Vũ Lâm Ký Sự
Tác giả : Giang Hoài Ngọc
Hồi thứ tám mươi tư
THIẾU LÂM TỰ TÁI LẬP LIÊN MINH
PHẨM HƯƠNG VIỆN VIẾNG THĂM THIẾU THẤT
Nguồn : Tàng Thư Viện
Thiếu Thất Sơn …
Đó là một ngọn núi lớn trong dãy Tung Sơn. Một ngọn núi nổi tiếng với nhiều cảnh quan hùng vĩ, và lại càng nổi tiếng hơn bởi đó là nơi tọa lạc của một trong những môn phái lâu đời nhất võ lâm : Thiếu Lâm Tự. Được xây dựng từ thời Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy, Thiếu Lâm Tự luôn được quần hào các phái bạch đạo suy tôn là thái sơn bắc đẩu, lĩnh tụ võ lâm chính đạo (tự xưng).
Thiếu Lâm Tự nghĩa là ngôi chùa được xây dựng trong khu rừng trên núi Thiếu Thất. Theo ‘Tục cao tăng truyện’ của Đạo Tuyên (viết năm 645), Thiếu Lâm Tự ban đầu được xây dựng ở phía bắc núi Thiếu Thất, đỉnh phía tây của dãy Tung Sơn, một trong những ngọn núi linh thiêng của Trung Nguyên (Trung Nhạc Tung Sơn trong Ngũ Nhạc), cho nhà sư Bạt Đà, người đã thuyết giảng Phật Kinh ở Trung Hoa trong suốt ba thập kỷ. Trong ‘Lạc Dương già lam ký’ của Dương Huyễn Chi (viết năm 547) và ‘Minh nhất thống chí’ của Lý Hiền (viết năm 1461) cũng công nhận vị trí và thời đại của chùa giống như Đạo Tuyên. Thiếu Lâm Tự từng bị hủy diệt và trùng tu nhiều lần, trở thành một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Hoa.
Có lẽ người nổi tiếng nhất có liên hệ với chùa Thiếu Lâm là Bồ đề Đạt ma. Sau khi vào tu ở Thiếu Lâm Tự, truyền thuyết kể rằng Bồ đề Đạt ma thấy các nhà sư trong chùa không có đủ sức khỏe để thiền định lâu dài và họ thường ngủ gục trong khi ngồi thiền. Chuyện kể rằng Bồ đề Đạt ma ngồi thiền quay mặt vào tường trong một hang đá cạnh chùa trong chín năm, sau đó ông giới thiệu một hệ thống các bài tập thể dục được cho là ‘Thập bát La Hán chưởng’ hay là các bài tập co giãn cơ bắp kinh điển Đạt ma. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, cũng như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và một kỉ luật về tinh thần và thể chất. Trường phái Phật giáo do Bồ đề Đạt ma lập ra ở Thiếu Lâm Tự trở thành nền tảng cho Thiền tông sau này (cả hai từ ‘Zen’ hay ‘thiền’ đều bắt nguồn từ ‘dhyana’ trong tiếng Phạn, có nghĩa là ‘thiền’).
Sự hệ thống hóa võ thuật bởi các nhà sư được cho là bắt đầu từ những viên võ tướng về hưu và xuất gia đi tu tại chùa. Tu viện là một nơi ở ẩn, không giống như trong chiến trường, do vậy những người đó có thể trao đổi võ thuật và hoàn thiện các thế võ đó. Tiếng tăm về quân sự của chùa bắt đầu vào đầu đời Đường (618–907). Tấm bia của Thiếu Lâm Tự năm 728 miêu tả chuyện các nhà sư chiến đấu giúp cho vị hoàng đế tương lai là Lý Thế Dân chống lại đối thủ của ông là Vương Thế Sung. Khi lên ngôi, Đường Thái Tông cho mở rộng khuôn viên chùa và cho phép một số nhà sư tiếp tục việc huấn luyện quân sự, tức là tổ chức tăng binh trong chùa. Võ công của Thiếu Lâm Tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368–1644), khi vài trăm nhà sư Thiếu Lâm được phong chức tước như trong quân đội và đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt.
Nói tóm lại, Thiếu Lâm Tự có truyền thống võ học lâu đời, và được võ lâm nhân sĩ phe bạch đạo trọng vọng, mỗi khi có thịnh hội gì thường tôn làm chủ trì, lĩnh tụ. Và lần này, Thiếu Lâm Tự lại nghênh đón quần hào Hắc Bạch lưỡng đạo cùng quang lâm.
Trung tuần tháng tám …
Trên các con đường dẫn lên Thiếu Lâm Tự, hào kiệt võ lâm tấp nập thượng sơn. Đấy chính là những phần tử tinh anh của cả hai phe Hắc Bạch, mà nòng cốt cũng lại là Cửu đại môn phái.
Mọi người từ khắp nơi đổ về. Có người đi thành từng nhóm tùy theo từng môn phái, bang hội. Cũng có người đi riêng lẻ một mình. Người nào người nấy dáng vẻ hăng hái, nhưng nét mặt đều lộ vẻ căng thẳng, lo âu.
Nguyên là cách đây mấy tháng, sau cuộc thất bại ở thành Nam Dương, Thông Thiên Giáo đã quyết định thay đổi phương lược, dù rằng mục tiêu vẫn không thay đổi. Nhận thấy khó thể đương cự lại Thái Chính Cung, một tổ chức hùng mạnh nhưng lại còn thần bí hơn cả Thông Thiên Giáo, bọn họ quyết định sẽ tạm thời tránh mũi nhọn này để rảnh tay đàn áp các bang phái khác.
Thế là Thông Thiên Giáo đã nhanh chóng truyền tin đi khắp võ lâm rằng từ nay bọn họ sẽ không xâm phạm đến Thái Chính Cung nữa, hy vọng có thể tránh được những sự xung đột giữa song phương.
Quả nhiên, từ lúc đó về sau, Thái Chính Cung đã không còn ra mặt tiến công Thông Thiên Giáo lần nào nữa.
Yên tâm được mặt Thái Chính Cung, Thông Thiên Giáo lập tức tăng cường tiến công các bang phái trong võ lâm, vừa nhằm để tăng cường thực lực, vừa tiến hành cướp bóc để bổ sung tài lực do đã bị hao hụt rất nhiều trong những cuộc xung đột với Thái Chính Cung trước đây.
Chỉ trong chưa đầy hai tháng, hàng loạt các bang phái lớn nhỏ đã liên tiếp bị tấn công, phải hứng chịu những thảm họa khủng khiếp do bọn Thông Thiên Giáo gây ra. Võ lâm đại loạn.
Nạn nhân đầu tiên là Thanh Chân phái, một môn phái hiền hòa trước nay ít khi tranh đoạt với đời. Toàn thể môn hạ Thanh Chân phái đều kiên quyết chiến đấu đến cùng, thà làm ngọc nát chứ quyết chẳng chịu làm ngói lành, cuối cùng đã bị Thông Thiên Giáo mở cuộc đại tàn sát đến nỗi gần như diệt môn, môn hạ đệ tử chết sạch, ngay cả gà chó cũng chẳng còn. Đạo quán đã bị thiêu rụi, trong sân tử thi nằm sắp lớp, ngay cả cành cây ngọn cỏ cũng không còn nguyên vẹn. Quang cảnh thật tang thương.
Tiếp theo là đến lượt Thanh Bang, Thượng Phong Bang, Hắc Hổ Bang, phái Kinh Môn, phái Tần Lĩnh, phái Thái Cực, Tam Nghĩa Môn, Nghĩa Hòa Môn, Đinh gia môn, Thương gia bảo, … là các bang phái thuộc cả Hắc Bạch lưỡng đạo. Các bang phái này có chiến có hàng. Nếu hàng thì phải gia nhập Thông Thiên Giáo, trở thành phân đàn. Còn chiến thì bị tàn sát. Tóm lại đều xem như diệt môn.
Cuối cùng đến lượt Cửu đại môn phái cũng không tránh khỏi đại họa lâm đầu. Trừ phái Thiên Sơn và Côn Luân ở tận Tây Vực xa xôi, các phái còn lại đều bị tiến công. Tuy chưa đến nỗi như cuộc tiến công của Thiên Ma Giáo và Hắc Y Giáo hai mươi năm trước, nhưng tình cảnh cũng vô cùng thê thảm.
Thế lực của Thông Thiên Giáo bao trùm khắp võ lâm, đã không còn đối thủ. Quần hào chỉ còn biết trông mong vào sự tương trợ của Thái Chính Cung. Thậm chí bọn họ còn đề nghị suy tôn chủ nhân của Thái Chính Cung lên làm võ lâm minh chủ. Thế nhưng, trái với mong đợi của mọi người, Thái Chính Cung vẫn tuyệt nhiên không tham gia vào công việc võ lâm.
Cả võ lâm rên xiết.
Không còn cách nào khác, các phái đành phải hợp nhau kháng địch. Không Hư đại sư, phương trượng Thiếu Lâm Tự, được suy tôn là lãnh tụ võ lâm Hắc Bạch lưỡng đạo, đã truyền thư triệu tập quần hùng tụ họp tại Thiếu Lâm Tự để tái lập Vệ Đạo Minh, hợp sức kháng ma vệ đạo.
Khác với kỳ hội trước, lần này có cả phe Hắc đạo cùng tham gia, để cùng hợp sức chống lại kẻ thù chung của toàn thể võ lâm là Thông Thiên Giáo. Và cũng để tránh xảy ra thảm trạng như trước kia, các phái đã kéo hết môn hạ đệ tử lên Thiếu Lâm Tự, mang theo toàn bộ tài sản cùng lương thực. Các đạo quán, Tổng đà, trú sở đều được bỏ trống hoàn toàn để khỏi bị đối phương tập kích.
Và hôm nay, đại điển khai mạc.
Thái Thất Phong hôm nay thật vô cùng náo nhiệt. Trừ một số đã bị tiêu diệt hay đầu hàng Thông Thiên Giáo, hầu hết quần hùng thuộc các bang phái lớn nhỏ trong võ lâm đều có mặt. Ngay cả những nhân vật trước nay độc lai độc vãng, chẳng thuộc một môn phái nào thì nay cũng góp mặt. Quần hùng thảy đều căm thù Thông Thiên Giáo nên sắc mặt ai ai cũng đều tràn đầy sát khí.
Trong sân trước Đại Hùng Bảo Điện, số quần hùng tụ tập lên đến hàng mấy nghìn người, vũ khí sáng ngời giơ ra tua tủa. Được cổ vũ bởi khí thế hùng hậu này, bọn họ thề quyết tử chiến cùng bọn Thông Thiên Giáo một phen.
Một hồi đại hồng chung bỗng vang lên rộn rã. Những tiếng ồn ào đều im bặt. Mọi người đều chú tâm nhìn vào Đại Hùng Bảo Điện. Toàn trường im phăng phắc, chỉ còn nghe những tiếng chuông ngân gióng giả.
Từ trong Đại Hùng Bảo Điện, một đoàn người do Không Hư đại sư dẫn đầu từ trong tiến ra đứng trước quần hùng. Tất cả đến gần ba mươi người, đều là những nhân vật lãnh tụ của hai phe Hắc Bạch. Dù rằng trước đây giữa bọn họ vốn có nhiều hiềm khích, nhưng nay bị buộc phải đứng chung thuyền, tất cả đành phải tạm quên đi ân oán, cùng chung sức kháng địch.
Không Hư đại sư tiến ra phía trước, chắp tay vái chào khắp lượt quần hùng. Tiếng ồn ào lại nổi lên. Đại sư vận công phu Sư Tử Hống dõng dạc nói lớn, át hẳn những tiếng xì xào của quần hùng :
- Xin kính cáo cùng chư vị đồng đạo trong võ lâm. Như các vị đều biết, mấy tháng nay, bọn ma đầu Thông Thiên Giáo nổi lên tàn hại võ lâm, gây ra biết bao thảm cảnh thương tâm, quả đã phạm đến đức hiếu sinh của trời đất. Chúng ta đã là thân võ sĩ, chẳng thể cứ lấy mắt đứng nhìn bọn tà ma tiếp tục gây thêm nghiệt chướng. Nay lão nạp xin đại diện cho chư vị anh hùng các bang các phái trong võ lâm đứng ra tái lập Vệ Đạo Minh, thề chung sức kháng ma vệ đạo, diệt trừ bọn ma đầu Thông Thiên Giáo, giành lại sự yên bình cho các giới võ lâm. Lão nạp xin có lời cảm tạ chư vị đã vì đại nghĩa mà đến đây hợp sức kháng địch.
Khắp cả bốn phía, tiếng hoan hô nổi lên vang dội, khí thế bừng bừng. Không Hư đại sư dõi mắt nhìn khắp toàn trường, vẻ hài lòng hiện rõ.
Bỗng nhiên, ánh mắt đại sư chợt hướng về phía chân núi,