Chiều ngày hôm sau Cửu Dương truyền nội công vào thân thể Tôn Hứa Khải để ép chất độc ra ngoài. Cùng lúc, nữ thần y dùng kim châm đả các huyệt thái dương, bách hội, nhân trung, nhĩ môn và giáp xa, điều khí chạy khắp cơ thể Tôn Hứa Khải giúp bài tiết một số chất độc thông qua các lỗ chân lông.
Đang lúc chân khí từ Cửu Dương không ngừng được truyền sang Tôn Hứa Khải bỗng có tiếng chân dồn dập chạy xuống cầu thang. Trần Tôn tưởng Nhạc Tam Nguyên trở về, đôi mắt già nua đầy nếp nhăn của ông lão sáng lên.
Chả là đêm qua nữ thần y nói chất độc đang hoành hành trong mình Tôn Hứa Khải đã tới giai đoạn công tâm, tính mạng vì vậy đang bị đe dọa. Nàng lại nói chỉ có ở vùng Sơn Thạch Môn cách đây hai mươi dặm mới tìm ra loại thảo dược gọi là Kim Sơn Tử có thể dùng làm thuốc giải độc Kinh Phủ. Cho nên tối qua Nhạc Tam Nguyên mới rời Hàng Châu lãnh nhiệm vụ đi tìm Kim Sơn Tử.
Vì vậy mà Trần Tôn nghe tiếng chân vội vã, người chưa tới đã vội hỏi:
- Có lấy được Kim Sơn Tử không?
Ngờ đâu đập vô mắt ông lão là Hiểu Lạc chứ không phải Nhạc Tam Nguyên. Thằng bé với gương mặt trắng nhợt, rõ ràng là đang hoảng sợ thất sắc.
- Không … - Hiểu Lạc lắc đầu hổn hển trả lời.
Rồi nó lật đật xua tay đính chính:
- À không… ý cháu không phải vậy. Cháu không biết...
Trần Tôn nghe vậy cáu lên gắt:
- Cái thằng bé này, sao nói năng lộn xộn vậy chứ? Rốt cuộc có chuyện gì?
Hiểu Lạc hít sâu một hơi, giọng vẫn còn hoảng loạn:
- Ý cháu là có lão quan huyện dẫn một đám quân binh đang đập cửa bình bình ở ngoài cổng chính ấy. Chắc tới muốn bắt sư phụ cháu và tam gia đó!
Rầm một tiếng. Trần Tôn nghe Hiểu Lạc thông báo vậy tưởng chừng như sét đánh ngang tai. Hai anh em nhà họ Lữ đứng gần đấy cũng thất kinh hồn vía.
Lữ Nghị Chánh kinh hãi thốt:
- Chết rồi! Phải làm sao bây giờ?
Lữ Nghị Trung suỵt một tiếng ra hiệu mọi người bình tĩnh song trong lòng cũng rối như tơ vò. Có điều nhất định không được để Cửu Dương nghe thấy lời này, chẳng may phân tâm mà dẫn đến tẩu hỏa nhập ma, lúc ấy e không tránh khỏi chất độc từ kinh mạch Tôn Hứa Khải lại chạy ngược vào cơ thể Cửu Dương.
Sau khi Nghị Trung suỵt khẽ mọi người thì dặn Hiểu Lạc ở lại giúp nữ thần y hong nóng những cây kim châm. Còn bản thân chàng thì cùng với đệ đệ và Trần Tôn ra ngoài tìm cách ứng phó.
Đám người Lữ Nghị Trung vừa đi khỏi, Cửu Dương mở bừng mắt nhìn về phía Hiểu Lạc nói nhỏ một câu:
- Khóa cửa địa đạo từ bên trong lại mau, đừng lên tiếng!
Rồi nhắm mắt lại tập trung tinh thần bức chất độc, không nói năng gì nữa.
Dù gì Hiểu Lạc cũng sớm lăn lộn, lại là con nhà võ ít nhiều đã trải qua sóng gió, tuy đang sợ mất hồn nhưng nó răm rắp nghe lời Cửu Dương, đi khóa chặt cửa lại. Lúc nó trở vào, đúng lúc trông thấy Cửu Dương thổ ra một vũng máu, ôm ngực ngã xuống giường chừng như đau đớn lắm rồi ngất hẳn đi.
- Sư phụ! Sư phụ!
Hiểu Lạc thảng thốt nhìn sang nữ thần y.
Đương khi đó, bên ngoài cổng Tây Quan của Hắc Viện, quan tri huyện Hàng Châu dẫn quân lính tới đập cửa ầm ĩ. Trần Tôn, Nghị Trung và Nghị Chánh dẫn toàn thể học sinh trong trường ra làm lễ bái chào.
Mọi người đồng loạt xá một cái, hô lớn:
- Bái kiến tri huyện đại nhân!
- Tần viện trưởng của các người đâu?
Một người đàn ông tuổi khoảng bốn lăm, mặt gãy, mắt lươn, thân vận quan phục màu đen, giữa ngực thêu hình bạch nhàn, đầu đội mũ ô sa đen gắn tua đỏ, lù lù đứng đó, khoanh tay hỏi Trần Tôn.
Bụng Trần Tôn giật thon thót, bất giác khẽ đưa mắt về phía thư viện nơi Cửu Dương đang giúp Tôn Hứa Khải trấn áp chất độc Kinh Phủ. Ông lão còn chưa biết phải đáp lời thế nào, may là Nghị Trung đã nhanh trí bước ra. Xét tư cách nói chuyện, Nghị Trung khá phù hợp vì chàng là con trai của học giả Lữ Lưu Lương. Người ta thường nói con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, ngoài bản lĩnh võ công đương nhiên Lữ Nghị Trung cũng là một bậc túc nho khá nổi tiếng ở Hàng Châu.
- Dạ thưa tri huyện đại nhân, viện trưởng của chúng tôi đi Hà Nam khảo cứu cổ văn chưa về!
Quan huyện trông thấy Nghị Trung, mắt sáng lên buột miệng hỏi:
- Đây là...
- Thưa huyện tôn, học trò tên là Lữ Nghị Trung!
- Ủa... đàn ông à?
Mọi người nghe vậy không khỏi bấm bụng cười thầm, riêng Nghị Trung tức muốn bể ruột nhưng vẫn phải nhịn xuống đáp:
- Vâng, nam nhi đại trượng phu trăm phần trăm đấy ạ!
Quan huyện liền bĩu môi lầm bầm:
- Nam chả ra nam nữ chả ra nữ!
Chừng như nhớ ra việc chính, gã giật mình buông thõng hai tay, trố mắt hỏi:
- Cái gì? Không phải nói hôm nay là ngày bản quan đem biển đến sao?
Bấy giờ Nghị Trung và mọi người mới ngớ người vỡ lẽ, nhớ ra hôm nay là ngày đặc biệt gì. Nghị Trung biết lý do quan huyện dẫn quân binh đến đây rồi, trái tim chàng nhẹ hẫng, chứ một khắc trước nó còn đập thình thịch trong lồng ngực.
- Thật không còn thể thống phép tắc gì nữa! Mấy thứ sách vở rách nát đó đem so với ân điển của thánh thượng được sao? - Tri huyện bực bội quát tháo.
- Dạ, không dám thưa tri huyện đại nhân - Nghị Trung vẫn chắp tay cung kính đáp - Thực ra viện trưởng có nói rằng ngài ấy vô đức bất tài, không dám thọ ân sủng bực này…
- Láo toét!
Quan huyện chưa nghe hết câu đã đùng đùng nổi giận, chỉ tay vô tấm ván gỗ đang được hai tên lính bưng ở phía sau lưng gã, nói như quát:
- Tần Thiên Văn hắn nói vậy là ý gì đây hả? Hả! Tiên đế ban ngự biển là phúc tổ bảy mươi đời nhà hắn, đã không biết ơn thì chớ lại dám viện cớ này nọ là sao?
Gã dứt lời hất mặt, phẩy tay sai binh lính:
- Mau khiêng ngự biển vô.
- Dạ!
Không những vậy còn vung tay hất Nghị Trung sang một bên khiến chàng ta phải giả bộ như suýt ngã, lảo đảo lui ra sau mấy bước làm hai tú tài phía sau phải vội đưa tay ra đỡ.
Quan huyện khệnh khạng đi trước, lũ công sai thì rồng rắn theo sau. Vừa bước qua cổng Tây Quan gã ta nhìn tấm biển cũ bĩu môi lớn tiếng:
- Hắc Viện, cái tên có ý tứ lắm. Thế nào mà bản quan có cảm giác như chui vô ổ trộm cướp à nha!
Các học sinh của Hắc Viện đa phần là người có gia cảnh nghèo khó. Hằng ngày gia đình đều ăn không no ngủ không yên, ít nhiều từng bị bọn quan binh quyền quý bức hiếp nên trong lòng rất căm phẫn triều đình nhà Thanh, đương nhiên càng không có cảm tình với tay tri huyện này. Giờ lại nghe gã buông lời xúc phạm như vậy ai nấy tức giận biến sắc. Quan huyện nhìn đám học sinh mặt mũi hầm hầm, càng hả hê la lối:
- Hừ tức cái gì, chẳng phải sao? Trông có khác gì danh xưng của đám hắc đạo với hắc bang không? Thế mà tiên hoàng ban cho cái tên mỹ miều như vậy còn bày đặt chê ỏng chê eo, rõ là ăn mày còn kén chiếu hoa!
Trần Tôn cũng tức lắm, thầm nghĩ tên tham quan này chắc không được "đấm mõm" chút vàng bạc nên kiếm cớ gây sự đây. Mà nghĩ lại thấy buồn cười, trước nay chỉ có người Thiên Địa hội đi cướp của tham quan, không ngờ bữa nay lại có một tên đến tận cửa vòi tiền. Có điều tình hình đang nguy nan, lúc này lại càng phải nhẫn nhịn, ông bèn lừ mắt nhắc nhở đám học sinh không được kích động làm bừa, đoạn cười khà khà từ tốn nói:
- Đại nhân dạy phải lắm. Nhưng chắc ngài mới đến trấn này nên có điều không rõ đó thôi. Cái tên Hắc Viện của chúng tôi không phải vô cớ đặt bừa đâu mà đằng sau nó là cả một câu chuyện đấy ạ!
- Ồ, vậy sao! Nói bản quan nghe thử! - Quan huyện bị khơi lên lòng hiếu kì, vểnh râu mép giục.
- Vâng, chuyện vốn là thế này...
Trần Tôn vuốt chòm râu bạc, ánh mắt bất chợt xa xăm:
- Chắc đại nhân cũng đã biết Hắc Viện do Mã phu tử cùng hai vị tri kỷ tâm giao Tần tiên sinh và Lâm tiên sinh lập ra. Từ lâu, ba vị ấy đã nảy ra ý định lập một trường học cho con em nhà nghèo. Song khổ nỗi ba người tuy một bụng kinh luân, tài học đầy mình nhưng tài sản ngoài mấy hòm sách vở thì đâu còn gì khác. Cho nên sau khi bán hết gia sản, gom góp được hai nghìn lượng bạc mua lấy mảnh đất này thì chẳng còn dư bao nhiêu, chỉ đủ dựng vài ba dãy nhà tranh vách nứa làm chỗ ở và phòng học cùng bàn ghế cho học sinh thôi ạ!
- Ồ, rách nát thế kia à? - Quan huyện kinh ngạc thốt.
- Vâng, lão hủ dạo đó đã đi theo Mã phu tử nên tận mắt chứng kiến, thiếu thốn vậy đấy ạ! - Trần Tôn cảm khái nói tiếp - Vì vậy mùa hè còn đỡ chứ mùa đông lạnh giá, gió cứ lùa qua kẽ liếp khiến cả thầy lẫn trò rét buốt khổ sở không sao kể xiết!
- Sau rồi thế nào? - Quan huyện tò mò hỏi.
- Về sau không biết ai nghĩ ra một ý lấy nhựa thông đốt trộn cùng gỗ than thành một thứ keo trông như hắc ín, đem phết kín lên mặt ngoài các bức vách. Đơn giản vậy thôi mà không ngờ lại ngăn gió rất tốt...
Gã tri huyện nghe tới đây bật cười:
- Bản quan hiểu rồi. Chính vì nhìn các dãy nhà đen thùi lùi một đống như vậy nên mới có cái tên Hắc Viện đó hả?
- Vâng, bình dân bá tánh nghèo khổ đa phần thất học, đâu biết ăn nói văn hoa chữ nghĩa, thành thử họ trông thấy thế nào liền gọi thế ấy cho tiện, lâu dần thành quen không sửa được nữa!
- Há há, ra là vậy. Ta cứ tưởng Hắc Viện danh tiếng thì cái tên phải ẩn chứa ý nghĩa thâm sâu thế