Ngay từ buổi trưa, An Phú Trấn đã tràn ngập toàn người là người.
Sau phiên đấu giá gây nhiều tiếng vang của Tử Long Các, hàng mấy vạn người từ Lục Hoa Thành kéo đến khiến giao thông trong trấn gần như tắc nghẽn.
Những địa điểm quan trọng như quảng trường trước Nha Phủ, đại lộ trước Học Viện và Thần Miếu, người người chen chân động nghịt.
Chiều nay, ở Lục Hoa Thành không có chương trình gì đặc biệt, vì thế mà những người chơi ở đấy hầu như đều kéo cả về An Phú Trấn.
Do người quá đông, nhiều người không thích chen lấn, đành kéo nhau xuống bờ sông hay tản vào rừng du ngoạn trong lúc chờ đợi.
Hơn 200 tiểu thuyền của trấn vừa mới đóng gấp suốt đêm qua cũng đã được cho thuê hết sạch.
Phong cảnh Nguyên Giang đẹp như tranh vẽ, du ngoạn đón gió mát trên sông cũng là một thú vui tao nhã.
Cũng may sau đó trấn thăng cấp, diện tích tăng gần gấp ba nên tình hình mới đỡ căng thẳng.
An Phú Trấn cũng có nhiều điểm đặc biệt để mọi người khám phá.
Vì thế mới bớt được không ít chuyện thị phi vì cảnh nhàn cư vi bất thiện.
Đầu giờ Dậu.
Tùng tùng tùng tùng tùng tùng …
Boong … boong … boong …
Những tiếng trống dồn dập, từng tiếng chuông khoan thai từ Thần Miếu vọng ra báo hiệu đại tế bắt đầu, khiến lòng người chấn phấn.
Mọi người đổ dồn cả về đại lộ và quảng trường gần Thần Miếu.
Sau khi thăng cấp, quảng trường trước Nha Phủ rộng 200x100, 2 vạn mét vuông, đủ sức chứa hơn 5 vạn người, thậm chí 10 vạn nếu như chịu chen chúc một chút.
Thần Miếu nằm ngay cạnh bên quảng trường, nên từ đó đã có thể xem lễ được rồi.
Trấn dân và giang hồ hào khách đều tập trung cả đến đấy xem lễ.
Giữa tiếng trống chiêng rộn rã, hơn tám nghìn quân dân bản trấn cùng hàng vạn giang hồ hào khách đều lặng yên hướng về pháp đàn đặt trong sân Thần Miếu.
Khung cảnh trang nghiêm khiến mọi người không dám ồn ào, sợ sẽ làm hỏng sự trang trọng của buổi lễ.
Pháp đàn là kiến trúc chuyên thuộc của Thần Miếu, cao 4 mét, vuông vắn mỗi bề 10 mét, chạm nhiều hoa văn, phù chú, pháp trận, điêu khắc tinh xảo, tráng lệ huy hoàng.
Pháp đàn chỉ được sử dụng mỗi khi có kỳ đại tế.
Còn khi cúng tế thông thường chỉ dùng đến tế đàn.
Chiêng trống khua vang một lúc, 18 vị tế tự do Giang lão dẫn đầu trịnh trọng rước cờ phướng, nghi trượng dàn ra hai bên pháp đàn.
Tế tự tựu vị, pháp khí sắp bày nghiêm chỉnh.
Quân dân bản trấn kính cẩn vái lạy, đầy vẻ sung kính.
Giang hồ hào khách đều ồ lên vì lần đầu nhìn thấy đông đảo tế tự trang bị chỉnh tề, khí phái uy nghiêm, toàn thân trắng tinh toát lên vẻ tôn quý thần thánh.
Vô số người đối tế tự chức nghiệp càng thêm hướng vãng.
Nghi thức hoàn tất.
Giang lão trịnh trọng bước lên pháp đàn, cầm nhành liễu thấm nước vẩy khắp tứ phía tịnh hóa trần ai, rồi hóa lễ, đốt tế văn, đoạn nghiêm cẩn niệm :
“Hậu duệ Đức Thần Nông,
Quân dân An Phú Trấn,
Nay kính cẩn nghiêng mình,
Trước tiên linh chư tổ.
Thưa rằng :
Hưởng gạo thơm nhờ ơn tiên tổ;
Sống yên vui nhớ đức thánh thần.
Người sinh hưởng khí đất trời, chung quy hợp cùng đạo lý;
Đời trọng báo ơn chư tổ, xuất phát tự tấm chân tình.
Kính nghĩ :
Kiệm cần gây cơ nghiệp;
Trung hậu giữ danh thanh.
Qua cuộc biển dâu, dầm sương dãi gió;
Vững tay chèo chống, vượt thác băng ghềnh.
Quốc thống mỗi lúc vững bền;
Dân sinh càng thêm tươi thắm.
Con cháu nhiều bề an lạc;
Tổ tiên muôn thuở hiển vinh.
Nhân kỳ đại tế, ngưỡng vọng tiên linh;
Dâng bày lễ nhỏ, giải tỏ lòng thành.
Khẩn xin tổ tiên, ban cho phúc ấm;
Độ trì con cháu, hưởng cảnh yên lành.
Tuân theo cổ lệ, trà quả hương đăng;
Kính cẩn lạy dâng, thánh thần tiên tổ.
Cúi trông phò hộ, cứu khổ trừ tai;
Tiến lộc tăng tài, nhà nhà hạnh phúc.
Xóm giềng thuận thảo, vận đáo hanh thông;
Âm dữ dương đồng, dốc lòng cầu khấn.
Lòng thành kính cẩn, mong được thấu tình;
Muôn đội tiên linh, cúi xin soi xét.
Thượng hưởng.”
Tùng tùng tùng tùng tùng tùng …
Boong … boong … boong …
Sau một hồi chiêng trống, hai hàng nhạc sư, môn đồ của Hồ lão phu tử, chỉnh tề từ trong Thần Miếu tiến ra, vừa trỗi nhạc vừa ca :
“Vua ta nhân đức thương dân,
Dạy dân trồng trọt dạy dân cấy cày.
Chăm lo đồng áng ngày ngày
Lúa