bình tĩnh nhưng ánh mắt rực lửa.
Sát khí! Trong một thoáng, Trịnh Bảo Nhân có cảm giác người này muốn giết mình!
Vị cảnh sát lập tức nhoẻn cười, “Có à? Nhưng đây là lần đầu tôi đến bệnh viện, mà anh gặp tôi hay chưa không quan trọng, điều tôi muốn biết là đêm đó anh đã gặp chuyện gì?”
Ánh mắt vị cảnh sát trầm lặng như nước, lại sắc bén như rắn rình mồi.
Trịnh Bảo Nhân lại im lặng.
“Tôi… nếu tôi nói tôi không thấy gì hết, các người có tin không?” Trịnh Bảo Nhân chợt nói.
Khác với những cấp dưới bộp chộp nóng nảy, phản ứng của vị cảnh sát này rất điềm nhiên.
“Anh cứ nói, biết đâu tôi sẽ tin, cũng như anh không quen tôi nhưng lại có ký ức về tôi vậy, tôi phải nghe rồi mới phán đoán được chứ.”
Cách nói của đối phương rất giảo hoạt, tuy hắn nhấn mạnh là y nhận lầm người, nhưng Trịnh Bảo Nhân khẳng định người đàn ông y thấy hôm đó đúng là vị cảnh sát cấp cao này.
Vì y lỡ lời bảo mình nhìn thấy hắn, vị cảnh sát liền nổi ý giết người.
Trịnh Bảo Nhân bồn chồn, cúi đầu nói, “Tôi… các anh cũng biết tôi làm nghề gì rồi, tôi đến đó trộm mộ, trên đường gặp một cậu thanh niên