Hoang sơ khung cảnh cô liêu
Xuất sơn hạ trấn tiêu trừ ác ma
Tuy bên ngoài Phi Yến làm mặt tỉnh và khiêu khích Tiểu Tường chứ thật ra trong lòng Phi Yến buồn vô hạn. Từ ngày Phi Nhi bận biên soạn Văn Vận Phủ, Phi Yến cô đơn lắm, không còn ai vui đùa với nàng nữa, mỗi chiều nàng đều xuống núi dạo chơi trong trấn.
Có một hôm Phi Yến đi ngang qua quán rượu mà lần đầu nàng gặp Cửu Dương, trong lòng bồi hồi, định bụng vào mua vài cân mang về tặng chàng, ngờ đâu mới xế chiều quán đã đóng kín cửa. Phi Yến thấy là lạ, không nén được, lập tức gõ cửa. Từ bên trong có giọng đàn ông vọng ra:
- Quán hôm nay đóng cửa, đã có thông báo phía trước. Quý khách vui lòng tìm nơi khác!
- Tôi không phải khách dùng bữa, chỉ muốn vào hỏi thăm một việc.
Có tiếng động kèn kẹt, cánh cửa quán mở he hé, một người đàn ông trạc tứ tuần ló đầu ra nhìn, vẻ sợ sệt. Phi Yến chắp tay chào:
- Chào ông chủ! Xin thứ lỗi cho tôi đường đột.
Chủ quán là Tứ Bình nhớ ra nàng, người mà đêm đó đã mang đến cho y rất nhiều mối rượu, vội vái chào lại:
- Hóa ra là cô nương, không dám, chẳng hay cô có việc gì muốn hỏi tôi?
Phi Yến chưa đáp vội mà đưa cặp mắt liếc nhìn vào trong, thấy trong nhà trang hoàng hoa đèn, dán đầy giấy hoa văn màu đỏ, hình long phụng rực rỡ. Song ở góc phòng có một cô gái trẻ trạc mười lăm mười sáu ngồi ủ rũ, khuôn mặt khá xinh xắn, nàng khoác y phục màu thanh thiên viền trắng đang ngồi trên trường kỷ cắt mảnh giấy có in chữ “hỉ” ra thành bốn miếng. Phi Yến ngần ngại nói:
- Chẳng dám nào, nếu ông chủ không trách là tôi đây quá tò mò xin cho hỏi quán có hỉ sự mà tại sao lệnh ái dường như không được vui cho lắm, còn cắt nát tờ giấy hỉ đó?
Cô gái nghe nói, chừng như động mối thương tâm, lại oà lên khóc nức nở, ném cái kéo và mấy tấm giấy xuống đất. Tứ Bình mời Phi Yến vào nhà, thở dài:
- Hai chị em cô là khách đặc biệt của quán tôi nên chẳng giấu gì cô, sáng mai là ngày xuất giá của tệ nữ - Tứ Bình cúi mặt buồn rầu - Nhưng sự thực là tệ nữ bị ép buộc phải về làm thê thiếp, thật đáng xấu hổ cho kẻ làm cha, có hai cánh tay này mà đành bất lực nhìn con bị đưa vào chỗ chết!
Phi Yến nổi giận xung thiên, đôi mày liễu cau lại:
- Kẻ nào ngang ngược, dám cưỡng hôn con gái nhà lành, họ là quan chức hay dân thường vậy?
- Đến quan quyền tỉnh này còn phải sợ, không dám đụng đến hắn. Hắn chính là đại thủ lĩnh của bọn cướp Lãnh Hải Sơn, biệt hiệu là Châu Tân Trình.
Lãnh Hải là ngọn núi nhỏ cách chợ Hồ Lô chừng vài dặm.
- Chẳng lẽ quan quân cũng chịu thua, không dám ra tay trừ diệt bọn sơn tặc này sao?
Tứ Bình lắc đầu, cười khinh miệt:
- Quan quân thời nay chỉ biết ăn của đút, sợ giặc như cọp, xem dân như thù, đâu tha thiết gì đến trị an vỗ về dân thứ. Vả lại, sào huyệt chúng trên núi rất kiên cố, giăng nhiều cạm bẫy. Mỗi lần bị đuổi đánh chúng rút về núi là an toàn, quan quân không sao tấn công vào được. Chờ quan quân đi rồi lại hoành hành như cũ.
Phi Yến lắng nghe chủ quán nói, xen lẫn đó là tiếng khóc rấm rứt với những lời than thở khe khẽ của một phụ nhân cũng khoảng bốn mươi mấy tuổi. Bà có nét rất giống chủ quán, Phi Yến nhớ cái này người ta hay nói là có tướng phu thê. Bà mặc y phục màu nâu sậm viền đen, quần đen, cất tiếng than:
- Đông Mai, con gái khổ mạng của mẹ, con đừng khóc nữa!
Phi Yến nhìn Tứ Bình phu nhân, nói:
- Chừng nào chúng đến bắt người?
- Ba ngày trước – Tứ Bình phu nhân đáp - Chúng đã đem ít vật dụng đồ cưới và trang phục cô dâu đến, hẹn sáng mai bình minh lên sẽ mang kiệu lại rước dâu. Chúng nói