Hôm nay ngày mười lăm, từ sáng hôm qua Lệ Nhiên đã cắm rễ ở Thiện phòng làm đủ loại đồ ăn, rồi lại hối thuộc hạ chuẩn bị cơ man nào là đồ chơi, tranh vẽ, …toàn là những thứ mà đứa con yêu dấu của nàng yêu thích.
Sau đó lại vất vả kiểm đếm lại từng thùng đố xem có thiếu gì không.
Mặt trời vừa lên, nàng đã kêu người hầu mang đồ cùng nàng đi nhanh đến Bạch Vân Cung.
Đã hai năm trôi qua, kể từ cái ngày định mệnh đó.
Cái ngày mà nàng đề xuất ý kiến với bệ hạ gả Tam công chúa đến Tây Quốc hòa thân.
Bệ hạ tức giận liền bắt con của nàng đem đến Bạch Vân Cung cho bà vú nuôi dưỡng.
Mỗi tháng hai mẹ con chỉ được gặp nhau hai lần, mỗi lần nàng cũng chỉ có thể ở lại bên con một ngày.
Thằng bé mới sáu tuổi làm sao chịu đựng được chuyện này.
Lệ Nhiên đã cầu xin đủ cách, thậm chí quỳ trước tẩm cung của hoàng thượng suốt ba ngày ba đêm đến ngất đi cũng không thể lay chuyển được quyết định của con người nhẫn tâm ấy.
Nàng còn đến cầu xin Thái hậu, dự tính gọi cả cha mình đang chinh chiến ngoài sa trường trở về cầu xin giúp mình.
Hoàng thượng biết được liền ra tối hậu thư với nàng: “Ngươi còn dám làm phiền Thái hậu hay cầu cạnh ai khác nữa trẫm sẽ khiến ngươi cả đời này không bao giờ được gặp lại Hằng nhi nữa.” Lệ Nhiên đã gục đầu xuống khóc nức nở.
Cứ vậy đã qua hai năm.
Nàng bị như thế này là vì ai? Tất cả đều là vì con nha đầu Hiểu Nguyệt đó.
Nếu không phải vì nó, nàng đã không phải sống trong cảnh xa con thế này.
Tử Hằng còn quá nhỏ để phải trải qua những chuyện này.
Mỗi lần gặp nhau thằng bé đều ôm chặt lấy mẹ nó ríu rít không rời.
Bạch Vân Cung giống như tên, màu chủ đạo của Cung la màu trắng.
Đây là nơi ở trước kia của Văn Phương trước khi đăng cơ nên cách bố trí trong cung mang nhiều tính cách của Văn Phương.
Sau khi Tử Hằng dọn đến cũng chẳng thay đổi mấy.
Trong cung không trồng hoa mà chỉ toàn cây xanh, đa phần là cây ăn quả, bởi Tử Hằng đã dùng kiếm chém sạch hoa trong vườn rồi.
Mỗi ngày đều làm khiến hoa không mọc nổi.
Cạnh thư phòng có một hồ cá khá rộng nhưng bên trong lại không có cá.
Đều là do Tử Hằng khi mới chuyển đến đã tức giận đem cá giết sạch, sau đó cũng không cho phép nuôi lại.
Không chỉ cá, mấy con vật nuôi nhỏ khác như chim hay cún con cũng đều thằng bé giết sạch khi vừa mới tới.
Lệ Nhiên căm hận hoàng đế vì đã đối xử tệ với hai mẹ con nàng, nhưng nàng không thể phủ nhận rằng Tử Hằng lại mang nhiều tính nết của người đàn ông mình thống hận, không chỉ tính cách mà cả gương mặt cũng y chang.
Nhìn thấy nàng đến thị vệ gác bên ngoài theo thói quen không thông báo.
Khi nàng bước vào thì nhìn thấy Tử Hằng đang luyện kiếm rất miệt mài.
Những giọt mồ hôi văng ra theo từng đường kiếm của thằng bé, dưới ánh sáng mặt trời lấp loáng màu sắc của bảy sắc cầu vồng bao quanh lấy thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi.
Lệ Nhiên ngẩn người đứng ở cửa ngắm nhìn.
Lệ Nhiên biết rõ sở dĩ nàng vẫn còn đứng vững tại hậu cung phần nhiều là nhờ vào đứa con này.
Tử Hằng hiện tại là đứa con duy nhất của hoàng đế, lại là con trai, tính cách cũng rất giống người.
Chỉ cần hoàng thượng chưa có đứa con trai nào khác thì địa vị của nàng trong cung vẫn là cao nhất.
Nhưng nàng cũng rõ đây chỉ là vị trí tạm thời.
Hoàng thượng còn rất trẻ, sẽ sớm nạp thêm thê thiếp, sẽ có những đứa con khác.
Đến lúc đó địa vị của nàng và Tử Hằng còn giữ được hay không thì chưa nói trước được.
Cho nên nàng cần phải nhanh chóng đưa Tử Hằng lên làm thái tử càng sớm càng tốt.
“Mẫu thân, người đến rồi.”
Gương mặt nghiêm tức, lạnh lùng ban đầu bỗng chốc quay trở về dáng vẻ vui tươi, hồn nhiên mà một đứa trẻ nên có.
Tử Hằng vừa nhìn thấy mẫu thân đã bỏ cả kiếm, lao thẳng vào lòng nàng ôm thật chặt.
Lệ Nhiên vui mừng đến rớt nước mắt.
Nàng kéo con vào dưới bóng cây, dịu dàng cầm khăn bông lau mồ hôi cho thằng bé, ánh mắt tràn ngập yêu thương và nhớ nhung.
“Mẫu thân đã dặn con là đừng tập luyện quá sức rồi mà.
Nhìn xem, luyện đến mồ hôi ướt đẫm cả áo rồi.”
“Nhi thần không mệt.
Nhi thần nhất định sẽ cố gắng để phụ hoàng công nhận.
Đến lúc đó mẫu tử chúng ta có thể ở bên nhau mãi mãi rồi.”
Lệ Nhiên bật khóc ôm chầm lấy Tử Hằng: “Con ngoan của ta, mẫu thân có lỗi với con.
Là do mẫu thân quá vô dụng mới khiến con vất vả thế này.”
“Mẫu thân đừng nói vậy.
Người không có lỗi gì cả.
Đều là do con rắn độc Châu Hiểu Nguyệt đó hại chúng ta.”
“Hằng nhi, con không được gọi cô cô của con như thế.
Nếu phụ hoàng con nghe được sẽ không tha cho mẫu tử chúng ta.”
“Con biết.
Mẫu thân yên tâm.
Con chưa đến mức ngu ngốc như thế.
Con cũng sẽ không mê muội như phụ hoàng, sẵn sàng vì muội muội và ruồng bỏ thê tử của chính mình.”
Nghe con nói vậy Lệ Nhiên càng cảm thấy đau xót.
Đến một thằng bé tám tuổi con hiểu được hành động của cha nó là sai lầm, thế mà hoàng thượng lại không chịu hiểu.
Thằng bé trưởng thành hơn quá nhiều so với tuổi của nó.
Nó đã không có được một tuổi thơ đúng nghĩa.
Nàng lại càng hận Hiểu Nguyệt.
Đều là do cô ta.
“Dạo này phụ hoàng có hay đến thăm con không?”
“Có.
Người vẫn thường xuyên đến kiểm tra việc học của con.
Nhưng thế thì sao chứ? Nếu phụ hoàng không quan tâm đến mẫu thân thì với con cũng chẳng có nghĩa lý gì.”
“Hằng nhi, con không được nói như thế.
Con là hi vọng duy nhất của ta.
Dù con có tức giận như thế nào cũng phải cố gắng lấy lòng phụ hoàng.
Con nhất định phải lên làm thái tử.
Chỉ có như vậy mẫu tử chúng ta mới có thể giành lại được những thứ mà chúng ta đáng được nhận.”
“Con hiểu.
Con hứa với mẫu thân.”
Lệ Nhiên ôm chặt con trai vào lòng.
Trong đầu nàng không ngừng nghĩ đến giây phút con mình trở thành thái tử, nàng sẽ lên làm hoàng hậu đứng đầu hậu cung.
Đến lúc đó sẽ không một người nào dám ức hiếp nàng nữa, bao gồm cả hoàng thượng.
Mà trước hết nàng cần phải xử lý cái gai phiền phức Châu Hiểu Nguyệt kia.
------
Theo phiên bản Kính vạn hoa mới mà Cảnh Thần thiết kế thì toàn bộ thân kính sẽ được làm bằng tre thay cho sứ.
Mục đích là để giảm trọng lượng và tăng độ bền cho kính.
Sứ tuy đẹp và quý phái nhưng rất không an toàn.
Nó mà rơi xuống đất khẳng định sẽ vỡ tan nát, không những vậy còn liên lụy đến mấy cung nữ, thái giám như hắn.
Hai nắp hai bên đều được làm bằng đồng, trong đó có một cái dát bạc.
Phủ trên thân kính là những hình vẽ tuyệt đẹp của Tần Chính Phong.
Ban đầu Cảnh Thần còn lo lắng Chính Phong sẽ không đồng ý làm việc này nhưng Hiểu Nguyệt lại nói y đồng ý khá dễ dàng.
Mấy ống trúc hắn mang qua nhờ Chính Phong vẽ, y vẽ rất có tâm.
Lúc hắn đề nghị sau khi bán được sẽ trả tiền công xứng đáng, y cũng từ chối không lấy.
Chiếc kính vạn hoa bản mới này chi phí làm chỉ mất năm lượng bạc mà hắn lại bán mười lượng.
Lãi thu về rất cao.
Mọi vật liệu hiện tại đã có gần như đủ cả.
Ngày hôm nay chính là ngày hẹn vật liệu cuối cùng sẽ được chuyển đến: nắp bằng đồng dát bạc.
Cảnh Thần không yên tâm giao công việc này cho bất cứ ai nên tự mình đi nhận và kiểm hàng.
Hắn đang háo hức bước nhanh ra cổng thành thì chợt nghe có tiếng ồn ào.
“Khốn kiếp! Ngươi có biết thứ này đáng giá bao nhiêu không? Nếu nó mà tổn hại gì cái mạng chó của ngươi cũng không đền nổi đâu!”
Cảnh Thần dừng lại nhìn xem là chuyện gì.
Hắn nhìn thấy một cậu nhóc tầm tám, chín tuổi mặc một chiếc áo bào màu vàng thêu hoa văn tinh tế, gương mặt hao hao giống Châu Văn Phương, đang mắng chửi một thiếu niên khác lớn tuổi hơn một chút mặc một chiếc áo khoác dài màu xám tro đang quỳ trước mặt.
Cảnh Thần nhìn thấy thiếu niên đó rất quen mắt.
Hắn lén bước lại gần hơn để nhìn thật kỹ và nhận ra đó là Khúc Viễn, đệ tử của Hoa Thiên Vũ.
Còn thằng nhóc đang đứng mắng y kia có thể dễ dàng đoán ra đây là Châu Tử Hằng, đứa con trai độc nhất của Văn Phương.
Theo như những gì hắn nhớ thì trong tiểu thuyết Tử Hằng được miêu tả là một người rất giống Văn Phương từ gương mặt cho đến tính cách.
Chỉ có điều sự bạo lực và tàn nhẫn của thằng nhóc này còn hơn cả cha nó.
Tất cả cũng vì cha nó ghét bỏ mẹ nó dẫn đến hình thành nên tính cách tiêu cực như thế.
Không chỉ vậy, Lệ phi thường xuyên nói xấu Hiểu Nguyệt khiến thằng bé rất căm ghét vị cô cô này của mình, cho rằng nguyên nhân phụ hoàng bỏ rơi mẹ nó là do Hiểu Nguyệt.
Sau này cũng chính thằng nhóc đó xém nữa đẩy Hiểu Nguyệt vào chỗ chết.
Tuy rằng không biết chuyện gì đang xảy ra nhưng Khúc Viễn đang gặp rắc rối.
Xung quanh đây lại không có ai, nếu không có người giúp thì