Hai năm đầu tiên khi chuyển sang một triều đại mới, chính là thời gian cực kì u ám. Vì thu hồi quyền lực, nhiều người làm ra những việc đê tiện.
Tân triều thành lập được hai mươi năm, không ít cựu thần tận mắt chứng kiến sự việc năm đó, cho nên Hoàng đế cũng không che giấu hành vi mà bản thân đã làm lúc trước, cùng lắm là dùng hết toàn lực để duy trì lễ giáo và pháp luật, thống trị quốc gia này, khẳng định vị trí của tân triều và tố cáo tiền triều vô lực.
Nhưng mà, chuyện của Trọng Đại tướng quân lại là một chuyện ngoại lệ. Hoàng đế ghét cay ghét đắng người dám nhắc tới chuyện náo loạn của năm đó, mỗi khi có đại thần nào nhắc tới chuyện của Đại tướng quân thì sắc mặt của Hoàng đế liền tối lại. Đại thần trong triều, người nào mà không phải cáo già hay hồ ly, qua vài lần là có thể nhìn ra vấn đề nên luôn cố ý không nhắc tới chuyện này nữa. Dần dà, chuyện năm đó giống như bị người khác quên lãng, tiểu bối như Bộc Dương tất nhiên cũng không thể nào biết được.
Thái Sử là một vị quan râu tóc bạc trắng, đương nhiên cũng biết được một chút chuyện cũ đó. Nghe xong lời nói của Đậu Hồi, ông cũng giật mình kinh hãi, thời gian qua đi, ông cũng đã quên mất kiêng kị này, sắc mặt trắng bệch, cũng hiểu rõ là hai trang bản thảo đó cũng không thể lấy về được.
Thật ra thì, bản thảo cũng không phải chuyện quan trọng gì, trong Thái sử giám cũng sẽ giữ lại cho mình một bản thảo riêng. Thái sử tới đây cũng chỉ là muốn làm rõ quyết định của Hoàng đế mà thôi, nhưng bây giờ tới cả long nhan cũng không gặp được.
Một bộ "Chu Sử" đã biên soạn hơn mười năm, hao tổn bao nhiêu tâm huyết nhưng cuối cùng lại không thể hoàn chỉnh được.
Sắc mặt Thái sử hơi nản lòng, hai vai sụp xuống, cảm giác trong một lúc đã già đi mười tuổi, ông run rẩy xoay người, Đậu Hồi nhìn thấy cũng không đành lòng, tiến lên đỡ ông ấy một chút.
Thái sử nhìn qua Đậu Hồi, cầm lấy tay ông, giống như đột nhiên có thêm dũng khí mà mở lời.
"Phiền trung quyên(1) báo lại với Thánh thượng ..." Chỉ nói được nửa câu thì ông cũng dừng lại, sắc mặt lại thêm chút nản lòng, lắc đầu. "Mà thôi đi."
(1) trung quyên: một cách gọi khác của thái giám, công công.
Sử gia có người chỉ biết cầm bút nói thật, là người cương trực công chính, nhưng cũng không thiếu người biết luồn cúi, a dua nịnh nọt. Thái sử đương nhiên không phải là hạng người sau, chỉ biết nịnh bợ nhưng ông có vợ có con, vốn không có được khí tiết cương liệt như người trước, không màng sinh tử mà nói thẳng ra. Ông chỉ có thể coi như không biết, tránh né để có cuộc sống yên ổn.
Nói nhiều cũng vô ích, ông phát tay ý bảo Đậu Hồi không cần tiếp tục đỡ nữa, chậm rãi rời đi.
Sắc mặt Đậu Hồi vẫn bình thản, đợi đến khi không còn thấy bóng dáng của Thái sử nữa thì mới vung phất trần, quay trở vào trong điện.
Trong điện, Hoàng đế đặt tay lên thái dương, nhắm mắt dưỡng thần. Gần đó, cách ngài chừng bảy tám bước chân, trung thư xá nhân đang ngồi đó nghĩ cách trình bày chiếu thư tứ hôn như thế nào.
Đậu Hồi cố gắng đi từng bước nhẹ nhàng để tiến tới phía sau lưng Hoàng đế.
Qua một tuần trà, chiếu như xem như đã hoàn thành sơ lược, Trung thư xá nhân dâng lên Hoàng đế bằng hai tay. Hoàng đế mở mắt, vung tay để hắn đọc lên nghe thử. Nghe qua một lần, cảm thấy không có sai sót gì, ngài mới nói.
"Ban chiếu đi."
Thái giám dâng lên ngọc tỷ để Hoàng đế đóng dấu một cái, Trung thư xá nhân nhận lại chiếu như rồi mới rời cung đi ban chiếu.
Người vừa đi thì Hoàng đế mới ngồi thẳng dậy, đưa mắt nhìn tới Đậu Hồi ở phía sau, làm như là mới nhận ra ông đã trở lại, lên tiếng hỏi.
"Thái sử đi chưa?"
"Bẩm bệ hạ, Thái sử đã đi, ngài ấy đã hiểu được thành ý của bệ hạ." Đậu Hồi vội vàng khom người trả lời.
"Ừ." Hoàng đế tùy ý lên tiếng.
Lẽ ra việc này vốn là đã kết thúc, sớm quăng ra khỏi suy nghĩ của ngài. Cũng nhiều năm, ngài không nhớ tới chuyện đó, nhưng bây giờ là lúc chỉnh sửa lại lịch sử, nên mới lại nhớ tới chuyện này khiến cho ngài cảm thấy không thoải mái chút nào.
Hoàng đế nhắm mắt, để bản thân suy nghĩ đến chuyện sau đại hôn. Hôn lễ nên chuẩn bị rồi, còn có những sính lễ mà ngài đã tích góp của công chúa mấy năm qua cũng nên phái người kiểm kê lại. Vệ Tú nên chuyển đi phủ khác một thời gian hoặc là về Vệ gia thì cũng nên suy tính một chút.
Mấy chuyện này, hiện tại không có Hoàng hậu xử lý, giao lại cho phi tử thì ngài lại không yên lòng, nên để người cha như ngài để ý vậy. Hoàng đế buộc bản thân mình phải suy nghĩ xử lý những chuyện chuẩn bị cho hôn sự này, nhưng suy nghĩ của ngài vẫn cứ không thể khống chế được mà nghĩ tới chuyện bản thảo kia. Chuyện này vốn đã nên tan thành mây khói, người chết rồi cũng ít ai còn nhớ được, vậy mà cũng không thể quên được, cứ phải xuất hiện trước mặt ngài lần nữa.
Dù đã cách hai mươi năm trước, nhưng Hoàng đế vẫn có thể nhớ rõ mỗi một sự việc dù là nhỏ nhất của năm đó. Ngài và người của ngài đã mưu tính như thế nào, rồi hạ lệnh như thế nào, ngài đều nhớ rất rõ ràng. Ngài vẫn còn nhớ chính Từ Loan tự dẫn quân mai phục. Ngài cũng nhớ rõ, sau khi trở về, trên người Từ Loan toàn là vết máu nhưng mặt lại tràn đầy sự đắc ý bẩm báo lại, trên đời này không còn người tên là Trọng Nhung.
Ngài cũng còn nhớ được, không lâu sau đó, Giao Đông Vương khởi binh chặn giết mình. Đám loạn binh này, ngài vốn cũng không coi ra gì, cũng chỉ là một đám người không làm ra được đại loạn. Nhưng linh cơ vừa động, ngài lệnh cho Từ Loan dẫn người tiến vào Trọng phủ giết sạch toàn gia không chừa một ai, rồi đem việc này đổ lên đầu của đám loạn quân của Giao Đông Vương.
Một đêm đó, bốn phía thành Lạc Dương đều nổi lửa, phủ đại tướng quân ngày xưa uy nghiêm giờ lại chỉ toàn là thi thể, nam nữ già trẻ đều đang nằm trong vũng máu. Máu tươi tràn ra chảy theo khe nứt thấm vào trong đất, mưa to mấy ngày cũng không thể gột rửa hết mọi vết tích được.
Những hình ảnh đầy màu máu đỏ này nương theo ánh lửa mạnh mẽ đánh thẳng vào trong đầu của Hoàng đế. Trong lòng ngài dâng lên cảm giác tội lỗi và áy náy, cả người rét lạnh. Ngài cuối cùng cũng hiểu được, chuyện này không phải chỉ cần