Chuyện đó cũng không phải chuyện buồn cười nhất của buổi phân lương, chuyện thứ hai buồn cười không kém, hơn nữa lại liên quan đến Dương Gia Nghi.
Số là nhóm thanh niên trí thức đến sau, vì chưa có lao động ngày nào nên lương đầu người và công điểm đều không có, bởi vậy phân lương không có phần của họ.
Nhưng nhóm đầu tiên đã lao động gần một tháng rồi, tuy ít nhưng vẫn có được số lương thực nhất định.
Cũng vì công điểm quá ít nên đội trưởng sắp xếp họ ở cuối cùng, đợi thôn dân lãnh hết rồi mới tới lượt.
Không cần phải nói, người được chia lương thực nhiều nhất là Dương Gia Nghi, mà kẻ bị chia ít nhất chính là La Tiểu Vi.
La Tiểu Vi cầm cái bọc lương thực nhỏ xíu trên tay mình, rồi so sánh với túi lương thực của Dương Gia Nghi, cô ả hét lớn: "Đội trưởng, ông có nhầm không? Sao của tôi ít như vậy chứ?"
Đội trưởng nhăn mặt: "Cô làm ít thì được chia ít."
La Tiểu Vi chỉ tay về hướng Dương Gia Nghi: "Vậy sao cô ta được chia nhiều như vậy chứ? Không công bằng, chúng tôi đến đây cùng ngày, sao có thể khác xa nhiều như vậy?"
Đội trưởng quát: "Cô còn không biết xấu hổ mà hỏi, một ngày cô kiếm được bao nhiêu công điểm?" Không đợi cô ả trả lời, ông nói tiếp, "Một ngày nhiều lắm ba công điểm, có hôm chỉ được một công điểm, còn thua đứa con nít bảy tuổi nữa."
Đoạn, ông lại hỏi: "Biết Gia Nghi kiếm một ngày bao nhiêu công điểm không?" Ông lại tiếp tục tự trả lời: "Những ngày bận rộn, con bé kiếm được tận hai mươi công điểm! Lúc con bé cắm đầu cắm cổ mà là việc thì cô lại ngồi trong bóng mát hóng gió, bây giờ phân lương thực ít thì kêu ca cái nỗi gì?"
Nói thật, đội trưởng chướng mắt cô nàng này lắm rồi.
Từ đầu tháng đến giờ ông tức mà chưa nói.
Cô nàng này, làm việc thì lười biếng mà suốt ngày kiếm chuyện này nọ.
Những kẻ ham ăn lười làm trong thôn còn không bằng một góc cô ta đấy.
Nếu không phải không thể trả cô ả về thì ông đã không chịu đựng tới bây giờ.
La Tiểu Vi bị đội trưởng nói không nên lời.
Cô ả ấp úng mãi, cuối cùng dậm chân chạy đi mất.
Đội trưởng lắc đầu: "Giải tán đi!"
Ngoài Dương Gia Nghi thì không ai có ý kiến gì cả.
Bởi dù những người mới tới không được chia lương thực nhưng vẫn được chia đều thịt heo, mỗi người hai lạng.
Đừng xem thường hai lạng thịt, một người nếu tiết kiệm thì có thể nấu tận năm bảy bữa ngon đấy.
Cho nên, đám người chẳng những không thấy đội trưởng bất công, ngược lại họ đều nghĩ ông rất công chính.
Lương thực và thịt heo đều chia đều, thôn dân như thế nào thì thanh niên trí thức cũng như vậy, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Còn chuyện Dương Gia Nghi được chia hơn năm mươi cân thịt...
Hâm mộ cũng có, ghen ghét cũng có, nhưng không ai dám mở miệng