Chương có nội dung bằng hình ảnh
Cuộc sống khó khăn (Ấn Bạch)
......
Triệu Lan đến công viên tập thể dục vào sáng thứ Tư như thường lệ, chiếc chân giả bằng hợp kim magie đã trở thành một bộ phận đương nhiên trên cơ thể cô. Khởi đầu là tự ti, về sau dần dần đã học cách chấp nhận và được an ủi bởi lời nói của sư tỷ: "A Lan, em thế này thật ngầu quá."
Cuộc sống nghỉ hưu sớm không quá phong phú, trừ những ngày cuối tuần ra, cô không muốn vào trường đại học dành cho người có tuổi, đã thử vào nghe một lần, thấy mình đã lớn thế này nhưng vẫn trẻ hơn các bạn cùng lớp những 20-30 tuổi, ai cũng nhìn Triệu Lan với ánh mắt tươi mới và bừng sáng, thậm chí còn có hai ông già 60-70 tuổi goá vợ lân la đến làm quen.
Ra quảng trường nhảy thì cô chê quá ầm ĩ: "Nhạc gì mà lùng bùng lùng bùng, vừa không hay, lại còn khó chịu."
Tập thể dục xong, cô mua thức ăn về nhà, chăm sóc từng chậu cây xanh ngoài ban công, cây hoa nhài trước cửa sổ đã nở, Triệu Lan thích thú, chờ mong cuối tuần Vương Lê đến sẽ được ngửi hương hoa.
Vương Lê nói, dù hiện giờ đoàn Việt kịch Bách Châu đi không đúng hướng, nhưng vẫn phải tiếp tục công việc thừa kế. Triệu Lan chủ động tiếp nhận công việc chỉnh lý tập nhạc và ghi chép nhạc phổ. Buổi chiều bận rộn xong, cô ăn một bát cháo ngũ cốc hầm, lại tập thể dục, sau đó đi tắm, xem TV. Cuộc sống giản đơn nhưng không nhàm chán.
Mão Sinh cuối cùng cũng thuận lợi thi đỗ vào Nhà hát Tỉnh. Được nhận, cô phấn khởi gọi cho mẹ: "Mẹ nhìn xem, con gái của mẹ giỏi mà đúng không?" Triệu Lan mỉm cười, không vạch trần rằng sự giỏi giang của con bé không thể bằng một câu nói và một bữa ăn của Vương Lê.
Con gái vừa có việc làm liền chuyển đến sống cùng người yêu - Tiểu Ấn. Triệu Lan từng nghĩ hay là mời Tiểu Ấn đến nhà dùng một bữa cơm, nhưng bấm đầu ngón tay tính, hai đứa nhỏ ở bên nhau chưa đầy một năm, bèn bỏ xó lời gợi ý của Mão Sinh, tiếp tục chờ đợi cơ hội. Mão Sinh tìm sự trợ giúp từ sư phụ, lần này Vương Lê không bênh con, chỉ bảo Mão Sinh yên tâm làm việc, nên dẫn nước trước mới thành mương.
Thông thường Mão Sinh sẽ về nhà ăn trưa với Triệu Lan và Vương Lê vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, nắm bắt thời gian rất chính xác, tức là không cần nhúng tay phụ bếp, cũng không làm phiền không gian hai người của Triệu Lan và Vương Lê. Nhưng dạo gần đây con bé về rất thường xuyên, tối thứ Tư vừa tan làm đã thấy con bé xách nửa con vịt quay đến gõ cửa.
Triệu Lan mở cửa: "Chìa khóa đâu? Chỗ nào mới là nhà con?"
Mão Sinh xách vịt quay lên, híp mắt: "Chỗ nào cũng là nhà con, giờ không được về nhà mẹ đẻ nữa sao ạ?" Mão Sinh đi làm trong đoàn kịch, nếu không phải tập luyện thì là chân sai việc vặt. Một tuần không được lên sân khấu nổi một lần, chỉ có thể đợi được diễn thử cùng lớp thanh niên trẻ trong bầu không khí vắng tanh trước khi chính kịch bắt đầu.
Sau khi bàn bạc với Ấn Tú về tiền lương tháng đầu tiên, cô nói: "Thật xin lỗi, tháng sau em sẽ trả chi phí trong nhà. Em muốn mua quà cho mọi người bằng lương tháng đầu tiên, nhưng lại không đủ." Lấy tiền lương chưa đến 1.000 tệ, Mão Sinh mua cho mẹ một đôi giày thể thao vừa chân và bộ váy lụa cho sư phụ.
Tháng lương tiếp theo, Mão Sinh mua cho Ấn Tú quần áo đi làm và sản phẩm chăm sóc da, vẫn không thừa lại một hào nào cho riêng mình. Mão Sinh đành phải về nhà mẹ ăn chực nhân lúc Ấn Tú tăng ca.
Triệu Lan bận rộn trong bếp, Mão Sinh nằm trên sofa vừa xem chương trình tạp kỹ vừa cười ngốc nghếch. Triệu Lan lấy hộp cơm ra, chuẩn bị đầy đủ cho Ấn Tú xong xuôi mới dọn thức ăn lên bàn. Mão Sinh từ khi đi làm đã tăng thêm một ít cân, Triệu Lan thấy Mão Sinh xới một bát cơm đầy, bèn với tay đòi lại, san bớt một nửa: "Con không được ăn như thế, mặt to lên là trang điểm không đẹp đâu." Cô nhéo khuôn mặt tròn của con gái: "Cô ấy nấu gì cho con ăn?"
Mão Sinh nói chỉ là đồ ăn tự nấu bình thường, Tiểu Ấn không cho con nấu, dù bận thế nào cũng dậy sớm chuẩn bị thức ăn cho con tự hâm nóng. Mẹ biết đấy, nếu chị ấy không về nhà, tất cả số đó sẽ chui vào bụng con.
"Con không thể ăn ít lại sao?" Triệu Lan cau mày.
"Không được đâu, con phải ăn hết những món Ấn Tú nấu, không thì sao dạ dày con trở nên lớn như vậy?" Mão Sinh cúi đầu gắp thức ăn, nhưng tốc độ nhai chậm hơn. Ấn Tú đã bận đến mức chỉ được về đúng giờ một hoặc hai ngày một tuần. Đôi khi tâm trạng cô rất tốt, dù say rượu cũng muốn quấn quýt vui vẻ với Mão Sinh một chút. Nếu tâm trạng không tốt, cô sẽ cuộn tròn trong lòng Mão Sinh, thút thít một lúc trước khi chìm vào giấc ngủ, mệt rã rời không còn sức đi tắm.
Những lời nói Mão Sinh dành dụm phải nín nhịn từ thứ Hai đã bốc hơi gần hết khi đến thứ Ba, cầm cự đến thứ Tư thì quên nói khỏi miệng. Sư phụ nói cô phải chăm sóc Tiểu Ấn thật tốt, nhưng Mão Sinh không còn việc gì để làm ngoài dọn dẹp cho ngôi nhà nhỏ. Ấn Tú không cho cô giặt giũ, nói rằng bàn tay thô ráp sẽ không đẹp mắt khi lên sân khấu. Ấn Tú càng không cho cô nấu ăn, nói rằng trên người Mão Sinh không được bám khói dầu. Tất cả những gì Mão Sinh có thể làm là nhiệt tình ngấu nghiến thức ăn do Ấn Tú nấu, tính toán đồng lương cẩn thận cho Ấn Tú "sống", đợi đến nửa đêm Ấn Tú về nhà, dỗ cho Ấn Tú ngủ mà chưa kịp nói vài câu.
Mão Sinh không biết thế nào mới là "tốt" cho Tiểu Ấn, bởi vì Tiểu Ấn dường như không quá cần cô trừ khoảng thời gian bầu bạn vào ban đêm.
Đôi khi Mão Sinh đến quán Internet chơi game hoặc nói chuyện giao lưu với người quen trên Q, có vài bạn học cũ ở tường kịch Bách Châu vào đoàn Việt kịch Bách Châu, cũng có một số đã chuyển ngành hoàn toàn. Hội chị em gái từ trường Số 23 rủ cô nếu có thời gian hãy đến tụ tập, còn nói đùa: "Có lẽ mấy năm nay không được đông đủ", bởi vì "lại có người vào tù, lần này là ba năm".
Không có nhiều đồng nghiệp mới trong Nhà hát Tỉnh, đợt này chỉ tuyển năm người. Ngoài mặt mọi người hoà đồng khách sáo, túm tụm với nhau lại bất bình không dứt. Nhìn sang những diễn viên gạo cội vừa trang điểm vừa chửi thị trường chó má, cải cách khốn nạn, tiền lương tệ hại, song vẫn lên sân khấu ân ân ái ái, yến yến oanh oanh, khóc lóc sướt mướt như không có chuyện gì xảy ra.
Mão Sinh không dám nói, cô mới vào Nhà hát Tỉnh hai tháng nhưng đã cảm giác đây không phải "cuộc sống" mà cô muốn. Cô muốn học nhiều thứ hơn, cũng đã bắt cặp bái sư trong đoàn kịch, người ta vừa nghe đến tên Vương Lê đã nửa đùa nửa thật nói lời sáo rỗng: "Cái này hả, tôi cũng không có gì để dạy, vẫn nên hỏi cô Vương Lê thôi."
Mão Sinh muốn lên sân khấu, cảm giác vui sướng như lần đầu tiên hát một vở kịch ở Nhà hát Tỉnh với 180 khán giả, bởi vì dưới khán đài có mẹ, sư phụ và Ấn Tú. Lần đó Mão Sinh hát rất hay, cũng là lần tạo tiền đề cho cô bước vào Nhà hát Tỉnh.
Nhưng trên một sân khấu mới mẻ như vậy, Mão Sinh chỉ được cưỡi ngựa xem hoa, cô không có cơ hội được hát vai chính trên sân khấu, cho dù nếu có, cũng chỉ mong chờ được búi hai bên tóc giả đóng vai thư đồng hoặc người qua đường. Có lúc Mão Sinh nghĩ, ngoài người kéo màn ra, có lẽ mình là người rảnh nhất nhà hát này.
Những ngày về nhà cũng rảnh rỗi như thế. Mão Sinh muốn đi du lịch cùng Ấn Tú, muốn ngắm non sông tươi đẹp và thưởng thức nhạc kịch, nhưng Ấn Tú chỉ được nghỉ ba ngày một tháng, vậy mà trong ba ngày đó vẫn ngập mình trong những cuộc điện thoại không dứt. Có lần, Mão Sinh để ý, cô đếm những cuộc điện thoại của Ấn Tú: mười sáu cuộc gọi trong vòng bốn giờ.
Vì thương Ấn Tú bận rộn, những lời phàn nàn của Mão Sinh biến mất ngay lập tức.
Không ngắm non sông tươi đẹp thì đi dạo mua sắm trong các trung tâm thương mại lớn, nhưng thậm chí đến cả việc đó Ấn Tú cũng không có thời gian. Mão Sinh từng hỏi Ấn Tú: "Sao nghề của chị phải làm nhiều việc thế?"
Ấn Tú hôn lên khóe miệng Mão Sinh: "Bởi vì hiện tại chị là quản lý, phụ trách ba cửa hàng. Kinh doanh, điều phối và hậu mãi đều do chị đảm nhiệm." Anh Hạo cũng đưa cô đi giới thiệu với rất nhiều người trong ngành ở thành phố này, Ấn Tú đã có danh thiếp, chức vụ ghi là phó giám đốc.
Cô phó giám đốc 20 tuổi càng ngày càng ăn mặc trưởng thành và hợp thời, người ngoài nhìn vào sẽ