Thứ sáu, ngày cuối cùng của tuần này, buổi chiều tan học sớm, trường học trống trơn.
Hầu Quý Bình ngồi một mình ở cửa lớp học, tay cầm một quyển sách, lòng u ám trĩu nặng.
Sau khi biết Cát Lệ vì có bầu sinh con phải thôi học, cậu đã tìm hiểu tình hình qua nhiều người, các giáo viên trong trường làng dường như không quan tâm lắm đến sự việc này, họ nói là trong vùng thường xuyên có các cô gái chưa đến tuổi thành niên lấy chồng, sinh con, rất bình thường. Theo họ, chỉ có gϊếŧ người đốt nhà mới là phạm tội, mới phải vào tù, một cô bé hơn mười tuổi có bầu, sinh con, chỉ cần cô bé không nói là mình bị cưỡng bức, thì chả có gì là ghê gớm, cuối cùng phía kia hoặc là cưới cô bé, hoặc là bồi thường tiền. Ở môi trường như vậy, Hầu Quý Bình rất khó phổ biến cho họ điều luật hình sự đối với trẻ mới mười bốn tuổi này.
Sự việc này cuối cùng nên xử lí thế nào, cậu vẫn cần hỏi ý kiến của Cát Lệ.
Trời dần chuyển sắc hoàng hôn, cậu gấp sách quay vào lớp học, phát hiện thấy Ông Mĩ Hương, cô bé rất cao ở dãy bàn cuối cùng vẫn còn ngồi ở đó.
Ông Mĩ Hương là học sinh nữ cao nhất trong lớp, mặt trái xoan, trông rất thanh tú xinh xắn, có thể dự đoán được mấy năm nữa sẽ trở thành một mĩ nữ. Cô bé dậy thì sớm, bây giờ ngực đã nhú lên, bắt đầu có đường cong, nhìn chung các cô bé ở lứa tuổi này thường cảm thấy ngại ngùng trước sự thay đổi của cơ thể, nên cô bé đi đường lúc nào cũng khom lưng, để phần ngực nhô lên không hiện rõ.
Sau khi tiếp xúc mấy tháng, Hầu Quý Bình đã sơ bộ hiểu được tình hình gia cảnh của học sinh.
Ông Mĩ Hương cũng như Cát Lệ, bố mẹ không rõ vì sao đều không còn nữa, trở thành trẻ mồ côi, sống cùng với ông bà. Ở nông thôn có rất nhiều những đứa trẻ như vậy, tính cách hầu hết đều hướng nội, ít nói, nói chuyện lúc nào cũng nhỏ nhẹ.
Lúc này, trong tay cô bé đang cầm một mẩu bút chì ngắn, trông rất nghiêm túc, đang viết gì đó kiểu như nhật kí. Thấy thầy giáo bước vào, cô bé ngẩng đầu lên nhìn một cái, rồi lại cúi đầu xuống, mặt không biểu lộ cảm xúc, tiếp tục viết.
Hầu Quý Bình đóng một ô cửa sổ lại, quay đầu giục: "Ông Mĩ Hương, em vẫn chưa về nhà à?"
"À... em muốn ở lớp làm bài."
Hầu Quý Bình lại đóng tiếp một ô cửa sổ khác: "Thầy phải khoá cửa đây, em về nhà làm bài nhé, muộn rồi, một lúc nữa là trời tối rồi đấy, cuối tuần đừng ở trường nữa, về nhà với ông bà đi."
Ông Mĩ Hương nghe lời, chậm chạp cất sách bút vào ba lô, chậm chạp đứng lên, như thể cố tình để mỗi động tác đều thật chậm.
Hầu Quý Bình đóng ô cửa sổ cuối cùng lại, thấy cô bé vẫn ở nguyên tại chỗ, cậu nhìn ra cửa bảo: "Đi nào."
Hôm nay phản ứng của Ông Mĩ Hương rất chậm chạp, cô bé đứng dậy, vẫn rất chậm rãi, sau đó khoác chiếc ba lô nhỏ bằng vải lên, cúi đầu khom lưng, chậm rãi dịch bước ra cửa lớp.
Hầu Quý Bình khoá cửa cẩn thận rồi hỏi Ông Mĩ Hương đang đứng bên cạnh: "Cuối tuần rồi, sao em không về nhà sớm đi? Ông bà chắc là nhớ em rồi đấy."
Ông Mĩ Hương cúi đầu nói: "Em... tuần này em không về nhà."
"Tại sao?"
"Dạ... Em muốn ở trường."
Hầu Quý Bình ghé sát tới trước mặt cô bé, đột ngột nở một nụ cười như một người anh lớn rất hiểu em, nhưng lập tức nghĩ với một cô bé, vẻ mặt như vậy có lẽ không lịch sự lắm, cậu vội đứng dậy, ho một tiếng, bảo: "Có phải là em cãi nhau với ông bà không?"
"Không phải, không phải." Ông Mĩ Hương tránh ánh mắt của cậu. "Tuần này ông bà em rất bận, em không muốn thêm phiền hà cho ông bà."
Hầu Quý Bình mỉm cười: "Thôi được, thế thì tuần sau em nhớ phải về nhà nhé, thầy tin em là một cô bé hiểu chuyện, không làm người lớn lo lắng."
Ông Mĩ Hương khẽ gật đầu, cùng cậu đi ra khỏi trường, lúc sắp đến cổng trường, Ông Mĩ Hương bỗng dừng lại, ngập ngừng muốn nói gì đó, một lát sau mới lấy can đảm hỏi: "Thầy ơi, tối nay thầy ăn gì?"
"Thầy lên thị trấn ăn, em thế nào?"
"Em... em không biết, thầy ơi, em có thể..."
"Tất nhiên là không sao, thầy dẫn em đi ăn." Hầu Quý Bình đoán được suy nghĩ và ví tiền ít ỏi của cô bé, vui vẻ đồng ý ngay.
"Cảm ơn thầy!"