Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Bắc quan đại nhân (thượng)


trước sau

Ép người cô khổ vào đường tử

Hiệp hành trượng nghĩa phá vô minh

Lại nói đến Hàng Châu.  Một nam nhân mặc thường phục màu bạch kim bước ra từ cổng Đông Hải của Hắc Viện học xá.  Cửa chính đã bị niêm phong bằng hai miếng giấy vàng dán chéo nhau với chữ “cấm” màu đỏ, và như vậy dường như còn chưa đủ để cảnh báo những kẻ không liên quan nên tránh xa Hắc Viện, thêm mười hai người lính cầm huyết đương thương sáng loáng đứng canh giữ hai bên cửa chính trường học.

Nam nhân vận y phục bạch kim đặt chân lên lối sỏi đi dọc theo Tây hồ hướng tới chợ Đông Ba.  Tây hồ yên bình không như sông Vĩnh Định mà chàng quen, hai bên bờ hồ trồng nhiều liễu hơn.  Mùa này những cây liễu hoàn toàn trơ xương, không một chiếc lá, những cành liễu nghiêng theo gió đông đang thổi.

Bấy giờ là mùa đông mà đường sá Hàng Châu vẫn đông người qua lại.  Nam nhân vận y phục bạch kim hòa theo dòng người đi ngang một kỹ viện, nhóm kỹ nữ đang ngồi bên ô cửa sổ vẫy gọi khách phong trần chợt ngừng tay lại, sau một thoáng im lặng, họ mau chóng lấy lại thái độ niềm nở.  

Nhóm kỹ nữ tranh nhau gọi nhưng Tế Độ đi thẳng.

Tối nay, Tế Độ vận trường bào bạch kim, lưng thắt đai đen, hoàn toàn không đính ngọc bội trên đai lưng, lối ăn mặc giản dị nhưng trông chàng vẫn không kém phần thu hút bởi diện mạo vô cùng lôi cuốn.  Thân hình Tế Độ không thiếu dũng mãnh, khuyết điểm duy nhất ở chàng chính là gương mặt nghiêm nghị, khiến chàng trông như một tấm bài vị biết đi.

Tế Độ trờ tới trước cửa một quán ăn, nghe từ trên lầu vọng xuống tiếng phỉ nhổ, một miếng thịt heo bay xuống nằm trên mặt đường.

Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó thấy miếng thịt nằm chỏng chơ, xô đến nhặt.  Mắt hai đứa sáng rực, dán chặt vào phần da phồng lên giòn rụm.  Đứa nhỏ hơn thấy thức ăn lấm láp, nuốt nước miếng nói:

- Ca à, ca thổi sạch rồi mình ăn ha?

Đứa lớn phùng má thổi, bụi đường đã dính trên miếng thịt chẳng chịu đi cho.  Đứa nhỏ sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp, chính cái miệng háu đói của nó chạm vào làm miếng thịt rơi tõm xuống vũng nước bùn đen kịt.

- Ai biểu ca thổi chi cho mạnh – Đứa nhỏ thút thít.

- Ừa.  Tại ca!  Nhưng mỡ còn dính tay, cho đệ ba ngón, ca chỉ liếm hai ngón thôi!

Tế Độ đứng nhìn hai đứa trẻ sinh ra trong thiếu thốn mà luôn biết yêu thương nhau vì chúng biết rằng chúng cần phải học cách chia sẻ để cùng nhau tồn tại.

Trên lầu có tiếng phân trần:

- Xin các vị quan khách thông cảm cho tệ quán, hôm qua ông chủ Đới làm tiệc thọ đã dùng hết cả đồ ăn ngon trong tất cả các quán tỉnh Hàng Châu này, chỉ còn bấy nhiêu thôi.

Đới Thế Xuân là chủ hãng tơ lụa Tây Xuân nằm phía Tây thành Hàng Châu, ở miền Nam hãng lụa này là lớn nhất.  Ba đời họ Đới đều rất giàu có, địa vị ở Hàng Châu đương nhiên vì vậy rất đáng nể.  Tiểu nhị nhắc tới họ Đới chỉ mong được những người khách thông cảm.

Nhưng người ném miếng thịt xuống lầu là Triệu Phật Tiêu.  Triệu đô thống ở miền Bắc mới tới đóng quân bên ngoài Hàng Châu, tuy đang mặc dân phục nhưng cũng là gấm vóc thượng hạng, lại chơi sang bao cả quán ăn, nên tiểu nhị không biết phải làm sao để làm dịu lòng họ Triệu, bèn nhắc tới ông chủ Đới.

Triệu Phật Tiêu năm nay khoảng hăm bốn hăm lăm tuổi, mặt họ Triệu chữ nhật, mũi to và hếch lên trên, tuy còn trẻ nhưng cơ nhíu lông mày phát triển, đuôi mắt, khóe miệng Triệu Phật Tiêu đều có nếp nhăn.  Họ Triệu không phải người bản xứ, nhưng cũng có nghe qua nhân vật tên là Đới Thế Xuân này.  Họ Đới chuyên dùng vàng bạc móc nối nên quen biết rất nhiều các quan viên trong triều.  Triệu Phật Tiêu biết mà vẫn không kiêng dè, đưa tay đập xuống bàn đánh một cái rầm, bởi người Triệu Phật Tiêu quen còn có thế lực hơn họ Đới!

Ngụy Tượng Xu và Chu Xương Tô ngồi cùng bàn với Triệu Phật Tiêu.  Ngụy Tượng Xu và Chu Xương Tô thấy Triệu Phật Tiêu chê lên chê xuống thì dùng đũa gắp một cọng rau xào và một tai nấm còn bé hơn cả cái móng tay lên nếm thử, cũng nhăn mặt.

Triệu Phật Tiêu được thể đập bàn thêm một cái nữa, quát lớn:

- Ta không cần biết!  Ông mau cho người đi đến nhà tên Đới lấy nguyên liệu hảo hạng mang về đây!

Hai bên đều là khách giàu sang phú quý, tiểu nhị đưa tay vò đầu không biết đối đáp thế nào, xui là tối nay chưởng quầy có việc phải về nhà.  Tiểu nhị cứ đứng đó, không làm theo lời Triệu Phật Tiêu.  

Trương Dũng ngồi bên Ngụy Tượng Xu, cũng vận thường phục, lại không có lính theo hộ vệ nên không ai biết phó tướng Mai lặc Chương Kinh chính là chàng.  Trương Dũng thấy Triệu Phật Tiêu giận dữ, e Triệu Phật Tiêu sẽ đả thương tiểu nhị, bèn ngoắt tiểu nhị lại nói:

- Còn không mau cho người đến nhà họ Đới lấy nguyên liệu hảo hạng mang về đây để đầu bếp chế biến cho chủ nhân ta ăn?  Mau đi, chủ nhân ta sắp đến dùng bữa ở đây, những thứ thô thiển này làm sao chủ nhân ta ăn được?

Trương Dũng dứt lời Tế Độ đi đến chân cầu thang định lên lầu, chợt có tiếng một ông lão:

- Vậy mới nói, là người giàu sang không biết cái khổ của người nghèo khó.  Tên tiểu nhị nhìn không ra chứ ta dám chắc mấy người trên lầu là bọn cẩu nô tài của tam mệnh đại thần, mới không cả nể ông chủ Đới.  Bá tánh khắp thiên hạ đang bị đói không biết mấy ngàn mấy vạn.  Những người lo việc triều chính như bọn chúng có bao giờ nghĩ đến cái khổ của dân đâu.  Phải ta có phép thần thông, sẽ nhốt mấy tên quan chó của tam mệnh đại thần vào trong rọ ngay, bỏ chúng đói mốc đói meo, để chúng hiểu được cái cảnh đói đến bụng teo tóp dính sát vào xương sống nó khổ sở như thế nào.

- Ông nói chí phải - Tiếng một lão già khác tiếp - Người ta thì đói hết tháng này qua tháng nọ, từ năm này qua năm nọ, có người suốt đời không một bữa no.  Bọn chúng chỉ ăn thức ăn đạm bạc chút thôi, có chi đáng kể.

- Đúng vậy, anh em ta hồi nhỏ đã có lần phải ăn rễ cỏ lá cây liền hai tháng.  Đám quan lại bề thế kia, có muốn thử một lần không?

Tế Độ nhìn hai ông lão viết chữ thư pháp, một người đang dựng lều, người kia đang bày tranh ra bán. Hai lão xuất thân con nhà nghèo khổ.  Nhắc đến chuyện đói bụng, ai cũng nhớ lại những chuyện quá khứ, tất cả đều bốc lửa giận lên.  Tế Độ nghe hai ông lão thay phiên nhau nói mỗi người một câu.  Dầu là hai người nói rất nhỏ tiếng, chỗ Tế Độ đứng cũng khá xa nhưng tai người tập võ nghe rất thính, huống gì võ công của Tế Độ rất cao, những gì hai ông lão đó nói chàng nghe không thoát một chữ.

Tế Độ bước vội lên lầu ngồi vào chiếc ghế bên cạnh Trương Dũng nói:

- Mấy món này đủ cả màu sắc hương vị, không thể gọi là thô thiển được!

Nói xong, Tế Độ đưa đũa ra gắp ngay.

Ngụy Tượng Xu ngồi cạnh, đưa đũa ra cản rồi nhỏ tiếng nói:

- Những thứ thô thiển này chủ nhân không nên ăn, dễ bị đau bụng lắm.  Lại nữa trong mình ngài còn đang bị thương.

Nhưng Định Viễn đại tướng quân không xa hoa như tam mệnh đại thần, dầu mang họ Ái Tân Giác La, thân phận vô cùng cao quý, nhưng từ nhỏ Tế Độ theo Long Thiên Hổ nên có lối sống bình dị, hơn nữa những lần viễn chinh, chàng đều phải hành quân rất xa, đã quen ăn những thứ chế biến sẵn rồi mang đi phơi khô, nên không câu nệ hương vị ra làm sao.  Trong quân ngũ thường thì người ta ăn là để mà lấy sức đánh trận nên cứ nghĩ hễ có đồ ăn thức uống đã là quá tốt!

Cho nên Ngụy Tượng Xu vừa nói xong, Tế Độ gắp một cọng cải bỏ vào miệng ăn ngon lành, sau đó còn khen và bảo tiểu nhị lui xuống lầu gọi hai đứa trẻ lên.

Hai đứa trẻ đều có vầng trán thấp, ấn đường bị lông mày che khuất và lông mày hỗn loạn, mắt nhỏ, sống mũi lộ xương, khóe miệng trễ xuống.  Chúng là dân làm nông ở Cam Túc chạy nạn Hoàng Hà đến Hàng Châu, cha mẹ chúng đang làm thuê đâu đó trong chợ Đông Ba.  Trước nay thân thể tụi nó khỏe mạnh, ăn uống như hùm.  Chúng đã hai ngày hai đêm không có gì bỏ bụng rồi, da bụng đã dán sát vào xương sống như hai ông lão thư pháp đã nói, làm sao mà nhẫn nại thêm nữa?  Chúng đợi những kẻ nam nhân trông rất giàu có này cho phép ngồi xuống ghế là lập tức múa đũa như bay, nhanh gấp mười lần học sinh của Hắc Viện múa bút làm thơ, chỉ trong chốc lát đã ăn sạch sẽ bốn món đồ chiên xào trên bàn, ngay cả bát canh rau dền hầm với sườn heo cũng húp cạn đến trơ đáy chén.

Tế Độ không đói, vả lại trong mình cũng không được khỏe nên chỉ gắp mỗi đĩa tí xíu, múc một muỗng canh rồi buông đũa, ngồi mỉm cười nhìn hai đứa trẻ ăn như rồng càn qua mâm.

Tế Độ có dung mạo nghiêm nghị lạnh lùng, trên mặt ánh lên những đường nét chính trực, nhưng khi cười chàng có nụ cười như tỏa nắng.

Bọn nhóc ăn xong, thấy người dễ chịu khôn tả.  Tế Độ xoa đầu hai đứa trẻ, rồi bưng chén trà Long Tĩnh màu xanh bích lên uống chậm rãi.  Hai đứa trẻ đứng dậy định quỳ bái chào, Tế Độ ngăn lại, còn bảo Triệu Phật Tiêu đi gọi thêm năm phần bánh bao và hai phần thịt heo quay cho chúng gói mang về.

Trong khi chờ đợi, đứa nhỏ nhìn dòng người lũ lượt mua sắm quần áo giày dép.  Tuy rằng ở Cam Túc và Chiết Giang lũ lụt làm tổn thất mùa màng nhưng ở Hàng Châu vẫn còn

yên bình nên phố chợ vẫn vô cùng đông vui náo nhiệt.  Cứ hễ chiều xuống là người các làng Tân Giang, Dư Hàng ra bán vải the, người Tiêu Sơn bán lụa đũi.  Ngoài ra còn có gấm vóc của người làng Lâm An, lĩnh của người làng Phú Dương.  The lụa đũi vẫn còn để mộc, những người ở Kiến Đức và Đồng Lư đến nhận về nhuộm thâm.  Những người ở huyện Thuần An thì nhận về nhuộm màu hay chuội trắng.  Những người thợ cửi ở Củng Thự ra Thượng Thành bán xong hàng, lại tìm mua tơ của các nhà buôn ở Hạ Thành để làm hàng cho phiên chợ sau.

Trước cửa hiệu vải Tây Xương tiếng huyên náo truyền đến tai đứa nhỏ, nó liền dời mắt nhìn đám đông đang xúm xít quanh một khoảng đất rộng trước tiệm vải.  Thì ra người ta đang nhìn đoàn múa lân, mặc đồ đỏ vàng trước tiệm Tây Xương, ông chủ tiệm ôm quyền cúi chào các khách nhân, đoàn lân này là do ông mời đến múa khai trương chi nhánh mới.

Đứa nhỏ chăm chú nhìn đoàn lân người cầm trống người cầm thanh la, rồi não bạt, chờ giờ lành chuẩn bị biểu diễn.  Ở giữa mấy người cầm phụ kiện này là hai con lân vàng và đỏ, mỗi con có hai người nâng. Người ta thích thú chỉ chỉ trỏ trỏ, đầu lân chế tạo rất công phu, bằng giấy bồi cứng, lông gắn rậm rạp, sơn phết đẹp đẽ.  Lân đỏ có sừng được buộc mảnh vải cũng màu đỏ, lân vàng không có sừng.  Thân của lân là tấm vải dài khoảng năm sải tay, rộng một sải, có nhiều miếng vải nhỏ giả làm vảy rồng, nhiều màu sắc.  Con lân vì vậy có cái đầu khá to và cái mình khá dài, điều này giúp cho lân có vẻ linh động uyển chuyển khi múa.  Trên trán lân gắn một miếng kính tròn nhỏ.

Đứa nhỏ không nén được tò mò, hỏi anh:

- Ca ơi, sao lân có con có sừng, có con lại không nhỉ?

Thằng anh không biết, quay sang Trương Dũng.

Trương Dũng đáp:

- Lân đực có sừng, lân cái không có.

Đứa nhỏ à lên tỏ vẻ hiểu, rồi hỏi tiếp:

- Thế huynh có biết nguồn gốc múa lân không?  Ý nghĩa của trò này không biết có sự tích gì huynh kể cho đệ nghe đi?

Trương Dũng không biết, nhưng không quay sang ba người Chu, Triệu, Ngụy vì biết họ cũng không biết nốt.  Trương Dũng quay sang nhờ Tế Độ kể sự tích về nguồn gốc múa lân.  Tế Độ nói:

- Nguồn gốc của trò múa lân này có rất nhiều truyền thuyết khác nhau.

Tế Độ sắp xếp lại lời của Võ Ma đã kể cho chàng nghe khi chàng còn nhỏ, sau đó nói:

- Người ta kể, rằng thời xa xưa có một loài quái thú từ dưới biển Đông lên gây tai họa cho loài người.  Di Lặc Bồ Tát dùng cỏ linh chi hái trên núi Côn Lôn hóa thân làm ông Địa, dụ con vật ấy, tức là con lân, ăn cỏ.  Từ đấy nó được thuần phục, chỉ ăn chay, trở nên hiền lành, và theo Bồ Tát về trời tu luyện.  Hàng năm, vào mùa Tết, ông Địa dẫn lân giáng trần ban phước lộc cho nhân gian.  Dựa vào tích này người ta dựng lại cảnh múa lân trong các dịp lễ và tin tưởng là làm như thế thì vẫn được Bồ Tát giáng phúc lành như lúc trước.  Vì thế khi lân đến nhà múa, lủng lẳng dưới sợi dây cột tiền chủ nhà còn treo thêm rau cải giả làm cỏ linh chi như trong tích cũ.

Tế Độ nói xong, đứa nhỏ nói:

- Vậy còn truyền thuyết khác?

- Theo sự tích khác thì ngày xưa có năm trời làm thiên tai dịch tả, người chết như rạ, có một vị lương y lên ngọn Côn Lôn tìm thất diệp nhất chi hoa tức cỏ linh chi là loài thuốc quí.  Nhưng thuốc này do một con quái thú canh giữ, ông phải dùng mẹo làm thân với nó mới hái được cỏ.  Cỏ có bảy lá, ông ta ăn một lá, con quái thú ăn một lá, cả hai nhờ thế được trường sinh.  Ông dùng năm lá còn lại luyện thành thuốc rồi rủ con thú đó cùng xuống núi để cứu mọi người thoát khỏi dịch bệnh.  Sau đó hai người cùng nhau về trời.

- Vậy thì thầy thuốc đó là ông Địa sao?  Còn con thú là con lân?

Đứa nhỏ tròn mắt nói.

Tế Độ gật:

- Ừ, cũng có thuyết nữa, cho rằng vào thuở khai thiên lập địa, có một con thú ăn thịt người, cứ vào ngày tết hàng năm thì xuất hiện gieo rắc tai họa làm mọi người khiếp hãi.  Ngày nọ, Đức Di Lặc hiện thân ra tay giúp dân trừ ác thú.  Phật hiện thân thành một người mập mạp, bụng to, tay cầm chiếc quạt thần phất lên xua đuổi thú.  Đồng thời bảo các đệ tử của Phật gióng trống khua chiêng ầm ĩ phụ họa để áp đảo tinh thần khiến con thú khiếp sợ nên bỏ chạy.  Con thú đó là con lân, người bụng phệ là ông Địa, các đệ tử nay là nhóm người đánh trống, thanh la.

Đứa nhỏ reo lên:

- Hay nhỉ?  Nhưng sao sừng con lân kia lại buộc vải đỏ?

Tế Độ nói:

- Thuyết thứ nhì có nhắc đến việc này, đấy là do có lần lân phạm tội bất kính với Ngọc Hoàng, ngài giận dữ, nên trừng phạt lân bằng cách hạ lệnh cho Nhị Lang Thần dùng tam tiên đao chẻ chiếc sừng là nơi chứa đựng sinh lực của lân ra làm hai khiến nó chết đi.  Vị lương y nọ đến cầu xin Thánh Mẫu.  Thánh Mẫu thương xót lân có công cứu chữa dịch bệnh bèn dùng loại lá thuốc màu đỏ có phép tiên cột chiếc sừng dính lại, rồi đọc thần chú triệu hồn lân về, nhờ đó mà lân hoàn sinh.

Hai đứa bé xuýt xoa:

- Ngọc Hoàng thượng đế ác nhỉ?

- May mà nhờ có Thánh Mẫu nương nương nhân từ!

Rồi hai đứa nhìn thấy một vật trên đầu lân, vội hỏi:

- Ô kìa, trên trán lân có mảnh gì nhoáng thế?

- Có phải là con mắt thứ ba như của Nhị Lang Thần không hở huynh?

Tế Độ lại đáp:.

||||| Truyện đề cử: Trẫm Mang Thai Con Của Nhiếp Chính Vương |||||

- Không hẳn, đấy chỉ là mảnh gương con gắn trên trán lân.  Người ta tin rằng nó sẽ làm cho ma quỷ hoảng sợ khi nhìn thấy hình ảnh của chính chúng bị phản chiếu trong gương.

Tiếng trống nổi thùng thùng, đứa nhỏ thấy cuộc biểu diễn bắt đầu, không hỏi nữa, đứa lớn hỏi:

- Quái, sao chỉ có lân đỏ múa còn lân vàng kia đứng yên một bên nhỉ?

Tế Độ nói:

- Đấy là cách “Độc chiếm ngao đầu.’’ Theo vũ đạo này thì chỉ có một con lân biểu diễn độc đấu với bộ pháp hùng dũng, tiến thoái nhịp nhàng, nhảy cao, trèo giỏi thể hiện cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán anh hùng tả xung hữu đột giữa vòng vây giống như viên hổ tướng nhà Thục Hán là Triệu Tử Long phò ấu chúa ở trận Đương Dương Trường Bản.

Khi lân dứt bài múa, cúi chào mọi người, tiếng vỗ tay khen ngợi vang như sấm.  Hai đứa bé cũng nhảy cỡn lên reo hò khen hay.  Sau đó lân vàng từ từ bước ra nhập cuộc.  Hai con lân vờn quanh nhau có vẻ tươi vui, quyến luyến, thể hiện sự hòa hợp, nghĩa tình.

Tế Độ giải thích với đứa lớn:

- Đấy là điệu múa “Song hỉ,” đôi lân cùng nhau song vũ.  

- Đệ thích điệu múa này nhất! – Đứa lớn nói.

- Điệu múa này tượng trưng cho niềm hân hoan khoan khoái - Tế Độ nói - Tâm đầu ý hợp như loan phụng, như vợ chồng, như đất trời và âm dương tương hợp.

- Thế còn điệu vũ nào khác chăng? – Đứa lớn tiếp.

- Còn có điệu “Tam Tinh,” ba con lân cùng múa, thể hiện ước nguyện của muôn người để đạt ba điều lành là Phúc, Lộc, Thọ.  Hoặc cũng để diễn tả truyện Đào Viên kết nghĩa của ba người tướng tài Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi với tình thương yêu gắn bó nhau hơn cả anh em ruột thịt.

- Thế có khi nào bốn con lân cùng múa?

- Có, nếu bốn lân thì là “Tứ Quý hưng long,” gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen, tượng trưng cho bốn mùa xuân hạ thu đông, hoặc bốn phương Đông Tây Nam Bắc, hay bốn hiện tượng trong trời đất diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Trương Dũng, Ngụy Tượng Xu, Chu Xương Tô và Triệu Phật Tiêu đã quá quen với bầu trí tuệ uyên bác của Tế Độ, nhưng hai đứa trẻ thì nhìn Tế Độ bằng ánh mắt thán phục.  Hai đứa nói:

- Kiến thức của huynh thực là quảng bác!

- Ước gì bọn đệ có thể được đi cùng huynh, trí não sẽ mở mang ra nhiều hơn!

Tế Độ nghe nói vậy xoa đầu hai đứa trẻ và mỉm cười.  Hai đứa thấy nụ cười tỏa nắng của Tế Độ, cảm giác trong lòng ấm áp khó mà diễn tả.

(còn tiếp)


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện