Sang tới năm thứ ba, đội dân binh Khúc Băng đã bắt đầu bước vào những bài huấn luyện cao cấp hơn, khắc khổ hơn dành cho quân đội.
Đồng thời, Khung Dực tiến hành chiêu mộ người, thành lập đội dân binh thứ hai.
Vì thị trấn Khúc Băng cũng nhỏ, trai tráng đã vào Nhạn Quân hoặc vào đội dân binh thứ nhất cả rồi, Khung Dực sai người báo tin cho những đồn trú của dải Chinh Sa, lấy thêm người từ phía đó.
Đặc biệt, lần này hắn chỉ chiêu mộ thiếu niên, tuổi từ mười hai tới mười lăm, không lấy lớn hơn.
Thao trường huấn luyện chính vẫn sẽ ở Khúc Băng, nhưng giáo trình sẽ thêm vào một phần huấn luyện tại dải Chinh Sa nắng gió.
Năm này, Khung Dực cũng bận rộn đi đi về về giữa hai nơi đó.
Hắn cao thêm một chút, quần áo mang từ Vương Đô cũng chật, phải may mới vài bận do phần vai, lưng và hông đều vạm vỡ hơn nhiều.
Mùa xuân chiêu binh xong, cả Khúc Băng chọn được gần năm trăm thiếu niên, còn phía Chinh Sa gửi tới tận một nghìn năm trăm người.
Khi trời vào mùa hạ, hai nghìn đứa trẻ cũng bắt đầu bước vào huấn luyện.
Khung Dực suy nghĩ một chút rồi đổi giáo trình, trước tiên đưa cả đám nhóc tới dải Chinh Sa.
Mùa hè, dải Chinh Sa như một miền hừng hực lửa cháy.
Ban ngày oi bức, nóng như thiêu, ban đêm thì mát mẻ hơn nhưng nhiều gió, thỉnh thoảng lại có bão cát.
Đám trẻ từ Chinh Sa đã quen, tuy nhiên đám trẻ từ Khúc Băng thì than khóc dậy trời.
Thống lĩnh Nhạn Quân nào biết cái gì là thương xót, đều đặn ngày ngày luyện quân.
Thế nên bọn trẻ đó, thể lực vẫn phải rèn, quyền cước vẫn phải luyện, đao kiếm vẫn phải múa, cưỡi ngựa vẫn phải học.
Đến cuối mùa hạ, khi lũ nhóc đã cứng cáp hơn một chút, cưỡi ngựa đã ổn, quyền cước cũng đi được một bài trọn vẹn cho ra dáng, Khung Dực dẫn theo bọn chúng, cưỡi ngựa đi đến tận cùng của dải Chinh Sa.
Đây xem như là lần hành quân đầu tiên.
Mải miết đi rất nhiều ngày, cuối cùng vó ngựa của bọn họ cũng chạm lên cát trắng.
Sáng hôm đó, trước mắt mở ra một vùng nước xanh bát ngát, gợn sóng lăn tăn.
Đám thiếu niên hò hét nhảy xuống vui đùa, nào ngờ là vịnh nước sâu, mới đi vài bước chân thôi mà mặt cát mịn dưới chân đã đột ngột thụt xuống, làm không ít đứa chới với trong làn nước mát rượi.
Cũng may trong đám đa phần là lũ trẻ của dải Chinh Sa, bơi lội không tồi, nhanh tay lôi hết những đứa từ Khúc Băng vào bờ, đứa nào đứa nấy cũng ho sặc sụa, mặt mày xanh mét.
Đã vậy, Khung Dực còn phạt chúng nó cái tội hấp tấp, tối đó chạy năm mươi vòng, ăn hai mươi gậy.
Đến lúc sửa soạn quay về, Khung Dực mới biết vịnh này còn chưa có tên chính thức.
Nhìn làn nước xanh thẳm hòa cùng sắc trời trong trẻo, một hình ảnh chợt vụt ngang qua đầu.
Hắn xoay ngựa, nhắm phương bắc mà dẫn quân về, trước khi đi không quên dặn dò quan đồn trú ngay đó tăng cường phòng bị, canh gác ngày đêm nơi lối vào cửa vịnh.
Ngoài ra, hắn còn để lại một cái tên:
"Vịnh này gọi là Lam Thủy đi."
Đầu mùa thu, Khung Dực dẫn bọn thiếu niên về tới Khúc Băng, chính thức bước vào giai đoạn huấn luyện thứ hai.
Ở giai đoạn này, ngoài tập thể lực, tập võ và bắn cung, múa kiếm, đám thiếu niên còn phải học các kỹ năng đi rừng, lần theo dấu vết, săn thú, nhóm lửa.
Bọn chúng được chia thành nhiều đội, mỗi đội gồm nhiều nhóm nhỏ, luân phiên nhau được các tướng lĩnh của Nhạn Quân dắt lên Tuyết Nhạn thực hành.
Những khi rảnh rỗi, đích thân Khung Dực và Kỷ Phong cũng đưa chúng đi.
Lần đó, khi Khung Dực và Kỷ Phong dắt theo hai đội binh này lên núi, họ gặp phải một ổ phục kích của Hồ tộc.
Lần đầu tiên nhóm thiếu niên này đi thực địa đã đụng phải đối thủ thật sự, cũng học được cái gì gọi là đau thương, là sống chết vô thường.
Ổ phục kích không lớn, Hồ tộc cũng không ham chiến mà vây ráp quá đà, tuy nhiên phía Khung Dực cũng có tầm chục thiếu niên ngã xuống.
Nhìn thấy lũ trẻ mình tự tay huấn luyện giờ nằm đó vùi thân trong đất, người ghim đầy tên, Khung Dực và Kỷ Phong cũng sục sôi căm hận, lửa giận ngùn ngụt trong lòng, càng cháy càng vượng.
Đám thiếu niên còn lại gào khóc trong nước mắt, nhất quyết đòi đuổi theo báo thù cho bạn.
Trong một khoảnh khắc đau thương lấn át, Khung Dực hạ lệnh đuổi theo.
Nào ngờ, truy binh vừa chạy thêm một đoạn đã lọt vào một cạm bẫy khác, lớn hơn và tàn khốc hơn rất nhiều.
Trong khoảnh rừng tăm tối, hàng trăm chiến sĩ Hồ tộc vận đồ ngụy trang đột ngột đứng lên từ trong đất đá, xông ra từ cỏ cây.
Tên độc, bẫy rập, chông nhọn và ám khí bủa vây bọn họ.
Đích thân tộc chủ Hồ Kha và đương gia Hồ Nhất Niệm chỉ huy trận phục kích đó.
Hai bên giằng co tới tận khuya.
Lần đó là một trong những vết nhơ u tối nhất trong cuộc đời cầm quân của Khung Dực, không phải bởi vì số người thiệt mạng mà bởi vì đa phần người ngã xuống đều là thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ.
Hơn trăm thiếu niên đi, chỉ còn đúng mười bảy người về.
Khung Dực và Kỷ Phong nhiều kinh nghiệm thực chiến hơn nên lúc chiến đấu đều tránh đi chỗ hiểm, bảo vệ những nơi trọng yếu trên cơ thể, tuy nhiên cũng bị thương không nhẹ.
Khung Dực hôn mê cả một ngày.
Khi tỉnh dậy, hắn mặc kệ vết thương, lặng lẽ dẫn một đội thân binh tinh nhuệ lên núi, trở lại chốn đẫm máu kia, không phải để trả thù mà là để đem xác từng người, từng người một về an táng nơi khoảnh rừng sau lưng doanh trại.
Lúc khom người vác một thiếu niên đã chết cứng lên vai, Khung Dực chợt ngẩng đầu nhìn sâu vào mảng rừng âm u trước mặt.
Lẩn khuất trong những tán lá dày của một gốc cổ thụ vững chãi, Hồ Nhất Niệm cũng đang lặng lẽ quan sát hắn.
Không rõ ánh mắt hai bên có chạm được nhau hay không, chỉ biết Khung Dực suy nghĩ mông lung gì đó trước khi quay người rời đi.
Khi mùa đông của năm thứ ba chạm ngõ Khúc Băng cũng là lúc huấn luyện đi về cuối.
Sau đợt gặp phục kích lần trước, đám thiếu niên như lớn hẳn trong một đêm.
Vài phần hồn nhiên tuổi trẻ tan đi, vài nét đau thương mất mát đọng lại.
Đội dân binh thiếu niên này được huấn luyện tách biệt với đội đàn anh, thế nhưng hai bên khi ở chung trong doanh trại cũng hợp nhau, không phát sinh mâu thuẫn gì.
Ngay cả Khung Dực cũng thế.
Hắn trầm tĩnh và ít nói hơn hẳn, đến mức có lần Kỷ Phong còn phải chuốc say Khung Dực để dụ hắn nói ra nỗi niềm trong lòng.
Tối đó Khung Dực uống say, gục xuống bàn thì thầm một câu trước khi ngủ mất.
"Kỷ Phong...!Ai rồi cũng chết, đúng không? Vậy...!ta sẽ chết như thế nào?"
"Ta...!phải chết như thế nào?"
Kỷ Phong nghe mà xót xa, lặng lẽ lôi hắn vào giường, đắp chăn cho kỹ.
Sáng hôm sau, tâm trạng Khung Dực có vẻ khá hơn, Kỷ Phong đã có thể lại thấy thấp thoáng bóng dáng của Nhị vương tử ngày trước.
Điểm khác biệt là Khung Dực lúc bấy giờ, tóc dài ra, da cũng đen đi, trên gương mặt cũng tản bớt vẻ ngông cuồng năm mười tám tuổi mà thay vào đó là sự lắng đọng, trầm tĩnh của bậc tướng quân đã kinh qua gió tuyết, qua mưa phùn.
Vào một sáng giữa mùa đông ảm đạm, tuyết phủ trắng xóa cả thành, Khung Dực đang biếng nhác quấn chăn đọc báo cáo của đồn trú Chinh Sa thì Kỷ Phong bước vào.
"Nhị vương tử, có thư từ Vương Đô."
Hử, Khung Dực ngẩng lên, cầm phong thư ngẩn ra một hồi.
Đã rất lâu rồi hắn không nhớ tới kinh thành, nhớ tới Vương Đô.
Cả năm nay việc huấn luyện bận rộn, hắn cũng ít khi gửi thư về.
Khung Dực chầm chậm mở tờ giấy ra, trên đó chỉ ghi vẻn vẹn một câu ngắn gọn.
Là nét chữ của đại ca hắn.
Về nhà ăn Tết.
Khung Dực nhìn bốn chữ đó một hồi, lát sau đã hưng phấn nhảy xuống khỏi ghế, xỏ ủng, khoác áo.
"Đi thôi Kỷ Phong, đi đến doanh trại, gọi các tướng lĩnh vào họp bàn việc chia quân.
Trong hôm nay phải bàn xong, sau đó trong mười ngày là tiến hành, chậm nhất đến ba ngày trước giao thừa phải xong xuôi toàn bộ, ai vào quân nấy."
Kỷ Phong ngỡ ngàng: "Sao đột nhiên lại hăng hái như vậy chứ?"
Khung Dực đã bước một chân ra khỏi cửa, vứt lại một câu: "Năm nay bổn vương tử phải về nhà đón giao thừa rồi."
Chia quân là một việc vô cùng quan trọng.
Trong tay Khung Dực đang có hai mươi ngàn Nhạn Quân, tám ngàn quân Chinh Sa.
Lứa dân binh thứ nhất được một ngàn người, lứa thiếu niên này hai ngàn người.
Tuy nhiên, dân binh không phải là quân đội chính quy, không thể nào tính vào quân số và điều động như quân đội, hưởng chế độ như quân đội.
Ngoài ra, việc phân ai vào đâu cũng là một câu hỏi lớn.
Nhạn Quân có ba binh chủng chính, bao gồm kỵ binh, cung thủ và bộ binh.
Chinh Sa chỉ có kỵ binh và bộ binh.
Khung Dực muốn nối liền Nhạn Quân và Chinh Sa thì lực lượng và khả năng hai bên cũng phải tương đồng, sau này khi cần mới có thể phối hợp nhịp nhàng.
Mục đích ban đầu khi Khung Dực thành lập dân binh cũng chỉ là để san sẻ với Nhạn Quân và nâng cao khả năng tự bảo vệ của người dân.
Hắn vẫn còn nhớ rõ cảm giác khi nhìn thấy năm mươi ngôi mộ im lìm trong gió tuyết năm nào.
Lúc Khung Dực tháo mũ giáp dập đầu, trán hắn tựa vào tuyết lạnh, cảm nhận rõ mặt đất bên dưới tanh nồng mùi máu.
Hắn không muốn việc tương tự xảy ra thêm lần nào nữa.
Binh lính chết trận là lẽ thường, nhưng dân lành tay không tấc sắt thì khác.
Nếu xét về số lượng, tổng cộng ba ngàn dân binh này có một nửa đến từ Khúc Băng, nửa còn lại đến từ Chinh Sa.
Đúng ra sau khi huấn luyện hoàn tất, ai nên về quê nhà người nấy.
Trong số này cũng có nhiều thiếu niên trẻ tuổi, vẫn nên được học hành thêm.
Tuy nhiên sau khi nhìn thấy hai đội dân binh hòa hợp với nhau trong doanh trại Nhạn Quân, khi dẫn đám thiếu niên phóng ngựa trên những đồi cát vàng rực của dải Chinh Sa, khi tắm mình trong làn nước mát rượi của Vịnh Lam Thủy, lòng Khung Dực lại nảy ra một ý khác.
"Nếu sung hết vào Nhạn Quân thì áp lực quân lương và hậu cần sẽ thế nào?" Ngồi trên ghế chủ soái, Khung Dực trầm ngâm hỏi.
Phó tướng Nhạn Quân là Lâm Sách, tính toán một chút rồi lắc đầu: "Tạm gồng gánh trong thời gian ngắn thì được, về lâu dài cũng không ổn, vẫn phải dựa vào Vương Đô chu cấp lương thảo, ngoài ra còn phải lấy thêm ngựa của Đại Mạc."
Đinh Đại Đồng, thống lĩnh phía Chinh Sa cũng nói: "Nhị vương tử, phía Chinh Sa cũng cần người để gia tăng hàng phòng thủ và mở rộng đội trinh sát, đội thám báo, liên hệ chặt chẽ hơn với phía Nhạn Quân.
Ba ngàn dân binh này, không thể phân hết vào Nhạn Quân."
Kỷ Phong nhìn Đinh Đại Đồng rồi bảo: "Lão Đinh, đưa hết ba ngàn quân này về Chinh Sa, ngươi cũng nuôi không nổi."
"Đúng thế, nhưng đem một nửa người của phía ta về thì vẫn được." Đinh Đại Đồng kiên định trả lời.
Cả doanh trướng lại rơi vào trầm mặc.
Khung Dực hơi chồm người tới phía trước, chống hai khuỷu tay lên bàn, hai bàn tay lồng vào nhau đỡ lấy gương mặt anh tuấn, uy nghiêm.
Hắn chợt lên tiếng hỏi:
"Các ngươi không