Vừa qua khỏi giờ Thìn, đường Thiên Môn nằm đối diện Chu Tước Môn ở Thái Cực Cung vẫn đông nghịt người.
Xe ngựa chở hàng từ Minh Đức Môn đi ra và người ngựa ra vào các phường vẫn vô cùng tấp nập, giữa dòng người, có những người Trường An mặc trang phục người Hồ, cũng có những người Hồ nói giọng Trường An vô cùng lưu loát, đang giao lưu nói chuyện phiếm, lại vừa than thở mùa hạ năm nay sao mà nóng quá.
Mùa hạ năm Vĩnh Huy thứ tư quả thật có hơi nóng hơn bình thường.
Dường như từ sau sự kiện náo nhiệt của Lâm Ấp quốc tiến cống voi, nhiệt độ đã tăng vèo, mãi đến tận tháng bảy mà vẫn chưa mưa trận nào.
Lúc này, ánh mặt trời chói chang chiếu xuống đường lớn rộng rãi, chói đến mức không mở nổi mắt, mấy cây hòe hai bên đường cũng càng lúc càng rũ xuống.
Xe ngựa của Lưu Ly phải đến phía bắc Khai Hóa phường mới rẽ về hướng Đông, nàng vén màn xe, nhìn Chu Tước Môn hùng vĩ đang dần dần khuất xa phía sau lưng, trong lòng bỗng nhiên ủ rũ: đến Trường An đã ba năm rưỡi, quả thật nàng chưa từng xem xét kỹ hình dáng của Thái Cực cung.
Nếu không phải Võ Tắc Thiên bảo nàng đến họ Võ xem mấy bộ váy mới thì nàng cũng không thể nhìn thấy.
Hơn hai tháng nay, cuộc sống của nàng cuối cùng cũng yên ổn, ngoại trừ việc nhẫn nhịn ánh mắt sắc nhọn và lời lẽ miệt thị của tỳ nữ Liễu thị kia hai lần, đến người ngoài nàng còn không dám gặp, ngày thường không ở trong phòng vẽ vẽ mẫu hoa, vẽ mẫu thêu và một số thiết kế phục trang cổ đại ra thì chính là ở nhà cùng với Mợ Hai Thạch thị và Thất nương giết thời gian, thậm chí còn cùng Thất nương học thêu thùa.
Họ An tuy cũng là gia đình lớn, nhưng con cái dâu rể cũng chỉ mỗi ngày tụ tập ăn bữa cơm chiều, mà địa vị chủ mẫu cũng cao hơn so với người Đường, thiếp thất không khác gì tỳ nữ, hàng ngày chỉ ngồi chờ ở trong phòng của mình mà thôi.
Thế nên, cuộc sống hàng ngày ở nhà họ An lại mang một chút sự giản dị yên tĩnh giống như cuộc sống thời hiện đại.
Lưu Ly thích nghi với nếp sống này rất nhanh, chỉ là đôi lúc sẽ nhớ đến bức bình phong "Xuân giang hoa nguyệt dạ", tính toán xem nó đã được đưa vào cung hay chưa.
Còn nhớ hai tháng trước, Võ phu nhân nhìn thấy bức tranh chữ đó thì mừng rỡ không thôi, nghe nói hành thư đẹp đẽ kia là do Bùi Hành Kiệm viết thì kinh ngạc, nhưng cũng không trách cứ gì, ngược lại hưng phấn bừng bừng nghe ngóng một lúc mới nói: "Dù sao cũng là hậu nhân nhà danh môn lại biến thành bộ dạng như thế, quả là làm mai một tài hoa." Ấn tượng của Lưu Ly dành cho nàng ta cũng tốt lên mấy phần.
Có điều hình như vị phu nhân này gần đây rất bận, nửa tháng trước có gặp mặt Lưu Ly một lần, Lưu Ly để ý thấy dường như nàng ta muốn nói gì đó lại không nói ra được, khiến cho trong lòng nàng ngứa ngáy, thế nên lần gặp mặt này nàng cũng có chút chờ mong.
Nàng ngồi xe ngựa đến Tuyên Dương phường, nơi tiếp giáp với chợ Đông, đi qua một ngả tư mới giảm dần tốc độ trước một phủ đệ có quy mô khá lớn, Lưu Ly nhìn ra ngoài chỉ thấy bức hoành trước cửa viết mấy chữ "Phủ Ứng Quốc Công", cửa lớn đóng kín, có mấy gia nô đứng hai bên.
Xe ngựa vẫn chưa dừng hẳn mà men theo tường ngoài của phủ đệ đi thẳng tới cửa nhỏ phía đông bắc, phu xe mới xuống ngựa, tỳ nữ đến đón Lưu Ly cười nói: "Cửa này gần viện của phu nhân hơn."
Tỳ nữ này vốn là hầu hạ bên người Võ phu nhân, Lưu Ly cũng quen nàng ta, nhìn thấy nàng ta hình như hơi gượng liền cười nói: "Vừa hay, thời tiết này đi xa mới là chịu khổ đấy."
Tỳ nữ kia cũng cười, nhiệt tình đưa Lưu Ly vào trong.
Từ cửa nhỏ đi vào, được mấy bước đã thấy một hồ nước, lấy đá xanh làm bờ, hai bên liễu rũ, phía đông hồ nước là một mảng hoa sen trắng, duyên dáng yêu kiều, mùi hương thoang thoảng.
Tỳ nữ kia thấy Lưu Ly nhìn liền cười nói: "Hoa sen trắng này là giống quý, chẳng có mấy nhà ở ngoài cung có được đâu."
Chẳng phải chỉ là hoa sen trắng thôi sao? Chẳng lẽ vào thời này cũng được xem là cống phẩm báu vật? Lưu Ly trong lòng bất bình nhưng cũng không tiện mở miệng hỏi, chỉ đành lặng lẽ cùng nàng ta men theo con đường đá xanh bên cạnh hồ đi tiếp về phía tây, tới một đình hóng mát thì rẽ về phía nam, lại đi chừng một khắc nữa mới nhìn thấy một viện không quá nổi bật.
Tiến vào trong mới biết viện này được làm theo bố cục của tứ hợp viện, sương phòng hai bên, chính giữa là năm gian phòng nhỏ là phòng chính, hiên to nóc chạm khắc, cũng xem như tinh tế.
Tỳ nữ bảo Lưu Ly ở ngoài chờ, còn nàng ta thì vào trong thông báo, lát sau đi ra cười nói: "Cô Cả mau vào đi, phu nhân nhà ta đợi cô lâu lắm rồi."
Lưu Ly theo sau nàng ta vào trong, trực tiếp vén mành gian phòng phía tây, nhìn thấy chính giữa phòng là tháp hoa chấm đất, ba mặt tháp đều có tráp bình, lại còn treo mấy tấm vải sa màu hồng nhẹ nhàng như sương mù, nhìn qua cứ nhu một tòa sa đình, Võ phu nhân chỉ mặc một chiếc váy quây ngực, bên ngoài khoác áo sa mỏng, để lộ rõ nước da trắng như tuyết, lười biếng nửa nằm nửa ngồi trên tháp, nhìn thấy Lưu Ly thì vẫy tay cười nói: "Mau đến đây ngồi."
Lưu Ly thầm khen một câu, hay cho một bức hải đường ngủ xuân! Nàng cười đi đến, tìm một nơi cách nàng ta không gần cũng không xa ngồi xuống.
Trên mặt tháp này khắc hình trúc xanh tinh tế, sờ vào lành lạnh, các góc còn có những chậu ngọc được nặn thành hình hoa sen, bên trong đặt mấy viên nước đá lớn, khiến cho nhiệt độ bên trong trướng thấp hơn hai độ so với bên ngoài.
Võ phu nhân cười nói: "Vốn muốn đến chợ Tây tìm cô, nhưng ta sợ nhất là nóng, mấy ngày nay lại nóng quá chừng, chỉ đành phiền cô đến đây một chuyến, trên đường đi có nóng lắm không?"
Lưu Ly lắc đầu cười nói: "Không nóng." Thật ra nếu nói là nóng, Trường An hơn ngàn năm trước này vẫn chưa được tính là nóng, đối với một người có thể kiên cường sống dưới cái nóng bốn mươi độ của Tràng Sa hàng năm như Lưu Ly thì sự tàn khốc của mùa hạ này vẫn chưa là gì cả, hơn nữa thể chất của nàng bây giờ hình như cũng không sợ nóng, chỉ cần là ngồi yên trong phòng thì cũng không đổ mồ hôi.
Võ phu nhân thấy Lưu Ly vẫn mặc váy dài màu trắng như trước, cổ áo thắt chặt mà trên mặt không có lấy giọt mồ hôi, ngưỡng mộ than thở hai tiếng, mới nhớ đến chủ đề chính của hôm nay, vội vàng gọi người mang mấy chiếc áo mới đến.
Nhìn thấy mấy bộ y phục, miệng của Lưu Ly không nhịn được hơi nhếch lên.
Sau khi đồng ý thuê mẫu hoa cho xiêm y của Tắc Thiên nữ đế tương lai, nàng bỗng phát hiện đây cũng là một cơ hội tốt.
Tuy nàng cũng không dám đi theo xu hướng tân thời như mẫu hoa mẫu đơn đợt trước nữa, nhưng vẫn có thể làm ra quần áo dựa theo những tưởng tượng của mình về trang phục thời Đường.
Còn lúc này, Đại Đường hoa phục nghê thường nổi tiếng đang ở sờ sờ ngay trước mặt nàng: Sáu tấm lụa màu ngọc bích ghép thành váy lá sen, còn kia chính là váy thạch lựu bươm bướm bằng gấm thuê hoa hồng và chỉ vàng, lại còn có váy màu ngà bằng lụa Việt Châu