Vũ Lâm Ký Sự
Tác giả : Giang Hoài Ngọc
Hồi thứ bảy mươi hai
VÔ VI QUAN LẦM MƯU TẶC ĐẠO
TIỂU VƯƠNG GIA SƠ HIỂN KỲ TÀI
Nguồn : Tàng Thư Viện
Sau khi phái Vũ Uy Tướng quân Trương Cát đi tra hỏi những kẻ vừa bắt được, Giang Thừa Phong đỡ Vân Tuyết Nghi ngồi xuống một vệ cỏ, rồi chàng cũng ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi :
- Vân muội. Sao hiền muội lại bị bọn kia truy đuổi thế ? Hãy nói cho tiểu huynh nghe với nào.
Lý Nhuợc Hồng đến ngồi bên cạnh chàng, và cũng lộ vẻ quan tâm. Anh nhi ngồi xuống giữa hai người, nói thêm :
- Phải đó. Cô cô hãy nói đi. Rồi phụ vương sẽ giúp cô cô trả hận. Hay là Anh nhi giúp cô cô đánh bọn kia một trận nhé ?
Vân Tuyết Nghi đang thút thít cũng phải bật cười, rồi nghẹn ngào kể :
- Mấy hôm trước Thái lão nhận được thư cầu cứu của tên tiểu sư điệt Phùng Thế Tập ở Nam Dương. Hắn gặp phải cường địch nên cầu Thái lão đến giúp đỡ. Tiểu muội đang lúc mong nhớ ca ca, nên cũng muốn đi ra ngoài cho khuây khỏa, và biết đâu nhờ may mà gặp được ca ca.
Giang Thừa Phong mỉm cười :
- Hiền muội đối với tiểu huynh thật hết lòng.
Vân Tuyết Nghi nhìn chàng với ánh mắt long lanh, vừa yêu thương vừa cảm kích, lát sau mới kể tiếp :
- Vừa đến Nam Dương lại gặp ngay lúc kẻ địch đến tấn công Phùng gia trang, tình thế của họ Phùng đang lúc hết sức nguy ngập. Thái lão cùng tiểu muội liền nhảy vào tương trợ, tạm thời đẩy lui được địch nhân. Nhưng sau đó viện binh của địch lại kéo đến, trong bọn chúng có nhiều hảo thủ võ công rất cao cường, ngay cả Thái lão cũng không đương nổi. Bọn tiểu muội đành phải rút vào trong trang cố thủ. Cũng may họ Phùng vốn là tay cẩn thận nên đã xây dựng gia trang rất kiên cố, nhờ thế mà tạm cầm cự được. Nhưng tình thế lúc này đang hồi nguy ngập, chỉ e khó giữ vững được lâu. Giữa lúc đó, tiểu muội chợt nghĩ đến ca ca, liền lẻn ra ngoài đi tìm ca ca.
Giang Thừa Phong hỏi :
- Sao hiền muội biết tiểu huynh ở hướng này mà đi tìm ?
Vân Tuyết Nghi nói :
- Tiểu muội … tiểu muội cũng không biết ca ca ở đâu, nhưng nghĩ chắc ca ca có ghé qua Hán Khẩu chỗ Trần tướng quân nên tiểu muội định đến đó hỏi thăm. Nào ngờ giữa đường lại gặp được ca ca. Thật là may quá.
Giang Thừa Phong lại hỏi :
- Bọn tặc nhân kia là bọn Thông Thiên Giáo phải không ?
Vân Tuyết Nghi ngơ ngác nói :
- Vâng ạ. Nhưng sao ca ca biết ?
Rồi nàng chợt bật cười, tự giải đáp :
- Tiểu muội thật hồ đồ. Ca ca của tiểu muội thần thông quảng đại, tài hoa xuất chúng, có việc gì mà lại không biết. Chắc là ca ca đang trên đường đi tiếp trợ tiểu muội phải không ạ ?
Giang Thừa Phong bật cười :
- Sao hiền muội lại nói thế ?
Vân Tuyết Nghi nói :
- Vì tiểu muội thấy nhân mã đông đảo thế này. Nếu là thường ngày thì chỉ có ca ca và Lý tỷ tỷ đi với nhau thôi mà.
Giang Thừa Phong nhìn Lý Nhược Hồng, khẽ mỉm cười. Nàng ngượng ngùng bẽn lẽn, khẽ hừ lạnh nói :
- Hắn đâu biết cô nương có ở Nam Dương mà đến đó tiếp trợ.
Vân Tuyết Nghi sịu mặt, nhìn Giang Thừa Phong hỏi :
- Có phải vậy không, ca ca ?
Giang Thừa Phong nói :
- Tiểu huynh đang đến Văn Hương Viện ở Tương Dương. Chuyện ở Nam Dương tiểu huynh cũng có nghe nói. Nhưng các huynh đệ đều không muốn vì người ngoài mà phải lao sư động chúng. Tiểu huynh không ngờ lại có cả hiền muội tham gia vào vụ này. Có lẽ cần phải tính lại mới được.
Vân Tuyết Nghi nói :
- Cả Thái lão cũng cho rằng chỉ có ca ca mới có thể dẹp tan được bọn Thông Thiên Giáo. Tiểu muội có nói ca ca không muốn can thiệp vào những chuyện trong võ lâm, và Thái lão đã nghĩ ra một chủ ý.
Giang Thừa Phong cười hỏi :
- Chủ ý thế nào ?
Vân Tuyết Nghi nói :
- Thái lão định đề nghị ca ca lập ra một phân viện ở Nam Dương, cho lão làm viện chủ, và để Phùng Thế Tập làm phó. Như thế thì việc ca ca can thiệp vào đã trở nên danh chính ngôn thuận.
Giang Thừa Phong trầm ngâm nói :
- Lúc ở Hán Khẩu, các huynh đệ có nói họ Phùng không có chỗ nào đặc sắc, không đáng để quan tâm. Nhưng nếu đây lại là ý muốn của Thái lão ca thì tiểu huynh sẽ xem xét lại.
Vân Tuyết Nghi nắm tay chàng, khẩn khoản nói :
- Ca ca. Tình hình đã nguy ngập lắm rồi. Nếu như không vì Thái lão thì xem như là vì tiểu muội đi. Ca ca hãy giúp tiểu muội đánh đuổi bọn Thông Thiên Giáo. Có được không ạ ?
Giang Thừa Phong mỉm cười, đưa tay nhẹ vuốt tóc nàng, âu yếm nói :
- Yêu cầu của hiền muội có khi nào tiểu huynh lại không nghe theo. Hiền muội cứ yên tâm.
Vân Tuyết Nghi mừng rỡ nói :
- Ca ca tốt với tiểu muội quá.
Giang Thừa Phong khẽ mỉm cười. Lát sau, nàng lại nói :
- Tiểu muội không dám mong ca ca thân chinh đến Nam Dương. Chỉ cầu ca ca phái Trương tướng quân dẫn theo một toán nhân mã đến Nam Dương là đủ lắm rồi. Trương tướng quân bản lãnh cao siêu lắm đấy ạ. Khi nãy tiểu muội bị truy đuổi, vừa mới nhìn thấy Trương tướng quân là chỉ trong chớp mắt tướng quân đã lướt tới chế ngự cả chục tên địch võ công cao cường, đến tiểu muội cũng không kịp nhìn rõ. Trước nay tiểu muội chưa từng thấy ai lợi hại như thế.
Giang Thừa Phong khẽ cười. Nàng lại nói :
- Tất nhiên là trừ ca ca ra. Ca ca của tiểu muội mới là nhất, thiên hạ không ai sánh được với ca ca cả.
Giang Thừa Phong cười nói :
- Hiền muội ca tụng tiểu huynh như thế, người ngoài mà nghe thấy được là họ sẽ cười cho đấy.
Vân Tuyết Nghi nũng nịu nói :
- Không có đâu ạ.
Giang Thừa Phong bật cười xòa. Anh nhi chợt nắm tay chàng, nói :
- Phụ vương. Phụ vương còn có nhiều trọng sự cần phải giải quyết. Hay là phụ vương hãy cho hài nhi cùng Trương tướng quân đi Nam Dương thay phụ vương lo liệu việc này. Có được không ạ ?
Giang Thừa Phong khẽ cau mày. Anh nhi lại nói thêm :
- Hài nhi tài năng có hạn, nhưng cũng hy vọng có thể đỡ đần phụ vương những việc nhẹ nhàng.
Giang Thừa Phong khẽ cười hỏi :
- Việc này mà là việc nhẹ nhàng ư ?
Anh nhi nói :
- Thì … thì hài nhi chỉ đến cho có mặt. Mọi việc đã có Trương tướng quân lo liệu hết rồi mà.
Giang Thừa Phong bật cười, xoa đầu Anh nhi, nói :
- Được rồi. Phụ vương cho con đi.
Anh nhi mừng rỡ nói :
- Cám ơn phụ vương.
Giang Thừa Phong quay sang toán thị vệ, gọi :
- Trương tướng quân. Diệp tướng quân.
Cả hai vội ứng tiếng vâng ạ, cung kính cúi đầu chờ lệnh. Chàng nói :
- Nhị vị tướng quân chia lấy một nửa thiết kỵ, theo tiểu vương gia đến Nam Dương. Mọi việc cứ theo ý tiểu vương gia mà làm.
Cả hai kính cẩn vâng dạ. Anh nhi lại nói :
- Phụ vương. Hài nhi lên đường ngay nhé ?
Giang Thừa Phong cười nói :
- Được rồi. Con hãy cứ lên đường. Phụ vương thu xếp xong công việc rồi cũng sẽ đến Nam Dương với con.
Anh nhi vâng dạ, đứng dậy, cùng Trương, Diệp nhị vị tướng quân và hai đội thiết kỵ lập tức khởi hành ngay. Giang Thừa Phong nghỉ ngơi thêm một lúc nữa, rồi cũng hạ lệnh khởi trình.
Ngoại thành Nam Dương …
Trời đã quá trưa.
Trên nền trời mây đen kéo phủ, tuy đang giữa trưa mà xem u ám như màu trời lúc hoàng hôn. Khí hậu oi bức ngột ngạt làm cho ai cũng thấy khó chịu cả. Nhưng chỉ một lát nữa thôi, chắc sẽ có mưa lớn.
Trên đường quan đạo, một đoàn nhân mã đang phi nước đại. Ngoài một con Bạch long câu rất xinh đẹp thì còn lại hai mươi hai con đều là thiết kỵ mặc giáp. Toán người này đương nhiên không ai khác ngoài Anh nhi và Trương Cát, Diệp Thanh nhị vị tướng quân cùng đoàn thị vệ.
Vì tình hình khẩn cấp, mọi người liên tục kiêm trình suốt cả ngày đêm, lại thêm tuấn mã là giống danh câu, sức lực dẻo dai bền bỉ nên chỉ sau hai ngày là đã đến được Nam Dương thành.
Đi qua một khu rừng nằm cách không xa cửa Nam thành, chợt thấy bên trong thấp thoáng một tòa miếu vũ. Ngôi miếu nhỏ bé, lại nằm trong góc khuất, cho nên nếu không có nhãn quang tinh tường sẽ khó nhìn thấy. Vũ Uy tướng quân Trương Cát liền giục ngựa chạy đến sát bên Anh nhi, khẽ nói :
- Tiểu vương gia. Đã sắp vào thành rồi. Chúng ta tạm dừng lại ở đây để điều tra tình hình đã nhé ?
Anh nhi khẽ gật đầu, và Trương Cát liền truyền lệnh cho tất cả dừng lại, tạm ghé vào ngôi miếu kia nghỉ ngơi.
Đến trước ngôi miếu, Anh nhi chợt ngước mắt nhìn lên tấm biển gỗ đặt phía trên cửa quan, khẽ nói :
- Ký hiệu kia trông giống ở Thanh Dương Cung quá nhỉ ?
Mọi người đồng ngước nhìn lên. Đến giờ bọn họ mới chú ý đến điểm đặc biệt của tòa đạo quan này.
Tấm biển kia chỉ được làm bằng một loại gỗ tạp thông thường, và dùng sơn đen để vẽ ba chữ tên ngôi miếu : Vô Vi Quan, trông cũng không có gì đặc biệt. Nhưng phía trên tấm biển còn được khảm một tấm bát quái nho nhỏ bằng huyền thiết. Đó chính là tiêu ký biểu trưng của Huyền Đô Quan, thường được khảm trên biển hiệu của các phân viện. Độ lớn của tấm bát quái tượng trưng cho địa vị của vị đạo nhân trụ trì. Vậy ra tòa đạo quan này lại chính là một phân viện của Huyền Đô Bát Cảnh Cung. Và tấm bát quái ở đây nhỏ hơn tấm ở Thanh Dương Cung một chút, nên vị trụ trì ở đây có lẽ thuộc hàng chữ Nhất trong tám chữ đạo hiệu : Linh, Thông,